5 Bí quyết giúp cuộc tranh cãi nhẹ nhàng như nghe nhạc | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 04, 2021
Thương

5 Bí quyết giúp cuộc tranh cãi nhẹ nhàng như nghe nhạc

Phỏng theo 5 chức năng khi nghe nhạc, bạn sẽ kiểm soát được cảm xúc tốt hơn, biến cuộc tranh cãi nhẹ nhàng và lành mạnh hơn.

5 Bí quyết giúp cuộc tranh cãi nhẹ nhàng như nghe nhạc

Nguồn: An Ho @meaptopia cho Vietcetera.

Cuốn sách “A Book About Love" của tác giả Jonah Lehrer cho biết, theo các nhà khoa học, những cặp vợ chồng không có xung đột nào lại thường kết thúc bằng ly hôn. Bởi vì đó là dấu hiệu hai bên không muốn cứu vãn mối quan hệ của mình nữa, đến mức còn không thèm cãi nhau. Còn những cặp vợ chồng thường than phiền về những điều nhỏ nhặt nhất lại ở bên nhau dài lâu hơn.

Theo một nghiên cứu năm 2012, việc bày tỏ sự tức giận với người yêu hoặc bạn đời có thể gây khó chịu trong thời gian ngắn, nhưng cũng thúc đẩy những cuộc trò chuyện chân thành, có lợi cho mối quan hệ về lâu dài. Theo các nhà tâm lý học, vẫn có cách để hai bên tôn trọng và trắc ẩn với nhau trong khi vẫn bất đồng và tranh cãi.

Dưới đây là 5 bí quyết phỏng theo các chức năng nghe nhạc để giúp cuộc tranh cãi của bạn nhẹ nhàng hơn và mối quan hệ trở nên lành mạnh hơn

Điều chỉnh âm lượng (volume)

Tranh cãi - âm lượng
Điều chỉnh tông giọng khi dâng trào cảm xúc.

Trong cuốn sách “EQ - Trí thông minh xúc cảm trong công việc", tác giả Justin Bariso ghi nhận rằng chúng ta thường nói chuyện ở cùng một quãng giọng. Nếu đó là một cuộc trò chuyện tình cảm, tông giọng của hai bên đều hòa nhã và ngọt ngào. Còn nếu bạn tức tối la hét, đối phương cũng sẽ "gân cổ" đối đầu.

Trong khoảng 2 năm, các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam California đã ghi lại cuộc trò chuyện của hơn 100 cặp vợ chồng trong các buổi trị liệu thông qua một thuật toán máy tính, từ đó dự đoán các cặp đôi có thể bền lâu hay không. Họ đặc biệt tập trung vào cao độ và cường độ của giọng nói khi đang dâng trào cảm xúc, và xác nhận rằng yếu tố giọng nói có thể ảnh hưởng đến 74% mức độ cải thiện hoặc rạn nứt của mối quan hệ, nhiều hơn so với các lời khuyên từ chuyên gia tư vấn.

Điều này nhắc nhở bạn cần phải điều chỉnh âm giọng của mình ở mức độ vừa phải, tùy vào đối tượng, mục đích và hoàn cảnh giao tiếp. 

Tham khảo: 7 Cách điều chỉnh giọng nói giúp tăng sức nặng cho nội dung.

Ghi âm (record)

Tranh cãi - ghi âm
Không phải mở máy ghi âm, mà là lắng nghe bằng tai.

Những lúc bất đồng ý kiến hoặc trong lòng có tâm sự, thay vì phán xét và quyết định để rồi hai bên đều cảm thấy người còn lại không bao giờ chịu hiểu mình, bạn cần tập trung lắng nghe. Điều này giúp bạn tìm ra những thiếu sót về mặt kiến thức hoặc nhận thức của mình, thậm chí là những hiểu lầm cơ bản mà đến bạn cũng chẳng ngờ tới.

Bí quyết lắng nghe chất lượng:

Nghiên cứu cho thấy một quá trình lắng nghe chất lượng được quyết định bởi 3 yếu tố:

  • Thể hiện sự quan tâm, bằng cách để cho người còn lại được bày tỏ mà không bị cắt ngang.
  • Làm rõ các ý kiến của họ theo cách hiểu của bạn. Ví dụ “Vậy điều anh/em đang nói là...", "Anh/em xem thử thế này có đúng không nhé,..." và "Anh/em có thể giải thích lại không?" Đồng thời thể hiện sự tôn trọng cho cách hiểu của nhau, chẳng hạn “Anh/em hiểu vì sao em/anh lại nghĩ vậy…”
  • Thể hiện rằng dù không đồng ý, bạn cũng không đánh giá con người họ qua quan điểm cá nhân. Tuy rằng có những quan điểm khó mà tách bạch được với con người, nhưng với những bất đồng hàng ngày thì vẫn có thể áp dụng được.

Tạm dừng (pause)

Tranh cãi - Tạm dừng
Tạm dừng để tránh lỡ lời khi cảm xúc lấn át.

Hay có thể hiểu là hãy "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Lúc nóng giận là lúc dễ lỡ lời nhất, và cho dù hôm sau có hối hận và xin lỗi, những gì bạn nói cũng đã làm tổn thương họ rồi. Nếu thấy mình bị cảm xúc lấn át trọng một tình huống nào đó, hãy tạm dừng.

Nhận biết lúc nào nên “tạm dừng”:

  • Cảm thấy cồn cào trong người, nhịp thở có thể nhanh hơn bình thường.
  • Tưởng tượng một viễn cảnh “đắc thắng” bằng mọi giá sẽ xảy ra.
  • Phản pháo ngay mọi ý kiến của đối của phương khi có thể.

Thay vào đó:

  • Nhẩm đếm trong đầu từ 1 đến 10, theo lời khuyên của tiến sĩ Mike Dow trong cuốn sách “Your Subconscious Brain Can Change Your Life”.
  • Làm một việc khác như đi dạo hoặc uống nước.
  • Đợi khi tâm trạng đã ổn định mới nghĩ đến nên làm gì bước tiếp theo.

Căng thẳng bị dồn nén lâu ngày có thể làm suy giảm khả năng này, đó là lý do bạn nên luyện tập nó mỗi ngày. Theo thời gian, bạn sẽ hình thành được thói quen phản ứng thận trọng.

Nếu nhận thấy thời điểm tranh cãi không thích hợp, chẳng hạn cả hai đang ở nơi công cộng, hoặc một trong hai đang vội đi làm, hãy tạm “đình chiến" và thống nhất sẽ quay lại vào một thời điểm khác.

Tua lại (rewind)

Tranh cãi - Tua lại
Biết khi nào nên gợi lại vấn đề sau khi đã tạm dừng.

Việc tạm dừng sẽ dễ bị biến thành hành vi tạo dựng “bức tường đá" (stonewalling) nếu cả hai cứ im lặng mãi và mong mọi chuyện chìm vào quên lãng. Bên cạnh việc biết khi nào nên dừng, bạn cũng cần biết lúc nào thích hợp để gợi lại. Thời gian, địa điểm, mục đích và cách gợi lại là những yếu tố cần lưu tâm. 

Nên lưu ý gì khi “tua lại”:

Nhà trị liệu tâm lý Tom Bruett gợi ý:

  • Đảm bảo rằng bạn đang trong “cửa sổ khoan dung” (window of tolerance) – thuật ngữ của giáo sư khoa học thần kinh Dan Siegel mô tả phạm vi mà não bộ có thể tỉnh táo tiếp nhận và xử lý thông tin. Vượt qua ngoài khoảng này, hoặc bạn bị kích động, giận dữ; hoặc bị tê liệt, kiệt quệ.
  • Xác định trạng thái của đối phương. Mỗi người đều có giới hạn chịu đựng khác nhau, chẳng hạn bạn có thể lấy lại bình tĩnh ngay khi hít thở sâu, nhưng đối phương lại mất một ngày. Nếu một trong hai chưa sẵn sàng trò chuyện thì mọi nỗ lực hàn gắn sẽ vô ích. 
  • Tự mỗi người nhận trách nhiệm liên quan. Trong một mối quan hệ, hai người tham gia “ứng chiến” đều có phần lỗi mà mình không hay biết. Rất có thể bạn đã làm gì đó để khơi mào cuộc chiến hoặc "thêm dầu vào lửa". Nếu bạn nhận ra phần trách nhiệm của mình thì cuộc nói chuyện sẽ dễ gợi lại hơn.
  • Trao đổi về thông tin cả hai muốn lắng nghe. Có thể sau xung đột, mỗi người sẽ muốn đề cập lại một vấn đề khác nhau. Bạn cần sắp xếp giải quyết từng vấn đề theo thứ tự để tránh "râu ông này cắm cằm bà kia".
  • Chia sẻ sự khác biệt của nhau để hiểu rõ lẫn nhau. Rất có thể bạn và đối phương sẽ có những quan điểm, nhu cầu và mong muốn khác nhau. Bạn có thể tận dụng chúng để hàn gắn tình cảm giữa cả hai.

Tua nhanh (fast forward)

Tranh cãi - tua nhanh
Tua nhanh khỏi giai đoạn kích động cảm xúc.

Khi tranh cãi, bạn sẽ không tránh khỏi những cảm xúc như tức giận, sợ hãi, lo lắng. Đó đều là tín hiệu hạch hạnh nhân gửi đi để giải phóng căng thẳng, cũng là “thủ phạm" đứng sau cách hành xử kích động, vô lý mà bạn sẽ hối hận ngay sau đó. Đây gọi là hiện tượng “amygdala hijack” (khống chế hạch hạnh nhân).

Chúng ta cần “tua nhanh" giai đoạn kích động cảm xúc này bằng cách kích hoạt phần thuỳ trán. Khác với hạch hạnh nhân, thuỳ trán là hệ thống cao cấp và lý trí hơn, như một “quan chánh án” giúp bạn suy nghĩ thấu đáo và hành động thận trọng.

Các bước rèn luyện kỹ năng “tua nhanh":

  • Tự nhận biết các yếu tố dễ kích động cảm xúc của bạn, như khi đối phương nhắc đến một vấn đề nào, hoặc hành động cụ thể nào.
  • Nhận biết khi bước vào “amygdala hijack”: tim đập nhanh, đổ mồ hôi tay hoặc trán, nổi da gà,...
  • Tự nhắc nhở đây chỉ là phản ứng tức thời, không phải cách giải quyết khôn ngoan.
  • Luyện tập hít thở hoặc chánh niệm.

Kết

Cảm xúc có tác động rất lớn đến hành vi của chúng ta, mà hầu hết cảm xúc đều xảy ra rất tự nhiên và đột ngột. Đó là lý do vì sao khả năng tự kiểm soát cảm xúc và điều chỉnh hành vi cực kỳ quan trọng. Hy vọng 5 bí quyết trên có thể giúp bạn điều chỉnh hành vi cho những cảm xúc bộc phát lúc tranh cãi và củng cố thêm cho mối quan hệ của mình.