Đồng cảm với xã hội qua cảm quan nghệ thuật
Ở thế kỷ 21, nghệ sĩ không dừng lại là những người mang đến cái đẹp thuần về thẩm mỹ. Họ là những người quan sát xã hội, và đặc biệt giỏi nắm bắt các cảm xúc phức tạp của con người giữa xã hội đó.
Thế giới biến động liên tục, những vấn đề con người phải đối mặt cũng càng chồng chất, càng khó giải thích, khó đồng cảm. Người nghệ sĩ lúc này, với góc nhìn sâu sắc về vấn đề và sự nhạy bén trong cảm xúc phản ánh tiếng lòng của cộng đồng. Thay vì tuyên truyền, những tác phẩm nghệ thuật lan toả sự đồng cảm bằng trải nghiệm giác quan, lay động chúng ta ở một tầng nhận nhức khó chạm tới hơn, nhưng cũng nền tảng và dễ đem đến sự thay đổi hơn.
Ở thế kỷ 21, nghệ sĩ làm việc với tất cả mọi nguồn tri thức và phương pháp làm việc. Tại Việt Nam, có những nghệ sĩ làm việc với các nghệ nhân truyền thống nhằm phục dựng những kỹ thuật và tri thức bản địa như Bùi Công Khánh; có những nghệ sĩ làm việc với các doanh nghiệp để tạo ra những tác phẩm phản ánh tinh thần trách nhiệm với môi trường như Ưu Đàm Trần Nguyễn; cũng có những nghệ sĩ làm việc với các tổ chức động vật hoang dã để lên tiếng về tình trạng khai thác thú quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như Tuấn Andrew Nguyễn; có những nghệ sĩ xây dựng các không gian tự vận hành, để kết nối, trao đổi và sáng tác (có thể nghĩ tới ở đây Sàn Art, Art Labor, Hanoi Doclab, Nhà Sàn và nhiều hơn thế nữa).
Đó là những người liên tục hiện diện với những phương thức hồi đáp với bối cảnh đã và đang hun đúc cho sự phát triển của một cộng đồng nghệ thuật địa phương với khả năng tư duy phản biện cùng mạng lưới quốc tế vững chắc.
Một giải thưởng nghệ thuật vinh danh tinh thần cộng đồng
Rất rõ ràng, chúng ta có thể thấy ngày nay, định nghĩa về “nghệ sĩ” và “nghệ thuật” đã thay đổi. Nghệ thuật không chỉ để xem cho vui, nghệ thuật còn là không gian để chiêm nghiệm về con người và xã hội. Đó là không gian tinh thần cần thiết để chúng ta có thể định vị được mình trong sự vô định của tương lai.
Muốn có thêm những chiêm nghiệm sâu sắc, chúng ta cần thêm nghệ thuật; để có thêm nghệ thuật, ta cần thêm nghệ sĩ.
Và đó là lý do mà Giải thưởng Nghệ sĩ Xuất sắc (Artist Excellence Award – AEA) ra đời. Đây là giải thưởng để vinh danh những nghệ sĩ Việt Nam với thực hành nghệ thuật có độ phủ rộng cả về ý tưởng - chủ đề và kỹ thuật - lẫn cách tiếp cận. Họ là những người biết kết hợp nhiều nguồn cảm hứng, phối hợp cùng nhiều chuyên gia đa ngành vào quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
AEA sẽ được tổ chức hai năm một lần bởi The Factory – không gian đầu tiên tại Việt Nam mang chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại, có mô hình hoạt động như một doanh nghiệp xã hội. Mong muốn của The Factory là giới thiệu và khích lệ cộng đồng khán giả và nghệ sĩ cùng nhau làm việc, tư duy ‘vượt ngoài khuôn khổ định sẵn’ về định nghĩa nghệ thuật ngày nay.
Ngoài The Factory (TP. Hồ Chí Minh), giải thưởng này còn được đồng tài trợ bởi ROH Projects (Jarkata), Chu Foundation (Hong Kong) cùng với sự hỗ trợ từ Nguyen Art Foundation (Thành phố Hồ Chí Minh). Triển lãm của nghệ sĩ đạt giải thưởng sẽ diễn ra tại The Factory vào năm 2022 và sau đó sẽ được đồng tổ chức một lần nữa với APD (Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật) tại Hà Nội vào năm 2023. Các đơn vị này đều là những tổ chức được thành lập để thúc đẩy sự sáng tạo và đột phá qua nghệ thuật. Thêm vào đó, họ cũng đã và đang góp phần xây dựng một mạng lưới hỗ trợ vững bền không chỉ cho nền nghệ thuật tại Việt Nam mà còn cho cộng đồng nghệ thuật trong khu vực Đông Nam Á. Bởi ở giai đoạn này, cộng đồng cần nghệ sĩ cũng nhiều như nghệ sĩ cần cộng đồng với sức gắn kết như vậy.
Ban giám khảo sẽ công bố nghệ sĩ đạt giải sẽ được vào ngày 12/8/2021.
Danh sách những nghệ sĩ được đề cử tại AEA 2021:
Tuấn Mami
Mai Nguyên Anh
Nguyễn Phương Linh
Nguyễn Thị Thanh Mai
Nguyễn Huy An
Vũ Ngọc Đức
Trần Tuấn
Lương Trịnh
Bạn đọc xem thêm thông tin về giải thưởng AEA, tiêu chí đánh giá và hội đồng nghệ thuật tại đây.