Được chuyển ngữ từ bài viết “Narcissism: Where It Comes From and How to Deal With It”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Chúng ta có lẽ đều đã gặp ít nhất một người tự cao trong đời. Họ dành cả ngày soi gương hoặc bất kỳ thứ phản chiếu nào họ thấy, hoặc say sưa kể về cuộc thi đánh vần họ đạt giải hồi tiểu học. Họ nghĩ rằng họ là trung tâm của vũ trụ, là món quà Thượng đế đã dành cho nhân loại. Thế nhưng tính ái kỷ (narcissism) còn phức tạp và khó chịu hơn thế nhiều.
Đó là khi cảm giác bản thân quan trọng được đẩy lên quá mức, cùng với niềm khao khát được ngưỡng mộ, song thiếu đi sự đồng cảm với người khác. Thế giới phải xoay quanh một và chỉ một mình họ, và bất kỳ ai khác cũng chỉ đóng vai khách mời trong bộ phim về cuộc đời họ.
Nhưng trước khi chỉ trích người nào đó ái kỷ bạn từng gặp, cần nhớ rằng chúng ta đều có một chút ái kỷ trong mình. Chỉ là một số người có gấp đôi, hoặc gấp mười lần “một chút” đó.
Để dễ hình dung, thì cái tôi của người ái kỷ giống như chiếc hố sâu không đáy. Chúng ta cùng thử “lao” xuống chiếc hố này, và bước ra đầu bên kia của nó để tìm hiểu xem, điều gì khiến những người ái kỷ suy nghĩ và hành động như vậy. Và biết đâu, ta sẽ tìm ra cách đối phó với họ mà vẫn giữ được cái đầu lạnh.
Ái kỷ là gì?
Hiểu một cách đơn giản, ái kỷ là trạng thái mãn tính của tự cao. Người ái kỷ thường cho rằng họ đặc biệt phi thường hoặc đặc biệt thiệt thòi. Trong cả hai trường hợp, những luật lệ áp dụng cho người khác không áp dụng cho họ. Họ chẳng nợ thế giới điều gì, trong khi thế giới nợ họ mọi thứ.
Như hầu hết mọi thứ trên đời, ái kỷ cũng có nhiều mức độ khác nhau. Không ai hoàn toàn ái kỷ, hoặc không có chút ái kỷ nào. Chúng ta đều ái kỷ theo một mức độ nào đó. Điều này thể hiện rõ nhất vào những khi tâm trạng tồi tệ, ta sẽ có chút ích kỷ và tự mãn hơn bình thường.
Nhưng ở mức độ tồi tệ, ái kỷ có thể trở thành một chứng rối loạn nhân cách. Thậm chí những ai mắc chứng rối loạn này cũng ở vài mức độ khác nhau, từ tỉnh táo đến “thần kinh” hoàn toàn.
Nói cách khác, chúng ta đều ái kỷ ở những thời điểm nhất định, và điều này hoàn toàn bình thường. Nó chỉ trở thành vấn đề khi ái kỷ biến thành chế độ mặc định của bạn, và bạn không nhận ra điều đó.
Hai kiểu ái kỷ thường gặp
Kiểu ái kỷ vĩ đại (grandiose narcissist)
Đây là kiểu ái kỷ phổ biến nhất chúng ta thường gặp. Những người này kiêu ngạo và luôn tìm kiếm sự chú ý của người khác, mà không quan tâm đến bất cứ ai.
Họ đánh giá quá cao về bản thân và khao khát những ánh nhìn ngưỡng mộ từ người khác. Họ không thể chấp nhận lời phê bình, và đổ lỗi cho mọi thứ mỗi khi gặp vấn đề. Họ mong muốn được đối xử đặc biệt hơn, vì họ ở đẳng cấp cao hơn bất kỳ ai quanh họ.
Nhưng họ cũng lại sở hữu một sức hấp dẫn kỳ lạ, ít nhất là trong ấn tượng ban đầu. Sự tự tin bề ngoài của họ có thể khiến bạn thích thú, đặc biệt nếu bạn không quá tự tin vào chính mình.
Nhưng ấn tượng tốt này chẳng kéo dài được lâu, trước khi họ lộ rõ con người thật của mình. Cách mà họ đổ lỗi, châm chọc hay thao túng người khác để kéo mọi hào quang về chính mình sẽ khiến bạn sớm trở nên mệt mỏi.
Kiểu ái kỷ tổn thương (vulnerable narcissist)
Kiểu người này dè dặt hơn, và hiếm khi tìm kiếm sự chú ý theo kiểu ồn ào và hợm hĩnh như trên. Họ nhút nhát và thậm chí hạ thấp bản thân mình khá nhiều.
Họ giống kiểu ái kỷ thứ nhất ở chỗ siêu nhạy cảm và cần được trấn an liên tục. Nhưng họ khác biệt ở chỗ không tin rằng mình giỏi hơn người khác, mà là chiều ngược lại. Thay vào đó, họ cho rằng mình là nạn nhân “độc nhất vô nhị”, hoặc bị áp đặt bởi những người khác.
Sự mong manh dễ vỡ này là một kiểu ái kỷ tinh vi hơn. Nhưng nó vẫn là ái kỷ, chỉ khác ở chỗ người ái kỷ vĩ đại nghĩ họ thượng đẳng hơn tất cả, trong khi người ái kỷ tinh vi cho rằng họ kém cỏi hơn mọi người.
Người ái kỷ vĩ đại cho rằng họ có đặc quyền cao nhất, trong khi ái kỷ tinh vi luôn nghĩ mình thuộc nhóm yếu thế. Người ái kỷ vĩ đại tự hào về việc lợi dụng người khác, còn ái kỷ tinh vi lại tự hào về việc luôn là nạn nhân của một thế lực nào đó. Dù vậy, hai kiểu người này giống nhau ở niềm tin rằng họ là những cá thể đặc biệt, cần được đối xử đặc biệt.
Người ái kỷ tinh vi tự dán nhãn “nạn nhân” cho chính họ. Bề ngoài họ có vẻ nhút nhát và khiêm tốn, nhưng ẩn sâu dưới lớp vỏ đó là một cảm giác vĩ đại. Họ sẽ bị xúc phạm bởi bất cứ điều gì khiến họ không vừa ý, dù điều đó có “nhỏ như con kiến”.
Hai kiểu ái kỷ này dù rất khác nhau, nhưng đều quan trọng hóa bản thân theo một cách mong manh. Họ phải luôn coi mình là ngoại lệ theo một trong hai thái cực: siêu phi thường hoặc siêu kém cỏi. Họ phủ nhận mọi ý kiến bất đồng với cách nhìn nhận đó. Điều này dẫn đến các mối quan hệ hời hợt, và họ cũng ít xã giao với người khác.
Mấu chốt nằm ở chỗ, cả hai kiểu người này đều quá tự cao, luôn tin rằng họ đặc biệt hơn người khác theo một cách độc đáo nào đó. Vì vậy, những luật lệ áp dụng cho người khác không bao giờ áp dụng cho họ.
Ái kỷ từ đâu mà hình thành?
Ái kỷ là một đặc điểm tính cách khá phức tạp, mà các nhà tâm lý vẫn chưa hoàn toàn lý giải được. Dù vậy họ đã tìm ra một vài manh mối, trong đó bao gồm cách nuôi dạy của cha mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em có nguy cơ mắc chứng ái kỷ nếu được nuôi dạy bởi cha mẹ độc đoán, quá nuông chiều hoặc thờ ơ cảm xúc của chúng.
Phong cách nuôi dạy độc đoán (authoritarian parenting)
Những bậc cha mẹ này cố gắng kiểm soát con ở mức độ không lành mạnh. Họ yêu cầu con phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi luật lệ họ đặt ra, mà hiếm khi cho đi sự ấm áp, hỗ trợ hoặc cởi mở trong giao tiếp.
Họ đánh giá con dựa trên thành tích chúng đạt được, hoặc mức độ “ngoan ngoãn” của chúng. Hệ quả là đứa trẻ hình thành cảm giác tự cao để đối phó với áp lực. Chúng cũng phát triển ý thức sâu sắc về đặc quyền - cơ chế phòng vệ giúp chúng chống lại cảm giác không được yêu thương hoặc không đủ tốt với cha mẹ.
Phong cách nuôi dạy nuông chiều (indulgent parenting)
Đây là kiểu nuôi dạy trái ngược với cha mẹ độc đoán, nhưng cũng sẽ tạo ra những đứa con ái kỷ. Bởi những đứa trẻ này được cha mẹ đánh giá quá cao, dẫn đến tự mãn.
Những đứa trẻ này luôn được cha mẹ khen là xinh đẹp, tài giỏi và ngoan ngoãn, cũng như được chiều theo mọi mong muốn. Hệ quả là chúng tiếp thu quan điểm thổi phồng của cha mẹ về chúng, và tin rằng chúng nên được hưởng nhiều đặc quyền khác so với số đông.
Phong cách nuôi dạy thờ ơ (neglectful parenting)
Còn gọi là nuôi dạy không can thiệp (uninvolved parenting), phong cách này có mức độ ấm áp và kiểm soát đều thấp.
Cha mẹ thờ ơ vừa không đáp ứng nhu cầu, vừa không hướng dẫn hoặc góp ý cho con khi cần thiết. Họ cũng hiếm khi công nhận cảm xúc và suy nghĩ của con. Hệ quả là đứa con hình thành tính ái kỷ như một cơ chế đối phó. Sự tự cao giúp chúng bù đắp lại cảm giác bị bỏ rơi mà chúng nhận được từ cha mẹ.
Nhìn bề ngoài thì những kiểu cha mẹ này rất khác nhau, vậy vì sao lại cùng dẫn đến những đứa con ái kỷ? Họ có điểm chung là không giúp đứa trẻ thể hiện một bản dạng độc lập và thực tế.
Cha mẹ độc đoán kiểm soát quá mức, không để con tự tìm ra lối sống phù hợp với mình. Vậy là đứa con luôn phải tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài để hài lòng về bản thân, lâu dần trở thành chứng ái kỷ.
Cha mẹ chiều con thì ngược lại. Họ đặt ra quá ít ranh giới lành mạnh. Họ chỉ tập trung tâng bốc con lên mây, khiến nó lơ lửng mãi trên đó mà không thể hạ cánh về thực tế.
Và cha mẹ thờ ơ thì hiếm khi công nhận nhu cầu tình cảm của con cái, khiến chúng trở nên ái kỷ để bù đắp cho cảm giác xấu hổ và kém cỏi. Sự xấu hổ thực tế là một nguyên nhân khiến người ta hình thành chứng ái kỷ tổn thương.
Đừng vội đổ lỗi cho cha mẹ bạn
Bởi vì cách nuôi dạy chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tính ái kỷ.
Các nghiên cứu về tính ái kỷ mới chỉ đang ở giai đoạn đầu. Chúng ta vẫn chưa biết liệu yếu tố di truyền, cộng đồng, chấn thương tâm lý và 7749 yếu tố khác có thể dẫn đến ái kỷ hay không.
Trên thực tế, nếu cân bằng được 3 phong cách nuôi dạy con nói trên, bạn sẽ tìm ra “thuốc giải” cho những đứa trẻ ái kỷ. Nói cách khác, những cha mẹ vừa ấm áp, vừa đặt ra yêu cầu và ranh giới ở mức độ vừa phải sẽ nuôi dạy nên những đứa con có khả năng thích nghi tốt.
Thế nên đừng vội trách cha mẹ bạn, bởi dường như họ đã làm điều tốt nhất có thể. Chỉ là trong một vài trường hợp, họ quá tập trung vào một kiểu nuôi dạy mà quên mất 2 kiểu còn lại.
Còn tiếp…