Nhiếp ảnh gia Đức Vũ: Thực hành liên tục để tạo cảm xúc | Vietcetera
Billboard banner

Nhiếp ảnh gia Đức Vũ: Thực hành liên tục để tạo cảm xúc

"Cảm xúc không phải là thứ chính chi phối và quyết định sự sáng tạo của mình."
Nhiếp ảnh gia Đức Vũ: Thực hành liên tục để tạo cảm xúc

Tác phẩm tiêu biểu: Ảnh trong dự án "Poster"

The Factory x Vietcetera

Vũ Ngọc Đức, hay Đức Vũ, sinh ra và lớn lên ở Huế, hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Anh là nhiếp ảnh gia phóng sự mang trong mình phông nền của lĩnh vực kiến trúc. Anh thường chụp con người, đô thị, sự đô thị hoá và di sản.

Các ảnh phóng sự thể thao, văn hóa và đời sống của anh cũng đã từng xuất hiện trên tuần báo giấy Tuổi Trẻ Chủ Nhật, báo điện tử VietnamNet và VnExpress.

vungocduc1
Nhiếp ảnh gia Vũ Ngọc Đức khi đang tác nghiệp. | Nguồn: Cương Trần

Với các tác phẩm đơn lẻ, Vũ Ngọc Đức lao vào các từng khung hình theo một cách rất riêng. Anh tiếp cận và bấm máy rất nhanh, nhằm giúp nhân vật trông tự nhiên nhất. Đôi lúc, người ta còn hiểu nhầm anh là… móc túi. Nhưng anh luôn dừng lại trò chuyện, giải thích và cho họ xem ảnh.

Với các bộ ảnh hay dự án ảnh tư liệu dài, anh lại từ tốn và nhẹ nhàng tiếp cận nhân vật để tạo sự thân thuộc. Dần dà, họ thoải mái sinh hoạt trước ống kính. Anh kể có những nhân vật xem anh như người thân; họ mời anh những bữa cơm, mời bia. Sự dân dã ấy cũng được anh đưa vào hình một cách rất tự nhiên.

1. Nếu là một công trình kiến trúc, bạn sẽ là công trình nào?

Công trình Fallingwater của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright. Đây là một biệt thự tôn trọng và sống cùng thiên nhiên, dưới thác nước trên cây xanh.

Mình thích thiên nhiên và luôn muốn đem thiên nhiên vào công trình. Fallingwater có lịch sử rất thú vị: từ biệt thự tư nhân trở thành di sản thế giới UNESCO, được tạo ra bởi một kiến trúc sư không học qua trường kiến trúc nào.

ducvu3
Ảnh Phố

2. Những hiểu biết về kiến trúc có ảnh hưởng đến cách thực hành nhiếp ảnh của bạn không?

Có ảnh hưởng nhiều. Khi chụp và chỉnh sửa ảnh, mình bị chi phối về góc nhìn và bố cục, nên đôi khi hình trông hơi cứng.

Mình rất thích tự do trong nhiếp ảnh, song cũng rất hứng thú với sự tương tác giữa người và công trình đô thị. Nên sau một hồi chơi đùa với ống kính, mình vô thức quay về bố cục chuẩn nào đó.

Nhưng cũng may, mình cũng tiếp xúc với hội họa rất nhiều. Nên mình cũng đưa vào màu sắc, ánh sáng và hành động nhân vật để làm mềm lại bố cục và các hình khối ấy.

vungocduc3
Ảnh Phố trong dự án "Poster"

3. Điều gì khiến bạn khó chịu nhất về công việc của mình?

Khó chịu nhất là những lúc định giơ máy lên chụp mà phát hiện mình quên lắp thẻ nhớ hoặc pin. Những lúc như vậy làm mình mất hết cảm hứng.

4. Năng lượng sáng tạo của bạn có bị ảnh hưởng bởi cảm xúc nào không?

Có, nhưng cảm xúc không phải là thứ chính chi phối và quyết định sự sáng tạo của mình.

Cảm xúc không tốt dễ khiến mình thấy nhàm, hay không tìm được gì khác lạ cũng khiến mình chán chụp. Nhưng mình luôn tìm cách thực hành liên tục để tự tạo năng lượng và cảm xúc.

Với mình, đã theo đuổi dự án ảnh dài hơi thì cần phải vượt qua yếu tố này.

vungocduc5
Cầu Bình Lợi, dự án Cầu Bình Lợi

5. Trong rất nhiều cú nháy, làm sao để biết đâu là khoảnh khắc đắt giá nhất?

Trong thực hành ảnh, mình quan sát nhiều và nhanh, chụp cũng dứt khoát và liên tục. Và khi đã xác định được lần bấm đắt giá nhất thì mình dừng lại.

Một nhiếp ảnh gia sẽ cần thời gian dài thực hành, chỉnh sửa ảnh và sử dụng cảm nhận cá nhân. Kinh nghiệm sẽ giúp họ nhận biết đâu là khoảnh khắc đắt giá nhất với mình.

ducvu1
Quận 2 trong bộ ảnh "Sau 17h mùa Covid"

6. Việc lưu trữ hình ảnh có ý nghĩa thế nào, theo bạn?

Rất quan trọng. Mình biết một số người có phòng lưu trữ tài liệu và sắp xếp khoa học. Với họ, đó là cả gia tài và rất có giá trị qua thời gian.

Một thiết bị lưu trữ tốt cũng sẽ quyết định sự thành công cho những bộ ảnh tư liệu hay dự án dài hơi.

vungocduc7
Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, dự án Âm thanh Hành lang chung cư cũ

7. Đời sống Sài Gòn có phải là mối quan tâm chính trong các tác phẩm của bạn?

Trong nhiếp ảnh mình quan tâm con người và đô thị. Mình rất mê nhịp sống của con người và phố xá Sài Gòn. Khi mình căng thẳng hay bức bối mình thường lang thang quanh Sài Gòn để chụp ảnh.

Mình nhận thấy ngoài những ngày thường, Sài Gòn vào các dịp đặc biệt mang đến cảm xúc rất khác lạ. Như trong đại dịch COVID, mình có chụp bộ ảnh "Sau 17 giờ mùa Covid" ghi lại những khoảnh khắc tinh thần thoải mái nhất trong ngày.

Hay đôi khi chỉ lang thang để được nhìn ngắm, tiếp xúc và trò chuyện với con người ở đây, mình thấy họ gần gũi, vui vẻ và cởi mở.

ducvu2
Ảnh Phố

8. Kiến trúc xuất hiện trong ảnh của bạn thường là các công trình kết cấu hạ tầng. Tại sao không phải nhà riêng hay các dạng công trình khác?

Mình thích tất cả các công trình kiến trúc đẹp mà đặc biệt lại có tính di sản, dù đôi khi chúng chỉ còn mỗi cái cột hay hoa văn ấn tượng nào đó.

Chắc tình cờ thôi, vì những nơi đó có tính liên kết với con người và nó quan trọng cho đời sống nên có trong ảnh mình. Mình cũng có những dự án ảnh khác của mình chụp về cả quy hoạch đô thị hay công trình dân dụng mà.

ducvu5
Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, dự án Âm thanh Hành lang chung cư cũ

9. Tại sao bạn chọn nhiếp ảnh để ghi lại các chuyển động của đời sống? Những địa điểm này và con người ở đó quan trọng thế nào với bạn?

Mình tiếp xúc với ảnh cũng giống các môn khác, từ từ và tìm tòi dần. Đến khi mình cảm nhận ảnh ghi nhận lại các chuyển động và thay đổi đời sống thuận tiện và nâng cao nó như công cụ truyền tải ý tưởng của mình cho mọi người thì mình yêu thích luôn.

Các dự án ảnh của mình thường hình thành từ khi ý tưởng rồi mới thực hành nên lựa chọn địa điểm rất quan trọng. Cảm xúc cá nhân quyết định quan trọng trong chọn lựa đề tài, con người trong các dự án của mình có sự liên kết hay sự kết nối nào đó. Đôi khi là tuổi thơ hay đôi khi mượn con người để nói lên tâm lý cá nhân, nhưng đôi khi chỉ một hình ảnh nào đó ở quá khứ.

Khi tiếp cận gần nhân vật mình đồng cảm hoàn cảnh với họ, hình dung cuộc sống của họ sau sự phát triển đô thị đi qua nơi họ sống.

ducvu4
Ảnh Phố

10. Người ta thường bảo “Đôi mắt là chiếc ống kính tốt nhất.” Là một nhiếp ảnh gia, bạn nghĩ gì về nhận định này?

Với mình, có rất nhiều yếu tố quyết định một tấm ảnh đẹp. Ngoài đôi mắt còn có khoảnh khắc, thiết bị và cả chút may mắn nữa.

Đôi lúc chúng ta thấy một góc ảnh đẹp nhưng lại không có thiết bị đủ tốt để chụp được ảnh như ý. Đôi lúc ta cũng không kịp lưu lại vì vừa lấy máy ra thì khung hình đẹp vụt qua.

Mình nghĩ đôi mắt sẽ là chiếc ống kính tốt nhất nếu chụp ảnh tĩnh hay có bố cục sắp đặt.

vungocduc8
Bình Hưng Hòa, dự án Bình Hưng Hòa

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory là không gian đầu tiên tại Việt Nam có chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Mang mô hình như một doanh nghiệp xã hội, The Factory tập trung vào các hoạt động văn hoá liên ngành nhằm giới thiệu và nâng cao kiến thức về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Địa chỉ: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin liên hệ: art@factoryartscentre.com | +84 (0)28 3744 2589