Cái tật "ngựa quen đường cũ" từ đâu mà có? | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 12, 2020
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Cái tật "ngựa quen đường cũ" từ đâu mà có?

Có bao giờ bạn cứ mắc phải một sai lầm nhiều lần không? Mặc dù đã tự hứa với lòng mình rằng sẽ không mắc phải nữa? Để tâm lý học giả thích hiện tượng này nhé!

Cái tật "ngựa quen đường cũ" từ đâu mà có?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình cứ mắc mãi một sai lầm? Đó có thể là:

“Vung tay quá trán” mỗi lần lương về đầu tháng, rồi ngậm ngùi sống tằn tiện những ngày còn lại.

Uống quá chén, tự hứa là sẽ không bao giờ uống nữa, nhưng sau đó thì “đâu lại vào đấy”.

Hay đơn giản là lần nào cũng bỏ quên chìa khóa tại cùng một vị trí.

Tại sao lại thế? Liệu có gì sai với não của bạn không? Bây giờ phải làm thế nào?

Dưới góc nhìn của khoa học và tâm lý, dưới đây là một số lý giải cho hiện tượng này.

Hiện tượng “lối mòn sai lầm” (mistake pathway) 

Nhà nghiên cứu Humphreys đã tiến hành một thử nghiệm dựa trên hiện tượng “tip of the tongue” (hiện tượng khi bạn cố nhớ một từ gì đó mà nhớ mãi không ra). Người tham gia thử nghiệm được yêu cầu tiếp tục cố gắng (trong 10 đến 30 giây), nếu họ không thể nhớ được từ đó là gì hoặc nhớ nhầm.

Hai ngày sau, khi được cho thực hiện lại bài kiểm tra, họ vẫn lặp lại những sai lầm mà mình mắc trong lần trước. Và kỳ lạ hơn, người được cho 30 giây để cố nhớ, lại mắc lỗi nhiều hơn người chỉ có 10 giây.

Từ thử nghiệm trên, một kết luận đáng ngạc nhiên đã được đúc kết là càng tập trung vào sai lầm, bạn càng có nguy cơ mắc lại nó cao hơn. Bởi vì, não bộ có xu hướng củng cố những gì mà nó đã từng trải qua.

Vì vậy, việc vắt óc tìm ra câu trả lời sau khi phạm sai lầm được Humphreys gọi là “học lỗi” (error learning). Nói cách khác, càng cố "đào bới" lỗi lầm, bạn chỉ đang dành thêm thời gian để học những cái sai của mình.

Điều này, trớ trêu thay lại khá nghịch lý với lời khuyên “học hỏi từ sai lầm của bản thân” mà chúng ta thường hay nghe.

Hiện tượng “não trẻ em” (toddler brain)

Chúng ta cũng có khuynh hướng mắc sai lầm dưới sự tác động của cảm xúc. Khi ta cảm thấy buồn, tức giận, lo âu hoặc áp lực phần vỏ não trước trán (não người lớn) bị quá tải. Lúc này, não sẽ thoái lui về cơ chế “não trẻ em”. 

"Não trẻ em" bị chi phối bởi cảm xúc nhiều hơn lý trí. Các thói quen xấu được hình thành ở chế độ “não trẻ em” (như ăn uống vô độ hay vung tay quá trán) sẽ được kích hoạt bởi cảm xúc tiêu cực. Khi cảm xúc ấy tái hiện, nó sẽ đóng vai trò như "chuông báo thức" thôi thúc những hành vi bốc đồng lặp lại.

 

Dưới sự tác động của cảm xúc chúng ta dễ mắc lại sai lầm cũ hơn
Dưới sự tác động của cảm xúc, chúng ta dễ mắc lại sai lầm cũ hơn

Theo nhà khoa học thần kinh Daniel Levitin, não của chúng ta tiến hóa chậm hơn mức độ phức tạp của cuộc sống hiện nay. Sự phát triển của công nghệ khiến nhiều người bị quá tải thông tin, dẫn đến hiện tượng “não trẻ em” xuất hiện thường xuyên hơn.

Thói quen xấu được coi là phần thưởng

Não chúng ta cũng có xu hướng tập trung vào những điều mà nó coi là phần thưởng. Giả dụ, bạn gắn hành động “đi bar vào tối thứ 6” như là “phần thưởng” cho một tuần làm việc mệt mỏi.

Mỗi lần nghĩ tới “phần thưởng” này, dopamine (hormones trao thưởng) sẽ kích hoạt khiến cho bạn trở nên phấn khích. Vì vậy dù có tự hứa với bản thân là sẽ không bao giờ uống nữa sau mỗi lần say xỉn, bạn cũng sẽ “ngựa quen đường cũ” vào tuần kế tiếp.

Làm thế nào để hết "ngựa quen đường cũ"?

Tập trung vào tương lai

Thay vì chỉ chăm chăm phân tích sai lầm của mình trong quá khứ, bạn nên hướng về tương lai bằng cách tạo nên những mục tiêu thực tiễn để giải quyết vấn đề.

Ví dụ thay vì “làm sao để hết vung tay quá trán mỗi khi lương về”, bạn hãy lập kế hoạch chi tiêu dựa vào mong muốn trong tương lai. Bạn có thể tham khảo mô hình SMART trong việc lập mục tiêu, cụ thể: 

Thay vì
Thay vì chăm chăm vào sai lầm trong quá khứ, bạn nên tập trung vào tương lai
  • Specific – Cụ thể: tiết kiệm 5 triệu cho chuyến du lịch vào dịp lễ sắp tới.
  • Measurable – Đo lường được: để tiết kiệm được 5 triệu, thì mỗi tuần bạn phải để dành bao nhiêu?
  • Achievable – Tính khả thi: với tiền lương hiện tại, sau khi trừ hết chi phí tất yếu bạn có để dành được số tiền mình cần không?
  • Relevant – Tính phù hợp: chuyến du lịch có thật sự cần thiết với bạn không?
  • Time Bound – Giới hạn thời gian: 3 tháng trước lễ có kịp để dành tiền không?

Thực hành chánh niệm

Chánh niệm được chứng minh là có khả năng giúp bạn kiểm soát cảm xúc tiêu cực, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Phương pháp này thật ra không “cao siêu” như nhiều người vẫn tưởng, bạn hoàn toàn có thể thực hiện nó bằng cách chơi sudoku, vẽ tranh, origami hoặc viết nhật ký. 

Những hoạt động này sẽ giúp bạn tập trung vào thực tại, lấy lại quyền kiểm soát, cũng như sắp xếp cảm xúc một cách lành mạnh.

Thay thế cơ chế trao thưởng 

Như tiến sĩ Timothy đã chia sẻ trên Healthline, để ngừng một thói quen xấu bạn nên thay thế nó bằng một hành vi mới, thay vì chỉ cố gắng dừng hành vi xấu lại. 

Chẳng hạn thay cho đồ uống có cồn vào tối thứ 6, bạn có thể chọn một hoạt động khác như đi nghe nhạc acoustic, tập gym, chơi boardgame với bạn bè,...

Bạn càng bền bỉ, thói quen mới sẽ được tạo "đà" để phát triển. Và khi thấy được “phần thưởng” từ sự kiên trì của mình (khỏe mạnh hơn, không còn cảm giác nôn nao khi thức dậy vào sáng thứ 7), bạn sẽ có thêm động lực để thực hiện nó thay cho những tật xấu trước kia.

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.