Tuy được nhắc đi nhắc lại vô số lần như một danh từ có tác dụng truyền lửa và có sức tác động nhất định, nhưng ‘đam mê’ thật ra chưa bao giờ là một khái niệm rõ ràng, dễ hiểu đối với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ – những ‘tân binh’ vừa chân ướt chân ráo bước vào đời.
Đam mê trừu tượng là bởi mấy ai trong chúng ta sinh ra đã có một ‘đam mê’ cụ thể. Mấy ai ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đã biết sau này mình sẽ theo đuổi ‘đam mê’ gì. Mấy ai ngay từ những bước chân đầu tiên trên đường đời đã có thể gặt hái thành công ngay lập tức, khi thứ vốn liếng duy nhất bản thân có được là câu nói: “Hãy hết mình theo đuổi đam mê”.
Đã đến lúc ta nên ngừng phóng đại ‘đam mê’
‘Đam mê’ thường xuyên được những người thành công ‘lăng xê’ trên truyền thông như một chìa khoá vạn năng, mở ra cho họ tất cả cánh cửa, trực tiếp đưa họ đến đỉnh cao sự nghiệp. Tuy nhiên, dưới góc nhìn thực tế, ‘đam mê’ vốn chưa bao giờ quyền năng đến thế. Trái lại, một số nhà nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh ‘đam mê’ chính là một trong những tác nhân gây nhiễu nguy hiểm đối với hành trình chạm mốc thành công.
Kết quả của cuộc khảo sát đó cho thấy, so với người không bị trói buộc với đam mê, những người có tư duy tự lãng mạn hoá lời khuyên về đam mê thường thiếu hụt động lực và sự tò mò của bản thân. Trong khi đó, người sở hữu tư duy mở có xu hướng sở hữu nhu cầu học hỏi, khám phá cao hơn. Không ngại trải nghiệm, không sợ thử thách chính là các yếu tố mấu chốt đưa họ đến với thành công.
Vì vậy, thay vì để bản thân tiếp tục bị thôi miên bởi những lời khuyên như “hãy sống vì đam mê”…, đã đến lúc bạn tự giải thoát chính mình bằng cách nhìn nhận ‘đam mê’ với góc nhìn thực tế hơn.
Đam mê thôi liệu đã đủ?
Trước hết, ‘đam mê’ được định nghĩa là cảm xúc mạnh mẽ của con người đối với một hoặc nhiều sự vật, sự việc. Nó là một trong những nguồn động lực lớn giúp bạn vượt qua khó khăn cũng như vực bạn dậy sau những lần vấp ngã. ‘Đam mê’ cho bạn năng lượng để bước tiếp nhưng để chạm tới đỉnh thành công, bạn sẽ cần nhiều hơn thế.
Bạn ao ước trở thành một Giám đốc Sáng tạo (Creative Director) ngành Quảng cáo – một vị trí mà bạn nghĩ sẽ có một khoảng trời lớn để ‘tung bay’ sáng tạo. Sau đó, qua các thành phẩm độc lạ, bạn nhận được sự trầm trồ, ngưỡng mộ của bao người… Thế nhưng, trong thực tế, để có thể bước đến vạch đích đó, năng khiếu và đam mê sáng tạo chưa phải là tất cả.
Bạn buộc phải thực hành đến thành thạo hàng loạt phần việc tưởng chừng không liên quan đến đam mê của mình. Chẳng hạn, tham dự và ghi chép biên bản cuộc họp từ nội bộ đến những buổi gặp gỡ khách hàng sẽ là nhiệm vụ mà phần lớn các ‘tân binh’ buộc phải trải qua trong một khoảng thời gian dài. Việc này có thể nhàm chán, bạn có thể cho rằng nó vô nghĩa. Tuy nhiên, đây lại là bài tập rèn luyện cách làm việc logic và tư duy sáng tạo qua việc bạn lắng nghe, phân loại các ý để trình bày thành một biên bản súc tích, hợp lý.
Còn rất nhiều bài tập ‘không liên quan’ khác nhưng nhìn chung ‘đam mê’ chỉ đơn giản là động lực. Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức, thái độ làm việc… mới là các yếu tố quyết định. Một điều chắc chắn rằng những điều này thường không có sẵn và không tự nhiên đến với bạn.
Lãng mạn hoá ‘đam mê’ chỉ khiến bạn ù lì
Như định nghĩa, đam mê thuộc về phạm trù cảm xúc, không phải là một thứ hữu hình để bạn có thể nắm bắt. Làm sao bạn có thể lập chiến lược tìm kiếm, chinh phục khi chính cảm xúc cá nhân đó bạn chưa hiểu rõ, thậm chí còn chưa thể hình dung?
Hình ảnh lý tưởng về ‘đam mê’ được truyền thông dựng lên khiến nhiều bạn trẻ thiếu kinh nghiệm sống nhìn nhận như một dạng định mệnh. Để rồi thay vì dấn thân, họ ở yên mong chờ đam mê đến với mình vào một thời khắc ngẫu nhiên nào đó. Thay vì từng bước học hỏi, rèn luyện bản thân, họ nhanh chóng bỏ cuộc khi đối mặt với những bước cơ bản vì nó không mang hình hài giống với ‘đam mê’. Cho rằng ‘đam mê’ là khi bạn đi làm như đi chơi, không mệt mỏi, không áp lực. Vì thế, khi vừa gặp khó khăn, cảm giác uể oải, thua thiệt khiến bạn nhanh chóng chán nản và quyết định buông tay.
Một cô gái hằng mơ ước được trở thành diễn viên, nhưng kiến thức tâm lý cô chưa nắm, kỹ năng diễn xuất cô không giỏi, tham gia vào các lớp rèn luyện thì cô ngại khó, nhận vai quần chúng thì chê không xứng,… Cứ như vậy, nghề diễn viên với cô chỉ mãi là ‘niềm đam mê’ mà thôi.
Lướt một vòng những bài viết về đam mê, “một ngày nào đó, bạn sẽ tìm thấy được đam mê” có lẽ là câu nói ít mang tính hô hào nhất. Nó thực tế ở chỗ đam mê sẽ do chính bạn đích thân tìm thấy, không phải là món quà từ đâu rơi xuống.
Nhận thức cá nhân sẽ quyết định bạn có tìm được đam mê hay không, từ đó phát triển thành một dạng cảm xúc mạnh mẽ của riêng bạn. Nếu không cho bản thân cơ hội va chạm với cuộc sống để biết mình yêu gì, ghét gì, thế mạnh và nhược điểm của mình là gì, vậy làm cách nào bạn xác định được cảm xúc mang tên ‘đam mê’? Không làm gì chỉ ngồi chờ, cuối cùng bạn cũng chỉ đang cố gắng cường điệu hoá ‘ao ước’ của mình thành hình hài ‘đam mê’.
Mù quáng theo đuổi đam mê là bạn đang tự hạn chế năng lực và tầm nhìn của bản thân
Nhà tâm lý học Carol Dweck từng chia sẻ trong cuốn sách Mindset, the New Psychology of Success: “Trong một vòng đời, con người chúng ta có nhiều giai đoạn phát triển. Tuỳ thuộc vào môi trường sống xung quanh, ta sẽ có nhiều sự thay đổi từ hình dáng, tính cách cho đến tư duy…”
Để chứng minh cho lập luận của mình rằng đam mê không phải là một ‘hằng số’, Carol Dweck đã thực hiện một cuộc khảo sát. Cô lựa chọn các sinh viên thuộc các ngành từ công nghệ, kinh doanh cho đến mỹ thuật, văn học — những người có ý thức nhất định và khá chắc chắn về chuyên ngành của mình. Họ được yêu cầu dành thời gian để nghiên cứu các lĩnh vực ngoài phạm vi chuyên môn và sở thích. Khi cuộc khảo sát kết thúc, phần lớn mối quan tâm của họ có xu hướng nghiêng về các lĩnh vực mà mình đã nghiên cứu trong thời gian qua.
Bản thân chúng ta vốn ẩn chứa rất nhiều biến hoá bất ngờ. Trái Đất không ngừng xoay, cuộc sống vẫn duy trì vận động, không nằm ngoài ‘quỹ đạo’, chúng ta đương nhiên sẽ không mãi đứng yên một chỗ nếu ta không ép bản thân phải làm thế. Với suy nghĩ phóng đại cho rằng đam mê là bất biến, chính bạn đang vô tình trói buộc đôi cánh của mình.
Đừng tự biến mình trở thành ‘nô lệ’ cho đam mê. Bạn có thể bước đi trên con đường đam mê, hoặc cũng có thể lựa chọn hướng đi khác nếu nó cho bạn nhiều lợi ích hơn. Không muốn hy sinh đam mê và chẳng nỡ chối bỏ quyền lợi? Bạn vẫn hoàn toàn có quyền quyết định làm cả hai.
Ca sĩ nhạc rock người Nhật, Yoshi Okai quyết định ngừng theo đuổi đam mê ca hát khi nhận thấy sự khắc nghiệt đáng sợ của thị trường âm nhạc Mỹ. Với kinh nghiệm nấu nướng phục vụ cho các hộ gia đình thời niên thiếu, anh quyết định rẽ hướng trở thành đầu bếp sushi. Tuy nhiên, tình yêu dành cho âm nhạc của anh chưa bao giờ bị thay thế. Ngược lại, âm nhạc trở thành điểm nhấn riêng biệt tại nhà hàng của Okai – giờ đã là một trong những đầu bếp sushi được đánh giá cao nhất ở Mỹ.
Kết
Với tần suất xuất hiện dày đặc của các lời kêu gọi “hãy theo đuổi đam mê”, nếu không sở hữu một sức đề kháng đủ mạnh, người trẻ sẽ phải chịu sức ép vô hình lớn đến không ngờ. Bạn rơi vào tình trạng hoảng loạn khi phát hiện mình vẫn chưa tìm được ‘đam mê’. Để rồi, bạn mù quáng lao vào cuộc đua tìm kiếm “thứ cảm giác” mang tên đam mê như truyền thông từng miêu tả.
Bạn tự dìm chính mình, bạn lạc lối, bạn sợ hãi. Bạn buộc bản thân phải loay hoay trong ảo tưởng, khao khát mơ hồ xuất phát từ những sân khấu lung linh của người khác. Dưới sức ép xã hội và thời gian, bạn vô tình bỏ qua sự kiên nhẫn và khả năng suy xét kỹ lưỡng từ bao giờ.
Nếu đủ tỉnh táo, bạn sẽ tự vấn liệu trên con đường ‘theo đuổi đam mê’ chỉ toàn là hoa hồng? Liệu bạn đã nghe trọn vẹn quá trình ‘sống với đam mê’ của những người thành công hay chưa?
Đam mê không quan trọng. Quan trọng là bạn đã, đang trang bị những gì và bạn có kế hoạch gì để xây dựng được một cuộc sống trọn vẹn, một sự nghiệp vẻ vang cho riêng mình.