Vì sao sống tiết kiệm không dễ dàng? | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 12, 2021

Vì sao sống tiết kiệm không dễ dàng?

Hãy để ý đến tỷ lệ tiết kiệm, để việc sống tiết kiệm trở nên dễ dàng hơn.
Vì sao sống tiết kiệm không dễ dàng?

Tỷ lệ tiết kiệm tăng dần từ độ tuổi trẻ và đạt đỉnh vào độ tuổi trung niên, sau đó giảm dần khi già đi. | Nguồn: Henry & Co. cho Pexels.

Tỷ lệ tiết kiệm là gì?

Tỷ lệ tiết kiệm tiếng Anh là savings rate. Đây là tỷ lệ phần trăm thu nhập khả dụng được tiết kiệm thay vì chi tiêu.

Ví dụ, thu nhập khả dụng của bạn là 15 triệu VND/tháng. Bạn dành ra 12 triệu để chi tiêu và tiết kiệm 3 triệu còn lại. Như vậy, tỷ lệ tiết kiệm của bạn sẽ là 3.000.000/15.000.000 x 100 = 20%.

Tỷ lệ tiết kiệm có mối quan hệ mật thiết với lãi kép và thu nhập khả dụng. Vì thu nhập khả dụng quyết định tỷ lệ tiết kiệm của bạn tại thời điểm hiện tại, trong khi lãi kép quyết định đến kết quả tiết kiệm của bạn trong tương lai. Do vậy khi nhắc đến tỷ lệ tiết kiệm, bạn nên luôn để ý thêm đến hai yếu tố này.

Yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm?

Điều kiện kinh tế

  • Giai tầng xã hội: Với những người từ các giai tầng có thu nhập trung bình - khá trở lên, họ không chỉ thoải mái trong việc tiêu thụ mà còn có khả năng tiết kiệm được nhiều hơn. Trong khi đó, việc tiết kiệm của những người từ tầng lớp thấp sẽ khó hơn, do thu nhập khả dụng của họ phần lớn chỉ đủ trang trải các nhu cầu cơ bản.
  • Thay đổi về lãi suất tiết kiệm trên thị trường: Lãi suất cao hơn có thể dẫn đến tiêu dùng thấp hơn và tiết kiệm cao hơn. Lý do là vì lãi suất tăng khiến chi phí cơ hội của hiệu quả tiêu dùng trong tương lai nhiều hơn so với tác động của duy trì và tiêu dùng thu nhập hiện tại.

Bối cảnh xã hội

  • Nền tảng văn hóa: Ví dụ, văn hóa Châu Á từ xưa đã đề cao tinh thần “ăn phải dành, có phải kiệm”, và thậm chí coi tiết kiệm như một đức tính tốt cần có. Điều này phản ánh qua tỷ lệ tiết kiệm của người Việt năm 2020 là 24,8%, người Trung Quốc là 45,7%. Trong khi đó, con số này của người Mỹ chỉ là 19%. Tuy vậy, quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu khiến chủ nghĩa tiêu dùng và làn sóng tiêu dùng phô trương tăng mạnh. Điều này khiến tỷ lệ tiết kiệm giảm dần, kể cả với những quốc gia có văn hóa tiết kiệm nổi bật như Trung Quốc.
  • Điều kiện tự nhiên của khu vực sinh sống: Ở những nơi có khí hậu khắc nghiệt, người dân sẽ hình thành thói quen để dành tài sản thường xuyên hơn so với những khu vực trù phú. Ví dụ tại Việt Nam, người miền Bắc, miền Trung thường có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn người miền Nam.

Tâm lý cá nhân

Vòng đời là một yếu tố tác động đến cả năng lực và tâm lý tiết kiệm của cá nhân.

Theo lý thuyết vòng đời được phát triển bởi hai nhà kinh tế học đoạt giải Nobel là Franco Modigliani và Milton Friedman, tỷ lệ tiết kiệm có lộ trình thay đổi theo vòng đời có hình chữ U ngược.

alt
Nguồn: Caixabank Research.

Cụ thể, tỷ lệ tiết kiệm tăng dần từ độ tuổi trẻ và đạt đỉnh vào độ tuổi trung niên, sau đó giảm dần khi già đi. Với những cá nhân có tâm lý yêu thích cuộc sống ổn định, áp lực của tuổi tác sẽ khiến họ tiết kiệm nhiều hơn ở những giai đoạn có thu nhập cao. Sau đó, họ sẽ sử dụng nguồn tiết kiệm này để cải thiện chất lượng cuộc sống ở những độ tuổi có thu nhập thấp hơn (điển hình là khi nuôi con nhỏ và lúc về hưu).

Ngoài ra, một nghiên cứu ở Malaysia cho thấy tâm lý tiết kiệm còn là kết quả từ môi trường nuôi dưỡng. Những người lớn lên trong môi trường có cha mẹ chi tiêu tiết kiệm sẽ có tâm lý tiết kiệm cao hơn. Đó là vì họ được cha mẹ thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của tiết kiệm, cũng như được rèn luyện để kiểm soát việc mua sắm bốc đồng từ khi còn nhỏ.

Chọn phương pháp gì khi bắt đầu tiết kiệm?

Có cho mình một chiến lược tiết kiệm hợp lý sẽ giúp bạn có lợi thế trong chi tiêu về lâu dài. Sau đây là một số phương pháp tiết kiệm bạn có thể tham khảo:

Quy tắc 50/20/30: Quy tắc này phân chia mức sử dụng thu nhập theo tỷ lệ 50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho mong muốn cá nhân và 20% cho tiết kiệm.

Quy tắc “6 chiếc lọ”: Theo T. Harv Eker, tác giả cuốn “Bí mật tư duy triệu phú” (Secret of Millionaire Mind), thu nhập nên được phân chia thành 6 quỹ, trong đó quỹ tiết kiệm dài hạn chiếm 10% tổng ngân sách.

Đặt mục đích cho các loại tiết kiệm: Theo TS. Chi Nguyễn, việc đặt mục đích cho mỗi loại tiết kiệm (khẩn cấp, nợ, hưu trí, quà tặng,...) sẽ giúp bạn tiết kiệm được triệt để, hiệu quả và liên tục trong dài hạn.

Bên cạnh phương pháp, bạn cũng nên cân nhắc lựa chọn hình thức tiết kiệm phù hợp để tối ưu hiệu quả tiết kiệm của mình. Có nhiều hình thức tiết kiệm khác nhau, nhưng một số hình thức tiết kiệm phổ biến là mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, dự trữ vàng hoặc bất động sản, mua bảo hiểm và đầu tư chứng khoán.

alt
Có cho mình một chiến lược tiết kiệm hợp lý sẽ giúp bạn có lợi thế trong chi tiêu về lâu dài. | Nguồn: Pexels.

Làm thế nào để bắt đầu thói quen tiết kiệm, nếu trước giờ vẫn quen tiêu xài “thoải mái”?

Do sức hấp dẫn từ chủ nghĩa tiêu dùng, việc tiêu xài thoải mái với nhiều người dường như đã trở thành thói quen. Tuy vậy, việc tiêu xài quá độ về lâu dài sẽ gây ra hệ lụy, như tình trạng “rỗng túi” vào cuối tháng.

Nghiêm trọng hơn, ta có thể không có tiền để ứng phó với tình huống khẩn cấp (dịch bệnh, tai nạn,...) và đầu tư cho những khoản thiết yếu dài hạn về sau (nhà cửa, chăm sóc gia đình, hưu trí,...).

Vì thế, trang bị cho bản thân các phương pháp rèn luyện tâm lý và thói quen chi tiêu lành mạnh sẽ giúp bạn vượt qua những cám dỗ để tiết kiệm hiệu quả hơn.

Bước đầu, bạn cần nhận thức được liệu mình có đang tiêu xài quá độ hay không bằng việc nhận diện những nguyên nhân kích thích tiêu dùng. Đó có thể là các hiện tượng tâm lý, tác động từ quảng cáo, hoặc các trào lưu tiêu dùng kém lành mạnh như tích trữ quá mức (hoarding).

Khi đã nhận diện được những nguyên nhân, lúc này bạn có thể trang bị những giải pháp cải thiện thói quen tiêu dùng cá nhân để bắt đầu tiết kiệm hiệu quả. Bạn có thể bắt đầu bằng việc áp dụng những phương pháp ở phần trên, ghi chép chi tiêu hoặc dùng ứng dụng theo dõi tài chính.

Việc này không chỉ giúp mỗi đồng tiền được tiêu đem lại nhiều giá trị cho bản thân bạn hơn, mà còn giúp bạn tiết kiệm được số tiền như ý cho tương lai của mình.