1. Bailout là gì?
Theo Investopedia, bailout - tức cứu trợ [tài chính] - là thuật ngữ chỉ việc một cá nhân, doanh nghiệp, hay tổ chức chính phủ cung cấp tiền và/hoặc các tài nguyên khác cho một công ty đang đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Điều này ngăn chặn hệ quả mà sự lụn bại của công ty ấy có thể gây ra, ví dụ như phá sản, cắt giảm nhân công hàng loạt, v.v.
Thuật ngữ này thường xuất hiện trong lĩnh vực tài chính, kinh tế, và quản lý doanh nghiệp với bối cảnh xoay quanh sự đi xuống của một hay nhiều doanh nghiệp. Một thuật ngữ tương tự với bailout là capital injection, tức bơm vốn.
2. Nguồn gốc của bailout?
Truy nguyên ngữ nghĩa và cách sử dụng của cụm từ này, ta sẽ thấy rằng thuật ngữ bailout có nguồn gốc từ ngành hàng hải, chỉ hành động dùng xô tát nước khỏi một con thuyền đang chìm. Từ điển Merriam-Webster bổ sung hai nét nghĩa khác nhưng là cho cụm động từ “bail out,” lần lượt là (1) thoát khỏi một tình huống khó khăn và (2) hành động bung dù thoát khỏi một chiếc phi cơ.
Công cụ Ngram Viewer của Google cho thấy rằng thuật ngữ bailout rất ít xuất hiện cho tới những năm 50 của thế kỷ trước. Đối chiếu việc sử dụng thuật ngữ này với các kho dữ liệu sách, ta thấy bailout gần như chỉ hiện diện trong những cuốn sách về hàng không hay các sách hướng dẫn bay dành cho phi công.
Như vậy, nét nghĩa cứu trợ của từ này mới chỉ xuất hiện cách thời điểm này không quá lâu. Thế nhưng hiện tượng cứu trợ tài chính thì tất nhiên đã xuất hiện từ lâu, nhất là khi ta đặt nó trong lịch sử thương mại toàn cầu, hay lịch sử của ngành ngân hàng, tài chính trên thế giới.
Một trong những ví dụ lâu đời nhất của hiện tượng bailout là cuộc khủng hoảng tài chính và tín dụng tại Mỹ vào năm 1792, được các sử gia kinh tế ghi nhận với cái tên Panic of 1792. Trong sự kiện được ghi nhận là khủng hoảng tài chính đầu tiên của phố Wall, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Alexander Hamilton đã duyệt chi hàng trăm nghìn USD để cứu Ngân hàng New York (Bank of New York) và ổn định tình hình tài chính, ngân hàng trong nước.
3. Vì sao bailout phổ biến?
Bailout là phương thức phù hợp để cứu rỗi những cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các thể chế tài chính, trước khi mọi thứ đổ bể. Đây là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp lớn và chính phủ các nước, và đã được áp dụng nhiều lần trong những cuộc suy thoái từ lớn tới nhỏ.
Một ví dụ điển hình về khả năng và độ hiệu quả của bailout là gói cứu trợ 700 tỉ USD mà Tổng thống Bush ký vào năm 2008 nhằm mua lại tài sản của các ngân hàng và đơn vị tài chính đang chuẩn bị phá sản do hệ quả của bong bóng chứng khoán và nhà đất.
Sự kiện hai ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ là Credit Suisse và UBS sáp nhập với nhau cách đây không lâu cũng là một ví dụ của bailout. Dù Bộ trưởng Tài chính nước này gọi sự kiện là một “giải pháp thương mại,” thì những hành động của chính phủ Thụy Sĩ nhằm hỗ trợ UBS mua lại ngân hàng đang kiệt quệ là Credit Suisse đều là những động thái điển hình của một cuộc bailout.
Tuy nhiên ta cần lưu ý rằng không phải doanh nghiệp hay ngân hàng nào cũng xứng đáng và có thể được giải cứu. Sở dĩ Credit Suisse có được điều đó là bởi ngân hàng này quá lớn, tới mức sự sụp đổ của nó có thể đe dọa hệ thống tiền tệ của không chỉ Thụy Sĩ, không riêng gì châu Âu, mà là toàn cầu.
Trong một số trường hợp đặc biệt, việc cứu trợ không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp, mà còn có thể áp dụng với các quốc gia. Một ví dụ gần đây là việc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng ý viện trợ 3 tỉ USD cho Sri Lanka để quốc gia này trả nợ, tái cơ cấu nền kinh tế, và phục hồi sau một thời gian dài khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị.
4. Cách dùng bailout
Tiếng Anh:
A: What is happening with the banking sector? Why are we doing these bailouts?
B: To save those that are too big to fail.
Tiếng Việt:
A: Chuyện gì đang xảy ra với ngành ngân hàng thế? Sao tự dưng lại phải làm mấy gói giải cứu này?
B: Để cứu mấy ngân hàng to oạch, không được phép sụp đó.