1. Chuyện gì vừa xảy ra?
Với trí tuệ nhân tạo (AI) là nòng cốt trong công cuộc tạo trend và bắt trend những ngày qua, Loopsie mang đến trải nghiệm nhanh gọn lẹ cho người dùng muốn hoá thân thành nhân vật anime. Những gì bạn cần là một chiếc iPhone, ứng dụng Loopsie và "hô biến" những điều từng được thấy trên màn ảnh thành thật.
Chiều 23/08, Loopsie trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trên Appstore tại Việt Nam. Có không ít app có tính năng tương tự Loopsie trên các cửa hàng trực tuyến như TikTok, Lensa, Anime Face Changer…
2. Tại sao nhiều người dùng Loopsie vậy?
Kể cả khi không phải là wibu, nhiều người vẫn luôn mong muốn được nhìn thấy phiên bản anime của chính mình. Làm sao ta có thể cưỡng lại sự dễ thương, và muốn nhìn thấy bản thân dưới hình hài long lanh và khả ái? Loopsie làm được điều này một cách nhanh chóng và vượt trội hơn các app tương tự về mặt hình ảnh, màu sắc…
Loopsie có thể thêm thắt, thay đổi giới tính/bối cảnh, một vài chi tiết khi tạo ra hình ảnh anime. Quan trọng hơn, việc sử dụng Loopsie ồ ạt còn nằm ở tâm lý thử vì miễn phí (trong 3 ngày đầu tiên tải ứng dụng.)
Bên cạnh đó, hiệu ứng đoàn tàu (Bandwagon Bias) cũng là một loại thiên kiến khiến không ít người tìm đến thế giới anime mộng mơ do AI tạo ra. Cả thế giới dùng Loopsie tại sao tôi lại không dùng nhỉ?
3. Loopsie gây tranh cãi ra sao?
Sự phổ biến cục bộ của Loopsie gây ra tranh cãi cũng như sự chia rẽ. Một số người cho rằng nó chỉ là một app AI chỉnh sửa “vui thôi mà.” Với nhiều người khác, đặc biệt là những người làm nghệ thuật lại đã và đang lên tiếng phản đối.
Ngoài những quan ngại về mặt bảo mật, bản quyền, đạo đức, nhiều hoạ sĩ không đồng ý với việc dùng AI để tạo ảnh chân dung rồi đăng tải lên mạng xã hội. Dùng AI kiểu "ăn xổi ở thì" là điều kị với hoạ sĩ.
Hoạ sĩ truyện tranh Lâm Hoàng Trúc đã lên tiếng phản đối khi Du Bút sử dụng gương mặt của cô để Loopsie hô biến thành nhân vật anime và đăng tải trên Facebook. Cô cho rằng, “Thứ giữ lại giá trị và danh dự cho chúng ta (hoạ sĩ) là chính sức lao động của chúng ta.” Và “đối với hoạ sĩ, được vẽ là ân huệ: đối với AI là những mệnh lệnh. Mình trở thành hoạ sĩ vì mình muốn vẽ.”
Trong bài viết Studio Việt và câu chuyện tạo ra thước phim hoạt hình ấn tượng trong How to Become a Cult Leader trên Vietcetera gần đây, Hà Huy Hoàng (Art Director, Animation Supervisor) chia sẻ về tính con người trong sản phẩm sáng tạo so với AI:
“Đối với mình đó là yếu tố con người, khác với AI (Trí tuệ nhân tạo.) Với AI thì mình chỉ cần đưa prompt (câu lệnh/dữ liệu đầu vào) rồi AI sẽ đưa ra sản phẩm hình ảnh. Là một hoạ sĩ, mình sẽ phải ngồi sửa hình ảnh đó; còn với một người dùng phổ thông, họ có thể sử dụng luôn. Vì thế, AI gần như sẽ không có sự con người, không có sự độc lập, trừu tượng và đặc trưng của bộ não con người.”
4. Tại sao ta thích nhìn mình ở nhân dạng khác?
Bạn thấy mình ở trong gương và cho rằng đó là hình ảnh bản thân (self-image.) Tuy nhiên, thứ bạn nhìn thấy chưa hẳn là hình ảnh của bạn đâu. Từ điển Random House định nghĩa hình ảnh bản thân là “ý tưởng, quan niệm hoặc hình ảnh tinh thần mà một người có về chính mình.”
Một định nghĩa khác cho rằng, hình ảnh bản thân là cách một người nhìn nhận về chính mình. Đó là những ấn tượng về bản thân đã được hình thành theo thời gian. Những hình ảnh bản thân này có thể tích cực, khiến một người tự tin vào suy nghĩ và hành động của mình; hoặc tiêu cực, khiến một người nghi ngờ về khả năng và tư tưởng của bản thân.
Trong tâm lý học, self-image (hình ảnh bản thân) nằm trong self-concept (khái niệm về bản thân.) Có ba khía cạnh của khái niệm về bản thân gồm: hình ảnh bản thân - lòng tự tôn/giá trị bản thân - bản thân lý tưởng.
Ứng dụng Loopsie giúp bạn trở thành nhân vật chính khả ái và ngây ngất lòng người trong khung cảnh anime nhưng cảm giác đó sẽ không lưu lại lâu như bạn tưởng. Cũng như những app “cà mặt", “trẻ hoá-già hoá," “hoàn đổi giới tính"... đều bắt đầu từ ý tưởng: con người muốn được nhìn nhận mình ở phiên bản/nhân dạng khác.
Bạn thấy mình đẹp hơn, khác biệt hơn, phiên bản tốt hơn thông qua… công nghệ AI thay vì chính sự nỗ lực của bản thân? Bạn dễ thỏa mãn và muốn được thấy mình với hình ảnh lý tưởng ngay lập tức thay vì tự mình bứt phá, chinh phục?
5. Khi nào“thú vui” AI hết vui?
AI phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Những “vụ nổ lớn” về AI phải kể đến Midjourney - trình tạo tranh, Chat GPT - tạo nội dung văn bản và AI làm nhạc (nổi tiếng với tài khoản Ghostwriter cùng bài hát Heart On My Sleeve mô phỏng phong cách âm nhạc và giọng hát của 2 nghệ sĩ Drake và The Weeknd gây tranh cãi gần đây.
AI xuất hiện ngày càng nhiều, khiến chính những giới khoa học phải cảnh báo, nghệ sĩ phản đối, nhân viên mất việc.
Cuộc đình công kép của hai nghiệp đoàn diễn viên và biên kịch Hollywood liệu còn quá xa xôi để chúng ta nghĩ đến cảnh việc làm và nghệ thuật đang bị đe doạ bởi AI tại Việt Nam? Công nghệ deepfake có lẽ hẳn còn quá xa lạ và chưa trở thành vấn nạn với chúng ta? Hay AI anxiety - nỗi lo âu về sự đe dọa của AI tới đời sống và vị thế của con người chưa thực sự tác động đến tôi và bạn?
Đôi khi những thứ ta làm chỉ vì vui (và nghĩ là vô hại) lại đang đe doạ trực tiếp tới công việc, tiền bạc, phẩm chất của nhiều khác. Và đôi khi, những thứ ta làm chỉ vì vui (và cho rằng là vô hại) lại đang làm tổn thương những nghệ sĩ đang cần mẫn làm việc và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật.
Và cũng đôi khi, ta làm chỉ vì vui (và nghĩ là vô hại) nhưng nó cũng đang tác động lại chính hình ảnh bản thân mà chúng ta luôn hướng đến trong thực tại này.