Studio Việt và câu chuyện tạo ra thước phim hoạt hình ấn tượng trong ‘How to Become a Cult Leader’ | Vietcetera
Billboard banner

Studio Việt và câu chuyện tạo ra thước phim hoạt hình ấn tượng trong ‘How to Become a Cult Leader’

DeeDee Animation - Studio “hàng real” đến từ Việt Nam, thực hiện toàn bộ phần hoạt hình cho một series trên Netflix. 
Studio Việt và câu chuyện tạo ra thước phim hoạt hình ấn tượng trong ‘How to Become a Cult Leader’

Nguồn: DeeDee Animation Studio

“Trong phạm vi công việc, mình đặt ra một chỉ tiêu là phải yêu nó trước đã.”
“Giống như mình cho các bạn một bể bơi; mọi người có thể thoải mái bơi ở trong đó.”
“Khi có một vấn đề gì đó xảy ra mình sẽ không đi vào công kích cá nhân, hay đổ lỗi mà cùng đi tìm phương án giải quyết.”
“Khách hàng của mình là Netflix và không thể ‘đùa’ được… Mình cứ 'bung' thôi; tự tin là mình sẽ làm được và làm hay hơn kỳ vọng của khách hàng.”
“Mình có thể làm được không? - Nếu câu trả lời là có thì làm thôi!”

Đó là một trong những chia sẻ của đội ngũ thực hiện phần hoạt hình của series How to Become a Cult Leader vừa ra mắt trên Netflix. Đặc biệt hơn, những nghệ sĩ tạo ra thước phim đẹp đẽ này thuộc DeeDee Animation - một studio "hàng real 100%" đến từ Việt Nam.

Trước khi trở thành studio Việt Nam đầu tiên thực hiện toàn bộ phần hoạt hình cho một series trên Netflix, DeeDee Animation từng làm việc với những đối tác lớn trong ngành của Nhật Bản, Mỹ (Shin-Ei Animation, Six Point Harness, TMS Entertainment...) Nhưng với How to Become a Cult Leader, họ đã không chỉ đơn thuần làm "gia công" hay minh hoạ cho nội dung mà còn làm nên thẩm mỹ của cả một series.

Nếu bạn muốn biết cách trở thành thủ lĩnh giáo phái, hãy xem How to Become a Cult Leader. Còn nếu bạn muốn biết câu chuyện tạo ra những thước phim hoạt hình xuất sắc của series này, hãy cùng Vietcetera lắng nghe câu chuyện từ những người làm ra nó.

Nguỵ Kiều Trinh - Producer

Quản lý sản xuất nội bộ và cầu nối với đối tác

alt
Kiều Trinh, producer của dự án How to Become a Cult Leader

Dự án bắt đầu bằng việc…

… Mình phải đặt ra và trả lời được hai câu hỏi: Có thể làm được hay không? Và có thể làm được trong thời gian cho phép? Cũng giống như mọi dự án khác, nếu câu trả lời là có thì ký hợp đồng và triển khai thôi.

Bên cạnh đó, dự án này cũng là lần đầu tiên bọn mình sử dụng kỹ thuật mới nên cần thời gian thử nghiệm. Trong khoảng thời gian chạy dự án nếu có vấn đề phát sinh, producer như mình phải chủ động tìm ra nguyên nhân và tìm phương án giải quyết dù vấn đề chủ quan hay khách quan, trên tinh thần minh bạch và tôn trọng đồng nghiệp.

Dự án chạy “mượt mà” là bởi…

… Kinh nghiệm từ các dự án khác mà bọn mình đã từng thực hiện. Mỗi dự án, mình sẽ có cách tính toán khối lượng công việc sao cho phù hợp. Nó có thể dựa trên thời lượng và khối lượng công việc (số hình vẽ, độ chi tiết của background (nền/bối cảnh,) độ phức tạp của chuyển động…)

Thường thì mình cùng với Chỉ đạo diễn hoạt (Animation Director) và Giám sát diễn hoạt (Animation Supervisor) và trưởng nhóm thực hiện background sẽ họp với nhau để kiểm tra thông tin đầu vào và thực hiện đánh giá.

Dự án này có lượng dữ liệu đầu vào tương đối nhiều và may mắn là đã có mùa phim trước đó làm căn cứ. Mình gần như biết trước sẽ phải làm gì khi nhận dự án. Vì thế mà bọn mình cũng dễ dàng thực hiện hơn.

Làm việc với đối tác (Six Point Harness, Mỹ) - một trong những khách hàng hiểu rõ điều họ muốn. Producer của đối tác cũng rất rõ ràng về yêu cầu sản phẩm và giao tiếp rất nhanh dù chênh lệch múi giờ. Ngoài ra, như mình chia sẻ trước đó, dù thử nghiệm cách làm mới và nảy sinh một số vấn đề nhưng mọi người đều có tinh thần tìm cách giải quyết.

Điều quan trọng nhất là…

… Sự đồng thuận giữa mình và những người mà mình giao việc. Trước khi muốn giao việc cho bất kỳ ai, bọn mình đều phải cùng nhau kiểm tra trước công việc đó và đồng thuận với nhau về khoảng thời gian thực hiện.

Trong khoảng thời gian làm việc nếu có phát sinh, mình phải tìm hiểu nguyên nhân và tìm hướng giải quyết. Thường thì producer như mình sẽ đưa ra phương án giải quyết nhưng luôn tôn trọng đồng nghiệp.

Đoàn Anh Kiệt - Animation Director

Chịu trách nhiệm về phần diễn hoạt của dự án

alt
Đoàn Anh Kiệt chịu trách nhiệm về phần diễn hoạt của dự án.

Dự án bắt đầu bằng việc…

… Mình sẽ chuẩn bị cho các thành viên một bộ dữ liệu để các bạn biết sẽ phải làm gì. Mình cũng là người kiểm tra chất lượng đầu ra của sản phẩm. Nó đã đạt chất lượng chưa? Có cần phải sửa sang gì không? - Đây là những câu hỏi bắt buộc phải trả lời.

Dự án chạy "mượt mà" là bởi…

… So với các dự án khác mà bên mình từng làm thì Netflix là đối tác khá thoải mái. Các bạn được diễn hoạt lại các "drama" và nhân vật có thật trong lịch sử, được thoả sức sáng tạo trong suốt cả dự án.

Khó là ở chỗ phải đoán ý của đối tác ngay từ đầu. Nhưng khi không phải đoán ý của khách hàng nữa thì mọi chuyện suôn sẻ hơn.

Với bọn mình, tập đầu tiên là khó nhất. Lúc đó mọi người chưa quen và cần tập luyện với phong cách này. Càng về cuối, khi đã quen với dự án thì mọi người được thoả sức sáng tạo. Mình chỉ cần giới hạn mọi người đừng quá sáng tạo mà thôi.

Cái quan trọng là nội dung của dự án này rất thú vị nên mọi người có cảm hứng để làm việc. Đấy cũng là một trong những lý do mình bắt nhịp với khách hàng khá nhanh và hiệu quả.

alt
Hình ảnh trong How to Become a Cult Leader do DeeDee Animation thực hiện.

Hào hứng là ở chỗ…

… Cứ có dự án mới là hào hứng cái đã và lần này không phải ngoại lệ. Nhưng hào hứng hơn cả nằm ở chỗ, khách hàng là Netflix. Mình nghe phong thanh đây là khách hàng khó tính nên khi thực hiện công việc, mình cũng muốn đo xem họ khó tính đến mức nào. Cũng mừng là sau khi kết thúc, hai bên đều rất vui vẻ.

Bọn mình chưa từng làm dự án nào có phong cách như How to Become a Cult Leader. Nó không phải là phim có phong cách mượt mà như cartoon hay các nhân vật xinh đẹp như trong anime. Về diễn hoạt, bộ phim không yêu cầu quá mượt mà nhưng phải đủ gây ấn tượng.

Mình cho các thành viên tham gia dự án một bể bơi; các bạn có thể thoải mái bơi ở trong đó. Mình chỉ kiểm soát để các bạn đừng làm văng nước ra ngoài là được. Điều hào hứng của mọi người khi tham gia dự án này, có lẽ là được bơi khá thoải mái.

Điều quan trọng nhất là…

… Sự ấn tượng mà phần hoạt hình mang lại cho khán giả. Khi xem, nó phải mang lại cảm giác, hình dung gì đó chứ không phải là những nhân vật tóc tai bồng bềnh, diễn hoạt mượt mà như các dự án khác mà team mình đã làm.

Bọn mình theo dõi phong cách hoạt hình của mùa phim đầu tiên và cố gắng khuếch đại lên một chút. Các nhân vật này đều có thật trong lịch sử; họ cũng có những "drama" nhất định. Cái mình mô tả lại là hình bóng của họ. Đó là những con rối được "diễn" lại. Mình đang đạo diễn các con rối là những nhân vật có thật trong lịch sử, xây dựng và kể lại dưới hình thức hoạt hình.

Hà Huy Hoàng - Animation Supervisor

Vẽ nhân vật, giám sát diễn hoạt

alt
Hà Huy Hoàng, "Thực ra bọn mình cũng không biết đối tác kỳ vọng như thế nào nên cứ 'bung' thôi."

Dự án bắt đầu bằng việc…

… Trao đổi với đối tác chính là Six Point Harness (Los Angeles, Mỹ) studio từng làm animation cho The Boys của Amazon. Họ cung cấp cho team mình khá nhiều dữ liệu như bối cảnh, nhân vật… nhưng họ không vẽ hết mà chừa ra nhiều thứ cho bọn mình sáng tạo.

Mình và Hiệp (Animator/Character Design) chia nhau vẽ lấp chỗ trống mà phía đối tác không thực hiện. Mình vẽ các keyframe, đoạn bắt đầu và kết thúc chuyển động của nhân vật. Các bạn sẽ sử dụng những hình ảnh đó để lấy cảm hứng và diễn hoạt. Mình cũng là người kiểm soát toàn bộ chất lượng đầu ra của dự án.

Thường thì trong phim hoạt hình vẽ truyền thống (vẽ từng frame) có thể xảy ra trường hợp nhân vật có thể bị khác đi từ cảnh này sang cảnh khác. Mình phải đảm bảo các nhân vật ở các cảnh khác nhau phải giống như là một.

Mình cũng là người trực tiếp vẽ nhân vật nên các bạn diễn hoạt sẽ không phải đoán, sửa lại vì cảm giác “sai sai.” Việc sai số sẽ không tốt về mặt tiến độ lẫn quy trình thực hiện.

Dự án chạy "mượt mà" là bởi…

… Đối tác không đưa ra quá nhiều luật buộc mình phải tuân theo. Họ cho mình khá nhiều không gian để sáng tạo. Lúc thực hiện những tập đầu tiên, bọn mình không biết khách hàng phản ứng thế nào nên chỉ bảo với nhau nắm rõ phong cách, rồi dựa vào để thực hiện.

Thực ra bọn mình cũng không biết đối tác kỳ vọng như thế nào nên cứ "bung" thôi. Lần đầu tiên gửi sản phẩm cho họ cũng khá hồi hộp. Nhưng khi xem xong, đối tác đã nói lời cảm ơn vì không nghĩ rằng sản phẩm chất lượng đến thế.

Hoạt hình chỉ là một phần trong series này nhưng mình đã xem tất cả phần dựng phim và quyết định sẽ phải làm thật hay, thật ấn tượng, không thể nào qua loa được. Một phần nữa là mình cũng bị áp lực từ đầu, bởi khách hàng ở Mỹ, là Netflix và không thể "đùa" được. Mình phải cho họ thấy là mình làm được hơn điều họ kỳ vọng.

alt
Hình ảnh thủ lĩnh giáo phái Charles Manson trong How to Become a Cult Leader của Netflix.

Hào hứng là ở chỗ…

… Chính những nhân vật mà mình đã để ý và quan tâm, cũng như văn hoá Mỹ trong series này. Đặc biệt, nhân vật Charles Manson vô cùng thú vị. Phim của đạo diễn Quentin Tarantino (Once Upon a Time in Hollywood) cũng có nhắc đến vụ giết người của giáo phái do Charles Manson lãnh đạo.

Làm việc với Netflix cũng là một điều thú vị khác. Mình có nhiều bạn bè bên Mỹ từng làm việc với Netflix và họ phản hồi rằng, đây là một khách hàng khó tính. Dù vậy, bù lại sẽ là một sản phẩm khiến mình cảm thấy thoả mãn, tự hào.

Thực ra Netflix không quá khắt khe về mặt kỹ thuật mà họ chỉ khó tính về mặt sản phẩm đầu ra. Tác phẩm có thực sự đáp ứng được chất lượng, tròn trịa và chỉn chu hay không? Mình không thấy dự án này có gì khó chịu cả. Đây là một sản phẩm mà toàn bộ quy trình thực hiện đều vui vẻ, mượt mà và gần như không để lại một ấn tượng xấu nào hết.

Điều quan trọng nhất là…

… Đối với mình đó là yếu tố con người, khác với AI (Trí tuệ nhân tạo.) Với AI thì mình chỉ cần đưa prompt (câu lệnh/dữ liệu đầu vào) rồi AI sẽ đưa ra sản phẩm hình ảnh. Là một hoạ sĩ, mình sẽ phải ngồi sửa hình ảnh đó; còn với một người dùng phổ thông, họ có thể sử dụng luôn. Vì thế, AI gần như sẽ không có sự con người, không có sự độc lập, trừu tượng và đặc trưng của bộ não con người.

Lúc vẽ, mình không thể nghĩ trước nhân vật sẽ chuyển động như thế nào? Mặc dù đã được mô tả trước nhưng khi các animator thực hiện, đó là sự sáng tạo của riêng các bạn. Mỗi người đều có một kỹ thuật cũng như phong cách khác nhau trong cách làm việc.

Thực sự là mình rất cảm động vì sự cố gắng của bản thân và đội ngũ trong suốt mấy năm thành lập công ty, khi mới chỉ có 3-4 người. Bây giờ đã nhiều người hơn và làm ra được một sản phẩm lên Netflix và "có credit." Đấy là một cảm giác khó tả bởi từ bé mình đã ước mơ và tưởng tượng về điều này. Khi nó xảy ra thực sự thì… sướng lắm.

Tất nhiên, mình sẽ còn làm nhiều thứ hơn thế nữa nhưng đây là bước đầu tiên và rất quan trọng. Nó cũng chứng minh rằng bọn mình đang đi đúng hướng.

Nguyễn Thanh Hiệp - Animator/Character Design

Vẽ nhân vật, diễn hoạt

alt
"Sau sản phẩm này mình sẽ có 'name' (tên tuổi) ở trên một nền tảng phổ biến." Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ.

Dự án bắt đầu bằng việc…

… Mình phải nghiên cứu kỹ các thông tin nền như bối cảnh, trang phục, phong cách… Mình phải tham khảo và đưa vào để vẽ những nhân vật (dù không có trong đề bài của khách hàng) nhưng vẫn khớp và đúng với bối cảnh mà câu chuyện đang được kể lại.

Mình không mất quá lâu để nghiên cứu và tiến hành vẽ vì những nhân vật mình đảm nhận đều là phụ. Dù vậy khi khán giả tạm dừng bộ phim và "soi" vào những nhân vật này, họ vẫn nhìn thấy được nó phản ánh đúng thời đại và phong cách.

Dự án chạy "mượt mà" là bởi…

… Bọn mình hào hứng làm việc lắm và không có khó khăn gì đáng kể. Team luôn xác định rõ tinh thần khi làm việc chính là giải quyết vấn đề. Tức là khi có một điều gì đó xảy ra mình sẽ không đi vào công kích cá nhân, hay đổ lỗi mà tìm giải pháp xử lý.

Hào hứng là ở chỗ…

… Đây là dự án đầu tiên mà bọn mình có một sản phẩm trên Netflix. Không chỉ riêng mình mà các thành viên khác đều cảm thấy hào hứng. Sau sản phẩm này mình sẽ có "name" (tên tuổi) trên một nền tảng phổ biến.

Về tính chất sản phẩm, mình cũng đã làm ở nhiều dự án khác nhau. Khác biệt lớn nhất chính là ở đối tác. Bên cạnh đó, nội dung của series này cũng rất hay và thú vị từ mùa đầu tiên. Cá nhân mình luôn có những tò mò về nội dung như vậy. Trong lúc làm, mình cũng được tìm hiểu những thông tin và câu chuyện đấy luôn.

Điều quan trọng nhất là…

… Nếu lấy mùa đầu tiên làm tiêu chuẩn chất lượng thì mình sẽ phải làm tốt hơn thế nữa. Về góc độ chuyên môn, có những chi tiết mình muốn làm tốt hơn nữa. Khán giả đại chúng có thể không để ý đến những lỗi nhỏ nhưng với một người thực hiện, bọn mình phải để ý đến và giải quyết tất cả.

Cao Minh Thu - Animator

Diễn hoạt

alt
"Công việc mà... làm thôi."

Dự án bắt đầu bằng việc…

… Trao đổi với Animation Director và đưa ra phương án diễn hoạt các nhân vật một cách phù hợp nhất. Mỗi người có cách diễn hoạt riêng nhưng về cơ bản sẽ có một dàn ý chung. Bọn mình nắm tinh thần của tập phim và tạo ra sản phẩm tốt nhất, phản ánh đúng tinh thần của tập phim đó.

Dự án chạy "mượt mà" là bởi…

… Mình hay tìm hiểu nhân vật. Thú vị là với riêng series này, mỗi tập lại là một câu chuyện và nhân vật mới. Trước khi làm tập đấy mình sẽ phải tìm hiểu kỹ để khi diễn hoạt có thể biểu lộ cảm xúc nhân vật đúng hơn.

Bản thân mình thực hiện chính tập phim về thủ lĩnh giáo phái Jim Jones, khá ám ảnh bởi rất nhiều người chết (khoảng 900 tín đồ.) Ví dụ như phân đoạn các tín đồ được đưa đến một địa điểm và sau đó là cái chết.

Mình phải tìm hiểu câu chuyện, cảm xúc của những người đưa vào "khu tập trung" đấy. Mình đồng thời cũng phải đặt ra những câu hỏi: Tại sao lại như vậy? Càng đặt ra nhiều câu hỏi, càng có thêm cách để diễn hoạt biểu cảm nhân vật, không chỉ thích hợp mà còn sinh động nhất có thể.

Điều quan trọng nhất là…

… Mình khá là kỹ tính nên sẽ làm kỹ hơn một số phân cảnh nhưng vẫn theo đuổi tiêu chuẩn chung mà công ty đề ra. Riêng mình sẽ chăm chút về mặt hình ảnh và phần màu sắc. Mỗi tập sẽ có một tông màu riêng, mình sẽ kiểm tra tông màu đúng với tập ấy.

Dự án này cũng khá lâu; Từ lúc đấy đến nay kỹ năng của mình cũng đã lên nhiều rồi. Khi xem lại những sản phẩm cũ thì mình vẫn có suy nghĩ sẽ làm tốt hơn.

Nguyễn Thu Giang - Background Team Leader

Kiểm tra dữ liệu đầu vào về background, vẽ và kiểm soát chất lượng background

alt
Mục tiêu của Nguyễn Thu Giang khi làm hoạt hình là... phải yêu trước đã.

Dự án bắt đầu bằng việc…

… Nhận dự án và thực hiện cùng với khoảng 7, 8 thành viên khác. Mỗi người sẽ phụ trách 1, 2 bối cảnh riêng nhưng có những bối cảnh phải làm việc với nhau nên ít nhiều gặp phải sai sót. Mình là người kiểm soát "độ sai" đó. Đấy cũng là một bể bơi như anh Kiệt đã nói ở trên nhưng nhỏ hơn.

Mình khá kỹ tính trong khi làm việc. Nếu bình hoa có 3 bông thì nhất định chỉ có 3 bông hoa, không được nhiều hay ít hơn. Mình cũng hơi OCD nên sẽ đếm số lượng từng cánh hoa trong một bông hoa nếu nó xuất hiện trong bối cảnh đang thực hiện.

Mình làm càng chuẩn chỉnh thì khách hàng sẽ càng ít cơ hội "sửa lưng." Thường thì họ cũng chỉ phản hồi một lần là thôi.

Dự án chạy "mượt mà" là bởi…

… Ngoài kinh nghiệm cá nhân thì bắt buộc phải đoán ý của khách hàng cũng như dựa trên dữ liệu mà họ cung cấp. Ví dụ như tập về thủ lĩnh Charles Manson, họ gửi khá nhiều dữ liệu. Tập đó bọn mình chủ yếu quan sát và vẽ background rất ít.

Càng về sau, lượng dữ liệu gửi đến càng ít nhưng mình đã tự tin để thực hiện. Khi được vẽ nhiều lên nghĩa là "thời tới" và bọn mình càng có thử thách để sáng tạo; là cơ hội để bọn mình tìm kiếm và trang trí bối cảnh sẽ thực hiện. Bọn mình cũng không ngại trao đổi hay hỏi đối tác vì nó sẽ giúp cho sản phẩm hoàn thiện.

Mỗi tập bọn mình có khoảng 160 -170 cảnh phải vẽ. Những tập đầu tiên, bọn mình phải mất 10 ngày đến 2 tuần để thực hiện. Sau khi đã quen với dự án, thời gian có thể rút xuống khoảng 1 tuần.

alt
Một cảnh phim hoạt hình trong How to Become a Cult Leader.

Hào hứng là ở chỗ…

… Mình thích làm phim series. Cứ làm phim series là mình lại có một khoảng thời gian khá dài để làm quen, để hiểu và yêu nó. Mình đặc biệt thích khoảng thời gian này. Hào hứng bởi Netflix hay đối tác lớn là thứ đến sau đó.

Phần lớn các dự án khác bọn mình từng thực hiện đều là các nhân vật không có thật. Vì thế mình phải bịa ra khá nhiều về bối cảnh, nhân vật. Series How to Become a Cult Leader nói về những nhân vật có thật nên bọn mình phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng về bối cảnh diễn ra.

Mình phải tìm hiểu rất kỹ từ một chiếc xe hơi, một chiếc điện thoại hay cả trang phục vì nó sẽ ảnh hưởng đến cả bối cảnh nền sẽ vẽ sau đó.

Điều quan trọng nhất là…

… Bọn mình có thể cùng nhau thực hiện dự án này. Vì chỉ biết khoảng 1/3 câu chuyện hay nhân vật trong cả series nên khi đọc kịch bản, đó là một bầu trời mới đối với mình. Điều này khiến mình cảm thấy cực kỳ hứng thú.

Mình sợ xem sản phẩm lúc chưa phát hành nhưng lại hạnh phúc khi phim đã được trình chiếu. Dù sản phẩm này đã được thực hiện trước đó khá lâu, bọn mình đã quên đi một vài chi tiết nhưng khi cùng ngồi xem đã khiến bọn mình nhớ lại những kỷ niệm về quá trình thực hiện.

Mình cũng từng làm những dự án với các đối tác Nhật Bản và họ cũng có những câu chuyện và nhân vật thú vị tương tự. Đấy là điều khiến mình yêu dự án này. Chỉ cần đấy là cái mình thích thì mình sẽ làm được. Trong phạm vi công việc, mình đặt ra một chỉ tiêu là phải yêu nó trước đã.