3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
19 Thg 05, 2024
Chất Lượng Sống

3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc?

Ma cà rồng này không hút máu, nhưng hút năng lượng và sự kiên nhẫn của bạn. Thế nên họ vẫn khiến bạn mệt mỏi dù không mất giọt máu nào.
3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc?

Nguồn: Sofia Alejandra @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “Are You an Emotional Vampire?” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Trước khi đọc bài viết, bạn thử làm bài trắc nghiệm nhỏ này. Nhớ trả lời thành thật nhất có thể:

  1. Bạn có cảm thấy mọi người không muốn (hoặc không thể) hiểu được vấn đề của mình?
  2. Bạn có cảm thấy cuộc đời mình có quá nhiều rào cản mà bạn không thể kiểm soát được?
  3. Khi cần nhờ người khác giúp đỡ, bạn có cảm thấy rất ít người thực sự muốn giúp bạn?
  4. Bạn có cảm thấy mình không được người khác quan tâm hay trân trọng đúng mức?
  5. Mọi người có phàn nàn rằng bạn không lắng nghe họ, nhưng thực tế bạn lại cảm thấy họ đang không lắng nghe bạn?
  6. Bạn có cảm thấy dường như ai cũng có cuộc sống “dễ thở” hơn bạn?
  7. Bạn có thường xuyên cãi nhau với gia đình, người yêu hay bạn bè?
  8. Nếu có, thì lỗi chủ yếu đến từ họ hay từ bạn?
  9. Bạn có hay bị người khác “ghost” một cách khó hiểu, và từ chối liên lạc lại với bạn?
  10. Bạn có cảm thấy bất lực, rằng mình gần như không thể làm gì để thay đổi cuộc sống?

Nếu bạn trả lời “có” với trên 5 câu hỏi, xin hãy đọc bài viết này thật kỹ. Đó có thể là bước đầu tiên giúp bạn giải quyết tất cả các vấn đề trên. Tôi xin cảnh báo trước rằng có một số đoạn trong bài đọc không dễ chịu chút nào, nhưng bạn cố gắng giữ một tâm trí cởi mở và cân nhắc chúng thật nghiêm túc.

Nếu bạn trả lời “có” với 5 trong số 10 câu trên, rất có thể bạn là một ma cà rồng cảm xúc (emotional vampire). Khoan hiểu lầm, bởi đó không phải lỗi của bạn - nó chỉ có nghĩa bạn đã từng bị tổn thương trong quá khứ. Và hệ quả là bạn vô tình làm tổn thương những người xung quanh, rồi họ lại đẩy bạn ra xa hơn… Cái vòng luẩn quẩn cứ như thế tiếp tục, mà bạn chẳng làm được gì, bởi bạn còn không nhận ra là nó đang ở đó.

Bản thân tôi cũng đã gặp không ít ma cà rồng cảm xúc trong suốt cuộc đời mình. Thế nên nếu bạn đang gặp các vấn đề trên trong cuộc sống, hoặc bạn biết một ai đó đang gặp phải, thử ngồi lại lắng nghe những gì tôi sắp nói trong bài viết dưới đây xem sao.

Ma cà rồng cảm xúc là gì?

Đây là những người có thể hút cạn năng lượng của bất kỳ ai mà họ tiếp xúc. Họ liên tục cần sự quan tâm, và luôn ở trong một dạng khủng hoảng nào đó. Họ là chuyên gia trong việc khơi dậy những phản ứng cảm xúc nhất định ở người khác và rồi “sống” bằng những cảm xúc đó, bất kể chúng tích cực hay tiêu cực.

Tất cả ma cà rồng cảm xúc đều có lòng tự trọng thấp (low self-esteem), nhưng không phải ai có lòng tự trọng thấp cũng đều thành ma cà rồng cảm xúc. Lòng tự trọng thấp có nhiều cách thể hiện khác nhau, và ma cà rồng cảm xúc chỉ là một trong số đó.

Những người này thường có cùng lúc 3 đặc điểm: nhu cầu được chú ý 24/7, niềm tin rằng chẳng điều gì xảy ra là lỗi của họ, và không nhận thức được suy nghĩ “tự hủy” của chính họ. Đây là một combo nguy hiểm, bởi các đặc điểm này vừa củng cố lẫn nhau, vừa thu hút và làm tổn thương người xung quanh họ.

08may2024acnu11626jpg
Không phải “ma cà rồng” nào trông cũng khổ sở - có những người trông rất quyến rũ. | Nguồn: Phim Penthouse

Và bạn đừng nghĩ rằng “ma cà rồng” nào cũng thất bại trong cuộc sống - họ có thể là những người thành công và quyến rũ nhất mà bạn từng gặp. Họ có thể mang đủ hình dạng khác nhau, từ đàn ông đến phụ nữ, từ cao tới thấp, từ giàu tới nghèo.

Nhưng họ có điểm chung là luôn tạo ra các mối quan hệ độc hại, bất kể trong tình bạn hay tình yêu. Thử nhìn vào 3 đặc điểm trên xem chúng có ứng với bạn (hoặc ai đó bạn quen) hay không:

1. Lúc nào cũng cần được người khác chú ý

Một cuộc trò chuyện với ma cà rồng cảm xúc dường như chỉ xoay quanh mình họ. Tất cả là về các vấn đề của họ, về chuyện người này đối xử với họ tệ bạc thế nào, người kia muốn trả thù họ ra sao, họ tuyệt vời thế nào, họ đáng thương ra sao… cứ như vậy đến hết cuộc hội thoại.

Sự ái kỷ này dường như đến từ hai kiểu ảo tưởng khác nhau: một là họ nghĩ mình quá tuyệt vời, hai là họ cho rằng mình quá đáng thương. Và dù là kiểu ảo tưởng nào, thì nó vẫn diễn ra liên tiếp xuyên suốt cuộc trò chuyện, ở bất kỳ chủ đề nào. Và chỉ một giờ đồng hồ sau là năng lượng của bạn sẽ bị họ hút sạch.

Các ma cà rồng cảm xúc cũng có xu hướng “thể hiện” trước mặt nhiều người. Thử nghĩ về anh chàng phiền hà ở cơ quan, mà thi thoảng lại cố khiến cả phòng bạn cười bằng vài câu đùa nhạt hoặc vô duyên. Hoặc cô gái “mong manh” bị trêu đùa một chút ở bữa tiệc thôi mà đã la hét, khóc lóc và chạy khỏi phòng, để mọi người phải chú ý đến sự đáng thương của cô.

Thực ra không có cái gọi là “dư luận xấu”. Chỉ là khi các ma cà rồng quá “đói” sự chú ý, thì việc khơi dậy bất kỳ cảm xúc nào từ những người xung quanh đều khiến họ thỏa mãn. Chính điều này vắt kiệt năng lượng và sự kiên nhẫn của người khác, khiến họ tránh xa các “ma cà rồng” này.

Hầu hết những ai có lòng tự trọng đều sẽ không chấp nhận cái cách các “ma cà rồng” kịch tính hóa những gì xảy ra trong đời họ. Thế nên họ sẽ tránh ngay sau lần gặp đầu tiên. Và rồi các ma cà rồng lại nghĩ rằng người ta xấu tính, người ta không quan tâm đến họ… nhưng không bao giờ nghĩ là lỗi tại họ cả.

2. Không bao giờ chịu trách nhiệm cho các vấn đề của mình

Như đã giải thích ở trên, sự “đói” chú ý của ma cà rồng cảm xúc khiến người ta xa lánh họ. Nhưng thay vì tự phản tư lại hành vi của mình, họ lại đổ lỗi cho mọi người xung quanh. Họ cho rằng cả thế giới đang chống lại họ, rằng ai cũng là kẻ khốn nạn, mù quáng, thô lỗ hay lạnh lùng.

Thực ra có một mối liên kết ngầm giữa các hành vi này. Sự “đói” chú ý dẫn đến hành vi chống đối xã hội, làm người ta phản ứng tiêu cực. Phản ứng tiêu cực lại khuyến khích tư duy nạn nhân hóa, khiến ma cà rồng cảm xúc đổ lỗi cho mọi người xung quanh và lại càng “đói” chú ý hơn nữa. Cái vòng luẩn quẩn này cứ như vậy lặp lại.

22nov2023pexelswilsonvitorino2471415jpg
Với các “ma cà rồng cảm xúc”, lỗi của ai cũng được, miễn không phải của họ. | Nguồn: Pexels

Đáng chú ý là các ma cà rồng thường giỏi đến kinh ngạc trong việc “hợp thức hóa” hành vi chống đối xã hội của mình. Cụ thể, thay vì chỉ đơn thuần dán nhãn tiêu cực lên một hay vài người khác, họ đánh đồng tất cả mọi người: mọi gã đàn ông đều dâm dục, mọi mụ đàn bà đều thực dụng, và chẳng ai đủ thông minh để nhận ra sự tinh tế/cool ngầu/hấp dẫn của họ cả.

Đến đây thì nguyên nhân các ma cà rồng cảm xúc sống khổ đau đã quá rõ ràng: họ có thái độ tệ hại, lúc nào cũng coi mình là trung tâm. Trần đời chắc chỉ có một kiểu người duy nhất muốn ở gần họ: những người có lòng tự trọng thấp. Họ hoặc quá bất ổn để nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực của ma cà rồng cảm xúc, hoặc chính họ cũng là các ma cà rồng luôn khao khát drama, sự chú ý và cảm giác được làm “nạn nhân”.

Người có nguồn năng lượng giống nhau sẽ thu hút lẫn nhau. Thế nên nếu mọi đối tượng bạn hẹn hò đều điên rồ, thì rất có thể vấn đề nằm ở bạn.

3. Thiếu khả năng tự nhận thức

Thông thường khi đối mặt với các vấn đề của cuộc sống, chúng ta thường đi tìm “mẫu số chung” mà chúng có. Cụ thể, hành vi nào sẽ khiến người khác phản ứng tiêu cực, và chúng ta phải thay đổi thế nào. Và nếu mọi mối quan hệ của ta đều biến thành địa ngục, thì ta phải nhìn chung vào điểm chung duy nhất của chúng: bản thân mình.

30mar2023pexelsthieuquanvovu5147194jpg
Hầu hết “ma cà rồng cảm xúc” thiếu đi khả năng tự nhận thức. | Nguồn: Pexels

Nhưng ma cà rồng cảm xúc không có khả năng này. Họ không thể sống thật với bản thân và chịu trách nhiệm với cuộc đời. Họ luôn cần một cái gì đó để đổ lỗi - về ngoại hình, chủng tộc, về cách bố mẹ đối xử với họ, về thuyết âm mưu đồng nghiệp dựng lên để chống lại họ, vân vân và mây mây. Họ tập trung quá nhiều vào ngoại cảnh, đến mức không bao giờ có thể ngồi xuống phản tư lại những cảm xúc và suy nghĩ bên trong chính mình.

Ma cà rồng cảm xúc thường ghét ở một mình. Và nếu không có cái drama nào ở đó, họ sẽ tự tạo ra một cái. Lý do đơn giản là họ cần đánh lạc hướng bản thân khỏi… chính mình. Sự thiếu nhận thức này khiến họ tiếp tục đổ lỗi. Và tiếp tục đổ lỗi thì họ sẽ “đói” sự chú ý và khẳng định nhiều hơn. Và càng “đói” sự chú ý thì họ lại càng thiếu nhận thức - một vòng luẩn quẩn.

Còn tiếp…