Chuẩn bị tài chính thế nào cho lúc nghỉ việc? | Vietcetera
Billboard banner

Chuẩn bị tài chính thế nào cho lúc nghỉ việc?

Kể cả khi bạn không định nghỉ việc ở thời gian này, hãy cứ chuẩn bị trước. Vì bạn không thể nào biết được liệu mình có khả năng bị sa thải hay không.
Chuẩn bị tài chính thế nào cho lúc nghỉ việc?

Nguồn: Pexels

Bạn có thể có nhiều lý do để nghỉ việc, một mức lương tốt hơn, một cơ hội mới hay đơn giản chỉ là nghỉ ngơi. Song, trước khi đạt được các mục đích này, bạn cần có một kế hoạch tài chính cho giai đoạn thất nghiệp.

Việc chuẩn bị này không chỉ là để đảm bảo, giúp bạn sinh hoạt bình thường trong giai đoạn cắt giảm nguồn thu nhập. Quan trọng hơn, kế hoạch này là cơ sở giúp bạn đánh giá thời điểm lý tưởng để nghỉ việc và tìm việc mới, từ đó có hướng sử dụng giai đoạn nghỉ việc một cách tối ưu nhất.

Vậy kế hoạch tài chính ấy cần được chuẩn bị như thế nào?

Dựa vào kinh nghiệm khi từng làm việc tại 6 công ty ở các lĩnh vực khác nhau, từ tài chính ngân hàng, du lịch khách sạn, nhân sự và giờ là truyền thông, tôi nhận thấy có hai kịch bản tài chính mà bạn có thể tham khảo, ứng với hai trường hợp nghỉ việc ngắn hạn và dài hạn.

Chuẩn bị tài chính khi nghỉ việc ngắn hạn như thế nào?

Trường hợp này xảy ra chủ yếu khi bạn cảm thấy kiệt sức (burn out), không phù hợp với công việc hiện tại. Sau khi nhận diện được vấn đề, nhân sự thường có khuynh hướng nghỉ việc sau 1-2 tháng.

Đặc điểm này vô tình tạo ra hạn chế về thời gian khi bạn muốn lên kế hoạch tài chính cho giai đoạn thất nghiệp. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể vượt qua trở lực này bằng các tính toán nhỏ và việc tối ưu các nguồn thu nhập khác.

Lời khuyên 1: Hãy kiểm tra nhanh “sức khỏe” chi tiêu

Để có dự trù tài chính chuẩn xác với nhu cầu chi tiêu cá nhân, bạn nên liệt kê các chi phí bắt buộc hàng tháng, bao gồm chi phí thuê nhà, chi phí đi lại, ăn uống tối thiểu. Bên cạnh đó, hãy tập thói quen cắt giảm những chi phí không cần thiết như thời trang, ăn uống ở ngoài và các khoản nợ thẻ tín dụng, để duy trì ổn định tài chính trong giai đoạn khó khăn.

Bạn cũng có thể tạm dùng quỹ khẩn cấp như một khoản dự phòng. Quy mô lý tưởng của quỹ này sẽ bằng tối thiểu 1 năm phí sinh hoạt căn bản. Vì thế, hãy luôn ý thức xây dựng quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt ngay khi còn đi làm.

Thử tưởng tượng rằng trong tình huống xấu nhất, bạn đã nghỉ việc từ 6-9 tháng và đang tiêu dần những đồng cuối cùng của khoản tiền tiết kiệm nhưng chưa biết làm gì tiếp theo. Lúc này, sự thiếu hụt về tài chính có thể khiến bạn phải nhận bừa một công việc để trang trải cuộc sống.

alt
Nguồn: Pexels

Lời khuyên 2: Tận dụng những quyền lợi của “cựu” nhân viên

Một số quyền lợi của người lao động như bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thường bị nhân sự trẻ bỏ qua vì thiếu thông tin. Song, đây lại là nguồn hỗ trợ không nhỏ cho việc duy trì sức khỏe tài chính hậu nghỉ việc.

Chính bản thân tôi trước đây đã có thể sống tốt trong vòng 3 tháng mà chỉ dựa vào bảo hiểm thất nghiệp tới khi mình có công việc mới.

Thông thường, bảo hiểm thất nghiệp cho phép bạn hưởng 60% mức lương chính hàng tháng. Đi làm năm đầu tiên và đóng bảo hiểm đầy đủ bạn sẽ được hưởng 3 tháng bảo hiểm thất nghiệp, số tháng bảo hiểm sẽ tăng theo tháng với mỗi một năm bạn đóng bảo hiểm.

Với 60% thu nhập hàng tháng này chắc chắn đủ để bạn trang trải chi phí tiêu dùng tối thiểu trong thời gian tìm kiếm công việc kế tiếp. Quyền lợi khác của người lao động như số ngày phép chưa nghỉ trong năm, có thể được quy định để thêm vào tháng lương cuối.

Lời khuyên 3: Nghỉ việc nhưng không dừng việc

Bạn có thể cân nhắc tăng nguồn thu từ các công việc ngắn hạn mà mình thấy hứng thú nhưng theo hướng tối ưu.

Cụ thể, bạn có thể chọn các công việc theo dự án, part-time được trả lương để xem mình có phù hợp với hướng đi hoặc công ty mới hay không. Đây vừa là cách để bạn kiếm thêm thu nhập trong quá trình nghỉ việc, vừa để đánh giá quyết định chọn lựa công việc tiếp theo.

Khi vào tình huống tương tự, mình cũng đã nhận chạy thêm các dự án như dịch thuật, quản lý dự án (project manager) cho các dự án phi chính phủ (NGO). Dù thu nhập không đáng kể nhưng cũng là một cách để xem mình có hợp với các công việc tương tự hay không.

alt
Nguồn: Pexels

Chuẩn bị tài chính khi nghỉ việc dài hạn như thế nào?

Khác với tư duy nghỉ việc ngắn hạn, người chọn nghỉ việc dài hạn thường hướng đến mục đích tự do về tài chính. Họ không còn là nghỉ việc để kiếm việc mới mà đang đứng giữa sự lựa chọn có đi làm công tiếp hay không và làm điều mình thích.

Chính vì đặc điểm này, việc lên kế hoạch tài chính cho nghỉ việc ở trường hợp này có phần kéo dài hơn và yêu cầu sự kiên trì cao hơn để đạt mục tiêu tài chính đề ra đúng thời hạn.

Ví dụ, bản thân mình đã đặt mục tiêu sẽ được tự do tài chính tại thời điểm năm 40 tuổi, và mình chọn áp dụng quy tắc 4%.

Theo đó, một năm chi tiêu gia đình rơi vào khoảng 500 triệu gồm tiền sinh hoạt, tiền học của con, tiền bảo hiểm. Để tự do về tài chính thì mình sẽ cần số tiền là 500 triệu chia 4% = 12,5 tỷ đồng, tương đương khoảng 100 triệu tiết kiệm mỗi tháng.

Thực ra mục tiêu này cũng được đặt ra trong 3 năm gần đây, và mình dự tính sẽ hoàn thành trong vòng 12 năm. Còn trước đó mình đặt những mục tiêu ngắn hạn như tăng lương, đầu tư và mua nhà.

Ngoài ra, việc liên tục bổ sung nguồn thu nhập thụ động và đa dạng hoá các danh mục đầu tư từ chứng khoán, bất động sản, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cũng là yếu tố cộng thêm bạn cần chú ý.

Lời kết

Nhìn chung, dù có đặt kế hoạch nghỉ việc dài hạn hay ngắn hạn, cách để bạn có được kế hoạch tài chính hiệu quả vẫn là sự kiên định theo đuổi với mục tiêu đặt ra.

Như mình, khi tiết kiệm, đầu tư để đạt tới mốc 1 tỷ đầu tiên để nghỉ việc dài hạn là rất khó khăn. Đó không chỉ là về công việc, mà còn là những đấu tranh suy nghĩ như tại sao không tự thưởng cho mình một chút?

Tuy vậy, mỗi khi có suy nghĩ đó nảy lên, mình đều tự nhắc nhở bản thân 1 đồng mình tiết kiệm đầu tư bây giờ sẽ giúp mình rút ngắn lại thời gian dẫn tới mục tiêu về tự do tài chính thêm 1 ngày. Cứ nghĩ như thế, tự nhiên thấy mình có thêm động lực hơn để về đích.

Và kể cả khi bạn không định nghỉ việc ở thời gian này, hãy cứ chuẩn bị trước. Vì bạn không thể nào biết được liệu mình có khả năng bị sa thải hay không.