Có phải chỉ bố mẹ mới có thói quen tích trữ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Có phải chỉ bố mẹ mới có thói quen tích trữ?

Nhìn từ khía cạnh tâm lý, bạn sẽ thấy việc tích trữ không chỉ xuất hiện ở thế hệ bố mẹ, ông bà.
Có phải chỉ bố mẹ mới có thói quen tích trữ?

Nguồn: Tram Anh Vo @tram.art cho Vietcetera

Thời thơ ấu hầu như chúng ta đều trải qua 2 “cú lừa” lớn: hộp bánh quy đựng kim chỉ và hộp kem đựng thịt trong tủ lạnh. Đây là kết quả của việc tích trữ đồ cũ, khi bánh đã ăn hết nhưng hộp thì không nỡ vứt vì nghĩ vẫn có thể dùng lại.

Tích trữ là thói quen khá phổ biến ở thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta. Họ hầu như không muốn vứt bất cứ thứ gì vào thùng rác, từ vỏ hộp, bìa carton, sách báo cho đến đồ điện tử, quần áo hay thậm chí xe đạp. Những món đồ này dù mục nát, hỏng hóc đã lâu nhưng vẫn nằm “cố thủ” trong nhà kho hoặc kệ tủ nhà bạn tới vài chục năm liền.

Nhìn bề ngoài thì có vẻ đây là một lối sống phổ biến của nhóm người trung niên và cao tuổi. Nhưng trên thực tế tâm lý này xuất hiện ở cả giới trẻ, chứ không chỉ riêng thế hệ lớn lên trong thời kỳ nghèo khó.

Sự tương đồng trong thói quen tích trữ giữa bạn và bố mẹ

Cái gì khan hiếm luôn được coi trọng

Theo National Geographic, con người luôn có tâm lý khan hiếm (scarcity mindset). Chúng ta đánh giá cao những mặt hàng hiếm có khó tìm, và đánh giá thấp những món đồ dư dả. Ngoài ra theo bản năng sinh tồn, não bộ luôn xác định những gì bạn thiếu hụt để chủ động bù đắp. Và tích trữ là một trong những hình thức bù đắp phổ biến nhất.

Tâm lý này thường trực ở bố mẹ và ông bà chúng ta - những người lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, bao cấp. Đây là thời kỳ mà ngay cả lương thực cơ bản như gạo, thịt… cũng bị “khoán” kỹ lưỡng. Do không có tiền mua và mặt hàng lưu thông trên thị trường hạn chế, họ giữ lại bất cứ cái gì có thể tái sử dụng.

Đến đời con cháu, kinh tế mở cửa, hàng hóa thị trường đa dạng nên chúng ta không còn tâm lý tích trữ vỏ hộp. Thay vào đó, bạn tích trữ đồ vì nghĩ có thể sẽ có lúc cần đến.

Chẳng hạn bạn mua lượng lớn sách vì trúng đợt giảm giá hiếm có. Vì mua để tranh thủ giảm giá chứ chưa có nhu cầu, bạn để sách lên kệ và nghĩ rằng sau này sẽ có dịp cần đọc. Nhưng nhiều năm trôi qua và chồng sách vẫn nằm chình ình ở đó, trong khi “dịp” ấy không bao giờ đến cả.

Thà giữ đồ cũ còn hơn chia tay nó

Theo Amos Tversky và Daniel Kahneman, lo ngại mất mát (loss aversion) xảy ra khi bạn không muốn đánh mất thứ mình đang có. Nguyên nhân vì con người có mối liên hệ cảm xúc mạnh mẽ hơn với thứ họ đã dành thời gian dài tiếp xúc. Do đó, nỗi đau mất mát lớn gấp đôi niềm vui gặt hái được khi thử điều mới.

Tâm lý này đặc biệt rõ rệt với những món đồ họ phải rất khó khăn mới có được. Đây là điều tôi chứng kiến ở mẹ mình với chiếc xe đạp Thống Nhất - thứ được coi là cả một gia tài trong thời kỳ bao cấp. Mẹ tôi đã đi chiếc xe đó suốt hơn 40 năm. Thậm chí đến khi nhà tôi có ô tô, bà vẫn giữ nó trong nhà dù các bộ phận đều hỏng hóc.

22may2023tlhdocuintext1jpg
Chiếc xe đạp vẫn "cố thủ" ở đó, dù đã không có ai đi từ rất lâu.

Bản thân tôi cũng có tâm lý này với đôi giày Converse tôi mua bằng tháng lương thực tập đầu tiên. Giày Converse hồi đó được coi là item hot trong giới sinh viên, nên việc tự mua được nó bằng tiền mình làm ra khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Sau này tôi có mua thêm và bỏ đi vài đôi giày khác, nhưng đôi Converse đó vẫn “cố thủ” trong tủ giày nhà tôi.

Đồ cũ mang lại cảm giác an toàn

Hồi còn nhỏ, có lẽ ai cũng có cho mình một “comfort object” (tạm dịch: Đồ vật an toàn). Đó có thể là chú gấu bông, một chiếc chăn bạn mang từ nhà tới trường mẫu giáo, hoặc khi đi du lịch với gia đình.

Khi tới nơi không quen thuộc, hoặc không có cha mẹ bên cạnh, những đồ vật này giúp bạn bớt lo âu, sợ hãi và dễ dàng đi vào giấc ngủ. Theo nhà phân tâm học Donald Winnicott, chúng đóng vai trò kết nối giữa môi trường cũ và mới, giúp bạn trải qua quá trình chuyển giao và thích nghi một cách nhẹ nhàng hơn.

Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở người lớn. Càng lớn tuổi, khả năng học hỏi và thích nghi với cái mới của con người càng giảm xuống. Trong khi đó xã hội luôn thay đổi chóng mặt, mọi thứ đều khác biệt nhiều so với thời chiến tranh hay bao cấp. Đây là lý do ông bà và bố mẹ chúng ta tìm về những đồ vật cũ, thực chất là tìm lại cảm giác an toàn, quen thuộc trước kia.

Bên cạnh đó, theo chuyên viên xã hội học lâm sàng Allan Schwartz, não sẽ kích hoạt chế độ cảnh giác cao khi ở không gian rộng và trống trải. Đây chính là điều xảy ra khi ông bà, bố mẹ ở nhà một mình trong thời gian dài.

Nguyên nhân bởi họ đã quen với cảnh sống trong lán trại, hầm trú ẩn, nhà cấp 4 hoặc nhà tập thể nhỏ hẹp thời chiến tranh và bao cấp. Giờ có không gian sống rộng rãi hơn, nhưng con cháu lại bận rộn cả ngày, họ sẽ bị “sốc” và chất nhiều đồ đạc để có cảm giác an tâm.

Đồ cũ gắn liền với kỷ niệm

Những món quà tặng, kỷ niệm chương… là biểu hiện của tình cảm và sự công nhận đến từ người khác. Dù có hỏng hay lỗi đến đâu, nhưng một khi danh tính chúng đã gắn bó với người đó, bạn cũng sẽ khó lòng bỏ đi.

Một số người lớn tuổi lại mong muốn giữ gìn kỷ vật để truyền lại nó cho đời sau. Một người bạn của tôi có chú gấu bông, vốn là quà sinh nhật mẹ bạn được tặng hồi nhỏ. Sau đó chú gấu này được “sang tên” cho chị gái bạn, rồi đến bạn và hiện tại là cháu của bạn. Một món đồ mang trong mình nhiều ký ức và lịch sử gia đình như vậy, quả thực không dễ gì có thể từ bỏ.

Tích trữ đồ cũ thế nào để xây dựng “bảo tàng” ký ức?

Việc tích trữ đồ đạc thực tế mang lại không ít lợi ích. Những hộp bánh, hộp kem được tái sử dụng ở đầu bài là ví dụ điển hình giúp hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường. Nó cũng cho thấy ông bà, bố mẹ chúng ta từ lâu đã là những “bậc thầy” tái chế, trước khi nó trở thành phong trào như hiện nay.

Bên cạnh đó, đồ cũ có thể tạo ra một “bảo tàng” ký ức cho cả gia đình. Những đồ vật đã gắn với nhiều thế hệ, trải qua nhiều thăng trầm khác nhau luôn mang lại cảm giác ấm áp, giúp bạn hiểu hơn về những gì ông bà, bố mẹ mình đã trải qua.

22may2023tlhdocuintext2jpg
Nếu biết sắp xếp, đồ cũ có thể tạo nên một “bảo tàng” ký ức quý giá.

Tuy nhiên nếu tích trữ quá nhiều và không có cách quản lý, đồ đạc sẽ làm chật chội không gian sống. Bên cạnh đó, chúng dễ bám bụi và nấm mốc trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, trở thành “cơn ác mộng” mỗi dịp dọn nhà cận Tết. Vì vậy để xây dựng “bảo tàng” cho hợp lý, bạn nên bàn với bố mẹ xem nên giữ lại và bỏ đi những gì.

Trong quá trình này, thử thách lớn nhất là tách rời những món đồ hỏng hóc với kỷ niệm liên quan đến nó. Bạn và bố mẹ có thể áp dụng mẹo tự hỏi bản thân, xem người tặng có thích việc bạn khổ sở vì món đồ họ tặng hay không. Nếu câu trả lời là không, hãy mạnh dạn bỏ nó.

Ngoài ra nếu có thể, bạn nên bố trí không gian riêng trong nhà để lưu giữ “ký ức”. Đó có thể là một nhà kho hoặc chiếc tủ ly. Nhưng thay vì để ly, cốc trong đó thì bạn trưng bày đồ cũ giống như cách cổ vật được trưng bày trong bảo tàng. Với ảnh hoặc bưu thiếp, thư từ, nên để tập trung vào một quyển album hoặc sổ tay để vừa dễ quản lý, vừa tăng tính thẩm mỹ.