5 Điều chuyên gia ngành Trí tuệ nhân tạo kể cho bạn | Vietcetera
Billboard banner

5 Điều chuyên gia ngành Trí tuệ nhân tạo kể cho bạn

Trí tuệ nhân tạo đồng hành cùng con người để tạo ra giá trị tốt đẹp giống như truyện Doraemon.
5 Điều chuyên gia ngành Trí tuệ nhân tạo kể cho bạn

Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Tháng 1 năm 1970, tập đầu tiên của truyện tranh “Doraemon” được xuất bản, dẫn dắt độc giả trên khắp thế giới khám phá những phát minh thần kỳ và thông minh của chú mèo máy đến từ thế kỷ 22.

Trên thực tế, chúng ta dường như không cần phải chờ đến tận thế kỷ 22 để chứng kiến những bước phát triển nhảy vọt của con người trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), khoa học máy tính và robot.

Vietcetera có cơ hội trò chuyện với Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia ngành trí tuệ nhân tạo từ Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Mila ở Montreal, Canada. Xuân Phong là một trong những tên tuổi lớn ngành trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Anh tốt nghiệp thạc sĩ trường Carnegie Mellon (CMU) của Mỹ - một trong những trường top đầu thế giới về công nghệ thông tin, với hơn 14 năm làm việc, nghiên cứu tại những viện nghiên cứu uy tín cùng những giáo sư đầu ngành trên thế giới tại Nhật Bản và Canada.

Với trí tuệ nhân tạo, liệu một thế giới như trong truyện Doraemon có trở thành hiện thực không?

1. AI là những phần mềm làm cho máy tính thông minh hơn

Nhiều người tưởng lầm trí tuệ nhân tạo là một chiếc hộp thần kỳ có thể làm được mọi thứ. Với những người trong ngành, định nghĩa rõ ràng nhất về AI chính là: những phần mềm để làm cho máy tính trở nên thông minh hơn.

Ngành này đã phát triển từ những năm 1950s. Khi đó, lập trình viên phải viết rất nhiều dòng lệnh để ra lệnh cho máy tính làm việc. Gần đây chúng ta có bước tiến mới bằng cách dạy cho máy tính học.

alt
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Khi thu nhận được lượng dữ liệu đủ lớn, lập trình viên không phải viết dòng lệnh nữa mà chỉ cần đưa dữ liệu để dạy cho máy tính học. Máy tính sẽ tự học và đưa ra câu trả lời tương đương với sự nhận biết của con người, từ đó có thể thay thế được một số nhiệm vụ của con người.

Những thuật toán này được xây dựng dựa trên cấu trúc của não bộ con người như mạng nơ ron thần kinh. Hiện nay, máy tính có những mô hình tính toán phức tạp dựa vào mạng nơ ron nhân tạo để xử lý thông tin và cho ra kết quả tương đương với trí thông minh của con người.

2. Ba yếu tố tạo nên sự thành công của AI

  • Con người: là người viết ra thuật toán dạy cho máy tính tốt hơn
  • Sức mạnh tính toán để tạo ra mô hình AI tốt
  • Dữ liệu: dữ liệu càng dồi dào và chi tiết, khả năng của AI càng đa dạng

3 yếu tố này kết hợp chặt chẽ với nhau sẽ tạo nên sự thành công của AI. Càng có nhiều dữ liệu thì khả năng phân tích, dự đoán và học của AI càng được nâng cao.

Ví dụ, khi có đầy đủ dữ liệu về các biểu hiện sức khỏe thông qua hơi thở hoặc tiếng ho, các thuật toán có thể đo âm thanh của hơi thở, tiếng ho để chẩn đoán bạn có bị vấn đề về hô hấp hay ko; với mức độ đó, bạn cần đến tư vấn bác sĩ hay có thể tự điều trị tại nhà. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay khi con người được khuyến khích hạn chế tiếp xúc.

3. Cuộc chạy đua AI trên thế giới

Với vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghệ trong tương lai, gần như cả thế giới đang quan tâm đến việc phát triển trí tuệ nhân tạo. Các nước đều có chiến lược quốc gia cho sự phát triển của ngành này, từ Canada, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam.

Bắc Mỹ vẫn dẫn đầu về các phát minh, sáng chế, thuật toán mới về trí tuệ nhân tạo chất lượng cao nhất. Canada và Mỹ là những cái tên nổi bật với hệ thống giáo dục bài bản, có những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Google, Facebook, Microsoft…

Chính phủ Canada cũng cho phép thử nghiệm trí tuệ nhân tạo một cách chủ động. Nhờ vậy, Montreal đang thu hút ngược lại nhân tài từ Silicon Valley với một hệ sinh thái sôi động về trí tuệ nhân tạo, viện nghiên cứu, các công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm dành riêng cho AI.

Ở châu Á, Trung Quốc là thế lực đang phát triển mạnh mẽ, trở thành đối trọng với phương Tây trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Nhật Bản và Đức tập trung AI trong ngành công nghiệp sản xuất, công nghiệp nặng, năng lượng.

alt
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

4. Ngành trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam bắt đầu từ con người

Trong 3 yếu tố cần có để tạo ra sự thành công của ngành AI, Việt Nam có thể bắt đầu từ yếu tố con người, phát triển những chiến lược đào tạo chuyên gia về AI.

Hiện nay, FPT Software có cơ hội là đối tác duy nhất tại Đông Nam Á hợp tác với viện nghiên cứu Mila để đào tạo nhân tài AI mới, tạo ra các thuật toán mới, ký kết hợp tác chiến lược để dân chủ hóa kiến thức về AI.

“AI Residency” là một chương trình tuyển chọn các bạn sinh viên tài năng nhất từ các trường Đại học về Toán và Tin học hàng đầu Việt Nam. Kết hợp với các tiến sĩ hàng đầu trên thế giới tạo ra môi trường nghiên cứu học tập năng động với mục tiêu là lọt vào những công bố khoa học hàng đầu thế giới về AI.

Gần đây, cùng các chính sách khuyến khích của chính phủ, McKinsey và FPT cũng ký hợp tác với tỉnh Bình Định để đầu tư về cơ sở hạ tầng, con người, biến nơi này thành thung lũng trí tuệ nhân tạo.

5. Con người sẽ chung sống với AI như trong truyện Doraemon

Với tiềm năng và sức ảnh hưởng lớn của AI đến các ngành khác, nhiều người cho rằng sẽ có viễn cảnh như trong phim Hollywood: máy tính sẽ thống trị loài người. Điều này là một rủi ro có thể xảy ra nhưng không phải trong tương lai gần.

Khả năng của AI hiện nay mới chỉ giải quyết được những nhiệm vụ rất cơ bản và cụ thể của con người chứ chưa trở thành thực thể có tư duy như con người.

alt
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Theo Xuân Phong, điều quan trọng mà các nhà khoa học, các chính sách cần tập trung hiện nay là đạo đức trong việc sử dụng AI. Sức mạnh công nghệ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực quân sự của các quốc gia. Vì vậy, các chuyên gia trong ngành đã có lời thề sẽ không sử dụng AI trong việc sản xuất vũ khí giết người hàng loạt.

Xuân Phong tin tưởng vào thế giới mà AI được tạo ra để đồng hành và mang đến giá trị tốt đẹp hơn cho con người. Giống như truyện Doraemon, con người và máy móc có thể sống chung với nhau, hài hòa, nhân văn chứ không nguy hiểm hay thực dụng.