Năm nhất, năm chuyển tiếp của cuộc đời. Bạn không cần phải suy nghĩ nhiều hay học tập áp lực như thời trung học, cũng chưa phải lo nghĩ chuyện cơm áo gạo tiền, việc học ở trường phần lớn cũng chưa đi vào chuyên ngành. Bao quanh bạn là những người bạn mới, môi trường mới và vô vàn cơ hội chờ bạn tiếp cận và khám phá. Bạn nghĩ rằng đây đúng là thời điểm “nghỉ xả hơi” hoàn hảo sau một thời gian ôn luyện và thi cử căng thẳng.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bỏ lỡ giai đoạn phù hợp nhất để xác lập sự cân bằng giữa việc học và trải nghiệm xã hội, điều sẽ có ảnh hưởng rất quan trọng về sau. Vậy, là một sinh viên năm nhất, bạn cần làm gì?
1. Học ngoại ngữ (tiếng Anh)
Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của 98% học sinh Việt Nam, tuy nhiên họ không thể giao tiếp cơ bản mặc dù đã học trung bình 7 năm. Tuy tiếng Anh là một môn học bắt buộc, nhưng vẫn có nhiều bạn học sinh chưa chú tâm vào môn ngoại ngữ này vì đã bị nhồi nhét quá nhiều những môn học khác. Hoặc có chú tâm nhưng chỉ giỏi “tiếng Anh trên giấy”, vì phương pháp học và thi cử chủ yếu tập trung vào đọc – viết.
Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều yêu cầu chuẩn tiếng Anh đầu ra. Năm 2 bạn bắt đầu làm quen với chuyên ngành học, năm 3 là năm tập trung cao độ với chuyên ngành, còn năm 4 là thời điểm thực tập và tốt nghiệp. Để tránh tình trạng không đủ điều kiện tốt nghiệp vì chưa đạt chứng chỉ ngoại ngữ, tại sao các bạn không tận dụng thời gian rảnh ở năm 1 để có thể cải thiện vốn tiếng Anh của mình?
Còn nếu các bạn đã giỏi tiếng Anh, tại sao không dùng vốn tiếng Anh đó để làm những việc có ích? Hoặc là, thử tìm hiểu một ngôn ngữ thứ ba?
2. Tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, đội, nhóm
Khi bạn vừa chập chững vào trường, việc không quen biết nhiều người chắc chắn sẽ khiến bạn gặp những khó khăn nhất định. Và rồi, các câu lạc bộ, đội, nhóm xuất hiện, ở đó có những người bạn mới cũng “khờ” như mình, có các anh chị khóa trên có thể hướng dẫn và giúp đỡ mình một số thứ. Dần dần, bạn sẽ quen hơn với môi trường đại học, có những mối quan hệ mới, những kỹ năng mới và cả những câu chuyện mới nữa.
Thế nhưng, có những người lại “nhắm mắt đưa chân” với trải nghiệm quan trọng này trong cuộc sống sinh viên. Có thể là vì câu lạc bộ bạn thích không nhận thêm nữa, vì muốn tham gia chung với bạn thân, hoặc vì câu lạc bộ đó có vẻ nổi tiếng nhất trường. Đừng chọn đại cho có, vì khi bạn không yêu thích và nhiệt tình với nó thì mọi hoạt động của bạn về sau sẽ rất “gượng”, có khi còn mệt mỏi nữa.
Làm thế nào để bạn tìm được “chốn nương thân” phù hợp? Thông thường, các câu lạc bộ sẽ phát tờ rơi, tổ chức hoạt động giới thiệu vào đầu học kỳ để thu hút thêm thành viên. Ngoài ra, bạn có thể tìm đến các trang mạng xã hội của họ để tìm hiểu về các hoạt động thường niên, hoặc tốt nhất là hỏi thêm thông tin “nội bộ” từ những thành viên hiện tại.
Còn nếu không tìm thấy câu lạc bộ phù hợp ở trường, chúng ta sẽ làm gì?
3. Tìm một công việc part-time
Nếu không tham gia những hoạt động ở trường, bạn có thể tham gia các hoạt động bên ngoài, và một công việc part-time nghe cũng không hề tệ. Một sinh viên năm nhất có thể sẽ khó tìm được công việc “bàn giấy” nhàn hạ, hoặc công việc liên quan đến ngành học sau này. Thế nhưng, bạn hoàn toàn có thể tìm một công việc nhỏ phù hợp với thế mạnh của bản thân.
Nếu chưa biết bản thân mình nổi trội ở điểm nào thì có thể chọn công việc ở những quán cafe hay nhà hàng. Nếu bạn biết thiết kế đồ họa, hoặc biết viết lách, thì có thể tìm những công việc cộng tác viên, như làm cộng tác viên cho Vietcetera chẳng hạn? Tuy nhiên, có một câu nhắc đã cũ nhưng không bao giờ là thừa, công việc chính của chúng ta vẫn là học nhé!
4. Làm quen với việc tự học
Phần lớn học sinh Việt Nam không được rèn luyện thói quen tự học từ nhỏ. Hầu hết các bạn đều chỉ học những thứ được thầy cô dạy ở lớp. Có nhiều người thậm chí còn không bao giờ đọc những bài đọc thêm trong sách giáo khoa.
Ở môi trường đại học, những kiến thức được dạy ở trường chỉ là một phần rất nhỏ so với bể kiến thức rộng lớn ngoài xã hội. Ở đại học, bạn không thể trông chờ thầy cô đưa cho từng bài tập nhỏ, từng câu trắc nghiệm, từng đề thi thử như ở trung học. Vì thế, nếu không biết cách tự tìm tòi và học hỏi thêm, các bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong việc học, thậm chí sẽ bị lép vế khi ra ngoài.
Hãy tìm hiểu tất cả những công cụ và tài liệu mà nhà trường hỗ trợ sẵn cho bạn. Đó có thể là thư viện sách, thư viện trực tuyến, hay công cụ tìm kiếm liên kết với các trang nghiên cứu trong và ngoài nước. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động tìm đến các anh chị khoá trên hoặc thầy cô để hỏi thêm các thông tin cần thiết, kiến thức bạn chưa hiểu, hoặc tham khảo ý kiến cho dự án bài tập mà bạn đang làm chẳng hạn.
5. Chuẩn bị cho mình sự tự tin
Sự tự tin mà cũng phải chuẩn bị? Nghe lạ nhỉ? Đúng vậy, sự tự tin là một chìa khóa quan trọng trong cuộc sống. Sự tự tin sẽ đem đến sự dạn dĩ, giúp con người dám vượt ra khỏi vòng tròn an toàn (comfort zone). Từ đó, mọi người sẽ ngày càng tiếp cận được nhiều thứ hơn, làm được những việc mà chính bản thân mình cũng sẽ không thể ngờ tới.
Vậy làm thế nào để có được sự tự tin? Nghĩ về những điểm mạnh và trau dồi nó — đây là lời khuyên mà mọi người thường nói. Tuy nhiên, nhiều bạn không biết mình mạnh ở điểm nào, chỉ toàn nhìn thấy điểm yếu của bản thân, rồi đâm ra tự ti. Vậy thì các bạn hãy tìm cho mình một điều gì đó mình cảm thấy thích, rồi trau dồi nó, biến nó trở thành một thế mạnh nho nhỏ của mình. Từng chút một như thế, sự tự tin sẽ hình thành khi bạn nhận ra mình cũng có thể tạo ra giá trị nào đó cho xã hội.
Kết
Đừng bao giờ để năm nhất của mình trôi qua lãng phí, bởi năm nhất cực kỳ đáng giá. Nhưng có một điều mà các bạn hãy nhớ, đó là tận tâm. Sự tận tâm sẽ giúp bạn làm mới bản thân và tạo động lực để bạn hoàn thành những gì đang theo đuổi.
Bài viết được thực hiện bởi Như Đoàn.
Đọc thêm: