Khi phải lo cho nhiều người thì mình cũng tự biết lo cho mình hơn | Vietcetera
Billboard banner
31 Thg 10, 2022

Khi phải lo cho nhiều người thì mình cũng tự biết lo cho mình hơn

Tính toán như vậy, mình cảm thấy bản thân “ít dũng cảm hơn”, không dám bỏ hết mà đi. Nhưng đồng nghĩa mình biết có nhiều cái quý giá mình sợ bị mất.
Khi phải lo cho nhiều người thì mình cũng tự biết lo cho mình hơn

Nguồn: Unsplash

Prudential

Khi ở độ tuổi 25 còn trẻ và bố mẹ đang đi làm, mình không nghĩ rằng tiền lương của mình quá quan trọng trong kinh tế gia đình. Những khoản tiền kiếm được mình đều để chi tiêu cho nhu cầu của bản thân. Hơn nữa, khi đó đang yêu rất say đắm, người yêu mình muốn đi du học và mình đã tính toán đến việc sẽ đi cùng bạn ấy.

Mình quyết định nghỉ việc một cách nhanh chóng, theo học IELTS và lên kế hoạch đi du học cùng người yêu mà không nghĩ gì nhiều đến mọi người xung quanh. Mình chẳng phải lo cho ai ngoài bản thân và tình yêu của chính mình.

Một thời gian sau, những thay đổi của cuộc sống diễn ra, bố mẹ mình về hưu và em trai mình vào Sài Gòn để lập nghiệp. Thu nhập của bố mẹ lúc đó đang từ hơn chục triệu một tháng, thì lương hưu chỉ còn khoảng 5 triệu, đó là một khoảng lùi rất lớn trong kinh tế gia đình.

Khi đó, mình trở thành người kiếm tiền chính trong gia đình. Mình thật sự phải trưởng thành hơn và tính toán nhiều hơn. Mình không thể xốc nổi và nghĩ cứ bỏ hết đi rồi đi theo tiếng gọi con tim, hay sếp đì quá, chán quá muốn nghỉ để xả hơi một thời gian.

Mỗi quyết định được đưa ra lúc đó mình đều phải cân nhắc và suy nghĩ đến rất nhiều người. Mình làm thế này thì những ai sẽ bị ảnh hưởng, người nào sẽ lo lắng?

Thời điểm đó rất khác khi chúng ta 25 tuổi, lúc đấy có rất nhiều người đang phụ thuộc vào mình, không thể chỉ vì cảm xúc cá nhân hay tình cảm cá nhân được nữa. Giờ sẽ phải tính nếu không đi làm thì thu nhập từ đâu, làm gì để duy trì, nếu người nhà có chuyện gì thì nguồn tiền ở đâu, có tiền thì đầu tư vào đâu, làm gì hiệu quả nhất? Nếu em trai có khó khăn thì người giúp đỡ chính về kinh tế không ai khác sẽ là mình.

Đấy là cũng là một xuất phát điểm của việc mình quyết định mua bảo hiểm, phòng khi có chuyện xảy ra thì bố mẹ vẫn có một khoản để lo cho cuộc sống.

Trước đó, mình chưa từng nghĩ rằng bảo hiểm là thứ quan trọng và cần thiết cho cuộc sống như thế nào, nhưng mà khi bị đặt vào tình huống như vậy, mình đã thay đổi cách suy nghĩ, vì rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chúng ta không thể đảm bảo đi đường không xảy ra vấn đề gì hay bệnh tật sẽ không đến với mình. Khi phải lo cho nhiều người, thì mình cũng phải tự biết lo cho mình hơn. Mình cũng phải tìm cách để dù mình có xảy ra chuyện gì, thì những người xung quanh không bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể.

Khi tính toán như vậy, mình cảm thấy bản thân “ít dũng cảm hơn”, không dám bỏ hết mà đi. Nhưng đồng nghĩa mình biết có nhiều cái quý giá mình sợ bị mất. Và ý thức được về sự trưởng thành.

Mình hiểu nỗi vất vả của bố mẹ. Khi đi làm, ai cũng có nhiều khó khăn và ức chế. Nhưng bố mẹ vì muốn có thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống, nuôi con, thì phải đặt cái tôi xuống và lựa cách làm ít ảnh hưởng đến gia đình nhất. Bây giờ mình cũng vậy.

Khi còn nhỏ, dù khó khăn nhưng bố mẹ luôn cố gắng dành những gì tốt nhất có thể cho mình. Bây giờ mình cũng vậy. Mua món đồ mẹ thích, đưa mẹ đi du lịch, mua bảo hiểm cho bố mẹ để chăm sóc sức khỏe với điều kiện tốt nhất có thể.

Có người phụ thuộc vào mình cũng là cách để mình lớn lên, kiềm chế sự nóng giận hay cảm tính của bản thân, học cách lo cho người khác và lấy sự bình yên của bố mẹ làm niềm vui của mình.

Và cuối cùng, mình nghĩ đến những bạn bè có con cái, có cả một gia đình lớn hơn để lo lắng, chăm chút, mình nghĩ cái áp lực và trách nhiệm sẽ lớn hơn rất nhiều. Mà trách nhiệm lớn nhất chính là không được để sự cảm tính cá nhân làm người khác phải gánh chịu thay mình, hoặc cùng mình.

Khi ý thức được những điều đó, mình đã dần hiểu được bài học về sự "lo xa" cho những biến cố xảy ra trong tương lai. Mình biết cách chi tiêu tiết kiệm hơn, học cách tự chủ về tài chính, đầu tư bảo hiểm để sẵn sàng cho giai đoạn tuổi già như bố mẹ đang đến.

(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn M.)

Từ năm 2020, nhận thấy già hóa dân số là vấn đề mang tính xã hội, Prudential phối hợp cùng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) và Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS) thực hiện nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già."

Với mục tiêu giúp mọi người đạt được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, Prudential đã thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp khi chung tay hành động để già hóa dân số không trở thành thách thức của xã hội.

Không chỉ thực hiện cam kết lâu dài trong việc mang đến những giải pháp bảo về tài chính và sức khỏe của mọi người, Prudential còn thể hiện vai trò doanh nghiệp kiểu mẫu của ngành bảo hiểm khi đóng góp tiếng nói về thực trạng già hóa dân số, đồng thời giúp cộng đồng, đặc biệt là thế hệ người trẻ trang bị được các công cụ, kỹ năng và giải pháp thiết thực để chuẩn bị tốt cho một tuổi già như mong đợi.
Độc giả có thể tham khảo ngay trang thông tin “Tự do Tuổi 50” do Prudential Việt Nam phát triển TẠI ĐÂY.