“Ai trong chúng ta cũng đều ẩn chứa nhu cầu được vươn lên, được trông thấy và được lắng nghe. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, khi thương hiệu cá nhân ngày càng đang được chú trọng, lẽ dĩ nhiên mong muốn được bộc lộ cái tôi của mọi người cũng vì thế trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết."
"Và định hình phong cách cá nhân chính là bước đầu tiên để bạn xây dựng sức ảnh hưởng của chính mình,” Style coach Bùi Việt Hà cắt nghĩa cho chúng tôi về tầm quan trọng của phong cách cá nhân.
Chặng đường 20 năm sự nghiệp của chị Bùi Việt Hà nhiều thăng hoa, nhưng cũng không thiếu nỗi buồn.
Chị trải qua nhiều thử thách và cũng thấm thía nhiều bài học trong quá trình vừa tạo dựng sự nghiệp, tìm kiếm bản thân và vừa phải làm tròn các vai trò truyền thống.
Vì lẽ đó, chị khao khát được mang đến cho phụ nữ Việt nguồn cảm hứng sống. Chị đam mê được cùng họ tìm về niềm vui, sự tự tin và vẻ đẹp của riêng mình.
Đó cũng là lí do chị gắn bó với công việc style coach của mình đến nay đã hơn 5 năm.
Hãy cùng Vietcetera lắng nghe những chia sẻ sâu sắc của chị Bùi Việt Hà về vai trò style coach này.
Chị có thể giải thích công việc style coach cho những ai chưa biết?
Style coach là công việc kết hợp giữa ‘personal stylist’ và ‘life coach’. Từ đó, mọi người có thể hiểu style coach là người cố vấn định hình phong cách cá nhân dựa trên nền tảng thấu hiểu và định hướng tâm lý của khách hàng.
Cho nên bên cạnh những kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thời trang, bất kỳ style coach nào cũng phải đạt chứng chỉ về lập trình ngôn ngữ tư duy (Neuro-linguistic programming).
Họ buộc phải thấu hiểu một cách bài bản về lối tư duy, thói quen, tâm lý… để đưa ra những phương pháp điều chỉnh nhằm cải thiện cuộc sống, tạo tiền đề tái thiết lập phong cách cá nhân cho khách hàng.
Tệp khách hàng của chị bao gồm những đối tượng nào?
Nếu ở Mỹ khách hàng của chị đa dạng bao gồm nam lẫn nữ, giáo sư, bác sĩ, kiến trúc sư, doanh nhân đến từ nhiều lĩnh vực…, thì tệp khách hàng tại Việt Nam chị sở hữu trong thời điểm hiện tại chủ yếu là nữ doanh nhân.
Quá trình định hướng phong cách của chị dành cho khách hàng thường diễn ra như thế nào?
Đầu tiên, chị gặp để trò chuyện và thực hiện một vài bài kiểm tra nhằm nắm bắt chi tiết về khách hàng, bao gồm cá tính, nhu cầu, mong muốn, những khó khăn trong đời sống…
Tại giai đoạn này, chị đồng thời yêu cầu khách hàng chấm điểm mức độ mong muốn thay đổi của bản thân. Trên thang điểm 10, nếu con số họ cho là dưới 7, chị đành phải từ chối. Vì khi đó, họ chưa đủ quyết tâm.
Chỉ khi có động lực và tâm lý thực sự sẵn sàng, họ mới có thể can đảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Và hiệu quả làm việc giữa khách hàng và người huấn luyện viên cũng nhờ đó mới có nhiều triển vọng.
Sau khi đã lắng nghe cũng như gỡ rối được những nút thắt trong nội tâm, giai đoạn tiếp theo chị sẽ đến nhà để quan sát cuộc sống cá nhân, gia đình và tủ quần áo của khách hàng.
Dựa trên những dữ liệu thu thập được, chị sẽ bắt đầu tư vấn cho họ. Thời gian cho một quy trình định hướng phong cách là 15 tiếng, trải dài trong 3 tuần.
Với chị, kết quả như thế nào được gọi là thành công?
Sau quá trình định hướng, tư duy của khách hàng có sự thay đổi theo chiều tích cực. Họ yêu quý và trân trọng bản thân hơn. Một khi đạt được điều này, năng lượng tỏa ra bên ngoài cũng như cách họ tương tác với môi trường xung quanh cũng vì thế được cải thiện.
Tiếp nối trong chuỗi kết quả này là sự tự tin. Không phụ thuộc vào bộ cánh ấn tượng được chưng diện bên ngoài, sự tự tin của họ phải chân thật xuất phát từ bên trong. Một vẻ ngoài mới lung linh theo cách riêng, thể hiện được tiếng nói riêng sẽ góp phần đẩy mức độ tự tin của họ cao hơn và vững chắc hơn.
Kết quả chị tâm đắc nhất là khi khách hàng tự ‘chuyển hóa’ những kiến thức được chị truyền tải thành vốn liếng của riêng mình. Họ mặc đẹp đúng theo con người mình, chứ không còn phụ thuộc vào lời khuyên hay yêu cầu của một người style coach là chị nữa.
Chị từng chia sẻ tự tin là điều kiện cốt lõi, vậy chị thường làm gì để giúp khách hàng đạt được điều này?
Trên thực tế, phụ nữ Việt thường dè dặt trong việc thể hiện mình. Nếu ở Mỹ, khách hàng có sự hiểu biết về bản thân, sẵn sàng bộc bạch những khía cạnh trong cuộc sống và không mấy e ngại để thay đổi mình, thì tại Việt Nam, khách hàng lại dè chừng và liên tục bị chi phối bởi đánh giá của người ngoài nhiều hơn.
Sự tự tin chỉ xuất hiện khi việc bạn thể hiện mình được mọi người công nhận. Ngược lại, sự tự tin mất đi trong quá trình bạn trở thành tâm điểm nhưng lại không nhận được thiện cảm và lời khen ngợi từ mọi người.
Thủ thuật của chị dùng để giúp khách hàng là khuyến khích họ trải nghiệm những điều bản thân chưa dám làm. Mục tiêu cần hướng tới vốn không phải vấn đề làm tốt hay không, người huấn luyện viên phải biết cách mở đường, cho họ cơ hội để chiêm nghiệm được khả năng dũng cảm đến không ngờ của chính mình.
Dũng khí chính là yếu tố giúp từng cá nhân trở nên khác biệt. Đồng thời nó còn thúc đẩy, nới rộng giới hạn cũng như làm dày thêm lớp nền của sự tự tin.
Cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình. Dám trải nghiệm, dám bức phá sẽ giúp vốn sống của bạn trở nên giàu có hơn.
Theo chị, một style coach cần sở hữu những tố chất nào?
Đầu tiên bạn phải là người có lòng nhân ái và trắc ẩn. Bởi hai yếu tố này là cầu nối duy nhất có thể đưa bạn đến gần hơn với thế giới nội tâm của khách hàng.
Thông thường điều kiện để hình thành lòng nhân ái và trắc ẩn là bạn đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Bạn thấu được nỗi đau, sự khó khăn… qua các câu chuyện của khách hàng. Và bạn không muốn họ phải vấp phải hoặc tiếp tục chịu đựng như bạn đã từng.
Tiếp đó, bạn phải là người có thể kiểm soát bản ngã cũng như biết cách từ bỏ lòng tự ái của bản thân.
Vì công việc style coach là hướng dẫn và đồng hành cùng khách hàng trên hành trình tìm kiếm chính mình. Nên thay vì áp đặt, bạn phải lắng nghe và uyển chuyển sử dụng chuyên môn của mình để định hướng cho họ. Hơn cả chấp nhận, bạn nên học cách tôn trọng sự bất đồng trong ý kiến, sở thích, nhu cầu… của khách hàng
Cuối cùng, một style coach cần có tình yêu với cái đẹp. Đam mê cái đẹp thúc đẩy sự cầu tiến và cho bạn sức bền để có thể đi xa với nghề.
Chị nghĩ bản thân sở hữu những thế mạnh nào và đâu là nhiều tố chất chị cần phải trau dồi?
Trời sinh chị là người cởi mở và lạc quan. Một cách tự nhiên, chị luôn có thể tạo cho đối phương một không gian thoải mái để có thể cùng trò chuyện.
Với tính cách lạc quan (đôi khi thái quá) của mình, chị luôn tìm thấy được những điểm sáng trong mọi sự tiêu cực (cười). Hơn thế, nó cũng phần nào giúp chị vực dậy nhanh sau những lần vấp ngã.
Có thể nói hai tính cách này chính là lợi thế lớn của chị khi theo đuổi một ngành nghề mang nặng trách nhiệm truyền cảm hứng như style coach.
Bên cạnh thế mạnh may mắn sở hữu được, lẽ dĩ nhiên, chị còn rất nhiều khuyết điểm và kỹ năng cần được rèn luyện hằng ngày. Tiêu biểu trong số đó là thói quen lắng nghe không phán xét, thuật ngữ chính xác là mindfulness listening.
Việc phán xét trong và sau khi tiếp nhận thông tin dường như có thể được xem là một chức năng của bản ngã. Là một style coach, chị buộc phải tiết chế hành vi thuộc về bản năng này. Nhờ đó, chị mới có thể lắng nghe khách hàng một cách rõ ràng và chuẩn xác hơn.
Thường xuyên thu nhận những tâm tư, vậy đâu là cách chị thanh lọc những luồng năng lượng tiêu cực?
Thú thật với bản tính cởi mở, thời gian đầu chị thường vô tình tiếp nạp khá nhiều năng lượng tiêu cực từ bên ngoài. Sau này, khi quyết định trở thành style coach, chị càng chú trọng vào việc thanh lọc năng lượng tinh thần (spiritual cleanse) của bản thân hơn.
Quy trình thanh lọc này không đơn thuần tập trung vào việc ăn uống, tập thể dục, mà nó còn bao gồm nhiều hoạt động khác như trau dồi thêm kiến thức, chắt lọc nguồn cảm hứng mới và suy ngẫm về bản thân (self-reflection).
Đối thoại với chính mình là cách để chị có thể thấu hiểu bản thân dưới góc nhìn khách quan. Từ đó, bất kể điều tích cực hay tiêu cực nào cũng được chị đón nhận và 'chuyển hoá' chúng thành những bài học kinh nghiệm.
Đối với các ngày bận rộn, chị tận dụng khoảng thời gian trống của mình để thiền. Ví dụ như khi ngồi trên xe, thay vì nghe nhạc và tranh thủ đọc email, chị sẽ nhìn ngắm cuộc sống xung quanh, để ý nhịp thở…
Theo chị tương lai của công việc này tại Việt Nam sẽ trông ra sao?
Hiện tại nhu cầu của thị trường Việt Nam vẫn chưa cao. Nhưng chị trông thấy được tiềm năng của công việc này trong tương lai sắp tới.
Mọi người vẫn đang bận rộn với guồng quay công việc để đắp xây nên cuộc sống sung túc. Cho nên không thể không phủ nhận giá trị vật chất quả thật là yếu tố được họ ưu tiên tại thời điểm này.
Tuy nhiên, khi kinh tế dần phát triển, số lượng người ‘ăn no mặc ấm’ ngày một tăng lên, thì đó cũng là lúc mọi người đi tìm về những giá trị hạnh phúc vốn bị bản thân bỏ quên. Và style coach chính là người bạn đồng hành cần thiết của mọi người trên chặng đường đó.
Fitflop là thương hiệu giày dép đến từ Anh Quốc với đặc trưng “công nghệ sinh học” trong các dòng sản phẩm. Sứ mệnh của chúng tôi là tạo ra những đôi giày, dép thời trang và mang tính ứng dụng cao. Cùng slogan “Made for living in – Cho cuộc sống dễ dàng hơn”, Fitflop mong muốn tạo nguồn cảm hứng về một lối sống năng động và thoải mái dành cho tất cả mọi người.