Thanh Mai: Nghệ thuật để đặt câu hỏi và khám phá thế giới | Vietcetera
Billboard banner

Thanh Mai: Nghệ thuật để đặt câu hỏi và khám phá thế giới

Thanh Mai khám phá các quan hệ phức tạp giữa cá nhân và xã hội, cũng như quan niệm của con người về những miền giả tưởng trong sự tồn tại của chính mình.

Thanh Mai: Nghệ thuật để đặt câu hỏi và khám phá thế giới

Tác phẩm cá nhân "Không tên" | Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Mai

Nguyễn Thị Thanh Mai sinh năm 1983 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Huế năm 2006 và hoàn thành chương trình Thạc sĩ, chuyên ngành Nghệ thuật Thị giác tại Đại Học Mahasarakham, Thái Lan năm 2012. 

Thanh Mai thử nghiệm và sáng tác trên nhiều chất liệu, bao gồm cả nhiếp ảnh và video. Các tác phẩm ở thời kì đầu của cô tập trung khám phá những vấn đề về trải nghiệm của phụ nữ trong bối cảnh xã hội châu Á.

Chân dung nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai

Gần đây, thực hành của Mai mở rộng ra các vấn đề liên quan đến căn tính cá nhân và tập thể, liên quan đến trải nghiệm của di dân. 

Cô khám phá các quan hệ phức tạp giữa cá nhân và xã hội, cũng như quan niệm của con người về những miền giả tưởng trong sự tồn tại của chính mình.

Nghệ thuật ngoài việc là công cụ giúp bạn quan sát và truy vấn bản thân, nó còn có ý nghĩa nào nữa không?

Nó cho tôi cơ hội mở rộng thế giới quan của mình, đặt câu hỏi và khám phá cái thế giới xung quanh đó.

Tác phẩm "Thẻ căn cước" - 2014 | Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Mai

Những đối thoại về chiến tranh trong các tác phẩm của bạn luôn rất rõ ràng, bạn đã dấn thân và trải nghiệm như nào để có được tiếng nói đó?

Một người bạn của bố tôi đã kể về trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị. Khi kết thúc, ông nói: “Cháu mua con cá về làm, xong cắt ra thành 3 khúc rồi nhìn xem. Nước trong chậu đỏ như thế nào thì nước sông Thạch Hãn năm ấy đã đỏ như vậy”. Tôi không lớn lên trong chiến tranh, nhưng một chậu nước cá đỏ và tanh như thế nào thì tôi biết.

Chiến tranh không phải là chủ đề bao trùm các tác phẩm của tôi, nhưng nó là một điểm để tôi lật giở ngược lại lịch sử và hiểu hơn về thế hệ của bố mẹ và những người xung quanh mình.

Tác phẩm "Chiến trường xưa" - 2018 | Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Mai - Commission by Australia War Memorial

Bạn đã theo đuổi rất nhiều dự án sáng tác trong nhiều năm trời, và làm việc với những cộng đồng khác nhau. Vậy bạn nghĩ gì về sự cam kết lâu dài khi làm các dự án nghệ thuật?

Cam kết lâu dài đòi hỏi thời gian và sự nhẫn nại, nên đôi khi, nó sẽ làm mất đi sự háo hức, và những cảm xúc tươi mới ban đầu. Ngoài ra sự cách trở về địa lý, văn hoá, sự kết nối và một số yếu tố khác cũng là những thử thách cho tính cam kết lâu dài mà bạn nhắc tới. Tôi không giữ được sự cam kết và lâu dài với các cộng đồng nhiều như bạn tưởng. Nó là một thách thức vô cùng lớn. 

Nhưng hiện tại tôi còn giữ được kết nối với 1 cộng đồng nhỏ. Tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về lịch sử đầy biến động và di dời của họ, và cả những thay đổi, khó khăn của tình trạng hiện tại. Chính sự gắn kết lâu dài này giúp tôi có cái nhìn và hiểu sâu rộng hơn.

Tác phẩm "Bên ngoài" - 2012 | Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Mai

Một kỉ niệm đáng nhớ nhất của bạn trong những cuộc gặp gỡ và lang thang theo người di dân?

Một chú cựu chiến binh chiến trường K đã dẫn tôi đi đến nhiều nơi ở Pursat, gặp  đồng đội cũ để nghe các câu chuyện của họ. Nhưng chú thì không bao giờ kể gì về mình. Một lần tôi hỏi thì chú nói: “Chú không kể được những chuyện về mình, nhắc đến là chú khóc mất”

Tác phẩm "Thế hệ của chiến thắng #3" - 2020 | Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Mai

Chủ đề trong những tác phẩm của bạn không phải mới nhưng cũng không phải là dễ, làm cách nào để bạn tìm được màu sắc cá nhân của riêng mình?

Tôi không nghĩ mình là người có màu sắc cá nhân 

Tác phẩm "Vết tích" - 2012 | Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Mai

Bạn có thể chia sẻ về dự án hoặc các ý định bạn ấp ủ trong thời gian tới?

Tôi cũng đang mày mò vài thứ. Một trong số đó là tác phẩm cho Dự án Bờ Thành dự kiến sẽ diễn ra tại Huế vào năm nay. Bờ Thành là dự án nghệ thuật cộng đồng bao gồm các tác phẩm nghệ thuật thị giác được trưng bày site-specific (tương tác với không gian) ngay trên chính bờ thành, Kinh thành Huế. Dự án có sự tham gia của 13 nghệ sỹ đến từ nhiều vùng miền khác nhau tại Việt Nam.

Năm 2019, thành phố Thừa Thiên Huế khởi động đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế”. Đề án thực hiện trong 6 năm, từ 2019 đến 2025, di dời trên 4000 hộ gia đình ra khỏi khu vực bờ thành để bảo vệ toà thành cổ này. Mục tiêu của Dự án Bờ Thành là thông qua nghệ thuật mở ra các đối thoại về quy hoạch, di sản, lịch sử, văn hoá, kí ức mà con người là một phần gắn liền trong đó. Di tích lịch sử/quang cảnh đổ nát/dấu vết của cuộc sống cũ/câu chuyện về di dời/lịch sử truyền miệng…tất cả trở thành chất liệu cho các thực hành và đối thoại xảy ra trong sự kiện này.

Nguyễn Thị Thanh Mai ở Mở xưởng tại Trung tâm Văn hoá Châu Á (ACC), 2018

Một lời khuyên sự nghiệp tệ nhất bạn từng nghe là gì?

“Hãy dừng lại”. Đó là câu nói trong đầu tôi, vào những lúc tệ nhất.

Tác phẩm cá nhân "Không tên" 2011 | Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Mai - Mở xưởng tại Trung tâm Văn hoá Châu Á (ACC) Gwangju, 2018

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory là không gian đầu tiên tại Việt Nam có chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Mang mô hình như một doanh nghiệp xã hội, The Factory tập trung vào các hoạt động văn hoá liên ngành nhằm giới thiệu và nâng cao kiến thức về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Địa chỉ: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin liên hệ: art@factoryartscentre.com | +84 (0)28 3744 2589