Khác với thế hệ Baby Boombers(1943-1960), millennials (1980-1998) lớn lên trong thời kỳ bùng nổ công nghệ. Cuộc sống xung quanh họ được cập nhật 24/7 và cá nhân họ cũng có nhu cầu chia sẻ và thể hiện bản thân liên tục.
Trang thecooperreview.com đã có một series tổng hợp thú vị về sự khác biệt của hai thế hệ trong công việc như sau:
Boomers:
Millennials: Tôi sẽ có mặt ở Coachella tuần này nhưng cứ thoải mái liên hệ qua snapchat, insta hay kik nhé. Quẩy lên nào!
Millennials: Sẵn sàng sếp ơi!
Boomers:…
Boomers:
Millennials: Sếp thấy em làm thế nào? Sếp thích chỗ nào? Thích có nhiều không sếp? Em làm tốt quá rồi phải không?
Boomers:
Millennials: Online 24/7.
Boomers:
Millennials: Tôi lập group chat trên Facebook rồi đấy. Có gì cứ nhắn qua đó luôn cho tiện.
Với millennials, hai khái niệm tách biệt: công việc – cuộc sống đã hoàn toàn bị thay thế bởi xu hướng work – life integration (sự dung hòa giữa công việc và cuộc sống). Ngoài ra:
76% millennials mong muốn có một công việc mà họ đam mê với thu nhập trung bình hơn là một công việc cho họ nhiều tiền nhưng không đem lại cảm hứng.
– Theo nghiên cứu của YPulse.
Nhận thấy sự khác biệt này, các quản lý nhanh nhạy đã bắt đầu tạo ra những thay đổi lớn trong môi trường công sở để thu hút nhiều hơn các nhân tài millennials. Xu hướng này sẽ ngày càng phổ biến khi millennials sẽ chiếm 75% lực lượng lao động vào năm 2025 (dự báo của Catalyst).
1. Đề cao chủ nghĩa cá nhân
Với nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân, millennials luôn mong muốn truyền tải hình ảnh bản thân qua các yếu tố bên ngoài. Vì thế, trang phục làm việc của nhiều công ty không còn gói gọn trong áo sơ mi trắng, quần âu hay váy chữ A.
Trang, 21 tuổi, sinh viên mới ra trường, đã khá ngỡ ngàng trong ngày đầu tiên đi phỏng vấn thử việc tại một start-up công nghệ bởi một tổng thể ăn mặc khá thoải mái, với phong cách thời trang tôn đậm cá tính của những đồng nghiệp đang chăm chú trước vi tính.
Nơi làm việc lý tưởng cho các millennials sẽ là những không gian giàu cảm hứng và hỗ trợ tối đa cho sự sáng tạo như các quán cafe hay co-working space. Không lạ gì khi giờ đây các phòng ban nhân sự và truyền thông doanh nghiệp luôn nỗ lực trang trí phòng làm việc bằng những câu trích dẫn khích lệ, khuyến khích nhân viên tự thiết kế chỗ ngồi hay tổ chức các hoạt động lễ hội như Halloween, Giáng Sinh…
Cách thức vận hành doanh nghiệp cũng thay đổi khi các tổ chức luôn phải tìm cách cân bằng giữa lợi ích chung của công ty và chủ nghĩa cá nhân. Đây cũng là một chuyển hóa phổ biến khi millennials đang dần nắm giữ những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp.
2. Xây dựng mô hình tổ chức phẳng
Mô hình tổ chức phẳng (còn gọi là tổ chức theo chiều ngang) là kiểu cơ cấu tổ chức có rất ít hoặc không có sự can thiệp của các cấp quản lý. Mô hình làm việc này trao quyền quản lý sản phẩm nhiều hơn cho các nhân viên millennials, giúp họ có cái nhìn linh hoạt về các vị trí trong tổ chức. Và ngược lại, góc nhìn từ các sếp millennials cũng mong muốn họ vừa là sếp vừa là bạn với cấp dưới của mình.
Theo Forbes, millennials mong muốn nhận được góp ý nhiều và rộng hơn từ các thành viên khác, cũng như rất tích cực tìm kiếm “mentor” (người hướng dẫn) trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, một nghiên cứu của TriNet cũng chỉ ra rằng 74% millennials thường xuyên cảm thấy tiêu cực vì các đồng nghiệp không thấu hiểu công việc của mình. Họ cũng dễ nản lòng khi không kiểm soát được toàn bộ chất lượng công việc do không rành rẽ nhiệm vụ của bộ phận khác.
Dũng, 24 tuổi, nhân viên của một HR Agency vừa và nhỏ, đã mạnh dạn đề xuất việc cải tổ cách thức làm việc của công ty theo mô hình dự án (project-based). Từ một nhân viên của phòng ban đối ngoại, Dũng cùng các phòng ban khác tập hợp lại làm một dự án xây nền tảng tuyển dụng trên web – vừa áp dụng kiến thức sales doanh nghiệp, vừa học hỏi từ các ban Marketing và Developers cách để xây dựng nền tảng phù hợp nhu cầu khách hàng.
3. Khuyến khích sự trao đổi và gắn kết
Thấu hiểu tính thích sở hữu và mong muốn chứng tỏ bản lĩnh của thế hệ nhân viên mới, các lãnh đạo không còn là người ở trên để đưa ra quyết định cuối cùng. Các buổi đánh giá, nhận xét vì thế sẽ thẳng thắn, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, thay vì phải “nhìn mặt sếp mà nói” như “lời khuyên” của thế hệ trước.
Thói quen đưa nhận xét, cập nhật thường xuyên cũng cho phép quản lý hiểu mục đích phát triển của nhân viên. Từ đó đưa các nhiệm vụ và thiết kế công việc phù hợp. Sự ghi nhận, lời khen tặng cũng là điều millennials tìm kiếm để có thể hiểu hơn về những đóng góp của mình cho bức tranh chung của tổ chức.
Phục vụ cho mục đích trên, các không gian làm việc cũng trở nên mở hơn, khi mà sếp và nhân viên không còn phải ngồi ở những căn phòng kín tách biệt.
4. Linh hoạt trong phong cách sống và làm việc
Là những tâm hồn ưa dịch chuyển, rất nhiều millennials không muốn ràng buộc về thời gian và vị trí làm việc. Số lượng freelancers tăng lên, kéo theo sự ra đời của một thế hệ Digital Nomads (làm việc qua sự hỗ trợ của công nghệ với giờ giấc và địa điểm linh hoạt).
Giờ đây, khi xách va li đi du lịch vòng quanh Châu Âu, một bạn trẻ millenial Việt Nam có thể vừa gửi thiết kế cho công ty A, lại vừa gửi bài viết PR sản phẩm và bản dịch hợp đồng cho công ty B và C ở trên khắp thế giới. Điều này dẫn đến sự ra đời của một loạt các co-working space ở khắp nơi trên thế giới. Cùng với đó là một loạt các sự kiện networking – kết nối người sử dụng ngay tại chính các địa điểm này.
Khác với thế hệ trước – chờ đến thứ 6 để tắt điện thoại vào cuối tuần, millennials ở trong trạng thái kết nối 24/7 và khá linh hoạt về thời gian làm việc. Tuấn, chuyên viên Digital Marketing 31 tuổi tại một Agency truyền thông, thường ăn sáng ở nhà với gia đình, đưa con tới trường, đi làm từ 9h đến 12h, ăn trưa, đi tập gym, họp vào buổi chiều, đi đón con, thay phiên vợ nấu ăn, ăn tối và sẵn sàng làm việc và trả lời email một vài tiếng trước khi đi ngủ.
Hoạt động ngoại khóa cũng đa dạng hơn và hướng tới phát triển giá trị cá nhân cho nhân viên như học vẽ tranh, leo núi trong nhà, tổ chức giải đấu board games… Các giải chạy thường niên hiện nay cũng có sự hiện diện của những đội thi đại diện doanh nghiệp đến từ khắp các lĩnh vực như tài chính, công nghệ hay giáo dục.
Kết
Tại Việt Nam, vẫn khá nhiều nhân viên lẫn cấp quản lý thuộc thế hệ trước, đặc biệt là trong các tập đoàn lớn, nên áp lực từ phong cách làm việc cũ là khó tránh khỏi. Văn hoá thứ bậc trong xã hội Á Đông cũng hạn chế việc cởi mở đóng góp ý kiến trong trường hợp có mâu thuẫn.
Tuy nhiên, những xung khắc này có thể giảm thiểu khi vận dụng những chiến lược quản lý uyển chuyển hơn:
- Đứng trên cương vị của millennials. Hãy tự hỏi điều gì đã tạo nên millennials của hôm nay bằng sự tổng hợp các yếu tố lịch sử, văn hoá và xã hội.
- Thừa nhận những điểm mạnh của millennials. Không ngại tiếp thu và trải nghiệm tinh thần của thế hệ này: dám khác biệt, không ngại chứng tỏ bản thân.
- Hiểu rằng millennials vẫn sẽ là millennials và có những lỗ hổng của thế hệ. Hãy cho họ lời khuyên từ góc nhìn và điểm mạnh của thế hệ đi trước, đồng thời ghi nhận thành quả của millennials và cố vấn cho họ trên con đường sự nghiệp.
Hãy bắt đầu thử nghiệm, đánh giá và công nhận những đóng góp của millennials khi nó thực sự hiệu quả. Suy cho cùng, đây cũng là cách hiệu quả thúc đẩy chúng ta tiến về một xã hội văn minh hơn. Nơi ta không chỉ dám sống vì ước mơ, hạnh phúc của chính mình mà còn sẵn sàng kiến tạo giá trị tích cực cho cả cộng đồng. Thưa sếp, đây là những gì millenials mong mỏi.
Bài viết được thực hiện bởi Anh Tú.
Xem thêm:
[Bài viết] Tổng quát viên: Xu hướng sự nghiệp sẽ thống trị trong 5 năm tới