Đầu tư chung sao cho không mất bạn? | Vietcetera
Billboard banner

Đầu tư chung sao cho không mất bạn?

Trong làm ăn, tin tưởng và quý mến nhau là chưa đủ.
Đầu tư chung sao cho không mất bạn?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Để hiện thực hóa một dự án đầu tư lớn, có lúc bạn sẽ cần sự góp sức - về tài chính hoặc kỹ năng, của nhiều người.

Thế nhưng khi dự án càng phát triển, thách thức càng nhiều thì cũng là lúc những khác biệt trong suy nghĩ giữa các thành viên sẽ dần lộ ra. Và hệ quả thường là công việc trì trệ hay thậm chí là hồi kết của toàn bộ dự án.

Vậy làm sao để tìm được những cộng sự khởi nghiệp “ăn ý”? Câu trả lời không nằm ngoài may mắn và mức độ nghiêm túc của bạn khi áp dụng các nguyên tắc hợp tác với người đầu tư chung.

Ở bài viết Tiền Đồng Tiền Đình lần này, hãy cùng Vietcetera điểm qua một số nguyên tắc hợp tác cơ bản nhé!

1. Giấy trắng mực đen

Ở bất kỳ thỏa thuận hay cam kết nào có ảnh hưởng đến dự án, bạn phải đảm bảo nguyên tắc ký kết bằng giấy tờ giữa các thành viên. Điều này vừa giúp bạn dễ xử trí khi có mâu thuẫn, vừa có chế tài phù hợp mà không mất lòng với những thành viên thiếu trách nhiệm với dự án.

Đơn cử như trong việc góp tiền vốn. Sự ghi nhận bằng văn bản pháp lý thể hiện các nội dung như lợi ích góp vốn, phân chia cổ tức sẽ giúp bạn phân minh hơn trong việc chia lợi nhuận hoặc san sẻ rủi ro nếu có, nhất là khi những cộng sự đó thuộc nhóm nhạy cảm như bạn bè và người thân.

2. Cởi mở

Khi đầu tư chung, các thành viên phải chuẩn bị tâm lý có bất đồng thuận và những hướng đi sai lầm. Để hạn chế tổn thất hoặc khả năng xảy ra những tình huống đó, bạn có thể áp dụng nguyên tắc cởi mở với toàn bộ thành viên tham gia.

Cụ thể, khi gặp bất đồng hay việc kinh doanh chưa được thuận lợi, cổ đông nên cùng ngồi xuống, nhắc nhở nhau về mục tiêu ban đầu của việc đầu tư chung.

Trong trường hợp một thành viên bắt buộc cân nhắc việc rời bỏ, cắt lỗ khoản đầu tư khi không thể giải quyết các vấn đề, việc cùng nhau khi vấn đề còn ở “trứng nước” cũng giúp quá trình bàn giao trở nên nhẹ nhàng hơn.

alt

3. Chia quyền lực theo đóng góp

Dự án có vốn từ nhiều người đòi hỏi bạn phải phân chia quyền lợi một cách hợp lý. Muốn đơn giản hoá chuyện này, bạn có thể tham khảo một số nguyên tắc góp vốn cơ bản trong lĩnh vực tài chính.

Với quy mô công ty có 2 thành viên/cổ đông trở lên, nguyên tắc góp vốn luôn do một người nắm đa số để tiện biểu quyết và đặt lợi ích chung lên hàng đầu.

Điều kiện khi thành lập doanh nghiệp cũng sẽ có danh sách cổ đông, hợp đồng góp vốn và điều lệ công ty cần thống nhất từ đầu và coi như bằng chứng cho việc góp vốn. Nếu như có mâu thuẫn thì ta quay lại và phân xử theo như thống nhất và văn bản điều lệ từ đầu.

Ngoài ra, bạn có thể căn cứ vào 2 hình thức góp vốn phổ biến để chia sẻ quyền lợi phù hợp.

Góp vốn bằng tài sản

Trong đó tài sản hữu hình cụ thể là tiền mặt hoặc hiện vật, phải đáp ứng đủ điều kiện là có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự một cách hợp pháp.

Tài sản vô hình khi góp vốn là quyền, ví dụ như quyền sở hữu trí tuệ (logo, thương hiệu sẵn có của cổ đông góp vốn), quyền hưởng dụng (cho phép sử dụng tài sản nhưng không được sở hữu).

Góp vốn bằng chất xám

Không ai có thể giỏi trong tất cả lĩnh vực, bởi vậy sẽ có trường hợp người đầu tư chung sẽ chọn chất xám làm vốn góp. Họ sẽ cùng điều hành bằng cách đưa ra tư vấn, chiến lược hoặc thực hiện các nội dung hàng ngày thuộc chuyên môn bản thân như tài chính, marketing hay thiết kế.

Hình thức này giúp người góp vốn linh hoạt hơn trong công việc khi giúp họ vừa có vai trò cổ đông, vừa có thể làm song song các công việc khác bên ngoài nếu không làm ảnh hưởng công việc chung.

Do đó, đây cũng là hình thức góp vốn được nhiều chuyên gia, nhân sự có thâm niên trong ngành lựa chọn khi đầu tư chung.

Ngược lại, hình thức này cũng mang lợi ích cho doanh nghiệp trẻ. Nó chính là một cách hiệu quả để quy tụ những người giỏi chuyên môn cùng làm với mình. Nhất là khi, nhiều doanh nghiệp nhóm này có vốn ít, khó thuê nhân sự là chuyên viên cho những khâu quan trọng.

Song, vì không rõ ràng được như tiền bạc, việc góp vốn bằng chất xám dễ xảy ra nhiều bất cập khi tính phần trăm góp vốn để chia sẻ lợi nhuận từ công ty.

Để đơn giản hoá điều này, bạn có thể trao đổi trực tiếp và thoả thuận riêng từng trường hợp thay vì dùng 1 khung áp dụng cho toàn bộ. Với đích đến là sự đồng thuận bằng văn bản giữa hai bên.

4. "Người hợp" hơn "người giỏi"

Yếu tố con người luôn là quan trọng nhất trong các tổ chức, doanh nghiệp bởi đây là nhân tố thay đổi quyết định theo cảm xúc và khó để kiểm soát.

Bởi vậy để chọn đầu tư cùng ai, ta cần hiểu về người đó thông qua quan sát, tìm hiểu và tiếp xúc với người đó trong công việc, cuộc sống, giao tiếp và ứng xử.

Ngoài ra các bạn cũng có thể lựa chọn tìm người để hợp tác kinh doanh theo các tiêu chí:

  • Người có kinh nghiệm, có thể giới thiệu và giúp doanh nghiệp phát triển nhờ quan hệ sẵn có của họ
  • Người có tiền nhàn rỗi
  • Người chỉ có khả năng đóng góp công sức

Còn theo quan điểm của tác giả bài viết, tiêu chí mà mình chọn đối tác là hợp rồi mới hùn vốn.

Không quan trọng người đó giỏi tới đâu, một khi đã chọn lựa làm ăn chung thì phải hợp với mình về tầm nhìn, mục tiêu kinh doanh thì mới có thể đi cùng nhau lâu dài. Đó là chưa kể tính cách, nhân phẩm cũng có thể xét như một tiêu chí.

alt

5. Việc ai người đó làm

Khi đầu tư chung, mỗi thành viên cũng cần tôn trọng và hạn chế can thiệp sâu vào công việc riêng của nhau.

Lý do là vì một doanh nghiệp, dự án khi có nhiều người tham gia chắc chắn không tránh khỏi việc có nhiều ý kiến cho cùng một vấn đề.

Để tránh rắc rối này khi làm chung, bạn nên chọn một người (person in charge) chịu trách nhiệm cho mảng là thế mạnh của họ. Nhờ đó, những quyết định được đưa ra ta cũng sẽ cần tôn trọng, tin tưởng vào đối tác hay kể cả hạ cái tôi của mình.

Lời kết

Đầu tư chung là một phương thức tốt giúp ta có cơ hội học được kiến thức từ đối tác trong các mảng mình chưa biết. Đầu tư cùng nhau cũng giúp ta đưa mục tiêu đi xa hơn và những thành công bất ngờ được chia sẻ cùng với đồng đội chắc chắn cũng vui, thú vị hơn nhiều.

Hình ảnh minh hoạ thực hiện bởi Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.