Mới chỉ hai tháng trước, cư dân mạng Việt Nam sử dụng những lời lẽ nặng nề nhất để thể hiện sự bức xúc đối với các sự việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Bố và mẹ kế bạo hành dẫn đến cái chết của con gái 8 tuổi ở TP.HCM, cha đánh con 6 tuổi tử vong ở Hà Nội, bé gái 3 tuổi bị tình nhân của mẹ đóng 10 chiếc đinh vào đầu… Những sự việc thương tâm trên đều xảy ra vào tháng 01/2022.
Nửa tháng trước, vào ngày 12/03, bé gái bị đóng 10 chiếc đinh vào đầu đã tử vong. Kẻ thực hiện hành động tàn ác với bé có thể đối diện với án tử. Trên mạng xã hội, rất dễ để thấy không có quá nhiều bàn tán về sự kiện này, và có lẽ cũng không nhiều người nhớ họ đã lên án điều gì hồi đầu năm.
Trong tương lai, nếu một sự kiện tương tự tiếp tục xảy ra, vấn đề bạo hành sẽ lại mới toanh đối với xã hội. Ai rồi cũng sẽ bức xúc, nhưng không biết có thay đổi nào xảy đến hay không, hay đơn giản là chúng ta chỉ lãng quên?
Mạng xã hội được thiết kế để người dùng lãng quên
Có nhiều cách để lý giải hiện tượng quên lãng tập thể trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội.
Trong bài viết gây sốt Bức xúc không làm ta vô can, tác giả Đặng Hoàng Giang nhận định, có một nguồn cơn tâm lý học cụ thể cho việc báo chí và độc giả chỉ thích đọc những tin xấu. “Khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức, và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn” - ông viết.
Và chính bởi vì người ta lên tiếng chỉ để khẳng định rằng “tôi vẫn là người tốt”, họ không có nghĩa vụ phải tìm cách đề xuất giải pháp xử lý tiêu cực. Cũng không có một ai phải chịu trách nhiệm nếu như “target” kỹ thuật số của mình được chứng minh là bị oan.
Trong nghiên cứu dư luận xã hội, khái niệm trạng thái quên lãng tập thể liên tục (a constant state of collective forgetting) được đề xuất bởi hai tác giả Vũ Hoàng Long và Đặng Hoàng Hải. Hiện tượng cư dân mạng Việt ném đá bệnh nhân mắc COVID-19 vào đầu năm 2020 là ví dụ điển hình cho khái niệm này.
Liên tục đối diện với những “con bệnh” mới - “F17”, “F21”, “F55”..., cùng số liệu thống kê hàng ngày trên TV vào mỗi 6 giờ tối, khán giả liên tục phải quên đối tượng cũ để nhớ con số mới. Bằng không, những cái đầu bức xúc sẽ bị quá tải.
Cách lý giải hợp lý cho hiện tượng này là, bản thân mạng xã hội đã được thiết kế ra để người dùng liên tục quên lãng những gì họ đọc được. News Feed đã thay đổi mãi mãi khái niệm về dòng thời gian. Nếu như trước đây, suy tư về thời gian là hoài niệm về quá khứ, chiêm nghiệm hiện tại và hoạch định tương lai, thì nay nó đã bị thay thế bằng một chuỗi sự kiện nối tiếp nhau.
Người dùng chăm chú nhìn vào chiếc màn hình lạnh lùng, dành chưa tới 1 phút để đọc một mẩu tin, rồi ngay lập tức nhảy sang một thông tin khác. Mong muốn “sống cho hiện tại” đã thành hiện thực theo cách không thể nào trớ trêu hơn: ta chỉ quan tâm tới những gì xảy ra ngay lúc này, trong gần như mọi khoảnh khắc ta mở điện thoại ra và lướt feed.
Cái “hiện tại” bị kéo dài ra đến vô tận, và các tập đoàn truyền thông xã hội kiếm hàng tấn tiền từ hiện tượng này. Khái niệm Chủ nghĩa tư bản giám sát (Surveillance capitalism) ra đời nhằm mô tả cách kiếm lời mới từ thời gian người dùng mạng dán mắt vào màn hình. Tâm lý FOMO khiến ta vô thức nhìn và click nhầm vào hàng tá quảng cáo, thói quen đọc và tiêu cùng cũng bị nền tảng số đánh cắp vì lợi nhuận.
Có thể nói, cộng đồng mạng buộc phải quên lãng sự kiện cũ thì sự kiện sau mới có cơ hội được để ý đến. Quá trình này không quan tâm đến việc ta sẽ thả cảm xúc giận dữ hay ký tươi trên Change.org để cải thiện xã hội. Nó chỉ quan tâm xem ta có nhìn vào màn hình lâu hơn được không.
Càng bức xúc, càng dễ quên
Quay trở lại với nhận định của tác giả Đặng Hoàng Giang rằng truyền thông ngày nay không cố làm thỏa mãn nhu cầu thông tin, mà khỏa lấp nhu cầu bức xúc, và sau đó tặng cho khán giả một thứ ưu việt đạo đức tạm thời, nhà nghiên cứu truyền thông Anna Gibbs đồng ý với điều này.
Gibbs cho rằng thông tin được truyền từ người gửi đến người nhận trên truyền thông không phải những hình ảnh, ký tự, âm thanh, mà là cảm giác và cảm xúc của người gửi. Nói cách khác, khi đọc thông tin về bạo hành hoặc bất cứ vụ việc tiêu cực gì trong xã hội, người tiếp nhận không ghi nhớ nội dung của sự kiện, mà chỉ ghi nhớ sự giận dữ và bức xúc trong không khí chung của mẩu tin.
Nhận thấy cơ chế lan truyền thông tin này, các nhà sáng tạo nội dung hiện nay ngày càng đánh mạnh vào yếu tố cảm xúc nhiều hơn là giá trị thông tin. Không cứ gì mà ngày trước nhiều người phê phán báo chí tập trung quá nhiều vào chủ đề “cướp giết hiếp”. Logic đằng sau lý do này là cảm xúc mạnh khiến thông điệp dễ lan tỏa hơn.
Điều đó cũng đồng nghĩa rằng khán giả sẽ không thể nhớ nổi cốt lõi của thông điệp, như diễn biến sự kiện cụ thể, bối cảnh câu chuyện hay bài học rút ra. Đa số năng lực ghi nhớ của chúng ta đã được sử dụng để xử lý và bộc bạch cảm xúc.
Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ cảm thấy “lệch sóng” nếu như không cảm thấy những gì cả xã hội cảm thấy. Ta không biết mình nên sợ hãi (FOMO) hay tận hưởng cảm giác bỏ lỡ (JOMO) và cơ hội hóng chuyện.
Và thường, khi một sự kiện được thổi bùng bằng sự bức xúc, và người ta lao vào lăng mạ nhau mà không cần biết người đằng sau chiếc avatar cũng có một cuộc đời, thì kết thúc thường sẽ là nhục nhã. Và khi ấy, ta chỉ muốn quên sự việc đi càng nhanh càng tốt.
Vì thế, khi đọc thông tin, công chúng cần biết giữ khoảng cách với thông điệp để nhìn đa chiều hơn, thay vì để cảm xúc lấn lướt mất khả năng tư duy phê phán.
Khán giả chỉ nên "hóng" những gì thực sự quan trọng với họ
Công bằng mà nói, trong tình huống quên lãng liên tục trên mạng xã hội, một lời khuyên tương đối tệ với công chúng sẽ là “đừng quên nữa, hãy nhớ đi!”
Nếu như vẫn giữ thói quen tiếp nạp càng nhiều thứ trên News Feed vào bộ nhớ của ta càng tốt, thì rốt cục ta sẽ chẳng nhớ được điều gì. Huống chi là tìm cách giải quyết sự việc tiêu cực và thay đổi xã hội.
Tôi nghĩ đến một giải pháp khó thực hiện nhưng xứng đáng để thử, đó là hãy đọc ít đi. Đó là thay vì cố gắng xử lý mọi thông tin đến với mình bằng thái độ hời hợt, thì hãy thử theo sát những chủ đề ta thấy thực sự quan trọng với bản thân. Khi đọc một thông tin, hãy tìm ra sự liên hệ giữa nó với đời sống của mình.
Giả dụ, hãy theo dõi thông tin về một cuộc chiến tranh. Nghe thì có vẻ xa vời và phi thực tiễn. Thậm chí còn khó để nói giọt nước mắt trước một cái chết trên vô tuyến là cảm xúc nhất thời hay sự thấu cảm tới tim gan. Nhưng thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh và các biến cố chính trị ảnh hưởng domino đến giá xăng, giá sinh hoạt hay đời sống tâm lý hàng ngày.
Hay các chủ đề tưởng như “hàn lâm” nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới cách ta nhìn nhận thế giới cũng xứng đáng có được sự để ý. Quyền con người, nam nữ bình quyền, đa dạng văn hoá… đều liên quan chặt chẽ tới cách ta được đối xử ra sao, và ta đối xử với người khác như thế nào trong đời sống xã hội.
Và quan trọng nhất, sống trong một bể thông tin khổng lồ, ta luôn đối diện với nguy cơ bị lừa. Sự bịp bợm đến từ truyền thông không chỉ gồm hiện tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhỏ lẻ qua messenger và các website cá độ. Ta còn có thể bị thao túng nhận thức, tâm lý bởi nhiều dòng tư tưởng khác nhau, trong đó có thuyết âm mưu và những hình thức kiểm soát đám đông khác.
Những điều trên sẽ xảy ra hạn chế hơn nếu ta biết đối diện với sự kiện, không hùa theo hoặc phản đối vội, mà nói “để tôi nghĩ một chút đã!” Khi thông tin rời rạc được lắp ghép thành tổng thể thông qua tư duy đa chiều, thứ ta có được là cách hiểu thế giới xung quanh sâu sắc hơn.
Kết
Hãy nhớ rằng, sự tập trung và quan tâm của chúng ta trước hiện tượng xã hội cũng là một loại tài nguyên. Và tài nguyên đó có giá trị. Vì thế, để bức xúc thực sự không làm ta vô can, hãy thử quan tâm một cách thật sâu và kỹ. Quyết định hành động sau đó hay không phụ thuộc vào việc bạn đã suy tư.
Và suy tư luôn đáng trân trọng dù nó dẫn ta tới đâu đi chăng nữa.