4 Điều không nên bỏ qua để hôn nhân có một cái kết đẹp | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 01, 2022
Cuộc SốngThương

4 Điều không nên bỏ qua để hôn nhân có một cái kết đẹp

Theo Mark Manson có những khía cạnh nếu như thiếu vắng hôn nhân của bạn sẽ không thể có một cái kết đẹp.
4 Điều không nên bỏ qua để hôn nhân có một cái kết đẹp

Nguồn: Unsplash

Tiếp nối "4 Lý do khiến quyết định kết hôn của bạn trở thành sai lầm", dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "4 Terrible Reasons to Get Married (And 4 Really Good Ones)" đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Vậy đâu là lý do mà bạn nên kết hôn?

Dù đã xác định rằng mình sẽ không kết hôn vì những lý do sai lầm, nhưng thế không có nghĩa là bạn đã thoát hiểm đâu.

Dưới dây là những khía cạnh mà tôi cho rằng tối quan trọng trong một mối quan hệ, hứa hẹn một cuộc hôn nhân lành mạnh và hạnh phúc.

Tôi không cho rằng quyết định lớn lao như hôn nhân có thể được gói gọn lại thành một vài câu hỏi với câu trả lời “có/không”. Nhưng nếu mối quan hệ của bạn không bao gồm những khía cạnh này thì bạn sẽ khó lòng mà có một cuộc hôn nhân bền vững.

1. Bạn biết cách cãi nhau

Mối quan hệ lành mạnh không có nghĩa là không có bất đồng. Một mối quan hệ lành mạnh đi đôi với những cuộc tranh luận lành mạnh.

Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi cho dù trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất, thật ra chúng còn là dấu hiệu tốt nếu cả hai tranh cãi một cách lành mạnh.

Điều này có nghĩa là khi bạn khó chịu và tranh cãi với nhau, cả hai đều cố gắng đi vào gốc rễ của vấn đề và không công kích nửa kia về bản chất của họ.

Chẳng hạn, có thể nửa kia lảng tránh khi bạn thật sự cần họ và khiến bạn cảm thấy tổn thương. Thay vì buộc tội họ vô cảm chỉ biết nghĩ đến bản thân, bạn nên cố thử tìm hiểu xem vì sao điều đó lại khiến bạn tổn thương và giải quyết vấn đề cùng họ. Bạn có sợ bị bỏ lại một mình trong những lúc như thế này không? Và nếu có, nửa kia có thật sự thấu hiểu điều đó? Liệu có cách nào để truyền đạt mỗi khi bạn thật sự cần họ và họ có sẵn lòng cùng bạn đi qua nó?

Bạn có một cuộc tranh cãi xuất phát từ sự tôn trọng nhu cầu cảm xúc của nhau. | Nguồn: Unsplash

Phần lớn các cuộc cãi vã đều bắt nguồn từ những hiểu lầm về nhu cầu cảm xúc. Nhưng đây cũng là cơ hội để cho cả hai a) tìm hiểu nhu cầu của nhau và b) học cách để đáp ứng nhu cầu của chính và nửa kia.

Vì thế, khi xuất phát từ sự tôn trọng nhu cầu của nhau, cuộc tranh cãi có thể là một phần lành mạnh của mối quan hệ.

Quan trọng là khi mâu thuẫn, cả hai cuối cùng sẽ tha thứ cho nhau và cho chính mình. Thay vì đào bới lại vấn đề cũ, bạn ý thức được sai lầm của nửa kia và chấp nhận lời xin lỗi của họ (và họ thừa nhận sai lầm của bản thân cũng như thay đổi hành vi của mình). Không những thế, bạn cũng nhận thấy sai lầm của mình và tha thứ cho bản thân thay vì cứ tự dằn vặt.

Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, vì vậy bạn cần chắc rằng cả hai biết cách tranh cãi trước khi kết hôn. Nếu không, hãy chuẩn bị để đối mặt với một cuộc nhôn nhân ngắn ngủi và đầy biến động.

2. Bạn có cùng một thế giới quan và tầm nhìn cho tương lai

Hãy ngừng lại và hỏi bản thân về mối quan hệ của chính mình: liệu bạn có cùng định hướng trong cuộc sống và chia sẻ những giá trị giống nhau? Hay là cả hai có xích mích khi đứng trước quyết định lớn của cuộc đời? Liệu khát vọng sự nghiệp và/hoặc lối sống của cả hai có hòa hợp với nhau không?

Nếu một trong hai muốn trở thành diễn viên và sống ở Los Angeles, trong khi người còn lại thì muốn một cuộc đời thanh bình tại một nông trại ở Idaho, vậy hai điều này đi đôi với nhau thế nào? Một trong hai sẽ phải từ bỏ ước mơ của mình, và chìm trong vòng xoáy của sự phẫn uất và nuối tiếc. Và rồi chẳng ai dành phần thắng cả.

Bạn chia sẻ cùng giá trị và định hướng về tương lai. | Nguồn: Unsplash

Tương tự, nếu một trong hai muốn dành tiền để chu du và khám phá thế giới nhưng người còn lại muốn mua một căn nhà thật to, đẹp và dành thời gian chăm sóc cho nó, đây chính là công thức cho những mâu thuẫn về sau.

Về cơ bản, nếu một trong hai người phải từ bỏ ước mơ, sự nghiệp, đam mê của mình, thì câu chuyện sẽ không có cái kết đẹp. Một hoặc cả hai sẽ đau khổ và oán giận lẫn nhau.

Và nếu một hoặc cả hai người phải đè nén hay thay đổi giá trị của mình, cuộc hôn nhân của bạn sẽ vô cùng chông gai. Quan điểm về con cái (hoặc cả việc bạn muốn có con hay không), tôn giáo, cách mà bạn giải quyết vấn đề tiền bạc, và hơn thế nữa. Những điều này chẳng mấy hấp dẫn để nghĩ về, nhưng những vấn đề hiện tại trong mối quan hệ sẽ càng trở nên rõ nét hơn trong hôn nhân. Vấn đề càng nghiêm trọng, bạn sẽ càng khó làm lơ nó về lâu dài.

3. Tình bạn bền chặt chính là nền tảng của mối quan hệ

Thực tế là sự lãng mạn sẽ giảm dần trong một mối quan hệ lâu dài, ham muốn tình dục cứ thế đến rồi đi và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Vì vậy, cần một người mà bạn có thể tin cậy theo những cách khác khi những điều này xảy đến. Ngoài việc là một người tình lý tưởng, người mà bạn kết hôn cũng nên là tri kỷ của bạn.

Một tình bạn đẹp bao gồm việc chấp nhận nửa kia vô điều kiện, bao gồm cả những khiếm khuyết. Họ có thể khiến bạn khó chịu và cáu bẳn, nhưng dẫu thế bạn vẫn muốn ở bên cạnh họ và muốn họ bên cạnh mình.

Bạn không chán ngấy lẫn nhau, nhưng khi một trong hai cần không gian riêng, chẳng ai cảm thấy tự ái và bạn cho nhau điều đó.

Cả hai chấp nhận nửa kia vô điều kiện, kể cả những khiếm khuyết. | Nguồn: Unsplash

Và quan trọng nhất, bạn nghĩ về “chúng ta” chứ không chỉ “anh” và “em”. Đây là minh chứng cho một tình bạn bền vững, đầy yêu thương bắt nguồn từ việc chia sẻ cùng giá trị. Và đương nhiên, bạn nhận ra và tôn trọng quyền tự chủ của nhau. Nhưng cả hai vẫn là một đội, hướng đến cùng một mục đích.

Nếu bạn cảm thấy người kia luôn can thiệp vào sự độc lập của mình, thì hoặc là giá trị của cả hai không tương đồng hoặc bạn có khuynh hướng gắn bó lo âu. Dù là gì thì cả hai cũng nên giải quyết nó trước khi kết hôn.

4. Bạn coi hôn nhân là một lựa chọn thú vị, không phải nghĩa vụ

Cuối cùng, bạn không nên coi hôn nhân là điều bắt buộc dù xuất phát từ lý do gì.

Và ý tôi không chỉ là ai đó ra tối hậu thư rằng “một là kết hôn, không thì thôi” (dù đây chắc chắn là dấu hiệu mà bạn không nên kết hôn). Bên cạnh đó, bạn cũng không nên cảm thấy rằng mình phải kết hôn bởi vì “ai cũng làm thế” hoặc bởi vì cả hai đã gắn bó quá lâu và bạn nợ họ điều đó.

Bạn coi hôn nhân là một dự án mà cả hai cùng hứng thú, không phải nghĩa vụ bắt buộc. | Nguồn: Unsplash

Hôn nhân - trong bất kỳ mối quan hệ nào - phải được định đoạt bởi cả hai. Nó là một dự án, không phải nghĩa vụ.

Và như bất kỳ một dự án đáng làm nào, đôi khi đó là một thử thách nhưng cũng cần phải thú vị. Và cuối cùng, cả hai đều cảm thấy nó xứng đáng.