Chơi hụi - Kiểu tiết kiệm an toàn hay tiềm tàng nguy hiểm? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Chơi hụi - Kiểu tiết kiệm an toàn hay tiềm tàng nguy hiểm?

Dù là chơi hụi ngoài đời hay trên mạng, chúng ta đều khó tránh khỏi những pha “bể hụi” dở khóc dở cười.
Chơi hụi - Kiểu tiết kiệm an toàn hay tiềm tàng nguy hiểm?

Nguồn: Hữu Trung

1. Chơi hụi là gì?

Chơi hụi là hình thức huy động vốn hay tiết kiệm tập thể trong dân gian Việt Nam, thường do phụ nữ thực hiện. Hình thức này còn có tên gọi khác là họ, biêu hay phường tùy theo địa phương. Điều 471, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về chơi hụi như sau:

“Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên”.

Ngày nay chơi hụi còn xuất hiện ở hình thức online, khi nhiều phần mềm thanh toán/quản lý tài chính ra mắt tính năng góp quỹ. Dù vậy, hình thức góp vốn này khá dễ bị biến tướng thành cho vay nặng lãi, và mỗi năm đều xuất hiện không ít vụ việc bể hụi với thiệt hại lên tới hàng trăm, hàng tỷ đồng.

2. Nguồn gốc và cách chơi hụi?

Hiện không có nhiều nguồn tin để xác định rõ thời điểm từ này xuất hiện. Song theo Los Angeles Times, “hụi” có thể là cách đọc trại âm của từ “hội” trong tiếng Hoa. Hình thức gọi vốn này nhiều khả năng theo người Hoa du nhập vào Việt Nam, và cũng xuất hiện ở các nước đồng văn khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Khi chơi hụi, một người sẽ đứng ra làm chủ hụi, và các thành viên khác được gọi là “con hụi”. Số thành viên tương ứng với số tuần (hoặc số tháng) chơi hụi. Chủ hụi có trách nhiệm thu và quản lý số tiền các con hụi đóng góp, và đôi khi được nhận hoa hồng cho công việc này.

Chẳng hạn một dây hụi 10 người quy định mỗi con hụi sẽ đóng góp 1 triệu. Như vậy tổng số tiền hụi là 10 triệu, và đến kỳ mở hụi cuối mỗi tháng thì từng người sẽ lần lượt được rút cả 10 triệu đồng. Tháng đầu thì người A được rút, tháng thứ hai người B được rút, cứ như vậy chu trình tiếp tục cho đến hết 10 tháng thì dây hụi kết thúc.

Hiểu nôm na, chơi hụi khá giống bỏ ống tiết kiệm. Song bạn có thể nhận trước một khoản tiền lớn khi có việc cần gấp, mà không phải chịu lãi suất như khi vay ngân hàng hay trả góp.

26jan2024choihuicohopphapkhong1jpg
Một dây hụi đang lập văn bản pháp lý. | Nguồn: LVP

Có 2 hình thức chơi hụi: có lãi và không lãi. Cách chơi trên là chơi hụi không lãi, phổ biến trong nhóm người đã có sẵn mối quan hệ thân thiết (như bạn bè, họ hàng). Còn với chơi hụi có lãi, các thành viên thỏa thuận với nhau về mức lãi và điều kiện đi kèm.

Chẳng hạn trong dây hụi 10 người ở ví dụ nêu trên, chủ hụi quy định ai cần tiền gấp trước kỳ mở hụi có thể rút, nhưng phải chịu lãi suất 20%. Như vậy nếu A chấp nhận hốt hụi sớm vì cần tiền, A chỉ nhận về 8 triệu, vì 2 triệu còn lại là tiền lãi mà người hốt hụi sau được hưởng.

Nếu có nhiều người cần hốt hụi gấp ở một thời điểm, chủ hụi có thể quyết định người hốt bằng cách bốc thăm, hoặc cho “bán đấu giá”: ai chấp nhận trả lãi cao hơn sẽ được rút trước.

Theo nguyên tắc này, người càng lĩnh hụi về sau thì càng lãi được nhiều. Bởi giá trị đồng tiền ở hiện tại luôn cao hơn ở tương lai (do lạm phát). Tuy nhiên việc hốt hụi sau cùng cũng đi kèm với nguy cơ bị bể hụi hoặc giật hụi, dẫn đến “mất cả chì lẫn chài”.

3. Vì sao chơi hụi phổ biến?

Gần đây một số ví điện tử như MoMo hay ZaloPay đã ra mắt tính năng quỹ nhóm. Đây vốn là tính năng thuần túy để đóng và quản lý quỹ nhóm, nhưng lại có chức năng “rút quỹ” giúp bạn rút được tiền từ quỹ ở bất cứ thời điểm nào. Không ít người đã tận dụng nó làm công cụ “chơi hụi” online, dẫn tới nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Điển hình phải kể đến trường hợp được chia sẻ gần đây trong nhóm Cột sống Gen Z trên Facebook. Theo đó, một nhóm bạn góp quỹ đi du lịch trên MoMo, nhưng trưởng nhóm đã bất ngờ “giật hụi”. Chính từ bài đăng này mà “chơi hụi” bỗng viral thời gian gần đây.

26jan202441718155615527258822549035991352759881574147njpg
Pha dành dụm tiền đi chơi bỗng biến thành “giật hụi” bất đắc dĩ. | Nguồn: Cột sống Gen Z

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định Chiến lược đầu tư của Dragon Capital Việt Nam, chơi hụi phổ biến khi nền tài chính chưa đủ đáp ứng nhu cầu huy động vốn ở quy mô trung bình và lớn. "Chơi hụi không xấu, chỉ là hiệu quả giữa người cho vay và đi vay khác nhau. Thực ra chơi hụi phải hiểu mình chơi gì thôi" - ông Tuấn chia sẻ.

Vì vậy nếu tham gia chơi hụi, bạn nên thống nhất với các con hụi khác lập văn bản pháp lý có xác nhận của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Luật Dân sự cũng quy định mức lãi suất trần khi chơi hụi là 20%/năm (1.67%/tháng). Nếu vượt quá mức lãi suất này, dây hụi sẽ bị coi là hành vi cho vay nặng lãi, không được pháp luật thừa nhận.

Dù vậy chuyên gia Lê Anh Tuấn nhận định, giờ đây có nhiều hình thức vay mượn và đầu tư hơn. Nên thay vì đặt rủi ro vào chơi hụi, người trẻ nên sử dụng đồng tiền một cách thông minh cũng như hướng dẫn thế hệ trước định hướng lại dòng tiền.

4. Cách dùng từ chơi hụi?

A: Ê bà thử chức năng góp quỹ của MoMo chưa? Chỉ cần có người mở quỹ, những người khác trong hội cứ thể chuyển tiền góp vào. Rồi hình như ai rút lúc nào cũng được.

B: Tui thấy hơi giống chơi hụi á bà ơi, cẩn thận bị người ta giật hụi đó bà.

5. Các từ liên quan đến chơi hụi?

Dây hụi: Một nhóm người tham gia chơi hụi. Một dây hụi có một người đứng ra làm chủ hụi, còn lại là các con hụi.

Bể hụi (hoặc vỡ hụi): Khi chủ hụi đã thu của các con hụi, nhưng đến kỳ mở hụi không đủ khả năng chi trả cho người được hốt hụi.

Hụi ma: Người đã chơi hốt hụi nhưng bỏ trốn. Trong trường hợp người trốn là chủ hụi thì hiện tượng này gọi là “giật hụi”.

Thảo hụi: Số tiền mà con hụi phải đóng cho chủ hụi khi chơi hụi có phí.

Hụi sống, hụi chết: Hụi chết là lãi suất người hốt trước phải trả trong trường hợp cần hốt hụi trước kỳ. Người hốt sau được hưởng số lãi này gọi là “hụi sống”.