“Một nghệ sĩ hiếm hoi, lặng thầm làm nghệ thuật như đang thở” là lời của giám tuyển, nghệ sĩ thị giác Trần Lương dành cho Nguyễn Thị Thanh Mai, người vừa có vinh hạnh nhận Giải thưởng Nghệ sĩ Xuất sắc (Artist Excellence Award) năm đầu tiên trong buổi họp báo và trao giải trực tuyến diễn ra vào ngày 12/08 vừa qua.
Giải thưởng lưỡng niên này là nỗ lực của The Factory và các nhà tài trợ ROH Projects (Jakarta), Chu Foundation (Hong Kong), đơn vị hỗ trợ Nguyen Art Foundation, nhà đồng tổ chức APD - Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật, trong việc vinh danh các nghệ sĩ có thực hành sáng tạo không chỉ giới hạn nơi xưởng làm việc, mà còn đóng góp cho cộng đồng địa phương và bối cảnh xã hội.
Năm nay, hội đồng nghệ thuật của giải thưởng gồm các thành viên: Roger Nelson (Sử gia nghệ thuật, Giám tuyển, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore), Arlette Quỳnh Anh Trần (Giám tuyển, Giám đốc Bộ sưu tập Post Vidai), Zoe Butt (Giám đốc Nghệ thuật, The Factory), Tom Tandio (Giám đốc, Hội chợ Nghệ thuật Art Jakarta), Trần Lương (Giám tuyển, Nghệ sĩ, Giám đốc sáng lập APD – Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật).
Trong số 8 nghệ sĩ xuất sắc được đề cử (Tuấn Mami, Mai Nguyên Anh, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Huy An, Vũ Ngọc Đức, Trần Tuấn, Lương Trịnh), Nguyễn Thị Thanh Mai là cái tên gây rung cảm và ấn tượng nhất đối với các giám khảo bởi trách nhiệm xã hội của cô cũng như mối liên kết về mặt cảm xúc với những cộng đồng cô từng làm việc cùng.
Một trong số rất nhiều lý do mà Thanh Mai được chọn, theo lời của nhà sử học nghệ thuật, giám tuyển, TS. Roger Nelson, là việc các tác phẩm của Thanh Mai đã giúp lan tỏa câu chuyện của nhiều cộng đồng yếm thế trong xã hội đương thời, từ phụ nữ và trẻ em, người lính, đến những di dân không quốc tịch… Thông qua đó, ta có dịp nhìn thấy họ dưới một ánh sáng mới, ánh sáng nhen nhóm thay đổi trong tương lai.
Cùng với khả năng làm việc trên đa chất liệu, mối quan tâm về cộng đồng đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình đóng góp không ngừng nghỉ cho nghệ thuật của Thanh Mai trong suốt nhiều năm qua. Một lần nữa, hãy cùng chúng tôi tái khám phá hành trình ấy, qua những chiêm nghiệm đầy tính phản tư của chị trong cuộc phỏng vấn dưới đây.
Thực hiện nhiều dự án nghệ thuật liên quan tới các cộng đồng khác nhau, đến nay, có dự án nào khiến chị vẫn day dứt, muốn đi tiếp với nó không?
Đó là cộng đồng gốc Việt ở Tonle Sap, Campuchia. Lịch sử của họ rất đặc biệt, đương đầu với chiến tranh, diệt chủng, bị trục xuất, bị kỳ thị, không giấy tờ, thất học, nghèo đói, trôi nổi… nhưng họ vẫn bền bỉ sống và hy vọng vào những thay đổi của tương lai. Mình cũng muốn được nhìn thấy sự thay đổi đó.
Đầu năm 2014, mình có dịp lưu trú ở Sa Sa Art Project, có trụ sở ở White Building, Phnom Penh. Từ một bài báo về một làng chài nổi nơi có các em bé gốc Việt sống và học tập, mình đã tìm đến thăm. Chuyến đi đó đã cho mình cơ hội được nghe nhiều câu chuyện từ những người già kể lại. Những câu chuyện đó đã cho mình niềm cảm hứng để đi sâu hơn cùng với cộng đồng này.
Từ năm ấy trở đi, mình thường xuyên sang thăm cộng đồng người gốc Việt làm nghề chài lưới ở đây. Họ là những cụm gia đình, sống nương tựa nhau để giúp nhau kéo thuyền, kéo lưới và luôn luôn phải di chuyển. Mỗi lần sang đó là mình thấy những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên, thấy số phận của họ chuyển động - không biết sẽ đi về đâu.
Không nhất thiết để làm tác phẩm, mình chỉ muốn tiếp tục theo dõi họ. Mình thấy nhiều thay đổi diễn ra ở đó, và mình muốn biết là chúng sẽ dẫn họ đi đến đâu.
Đâu là thứ “chất đốt” cho hành trình làm nghệ thuật bền bỉ của chị?
Thực hành nghệ thuật với các cộng đồng khác nhau cho mình cơ hội tiếp cận với con người, để thấu hiểu và suy tư, từ đó nhận thức về bản thân trong một khung cảnh thời đại rộng lớn hơn.
Mình nhớ trong một dịp lưu trú ở Hàn Quốc, thông qua một trang Facebook của cộng đồng gốc Việt, mình đã tìm đến một làng quê phía Đông Bắc nơi mình được nhận vào làm việc cùng với những người lao động bất hợp pháp khác đến từ Việt Nam và Thái Lan. Công việc của bọn mình là thu hoạch và xử lý ớt, táo, các loại đậu, sâm… Cứ trang trại nào gọi thì ông chủ lại đưa bọn mình đến đó.
Ngày đầu tiên làm việc, đến giữa buổi, một người đàn ông lạ lái xe đến đưa mình và một chị nữa đi. Con đường dài xa lạ, toàn núi đá, không nhà cửa. Bọn mình thì không biết là đang đi đâu, và không biết nên hỏi gì, nói gì, vì có biết tiếng đâu. Trong đầu mình đã nghĩ đến nhiều câu chuyện về người lao động bị lạm dụng mà mình từng đọc.
Giây phút đó, một nỗi sợ vô hình đè chặt trong lòng, cho đến khi lại thấy phố xá, nhà cửa, và ông chủ kia đưa cho bịch sữa và cái bánh ngọt để ăn. Trải nghiệm này cho mình thấy người lao động phải đối mặt với các nguy cơ và rủi ro như thế nào khi rơi vào tình thế bị động và yếu thế.
Cảm giác thức dậy từ 4 giờ sáng, mọi người đứng xung quanh một cái giếng đánh răng, trời thì lạnh. Chân mình đau đến mức như nứt toác ra vì cóng...
Nên với mình, đích đến của mỗi nghệ sĩ trong việc sáng tạo, không phải kết quả, mà là trải nghiệm. Trải nghiệm được ra khỏi thế giới quen thuộc, được gặp gỡ những mảnh đời khác nhau. Điều đó giúp mình hiểu hơn về sự đa tầng của xã hội này.
Có lúc nào chị muốn dừng lại?
Có chứ! Cảm giác đó xảy ra nhiều. Vì trong tất cả các thứ, làm việc với con người là khó nhất. Vì con người phức tạp. Nhất là khi làm việc với cộng đồng, mình sẽ đối diện với rất nhiều vấn đề từ việc mình là người ngoài. Mình bị một sức nặng, đó là chỉ có thể quan sát, chứ không thể tham dự.
Mình nhìn thấy những bất công xảy ra nhưng mình phải chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Mình không có quyền nói thay, dù muốn thì mình cũng không thay đổi, tác động gì được. Và mình phải biết một sự thật là mình và họ quá khác nhau.
Đó là thách thức vô cùng lớn cho người nghệ sĩ, vì đôi khi mình sẽ cảm thấy bất lực, cảm thấy nghệ sĩ là một người vô cùng vô dụng. Và nhiều lúc mình còn đặt câu hỏi là liệu mình có đang giúp ích gì cho đời sống không? Hay mình đang tự huyễn hoặc?
Khi mình bắt đầu công việc này, mình đã rất tin là mình có thể giúp đem tiếng nói của những cộng đồng yếm thế ra bên ngoài. Đó cũng là động lực của mình. Nhưng khi làm nhiều, đã có những lúc mình hoài nghi.
Những lúc đó, điều gì kéo chị lại?
Có những khoảnh khắc rất nhỏ. Như năm 2010, khi mình làm phim ngắn ‘Ngày qua ngày’, rồi mình đem chiếu cho gia đình sống ở Campuchia ấy xem. Lúc đó, cả gia đình họ xúm lại xem, bàn luận sôi nổi, cười vui. Cả trẻ con và người lớn đều thích. Họ bàn nhiều hơn về việc thấy chính mình, thấy nhau ở trong phim. Họ thấy phấn khích vì điều đó.
Nhưng cách đây 2 năm, khi mình sang thăm họ và chiếu cho họ xem lại phim đó, thì ở thời điểm đó, những đứa trẻ đã mỗi đứa đi một hướng rồi. Những người trong làng thì biết rồi họ sẽ phải lên bờ. Lúc này, họ xem phim, và họ nhận ra những thay đổi ấy. Thay đổi bên trong lẫn bên ngoài. Họ thấy sợ, buồn. Lúc đó, mình và họ bắt đầu cảm nhận được nhau.
Nên việc hiểu về con người, học về con người, là động lực để mình đi tiếp.
Theo chị, vì sao việc đưa tác phẩm ra công chúng quan trọng?
Trong chuỗi thực hành của mình, có những giai đoạn mình rơi vào bế tắc. Cảm giác như đi loanh quanh trong một cánh rừng, không biết đâu là điểm bắt đầu, đâu là điểm kết thúc. Những lúc đó, việc gặp gỡ một ai đó: một giám tuyển, một nghệ sĩ, một người bạn, một người lạ - có thể cho mình một điểm sáng để dẫn lối, hoặc đơn giản là chỉ để thấy mình không cô độc.
Nên việc đưa tác phẩm ra công chúng là lúc bạn đang tạo ra một không gian để mở rộng các đối thoại, nhờ đó, nghệ sĩ có cơ hội được nghe các phản hồi và thảo luận.
Trong triển lãm ‘Ngày qua ngày’ ở Sa Sa Bassac, Phnom Penh, có nhiều khán giả trẻ đến xem triển lãm và đặt rất nhiều câu hỏi thú vị. Điều đó cho thấy họ rất quan tâm đến bối cảnh chính trị, xã hội, văn hoá, nghệ thuật ở địa phương mình.
Một số khán giả đã chia sẻ là họ biết đến cộng đồng Việt Nam như một cộng đồng lớn mạnh ở Campuchia, còn cộng đồng gốc Việt ở Tonle Sap, trong triển lãm này, họ không hề biết, dù sống không xa nơi ở của họ. Điều này cho mình một niềm phấn khích rằng dự án của mình đang đưa câu chuyện và tiếng nói của cộng đồng gốc Việt đó đi xa hơn.
Chị định nghĩa như thế nào là một nghệ sĩ?
Mình nghĩ thật khó để đưa ra một định nghĩa chính xác.
Ở thời kỳ đầu, mình thực sự đã không nghĩ rằng mình sẽ có thể là một nghệ sĩ. Vì thời điểm đó mình chả có gì trong tay cả, không có tiền để làm tác phẩm, không ai biết mình, không có lời mời triển lãm, không biết cách tìm các nguồn hỗ trợ, cũng không biết cách viết hồ sơ nữa. Và mình lại còn ở một thành phố nhỏ (Huế) nơi không có nhiều gallery và triển lãm để xem, để học.
Nhưng mình may mắn được kế thừa một nền tảng từ những người đi trước. Đó là các nỗ lực xây dựng một cộng đồng nghệ thuật đương đại từ New Space Art Foundation của Le Brother, Open Academy của Nhóm nghệ sĩ Veronika, Minh Thành, Minh Phước, Saigon Open City, Sàn Art Laboratory… Những thực hành đó, những cuộc gặp gỡ, trao đổi, thảo luận với bạn bè nghệ sĩ và người đi trước đã giúp mình học và lớn dần lên.
Khó để đưa ra một định nghĩa chính xác như thế nào là một nghệ sĩ, còn vì mỗi người sẽ có một cách định nghĩa, một con đường đi riêng biệt, khác nhau. Nhưng để trở thành nghệ sĩ, để có cơ hội tiếp cận công chúng, cơ hội mang thực hành của mình đến với người xem, được đi xa hơn, học nhiều hơn, thì cần rất nhiều may mắn, chia sẻ, và hỗ trợ từ cộng đồng để tạo dựng được một lớp nghệ sĩ tiếp theo.
Xin cảm ơn những cống hiến của chị, và chúc mừng chị - Nghệ sĩ Xuất sắc năm nay!
Bên cạnh sự công nhận từ cộng đồng nghệ thuật, để động viên nghệ sĩ một cách thiết thực, Artist Excellence Award 2021 bao gồm phần thưởng hiện kim (160.000.000 VNĐ - hỗ trợ nghệ sĩ thực hiện tác phẩm mới) và một triển lãm cá nhân tại The Factory vào năm 2022. Triển lãm sau đó sẽ được trưng bày một lần nữa tại APD - Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật vào năm 2023.
Để tìm hiểu về Artist Excellence Award, mời bạn xem thêm tại đây.