AI anxiety - Ta lo sợ AI hay chính mình? | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 06, 2023
Tâm Lý Học

AI anxiety - Ta lo sợ AI hay chính mình?

AI thực sự nguy hiểm, hay một phần do chúng ta quá sợ hãi nó?
AI anxiety - Ta lo sợ AI hay chính mình?

Nguồn: Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

Vào tháng 3 vừa qua. Công ty Goldman Sachs đã công bố rằng AI có thể thay thế tương đương 300 triệu việc làm toàn thời gian. Kết quả khảo sát với người lao động toàn cầu năm 2022 của PwC cũng cho thấy, một phần ba số người tham gia cho biết họ lo sợ bị công nghệ thay thế trong 3 năm tới.

Các tên tuổi lớn như Elon Musk, Stephen Hawking cũng từng cảnh báo về sự xâm chiếm của AI.

16jun2023elonpng
Nguồn: Twitter @elonmusk

Sự chú ý đổ dồn vào AI đã gây không ít xôn xao, thậm chí là lo sợ với con người. Nhưng đây không phải là lần đầu công nghệ khiến ta “đứng ngồi không yên”. Chúng ta đang sử dụng điện thoại, máy tính hàng ngày - những thứ từng là mối đe dọa khi mới xuất hiện. Vậy vì sao ta vẫn hoảng sợ khi AI xuất hiện?

AI anxiety là gì?

AI anxiety là thuật ngữ chỉ nỗi lo âu về sự đe dọa của AI tới đời sống và vị thế của con người. Theo chuyên gia nhân học Deborah Johnson, đây cơ bản là cảm giác mất quyền làm chủ của con người trước những thay đổi và bất định. AI anxiety thường đến từ trải nghiệm trực tiếp với AI hoặc qua báo chí/phim ảnh, và có thể chia thành một số nỗi lo cụ thể như:

Nỗi lo bị thay thế: Sự can thiệp của AI vào các lĩnh vực thủ công và sáng tạo được cho là “cướp đi” miếng cơm manh áo của người lao động. Đây không chỉ là nỗi lo về việc làm mà còn là sự hoài nghi về vị thế của con người, khi những câu chuyện mất việc vì bị AI thay thế xuất hiện ngày một nhiều trên truyền thông.

Nỗi lo về cách sử dụng: Nhiều người vẫn chưa có niềm tin hoàn toàn vào máy móc nên những lỗi sai của chúng là “cái gai trong mắt”. AI cũng có thể “tiếp tay” cho những thiên kiến làm lu mờ phán đoán của con người (chẳng hạn thiên kiến xác nhận, khi nó tìm kiếm các thông tin phục vụ cho niềm tin có sẵn của bạn) hoặc phục vụ cho những mục đích phá hoại, tiêu cực.

Nỗi lo “mù” kiến thức: Càng lớn tuổi, khả năng học hỏi và thích nghi cái mới của con người càng giảm xuống. Vì vậy, sự phát triển chóng mặt của AI làm một số người sợ bị “tụt” lại. Họ lo sợ bản thân thiếu hiểu biết và không đề phòng trước tiềm năng của công nghệ.

Nỗi lo về cấu hình AI: Cảm giác bị đe dọa và mâu thuẫn khi tiếp xúc với những AI mang đặc điểm ngoại hình, tư duy và cảm xúc y hệt con người. Trong tâm lý học, hiện tượng này còn gọi là uncanny valley. Nó xảy ra khi ranh giới giữa con người và robot trở nên quá mơ hồ, khiến não bộ ghi nhận là “vùng nguy hiểm”.

Nguồn gốc của AI anxiety

Một thuật ngữ tương tự là "AI-nxiety" (ghép từ AI và anxiety) được Day One Agency chơi chữ trong mục từ điển dự đoán năm 2023. Họ định nghĩa "AI-nxiety" là cảm giác không thoải mái khi AI thâm nhập vào lĩnh vực sáng tạo của con người. Chúng ta hoang mang vì không biết được những gì ta thấy được tạo ra bởi con người hay máy móc.

Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên con người cảm thấy bị đe dọa bởi máy móc. Nỗi sợ này thực tế đã tồn tại ở Anh từ thế kỷ 18, khi sự xuất hiện của khung cửi cơ khí khiến nhiều công nhân dệt may mất việc. Điều này đã khơi nguồn Luddites - một phong trào đập phá khung cửi và máy móc, cùng những làn sóng biểu tình phản đối công nghiệp hóa lan rộng khắp châu Âu.

Trước khi AI anxiety xuất hiện, những phiên bản sớm hơn của nó là tech anxiety (nỗi lo công nghệ) hay machine anxiety (nỗi lo máy móc) cũng đã được sử dụng phổ biến.

16jun2023intext2jpg
Liệu chúng ta có thể tìm cách “chung sống” hòa bình với AI?

Nguyên nhân dẫn đến AI Anxiety

Bộ não không ưa thay đổi

Não bộ chúng ta sợ thay đổi vì nó không an toàn. Khả năng khó lường của AI đe dọa đến đồng lương và tương lai của nhân loại, tạo nên nỗi sợ về sinh tồn. Điều này tương tự như việc tổ tiên ta thường dè chừng với hoa quả lạ hay các vùng đất mới để bảo vệ bản thân.

Đặc biệt, những khuyết điểm của AI càng là “cái cớ” cho bộ não từ chối nó. Chẳng hạn những thuật toán loại trừ người da màu được phát hiện ở công cụ sàng lọc hồ sơ của nhiều công ty bảo hiểm sức khỏe ở Mỹ.

AI là “kẻ xấu” trên truyền thông

Truyền thông liên tục đưa tin về ứng dụng của AI trong doanh nghiệp, hoặc những câu chuyện mất việc do AI. Đặc biệt khi những nội dung này được “cô đặc” thành clip ngắn gây nghiện trên mạng xã hội, nó dễ khiến bạn doomscroll (liên tục lướt các thông tin tiêu cực trên mạng).

Đặc biệt, trong làn sóng đại sa thải, sự trỗi dậy của ChatGPT càng “đổ thêm dầu vào lửa”. Con người thường bị đặt vào thế đối đầu với AI, và việc không ít doanh nghiệp cường điệu hóa công cụ này càng phóng đại nỗi sợ của bạn về nó.

Trên phim ảnh, AI cũng thường được miêu tả là kẻ thù “không đội trời chung” với nhân loại. Những bộ phim như Terminator, Westworld hay 2001: A Space Odyssey khắc họa AI với hình ảnh phản diện, hủy diệt. Chúng cũng gợi mở ra viễn cảnh tồi tệ nhất, khiến những khán giả vốn đã bi quan rơi vào vòng lặp suy nghĩ tiêu cực.

AI phóng chiếu tâm lý của con người

Theo trường phái tâm lý học Gestalt, con người thường quy cảm xúc, mong muốn hoặc ý định của chính mình cho người khác. Như vậy, nỗi sợ về sự thống trị của AI có thể được hiểu là sự phóng chiếu khát vọng quyền lực và cái tôi của con người. Chẳng hạn, những thiên kiến của AI sẽ phản ánh những ý niệm ăn sâu trong con người.

AI trở thành mối lo ngại vì nó giống ta hơn ta tưởng. Từ lịch sử tiến hóa, con người đã vô thức diễn giải ý định của thú săn mồi qua hệ quy chiếu tư duy và cảm xúc của mình. Cơ chế này tương tự như khi ta cố gắng kết nối với các thiết bị điện tử bằng cách nhân hóa chúng.

Làm thế nào để bớt lo khi “chung sống” với AI?

Trước sự phát triển nhanh chóng của AI, việc hình thành nỗi lo sợ với nó là hoàn toàn dễ hiểu. Dù vậy, chúng ta khó có thể thay đổi một xu thế phát triển tất yếu trong công nghệ. Do đó thay vì hướng sự chú ý vào điều ta khó kiểm soát được, nên tập trung vào những yếu tố bạn có thể kiểm soát để giảm bớt lo âu. Dưới đây là một số mẹo bạn có thể áp dụng:

Học từ ký ức: Bình tĩnh nhớ lại thời kỳ internet và smartphone mới phát triển và “xâm chiếm” thế giới. Bạn sẽ nhận ra mình đã thích nghi với chúng ra sao, từ đó áp dụng với AI.

16jun2023intext1jpg
Một khi nhớ lại cách thích nghi với internet và smartphone, bạn sẽ rút kinh nghiệm cho AI.

Tìm hiểu sâu hơn về AI: Một cách hữu hiệu để đối mặt với “kẻ địch” là tìm hiểu sâu hơn về nó. Việc này cũng giúp bạn tìm ra các cách biến AI thành công cụ phục vụ, hỗ trợ bạn hiệu quả trong cuộc sống và công việc thay vì sợ hãi.

“Nâng cấp” bản thân: Đây là cách giúp bạn luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thay đổi. Bạn có thể trau dồi thêm các kỹ năng mềm, hoặc học thêm một ngoại ngữ mới để tăng thêm cơ hội nghề nghiệp.

“Ngồi” với nỗi sợ: Những bài tập giúp bạn kiểm soát hơi thở và cảm xúc trong thiền, chánh niệm hay yoga khá hiệu quả khi bạn lo âu. Bạn cũng có thể ghi lại những suy nghĩ của mình ra giấy như một cách để “xả” chúng.

Ấn nút “pause” khi cần thiết: Bạn cân nhắc tạm ngưng đọc tin tức hoặc sử dụng mạng xã hội khi có quá nhiều thông tin tiêu cực. Việc này sẽ giúp bạn tạo khoảng nghỉ cần thiết cho não.