Cheerleader effect - Đứng giữa hội người đẹp có làm bạn “thơm lây”? | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 05, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Cheerleader effect - Đứng giữa hội người đẹp có làm bạn “thơm lây”?

Nếu bạn lo lắng rằng chụp hình với hội người đẹp có thể khiến bản thân bị “dìm hàng” thì cheerleader effect sẽ chứng minh điều ngược lại.
Cheerleader effect - Đứng giữa hội người đẹp có làm bạn “thơm lây”?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Khi làm đẹp cho hồ sơ hẹn hò online, bạn nên chọn những tấm hình tự sướng kiểu cách hay bức ảnh sống động chụp với hội bạn? Lời khuyên từ các nhà nghiên cứu gửi tới: hãy đăng ảnh “không một mình”!

Chụp nhóm thường là lựa chọn mạo hiểm vì nỗi bất an bị “dìm hàng” hoặc lu mờ giữa đám đông xinh đẹp. Nhưng một hiện tượng tâm lý mang tên “hiệu ứng đội cổ vũ” (cheerleader effect) đang chứng minh điều ngược lại.

Hiệu ứng đội cổ vũ (cheerleader effect) là gì?

Hiệu ứng đội cổ vũ là hiện tượng con người dường như trông quyến rũ hơn khi ở trong nhóm so với khi một mình.

Tên của hiệu ứng được đặt theo một ví dụ phổ biến về vẻ đẹp tập thể. Các thành viên đội cổ vũ trông xinh đẹp và cuốn hút khi được dung hoà bởi sự hiện diện của những người xung quanh. Có rất nhiều bộ phim vô tình ứng dụng hiệu ứng này qua hội trai xinh gái đẹp, như The Plastics trong Mean Girls hay dàn F4 trong Vườn Sao Băng.

Nhân vật Barney Stinson trong series How I Met Your Mother là người sáng tạo cái tên cheerleader effect, và nhiều cách gọi hài hước khác: bridesmaid paradox (nghịch lý phù dâu), sorority girl syndrome (hội chứng nữ sinh), Spice Girls conspiracy (thuyết âm mưu nhóm Spice Girls). Barney đã nhận thấy sự chênh lệch độ hấp dẫn của các cô nàng tại quán bar lúc ngồi chung so với lúc tách riêng.

Cheerleader effect được lý giải thế nào?

Năm 2013, hai nhà nghiên cứu Drew Walker and Edward Vul đã chứng minh giả thuyết của Barney. Trong hai thí nghiệm của họ, người tham gia đánh giá các bức ảnh nhóm gồm 3 nam hoặc 3 nữ và các bức chân dung của từng thành viên được cắt ra từ ảnh chung. Kết quả, dù với giới tính nào, ảnh nhóm vẫn được đánh giá nổi bật hơn ảnh cá nhân.

Ảo ảnh thị giác

Theo Walker và Vul, hiệu ứng cheerleader là hệ quả của ảo ảnh thị giác. Khi quan sát một đám đông, hệ thống thị giác sẽ tự động góp nhặt những đặc điểm đại diện toàn thể. Do cơ chế “trung bình cộng” đó, chúng ta quy các khuôn mặt về một phiên bản duy nhất và tự bình thường hóa những khuyết điểm riêng lẻ. Điều này có nghĩa, nhan sắc bình thường khi đứng giữa những vẻ ngoài khả ái sẽ được bù trừ và trở nên ưa nhìn hơn.

alt
Khi nhìn một nhóm người, chúng ta sẽ tự "trung bình cộng" những đặc điểm của họ.

Đây còn được gọi là top-down processing - xử lý thông tin dựa trên ngữ cảnh, giả định và những kiến ​​thức sẵn có. Ebbinghaus là ảo giác điển hình cho top-down processing. Trong hiện tượng này, một hình chấm cỡ trung bình sẽ bị phóng đại khi được bao quanh bởi các chấm bé hơn, nhưng lại thu nhỏ khi đứng giữa các chấm lớn hơn. Điều này cho thấy nhận thức của chúng ta bị thay đổi bởi dữ kiện toàn cảnh.

Thiên kiến xã hội

Thiên kiến xã hội khiến chúng ta có xu hướng nhìn "gộp" mọi thứ theo các phạm trù như: tuổi tác, giới tính, chủng tộc. Bộ não sẽ nhanh chóng gom chung: đây là nhóm nữ, người Việt Nam, nhưng sẽ bỏ qua điểm khác biệt nhỏ như má lúm đồng tiền, nốt ruồi, hình xăm,...

Điều này đang chỉ ra sự "thiên vị" của nhãn quan với nhóm đa số mà bỏ qua thiểu số. Nếu một nhóm 10 người chỉ có 3 người da màu, còn lại là người da trắng thì có thể mắt ta sẽ lấy "da trắng" làm đại diện.

Các yếu tố không quan trọng

  • Số lượng: Walker và Vul đã kiểm chứng, dù là nhóm 4, 9 hay 16 người thì đánh giá về mức độ hấp dẫn cũng không khác nhiều. Có vẻ như chỉ cần một nhóm nhỏ cũng đủ để tôn lên sự quyến rũ của bạn.
  • Hình thức: Mặc dù các nghiên cứu hiện tại chỉ đang dựa trên hình ảnh, nhưng hiệu ứng cheerleader vẫn hoạt động tương tự khi gặp mặt trực tiếp.

Các ứng dụng của cheerleader effect?

Ghi điểm trên mạng xã hội

alt
Những tấm ảnh của bạn sẽ ấn tượng khi có sự tham gia của bạn bè.

Hãy tận dụng hiệu ứng cheerleader nếu bạn muốn đăng hình để khoe trên mạng xã hội hay tạo ấn tượng với ai đó. Bạn chỉ cần chọn những tấm hình với bạn bè mà che được khuyết điểm của bản thân, hoặc các hình ảnh hoạt động đời sống, xã hội. Chúng có thể cho đối phương biết nhiều hơn là vẻ ngoài của bạn. Bên cạnh đó, khi đứng cùng bạn bè, bạn không chỉ hấp dẫn hơn bởi hiệu ứng cheerleader mà còn vì bạn trông tự nhiên và hạnh phúc.

Sức hút của các nhóm nhạc

Đã bao giờ bạn nhìn vào một nhóm nhạc Hàn Quốc mà thấy ai cũng na ná nhau và đều xinh lung linh? Những nhà sản xuất, stylist đã ứng dụng hiệu ứng cheerleader để làm nổi bật vẻ đẹp của từng thành viên trong nhóm.

Có thể một vài chi tiết sẽ khác nhưng các nhóm thường xuất hiện với sự đồng nhất về trang phục, ngoại hình và được ấn định một phong cách chủ đạo để theo đuổi. Chính những tiết mục, bộ ảnh nhóm hài hòa đã tạo được hiệu ứng lớn và thu hút đông đảo người hâm mộ.

Chiến thuật truyền thông

Hiệu ứng cheerleader thường xuất hiện trong các hoạt động quảng bá, thương mại. Chẳng hạn như bài hát cổ động Đi trong mùa hè của Đen Vâu, hình ảnh đám đông trong cùng một màu cờ sắc áo, cùng một khung cảnh Việt Nam đã làm lay động bao người xem. Đó là sức lan tỏa mà không thể chỉ đến từ một người.

Theo một phương thức tiếp thị phổ biến, những mặt hàng trung bình thường được trưng bày cạnh nhau hoặc kết hợp với những mặt hàng khác. Hãy thử vào một cửa hàng quần áo, những chiếc áo giá “mềm,” hình thức trung bình thường được xếp thành hàng để trông “đã mắt” hoặc được phối với các phụ kiện như áo khoác, chân váy. Nhưng nếu để riêng thì chưa chắc chúng đã thu hút đến vậy.