Nuôi dưỡng văn hoá công ty: Một chiếc máy cà phê liệu đã đủ? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
23 Thg 03, 2021
Lãnh ĐạoM.A.D.

Nuôi dưỡng văn hoá công ty: Một chiếc máy cà phê liệu đã đủ?

Đâu là yếu tố giúp người lãnh đạo truyền được cảm hứng cũng như động lực cho nhân viên của mình?

Nuôi dưỡng văn hoá công ty: Một chiếc máy cà phê liệu đã đủ?

Nguồn: Vietcetera

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast "M.A.D" tại: Spotify | YouTube.

Trong tập MAD podcast lần này, chúng ta có cuộc trò chuyện với Daan van Rossum — Giám đốc Trải nghiệm tại Dreamplex. Công việc của anh là xem xét chất lượng môi trường làm việc tại đây và tìm cách để cải thiện nó. Trước đây, Daan đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Ogilvy và khắp các thị trường quốc tế như New York, Chicago, Singapore, và giờ đây là Việt Nam.

Daan và host Tuân Lê đã có cuộc trò chuyện xung quanh chủ đề nhân sự, về việc làm thế nào để tạo ra một trải nghiệm làm việc phù hợp cho nhân viên, và đâu là yếu tố giúp người lãnh đạo truyền được cảm hứng cũng như động lực cho nhân viên của mình.

Tầm quan trọng của văn hoá công ty

Daan nhận định các mô hình quản lý nhân sự, đặc biệt là tại Việt Nam, còn gặp nhiều bất cập. Các doanh nghiệp hiện tại vẫn đang áp dụng các mô hình làm việc chấm công và theo các quy luật, chính sách cứng nhắc. Điều này không những không tiếp thêm động lực cho nhân viên, mà còn đẩy lùi nhu cầu của họ trong việc đóng góp cho doanh nghiệp. Nhân viên sẽ chỉ hoàn thành các công việc được giao, và không có sự gắn bó với công ty mình đang làm việc.

Công thức để tạo ra một nơi “đáng để làm việc” là gì? Để thiết kế được một văn hoá công ty phù hợp, Daan nói “Đầu tiên, hãy chăm lo cho nhân viên của mình. Và mọi thứ tốt đẹp khác sẽ nối gót.”

Hai trong những yếu tố quan trọng để xây dựng trải nghiệm làm việc toàn vẹn là môi trường làm việc và văn hoá công ty. Hai yếu tố này cũng sẽ là điều thu hút một người mới, và là thứ đóng góp vào việc tạo ra động lực và hứng thú cho những nhân viên đương thời.

“Mua cho nhân viên một chiếc máy cà phê có thể là một cách đãi ngộ, nhưng nó không làm nên văn hoá công ty.” Daan nói cần phân biệt rõ giữa văn hoá công ty và những cách để tạo ra nó. “Trong trường hợp này, văn hoá công ty là việc nhân viên bạn làm việc hăng say đến mức họ cần cà phê ngon. Chiếc máy cà phê chỉ là một trong những cách để nuôi dưỡng văn hoá ấy.”

alt
Nguồn: Linh Nguyen/Unsplash

“Giải pháp nhân sự cho doanh nghiệp là một sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật.” — Daan nói. “Hãy nghĩ ra nhiều giải pháp nhất có thể, sau đó lược bỏ những giải pháp phi thực tế: không có lợi về mặt tài chính, không phù hợp với quy mô công ty, hoặc đơn giản là nhân viên của mình sẽ không hứng thú. Đảm bảo sự hứng thú và hài lòng của nhân viên trong công việc là thử thách mà công ty nào cũng sẽ gặp phải. Nhưng mỗi giải pháp sẽ được “đo ni đóng giày” theo từng tính chất của đội ngũ nhân viên.” — Daan nói thêm.

Một người lãnh đạo tốt cần lưu ý những gì?

Các nhân sự cấp quản lý, Daan nhấn mạnh để hiểu và kết nối với nhân viên của mình, một người sếp tốt cần biết đặt yếu tố con người lên hàng đầu.

Chính nhân viên mới là những người làm nên công ty. Trình độ và sự cam kết của nhân viên cũng chính là thước đo cho chất lượng những sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp tạo ra. Không có họ, doanh nghiệp sẽ không thể vận hành trơn tru và đúng tiến độ. Vì vậy, những người lãnh đạo phải biết cách trân trọng sự hiện diện của nhân viên. Hãy cho họ thấy rằng những đóng góp của họ có giá trị, và những kết quả họ tạo ra được công nhận và tán dương xứng đáng.

mad2
Nguồn: Mimi Thian/Unsplash

Và cần lưu ý rằng, những nỗ lực của người quản lý và nhà tuyển dụng không thể chỉ đi ra từ họ. Nhân sự nghĩa là làm việc với con người. Mà mỗi người đều phải trải qua những thăng trầm của riêng họ, cả trong công việc và ngoài đời sống cá nhân. “Có bao nhiêu công ty đang thật sự lắng nghe nhân viên của mình? Hay họ vẫn đang kẹt với việc cứ mỗi 6-12 tháng lại có một buổi đánh giá năng lực, kèm theo các câu hỏi ‘dễ đoán’ như ‘Dạo này công việc của bạn thế nào?’” — Daan nói thêm.

Một người quản lý tốt cần có một sự thấu cảm và kết nối sâu sắc với nhân viên. Từ đó họ mới có thể tạo ra những giải pháp nhân sự tối ưu nhất.

Khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam

Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết vẫn nhận thức được vấn đề về nhân sự kể trên. Song, họ vẫn chưa quen với khái niệm thuê một nhân viên HR chỉ để quan sát về trải nghiệm làm việc ở đây mỗi ngày, và tìm ra cách duy trì sự năng suất, sáng tạo cũng như hợp tác của đội ngũ.

Daan nhắc đến chị Sakshi Jawa, Giám đốc Nhân sự tại Tiki, cũng là người đang làm rất tốt công việc tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời tại doanh nghiệp này. Anh nói, một trong những mặt lợi của việc tuyển quản lý nhân sự nước ngoài về Việt Nam là sự thu nạp những giải pháp mà một thị trường đang chưa có, cụ thể là về HR.

Tại các công ty đầu ngành và lâu năm như Kimberly-Clark, Google hay Ogilvy, họ đã thiết kế được những mô hình quản lý con người tối ưu cho doanh nghiệp, giúp trải nghiệm nhân viên được trọn vẹn. Những mô hình này rõ ràng chưa thể áp dụng tại Việt Nam, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể học hỏi từ những chuyên gia HR nước ngoài trong cách họ tư duy và xử lý vấn đề. Thử thách ở đây là du nhập văn hoá — khả năng thấu hiểu và phân tích tâm lý, đặc trưng và mong muốn của một tập thể những người Việt, đặc biệt là khi họ đến từ một đất nước khác.

M.A.D. là series về Marketing, Advertising và Design, với sự tham gia của khách mời làm trong ngành sáng tạo.