Monkey Minh và bức ảnh chân thực về ngành nhiếp ảnh tĩnh vật | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 05, 2019

Monkey Minh và bức ảnh chân thực về ngành nhiếp ảnh tĩnh vật

Hãy cùng Vietcetera ngắm nhìn bức ảnh toàn cảnh về nghề nhiếp ảnh gia tĩnh vật qua chia sẻ của Monkey Minh trong chuyên mục Ask a Senior lần này.
Monkey Minh và bức ảnh chân thực về ngành nhiếp ảnh tĩnh vật

Ask A Senior: Monkey Minh và bức ảnh chân thực về ngành nhiếp ảnh tĩnh vật

Vào một buổi sáng cuối tuần, Vietcetera đã có dịp được gặp Monkey Minh, một nhiếp ảnh gia tĩnh vật tiên phong tại Việt Nam. Ấn tượng của chúng tôi đối với Monkey Minh tương tự như những tác phẩm của anh, tĩnh lặng nhưng chứa đựng nhiều thông điệp và xúc cảm. Bề ngoài anh trầm tĩnh, khép kín, có phần tách biệt, nhưng sự gần gũi và trẻ trung của anh lại khiến chúng tôi rất bất ngờ.

Hãy cùng Vietcetera bước vào thế giới của nhiếp ảnh tĩnh vật (still life photography) qua lời kể của người đàn anh này.

Cơ duyên nào đã đưa anh đến với công việc nhiếp ảnh gia tĩnh vật?

Trước khi làm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi vốn đã say mê chụp ảnh từ lâu. Vừa nhận được tháng lương đầu tiên khi còn là sinh viên là tôi sắm ngay một chiếc máy ảnh.

Lúc chập chững khám phá lĩnh vực này, tôi muốn thu hết tất cả khung cảnh xung quanh vào ống kính của mình. Đối với tôi, khi ấy chụp ảnh chỉ dừng lại ở sở thích cá nhân.

ldquoCocircng việc thiết kế đồ hoạ đatilde cho tocirci coacute nhiều cơ hội tiếp xuacutec với sản phẩm vagrave lagravem tocirci yecircu thiacutech trải nghiệm dựng tĩnh vậtrdquo Monkey Minh chia sẻ Nguồn Monkey Minh
“Công việc thiết kế đồ hoạ đã cho tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với sản phẩm và làm tôi yêu thích trải nghiệm dựng tĩnh vật,” Monkey Minh chia sẻ.| Nguồn: Monkey Minh.

Sau khi tốt nghiệp, tôi theo đúng chuyên ngành của mình là thiết kế đồ hoạ tại một công ty quảng cáo. Công việc đó đã cho tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với sản phẩm và làm tôi yêu thích trải nghiệm dựng tĩnh vật.

Cùng với sở thích nhiếp ảnh trước đó, tôi nảy ra ý tưởng chụp hình sản phẩm để gửi cho khách hàng thay vì dựng đồ hoạ như thông thường. Để có thể chụp được những bức ảnh đạt chất lượng, tôi đã đăng ký khoá học online Photigy. Tôi được dạy về tư duy nắm bắt tính chất đồ vật và cách thể hiện chúng qua kỹ thuật nhiếp ảnh.

Sau đó, may mắn thay, những bức ảnh sản phẩm của tôi đều được khách hàng và mọi người đón nhận. Anh Dzũng Yoko thấy những bức ảnh tôi chụp và khuyên tôi nên hoạt động nhiều hơn ở sân chơi nghệ thuật. Chính những điều đó đã trở thành nguồn động lực lớn đưa tôi đến quyết định dấn thân vào con đường nhiếp ảnh tĩnh vật chuyên nghiệp.

Vì muốn dành toàn thời gian cho đam mê, tôi nghỉ việc tại công ty quảng cáo và cộng tác với các báo về thời trang. Vào thời điểm ấy, lĩnh vực nhiếp ảnh tĩnh vật còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Tôi là một trong số ít người đảm nhận vai trò nhiếp ảnh gia cho mảng sản phẩm của các báo.

Nét tính cách nào đã giúp anh thành công trong công việc này?

Tôi may mắn sở hữu năng khiếu về phân tích cũng như khả năng xử lý hình ảnh. Thêm vào đó là khả năng hình dung bố cục, màu sắc mà tôi được rèn luyện từ thời sinh viên và khoảng thời gian làm thiết kế đồ hoạ. Những điều đó đã trở thành thế mạnh của tôi trong ngành nhiếp ảnh tĩnh vật.

ldquoNhiếp ảnh tĩnh vật đogravei hỏi người chụp phải nắm được tiacutenh chất hay gọi lagrave ldquocaacutei hồnrdquo của đồ vậtrdquo Nguồn Monkey Minh
“Nhiếp ảnh tĩnh vật đòi hỏi người chụp phải nắm được tính chất, hay gọi là “cái hồn” của đồ vật.”| Nguồn: Monkey Minh.

Khác với hình thức chụp người mẫu, loại hình này đòi hỏi người chụp phải nắm được tính chất, hay gọi là “cái hồn” của đồ vật để thể hiện chúng một cách tinh tế nhất.

Một điều tôi yêu thích khi chụp đồ vật là tôi được chủ động hơn về mặt thời gian và không gian khi làm việc. Tôi có thể cặm cụi cùng chúng nhiều ngày ngay tại nhà của mình cho đến khi ra một bức ảnh ưng ý.

Vậy một buổi chụp của anh thường có bao nhiêu người và quá trình làm việc như thế nào?

“Ít người đúng việc” là kim chỉ nam của tôi trong mọi buổi chụp. Tôi thường nói đùa với mọi người rằng “Tôi chỉ chụp những thứ không nhúc nhích”. Tương tác và giao tiếp với mọi người vốn không phải là sở trường của tôi.

Nếu trong buổi chụp người mẫu sẽ có ít nhất 10 người trong cùng một studio, thì buổi chụp sản phẩm của tôi thường không vượt quá 8 người. Đối với dự án thương mại, tôi thường chỉ mời tối đa 5 khách hàng vào buổi chụp của mình: ba người đại diện nhãn hàng, và hai người phía agency bao gồm giám đốc nghệ thuật (art director) và account. Họ là những người đã trao đổi và làm việc trực tiếp với tôi ngay từ những ngày đầu của dự án.

Dựa trên bản thảo được duyệt, tôi sẽ đích thân liên hệ với nhà cung cấp để chuẩn bị vật dụng cho buổi chụp (props). Về phần ekip, tôi chỉ thêm hai người là trợ lý nhiếp ảnh và stylist để hỗ trợ việc dựng hậu trường.

Đối với dự án nghệ thuật cá nhân, tôi xem đây là sân chơi của riêng mình, cho nên số lượng người tham gia cùng tôi thường không vượt qua bốn. Trong đó có ba người thuộc ekip của tôi và một cộng sự chuyên lên ý tưởng.

Đối với anh đâu là yếu tố quyết định một bức ảnh tĩnh vật đẹp?

Theo tôi một bức hình tĩnh vật chỉ thật sự đẹp khi nhiếp ảnh gia nắm được “cái hồn” của món đồ mà mình muốn thể hiện. Hiểu được tính chất cũng như vẻ đẹp riêng của chúng, người chụp mới có thể sử dụng kỹ thuật phù hợp.

Tất cả yếu tố từ ánh sáng, bố cục đến màu sắc,… đều phụ thuộc vào tư duy của người đứng sau ống kính đối với vật thể đó. Nếu không, bức hình thành phẩm sẽ trông rời rạc và không thể truyền tải được thông điệp.

Một bức higravenh tĩnh vật chỉ thật sự đẹp khi nhiếp ảnh gia nắm được ldquocaacutei hồnrdquo của moacuten đồ magrave migravenh muốn thể hiện Nguồn Monkey Minh
Một bức hình tĩnh vật chỉ thật sự đẹp khi nhiếp ảnh gia nắm được “cái hồn” của món đồ mà mình muốn thể hiện. | Nguồn: Monkey Minh.

Anh đã và đang trau dồi kiến thức bằng cách nào?

Tôi chuộng đọc sách hơn các trang tham khảo trên mạng. Đọc sách giúp tôi tập trung hơn vì tính chất tĩnh của nó. Qua đó tôi tiếp thu kiến thức nhanh chóng và dễ dàng áp dụng để dựng bản phát triển mẫu. Cuốn sách tôi đọc gần đây là The Still Life.

Internet là một công cụ tham khảo nhanh, hỗ trợ rất nhiều cho việc cập nhật xu hướng sáng tạo hằng ngày và tìm kiếm những nhân vật tài năng của thế giới. Nếu sách có nội dung cô đọng, Internet lại quá tải thông tin. Tuy nhanh chóng và tiện lợi, Internet ở mặt khác đang phân tán sự tập trung của người dùng.

Làm thế nào để anh tìm được nét riêng?

Tôi quan niệm rằng không nên tập trung quá nhiều vào việc định hình và đóng khung phong cách, vì chính những điều đó sẽ hạn chế khả năng sáng tạo của bản thân. Ngược lại, tôi giữ cho mình một tinh thần thoải mái và cởi mở. Đón nhận nhiều điều mới lạ sẽ giúp kho tàng sáng tạo của tôi ngày một phong phú hơn.

Vì thế nếu được hỏi về nét riêng của tôi qua các tác phẩm, tôi nghĩ đó là sự ảnh hưởng của môi trường sống, tâm trạng cũng như từng giai đoạn cuộc đời mà mình trải qua.

ldquoNhững taacutec phẩm của tocirci thường ưu tiecircn sử dụng nhiều gam magraveu pastel ngọt ngagraveordquo Nguồn Monkey Minh
“Những tác phẩm của tôi thường ưu tiên sử dụng nhiều gam màu pastel ngọt ngào.” | Nguồn: Monkey Minh.

Tôi được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Tất cả những gì tôi nhìn thấy đều hiện hữu sắc vàng của nắng. Như một lẽ dĩ nhiên, tôi thu màu nắng ấy vào trong ống kính của mình, cho nên những bức ảnh thuở mới vào nghề của tôi thường có xu hướng ám vàng.

Sau đó, khi tôi có dịp đến châu Âu, trông thấy khung cảnh trong trẻo và cảm nhận được sự thư thả cho mình. Thế là tôi quyết định thay đổi nhiệt độ của Sài Gòn. Tôi muốn bất kỳ ai khi xem hình của Monkey Minh đều cảm thấy dịu mát và dễ chịu. Vì thế, thay vì sử dụng sắc vàng nhiều như trước, tôi thay bằng sắc xanh và hạ độ tương phản khi chỉnh sửa hình ảnh.

Ngoài ra, vì cuộc sống tôi trước giờ luôn êm đềm và tươi sáng, nên những tác phẩm của tôi thường được sử dụng nhiều màu pastel ngọt ngào. Tôi vẫn chưa trải qua biến cố nào khiến tôi phải nhìn cuộc sống này bằng màu sắc khác cả. Nếu sau này bạn thấy những tác phẩm của Monkey Minh xuất hiện nhiều màu tối, nghĩa là khi đó tôi đang phải trải qua “sóng gió” rồi đấy (cười).

Bí quyết nào giúp anh luôn mới mẻ khi làm việc trong lĩnh vực sáng tạo khắc nghiệt này?

Đó là tôi luôn cố gắng giữ bản tính tò mò và ngây ngô của mình. Tôi không bao giờ bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào, kể cả ý tưởng của một đứa trẻ. Đối với tôi, một người làm sáng tạo tuyệt đối không được cố chấp. Làm sáng tạo đồng nghĩa với việc bạn phải lắng nghe, học hỏi và cập nhật liên tục.

Tôi rất thích làm việc với các bạn trẻ. Chính những ý tưởng ngây ngô và đôi khi điên rồ của người trẻ đã làm mới lại góc nhìn già cỗi của tôi.

ldquoChiacutenh những yacute tưởng ngacircy ngocirc vagrave đocirci khi điecircn rồ của người trẻ đatilde lagravem mới lại goacutec nhigraven giagrave cỗi của tocircirdquo Nguồn Monkey Minh
“Chính những ý tưởng ngây ngô và đôi khi điên rồ của người trẻ đã làm mới lại góc nhìn già cỗi của tôi.” | Nguồn: Monkey Minh.

Một trong những người trẻ làm việc với tôi là Ben Phạm. Giữ vai trò stylist, bạn hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong việc phác thảo và thể hiện ý tưởng. Ở Ben có sự táo bạo và cuồng nhiệt của tuổi trẻ, còn tôi sẽ cân bằng và mài dũa ý tưởng của Ben bằng kinh nghiệm của mình. Vì vậy những ý tưởng của chúng tôi sau khi thành hình đều đạt được hai yếu tố là mới lạ và thực tế.

Có rất nhiều bạn trẻ thường gửi cho tôi những bức ảnh các bạn chụp bằng điện thoại để nhờ tôi đánh giá và hướng dẫn thêm. Chính sự nỗ lực có phần ngây ngô đó làm tôi nảy ra ý tưởng chụp sản phẩm bằng điện thoại trong tương lai.

Thách thức của ngành này là gì?

Nhiếp ảnh gia phải biết cân bằng “cái tôi nghệ thuật” của mình. Khi làm việc với khách hàng, ta buộc phải thu nhỏ cái tôi của mình để lắng nghe họ nhiều hơn.

Tuy nhiên không phải vì muốn công việc diễn ra suôn sẻ mà ta nuông chiều bản thân và khách hàng. Thay vào đó, với tư cách là một chuyên gia, chúng ta phải tư vấn cho họ những phương án hiệu quả nhất.

Đôi lúc nhiếp ảnh gia phải chấp nhận sự dằn vặt vì những bức ảnh khách hàng chọn có thể là những bức ảnh không ưng ý nhất của mình. Tuy bất khả kháng, nhưng với cương vị là một nghệ sĩ, ta nên giữ sự dằn vặt đó để không đánh mất “cái tôi nghệ thuật” của mình.

Nhiếp ảnh gia phải biết làm thương mại vì những dự án nghệ thuật thường không mang lại nhiều lợi ích tài chính. Khi có tài chính vững vàng, họ có thể theo đuổi thêm nhiều dự án mang tính nghệ thuật cá nhân hơn.