6 Từ tiếng Anh để hiểu cách trí tuệ nhân tạo “hồi sinh” người đã khuất | Vietcetera
Billboard banner

6 Từ tiếng Anh để hiểu cách trí tuệ nhân tạo “hồi sinh” người đã khuất

Công nghệ AI có thể giúp bản sao những người đã chết sống mãi với người thân. Nhưng liệu đó có phải thứ đáng để theo đuổi?
6 Từ tiếng Anh để hiểu cách trí tuệ nhân tạo “hồi sinh” người đã khuất

Tập phim Be Right Back (Black Mirror) nói về cách công nghệ "thay thế" người đã khuất | Nguồn: Black Mirorror

Sẽ ra sao nếu người thân đã khuất “trở về” và tương tác với chúng ta trong hình dạng của robot hoặc các thiết bị điện tử? Viễn cảnh tưởng chừng chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng giờ đây đang trở thành hiện thực với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).

Các chuyên gia đang khám phá phương pháp mà AI có thể tạo ra những bản sao của người đã khuất. Công nghệ này có thể mô phỏng chính xác giọng nói, ngoại hình, hay cả đặc điểm tính cách của con người. Các bản sao có khả năng trò chuyện với người thân, thậm chí biểu diễn nghệ thuật trực tiếp.

1. Deepfake voice

Deepfake voice, hay nhân bản giọng nói, là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để mô phỏng giọng nói của con người. Công nghệ này đã phát triển đến mức có thể tái tạo gần như y hệt giọng nói của bất kỳ ai, với độ chính xác cao về giọng điệu và cách diễn đạt.

Mặc dù nhiều ý kiến coi đây là một công nghệ “nguy hiểm” và “quái dị,” nhân bản giọng nói vẫn thường xuyên được ứng dụng trong các ngành như sản xuất podcast, làm phim, và trò chơi điện tử.

Gần đây nhất, công nghệ trợ lý ảo Alexa nổi tiếng của Amazon đã có thể mô phỏng giọng nói của người đã khuất. Tại hội nghị MARS 2022, trong video giới thiệu tính năng mới, Alexa đã kể truyện cho một đứa trẻ bằng giọng của người bà đã mất.

Đặc biệt, công nghệ deepfake voice này có thể bắt chước giọng của bất kỳ ai chỉ với đoạn ghi âm giọng gốc dài chưa tới 1 phút. Theo Amazon, tính năng này cho phép những người dùng duy trì kết nối với những thân không còn trên đời.

2. Holographic AI

Holographic AI là phương pháp sử dụng chương trình trí tuệ nhân tạo để tạo ảnh ba chiều (hologram) trên laptop và smartphone cá nhân. Công nghệ này được phát triển bởi nhóm nghiên cứu của MIT, cho phép người dùng tạo Hologram nhanh chóng từ ảnh chụp.

Công nghệ hologram từng khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi đưa hàng loạt nghệ sĩ đã qua đời như Michael Jackson, Maria Callas, Tupac Shakur trở lại sân khấu. Tuy nhiên, để có thể tạo ảnh ba chiều theo phương pháp truyền thống, đòi hỏi rất nhiều thời gian và thiết bị công nghệ.

alt
Michael Jackson hologram biểu diễn tại sân khấu Billboard Music Awards | Nguồn: Billboard

Holographic AI được cho là sẽ tạo ra bước đột phá trong việc tạo hologram. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, công nghệ này cho phép “cắt” hình ảnh thành nhiều phần và biến nó thành hologram chỉ trong vài mili giây. Phương pháp này tiết kiệm thời gian và điện năng hơn nhiều so với truyền thống.

Hiện tại, đây mới chỉ là khởi đầu của công nghệ này. Trong tương lai, với nhiều tiến bộ hơn nữa, Holographic AI mở ra cơ hội cho tất cả các cá nhân có thể tạo ảnh ba chiều của bất kỳ ai họ mong muốn, ngay cả với người thân hay nghệ sĩ nổi tiếng đã khuất.

3. Humanoid Robot

Humanoid Robot là loại robot có hình dạng mô phỏng theo cấu trúc cơ thể con người. Loại robot này thường được chế tạo để tương tác với các công cụ và môi trường nhân tạo, cũng như được sử dụng cho các mục đích thí nghiệm.

Năm 2016, Rothblatt - nữ CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ, đã tạo ra một phiên bản robot mô phỏng chính người vợ Bina Aspen của cô. Bina48 được coi là một trong những robot tiên tiến nhất thế giới về mặt tương tác xã hội. Giống như Bina thật, robot này cũng yêu hoa và có sở thích tự châm biếm.

alt
Bina48 có ngoại hình và tính cách rất giống với Bina Aspen ngoài đời thực | Nguồn: Teen Vogue

Sự phát triển của công nghệ sản xuất humanoid robot cho phép con người mô phỏng chân thực những người đã khuất. Họ trở về trong hình dạng của những bản sao robot, với giọng nói và cử chỉ tương tự như khi còn sống.

Năm 2017, dự án Digital Shaman đã đưa đến một hình thức để tang mới tại Nhật Bản. Người sử dụng dịch vụ được ở cùng với robot mô phỏng dựa trên người thân mới ra đi. Ngoài chiếc mặt nạ in 3D gương mặt người thân, robot này cũng sao chép toàn bộ cử chỉ, tính cách và lời nói của đối tượng được mô phỏng.

4. Data collection

Data collection là quá trình thu thập và đo lường thông tin dữ liệu từ đa dạng nguồn. Thu thập dữ liệu, đặc biệt là hệ thống dữ liệu lớn (big data) là yếu tố trụ cột để nghiên cứu và phát triển các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Từ năm 2010 đến năm 2020, lượng dữ liệu được tạo và tiêu thụ trên toàn cầu đã tăng từ 1,2 zettabyte lên 59 zettabyte (1 zettabyte tương đương đương 1 nghìn tỷ gigabyte). Nhu cầu về dữ liệu trên toàn cầu đang tăng trưởng theo cấp số nhân, thể hiện rõ sự cần thiết của quá trình này.

Deepfake voice, holographic AI, humanoid robot đều đòi hỏi quá trình thu thập dữ liệu để tiến hành mô phỏng người đã khuất. Các loại hình dữ liệu bao gồm hình ảnh khuôn mặt, video chuyển động, bản ghi âm giọng nói, tin nhắn, thư từ, mạng xã hội. Tất cả nhằm mục đích tạo ra các robot chân thực nhất so với phiên bản gốc.

Trên thực tế, Robot Bina48 đã cần đến hơn 100 giờ dữ liệu âm thanh, nhằm mô phỏng chính xác những ký ức và niềm tin của chính Bina Aspen ngoài đời thực.

5. Uncanny Valley

Uncanny Valley mô tả mối quan hệ giữa thái độ, cảm xúc của con người với những vật thể giống người như robot hay mannequin. Cảm giác rờn rợn và ghê sợ xuất hiện phổ biến khi chúng ta quan sát những cử chỉ và biểu cảm “giống người nhưng không phải người” của các humanoid robot.

Biểu đồ uncanny valley kết luận rằng cảm giác yêu thích của chúng ta tăng lên đồng thời với mức độ giống với con người của vật thể. Tuy nhiên, khi những điểm tương đồng vượt qua một điểm ngưỡng, vật thể này sẽ trở nên kì dị, kém hấp dẫn, đồng thời gây ra cảm giác bất an và sợ hãi.

Uncanny valley là một vấn đề lớn với các thiết bị công nghệ mô phỏng người đã khuất. Các nhà sản xuất mong muốn có thể tái hiện chân thực nhất giọng nói, cử chỉ và tính cách thông qua máy móc. Tuy nhiên, chính điểm này có thể khiến chúng ta ghê sợ và tránh xa các sản phẩm này.

6. Ethics of algorithms

Ethics of algorithms liên quan đến những cân nhắc đạo đức của các thuật toán. Yếu tố này sẽ trực tiếp quyết định việc “hồi sinh” người đã khuất bằng công nghệ nên được ủng hộ hay phản đối.

Bản sao của những người đã khuất có thể khiến những người thân cảm thấy bớt đau buồn. Sự hiện diện của người đã ra đi, dù trong hình dạng của các thiết bị công nghệ, cũng có thể giúp người ở lại cảm thấy được an ủi.

Với những nghệ sĩ và diễn viên quá cố, các công nghệ này làm sống lại hình ảnh của họ trong lòng công chúng. Công chúng có thể được tiếp tục được xem họ biểu diễn hay đóng phim. Những di sản của các nghệ sĩ vẫn tiếp nối, chừng nào các thiết bị công nghệ cho phép.

Tuy nhiên, hành động “hồi sinh” cũng vấp phải vô vàn chỉ trích. Vấn đề đầu tiên liên quan đến sự đồng thuận. Liệu những người đã khuất có mong muốn sẽ “sống lại” và kết nối với mọi người trong hình hài của những con robot hay không? Tại sao chúng ta lại được quyền quyết định thay họ?

Đối với những người nổi tiếng, công nghệ deepfake tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm. Bản sao kỹ thuật số của họ có thể xuất hiện trong những bộ phim, TV show mà họ không đồng thuận. Nghiêm trọng hơn, họ có thể xuất hiện trong các clip nhạy cảm, hay đưa ra các phát ngôn sai sự thật. Deepfake khiến cho việc kiểm soát hình ảnh cá nhân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, quá trình xây dựng AI có thể tiềm ẩn nguy cơ bị lộ các thông tin và dữ liệu cá nhân quan trọng. Nếu chúng ta đều cảm thấy lo ngại khi bị thu thập dữ liệu, thì tại sao điều đó lại được chấp nhận khi với những người đã chết?

Tất cả những hành động mô phỏng của công nghệ đều không nằm trong sự kiểm soát của những người đã khuất. Nếu những “bản sao” gây ảnh hưởng tiêu cực, sẽ rất khó khăn để tìm ra ai đó chịu trách nhiệm cho vấn đề này.