“Em ơi, làm giúp chị cái này với, lấy giá bao nhiêu hả em?”
Khi lao đầu vào cuộc sống của một người sáng tạo, đôi lúc bạn sẽ nhận được những lời ngỏ thế này. Làm sao để biết mình không lấy giá quá cao, và cũng không lấy giá quá thấp?
Bài viết này sẽ cho bạn các bước cơ bản nhất để định giá bản thân khi làm freelancer.
Bước 1: Xác định giá trị của bản thân
Một trong những cách tính giá trị bản thân đơn giản nhất là bạn sẽ chia trung bình mức lương của mình. Nếu mức lương của bạn hiện là 10 triệu, làm việc 8 tiếng mỗi ngày và mỗi tháng nghỉ 8 ngày (thứ Bảy và Chủ Nhật) thì giá trị trung bình mỗi giờ của bạn sẽ là:
10,000,000 (mức lương) : 22 (ngày) : 8 (giờ) = 57,000VND/giờ
Vậy giá trị trung bình mỗi giờ của bạn hiện đang là 57,000VNĐ. Chỉ cần đem nó nhân với số thời gian bạn cần dành cho công việc của mình là sẽ ra mức chi phí cơ bản mà khách hàng nên trả cho bạn.
Chẳng hạn, nếu một nhà xuất bản đến và đặt hàng bạn làm ghostwriter cho một doanh nhân, với thời hạn là 8-12 tuần, bạn có thể tính chi phí cơ bản như sau:
57,000 x 12 tuần x 5 giờ mỗi ngày = 23,940,000VND
Trong trường hợp bạn là sinh viên và chưa có mức lương mỗi tháng, việc deal giá với các nhãn hàng thường là “trời cho ai nấy dạ”. Nhưng nếu tự tin, bạn có thể lấy mức lương khởi điểm của công việc bạn dự định làm để xác định giá trị. Chẳng hạn, nếu mức lương khởi điểm của một junior (copywriter/designer/photographer) vào khoảng 10-12 triệu đồng, bạn có thể dùng công thức trên để chia trung bình.
Bước 2: Xác định yêu cầu công việc
Một bài social post hay hình ảnh retouch đơn giản có thể chỉ tốn của bạn 2 đến 3 giờ làm việc, nhưng một bài PR 1000 từ hoặc cả bộ hình design có thể “ngốn” của bạn hơn một ngày. Vậy, làm sao để xác định được chúng ta cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành yêu cầu của khách hàng:?
Để suy ra được số giờ cần bỏ ra cho sản phẩm của mình, bạn có thể tự hỏi bản thân những câu sau đây:
Yêu cầu có khó thực hiện hay không?
Có những trường hợp khách hàng đã đưa sẵn yêu cầu chi tiết cùng sản phẩm thô, bạn chỉ cần chỉnh sửa lại. Nhưng có trường hợp bạn phải tham gia vào ngay từ giai đoạn hình thành ý tưởng.
Có dễ dàng để hiểu về nhãn hàng cùng tệp khách hàng của họ hay không?
Với những nhãn hàng mà sản phẩm của họ quá mới lạ, bạn cần bỏ thời gian để nghiên cứu về chúng. Chẳng hạn, để làm ghostwriter cho một doanh nhân, trước khi đặt bút xuống và viết, bạn cần khoảng thời gian dài phỏng vấn để hiểu về suy nghĩ cũng như phương châm sống của họ
Các nhận xét của khách hàng sẽ thế nào?
Thành phẩm của bạn sẽ bị yêu cầu sửa bao nhiêu lần, sửa bao nhiêu phần trăm.
Deadline ra sao?
Nếu deadline thong thả đủ để bạn sắp xếp vừa làm công việc chính, vừa nghỉ ngơi, vừa freelance thì quá hoàn hảo. Nhưng nếu hạn bài quá gấp và bạn phải bỏ cả thời gian đáng ra dành cho việc tái tạo năng lượng, thì cần tính gấp 2, 3 hoặc nhiều lần giá trị trung bình hiện tại của bạn.
Bước 3: Cân nhắc các yếu tố đến từ khách hàng
Ngoài ra, vẫn còn các tiêu chí từ khách hàng mà bạn cần suy xét để đưa ra mức giá của mình.
Danh tiếng và budget
Có những nhãn hàng lớn và dư dả hầu bao để trả bạn giá cao, nhưng cũng có những nhãn hàng nhỏ với budget thấp. Bạn nên thử tìm hiểu về tên tuổi, độ lớn của thương hiệu trước khi đề ra mức giá.
Mỗi công ty cũng thường có giá cố định để thuê freelancer. Nếu lấy giá quá cao, họ sẽ nhanh chóng từ chối. Để tránh việc này, khi đã có được mức chi phí mình mong muốn trong đầu, bạn có thể hỏi về budget của công ty.
Giá trị họ có thể mang lại cho bạn
Tiền không phải tất cả. Với những nhãn hàng lớn thì ngoài chi phí, làm việc với họ còn có thể giúp bạn làm dày portfolio của mình để dễ dàng xin thêm những job lớn sau này. Còn với những nhãn hàng nhỏ, dù họ có thể không đủ tiềm lực tài chính để trả mức giá cao, nhưng bạn có cơ hội tích lũy kinh nghiệm.
Cơ hội hợp tác trong tương lai
Những khách hàng với độ quay lại cao sẽ được gọi là khách hàng lâu dài, bạn có thể đưa ra mức giá hữu nghị để họ tiếp tục hợp tác trong những dự án sau. Còn với những khách hàng có vẻ tìm tới bạn vì "không còn cách nào khác", bạn có thể đưa ra chi phí cao như bình thường.
Các khách hàng vừa gặp đã giao bạn trọng trách lớn (lên content plan cho một quý hay một năm, package nhiều bài cùng một lúc) chứng tỏ sự hứng thú và tin tưởng họ dành cho bạn là rất cao. Bạn có thể suy xét một mức ưu đãi để họ dễ quay lại vào lần sau.
Thái độ làm việc
Một vấn đề tưởng nhỏ mà không nhỏ. Nếu khách hàng có chiều hướng yêu cầu quá nhiều và ép deadline quá sát, bạn có thể nâng giá làm việc lên. Vì sức khỏe tinh thần cũng là yếu tố giúp bạn có thể hoàn thành tốt công việc hay không.
Bước 4: Đừng quên cộng thêm những chi phí vô hình
Với một freelancer, các chi phí về bảo hiểm hay thuế thường không được bao gồm trong hợp đồng với khách hàng, vậy nên bạn cũng cần tính thêm những khoản này vào trong mức giá của mình. Thông thường là khi xác định được mức giá sau tất cả những bước trên, bạn sẽ cộng thêm 10%-20%.
Đừng quên có những công việc đòi hỏi bạn phải đi lại nhiều lần để phỏng vấn (như việc làm ghostwriter hay photographer), nên cần cộng thêm những phí này vào mức giá bạn đưa ra.
Kết
Hy vọng những bước trên có thể giúp bạn có cái nhìn cơ bản về cách định giá mình trong việc làm một freelancer trong ngành sáng tạo. Quan trọng của một người làm freelance là luôn tìm cách tăng giá trị mỗi giờ làm việc của mình. Luôn trau dồi và làm mới mình là việc bạn cần làm mỗi ngày.
Mong rằng bạn của năm sau sẽ lấy giá freelance cao hơn hẳn bạn của năm nay, nhưng khách hàng thì vẫn luôn gật gù.