Đội ngũ Pizza 4P's trước thềm IPO năm 2020 | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
26 Thg 02, 2018

Đội ngũ Pizza 4P's trước thềm IPO năm 2020

Nhà sáng lập chuỗi nhà hàng Pizza 4P's Yosuke Masuko chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu triệu đô từ sở thích làm pizza.

Đội ngũ Pizza 4P's trước thềm IPO năm 2020

Đội ngũ Pizza 4P's trước thềm IPO năm 2020

Năm 2011, vợ chồng YosukeSunny Masuko quyết định từ bỏ công việc ổn định tại một công ty đầu tư Nhật Bản để khởi nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. Bắt nguồn từ những lò nướng bánh đầu tiên trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn, ngày nay, họ đã xây dựng thành công chuỗi nhà hàng Pizza 4P’s với tám chi nhánh ở các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Ngoài vị pizza nức tiếng là kết tinh của hai nền ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản, một nét đặc trưng không thể không kể đến khi nói về Pizza 4P’s là sự nhất quán trong kiến trúc và không gian bài trí của cả chuỗi nhà hàng. Đến với Pizza 4P’s, thực khách sẽ được trải nghiệm một không gian ẩm thực vừa dung dị vừa hiện đại giữa lòng thành phố ồn ã. Và người đã tạo nên thành công về phần “nhìn” cho Pizza 4P’s là kiến trúc sư Shunri Nishizawa, anh là học trò và trợ lý của kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Tadao Ando.

Có thể nói, sau bảy năm xây dựng, đến thời điểm hiện tại, Pizza 4P’s đã thật sự trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu đại diện cho ẩm thực đương đại Việt Nam.

Để được biết nhiều hơn về câu chuyện đằng sau thành công của chuỗi nhà hàng Pizza 4P’s cũng như những định hướng cho tương lai của thương hiệu, chúng tôi đã có vinh hạnh được trò chuyện cùng vợ chồng doanh nhân Yosuke và Sunny.

Xem review về nhà hàng Pizza 4P’s tại đây: Pizza 4P’s – Review

Đội ngũ Pizza 4Ps trước thềm IPO năm 20200

Hai anh chị đã dung hòa giữa đam mê nghệ thuật và kinh doanh của mình như thế nào?

Yosuke: Niềm đam mệ nghệ thuật của tôi bắt nguồn từ bố, giám đốc của một đài truyền thanh. Vì thế, khi du học ở Anh và Úc, tôi chọn ngành Xã hội học và Điện ảnh thay vì kinh doanh. Nhưng khi trở về Nhật Bản, như bao người khác, tôi tạm khép lại đam mê nghệ thuật để làm công việc tài chính. Cũng nhờ vậy mà tôi tích góp được rất nhiều kinh nghiệm để gầy dựng và phát triển Pizza 4P’s.

Sunny: Tôi theo học chính trị Trung Quốc và truyền thông ở Nhật Bản. Chúng tôi giống nhau ở chỗ cùng đam mê nghệ thuật nhưng lại được cọ xát với kinh doanh. Tuy bản tính có thiên về nghệ thuật nhiều hơn, chúng tôi vẫn luôn cố gắng để giữ sự cân bằng. Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia có tác phong làm việc rất khác nhau, bất kể là trong môi trường nghệ thuật hay môi trường kinh doanh. Nếu như ở Nhật, con người ta được rèn luyện theo kỷ cương và bị giới hạn trong sáng tạo thì ở Việt Nam, ngay cả kinh doanh cũng đòi hỏi sự sáng tạo và khéo léo nhất định thì mới giải quyết được những vấn đề khó lường có thể xảy ra. Nếu chỉ làm kinh doanh thuần túy, có lẽ chúng tôi đã mở một của hàng trực tuyến. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn không ngừng suy nghĩ về tương lai của thương hiệu, làm sao để đưa tính “nghệ” vào từng chiến lược thương mại cho bớt khô khan.

Đội ngũ Pizza 4Ps trước thềm IPO năm 20201

Quá trình chuyển tiếp từ những người làm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm đến khởi nghiệp với pizza của anh chị đã diễn ra như thế nào?

Trước khi lên ý tưởng thành lập Pizza 4P’s, chúng tôi từng có dịp làm việc với nhau tại CyberAgent và cũng ấp ủ riêng cho mình những kế hoạch khởi nghiệp mang tính sáng tạo. Sau nhiều lần bàn đi tính lại, chúng tôi muốn thổi niềm đam mê chung vào một dự án và biến nó thành sự nghiệp để đời của mình.

Trước hết, chúng tôi quyết định nghỉ việc ở CyberAgent. Ý tưởng ban đầu là mở một khu nghỉ dưỡng sinh thái, rồi phát triển rộng ra lĩnh vực bán lẻ, sản xuất và dịch vụ ăn uống. Ý tưởng về Pizza 4P’s bắt nguồn từ lò nướng bánh pizza trong vườn nhà chúng tôi.

Câu chuyện bắt đầu từ sở thích mời bạn bè về nhà vào dịp cuối tuần và làm bánh pizza. Với một số kinh nghiệm làm bánh, chúng tôi nhận thấy rằng nguyên liệu và công đoạn làm pizza khá đơn giản, từ già tới trẻ ai cũng có thể tự làm và thưởng thức được. Thế là chúng tôi đi đến nhiều nơi như Naples, Bangkok, Singapore và Ấn Độ chỉ để nếm thử pizza và cảm nhận sự khác biệt mà mỗi thành phần mang lại, ví dụ như vỏ bánh, pho mát Mozzarella. Ở Việt Nam, sữa bò nguyên chất rất khó tìm. Qua những chuyến đi, chúng tôi học được rất nhiều kiến thức bổ ích. Bạn có biết bò Ý có nguồn gốc từ Ấn Độ không?

Ý tưởng cho logo Pizza 4P’s bắt nguồn từ đâu?

Logo được mô phỏng theo huy hiệu “Maru ni Takedabishi” của gia tộc Shinsaku Takasugi, là gia tộc họ hàng nhà Sunny. Sau đó chúng tôi chỉnh sửa để phù hợp với hình ảnh hiện đại của thương hiệu.

Đội ngũ Pizza 4Ps trước thềm IPO năm 20202

Là những người Nhật nhập cư, anh chị có gặp khó khăn trong việc quản lý mô hình kinh doanh tại Việt Nam không?

Ở thời điểm hiện tại, việc xây dựng đội ngũ, tạo môi trường làm việc thoải mái cho nhân viên và quảng bá hình ảnh được chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Để tạo một đội ngũ vững chắc, chúng tôi xây dựng triết lý thương hiệu dựa trên những bài học từ quyển “7 thói quen hiệu quả”. Tôi hy vọng cả nhân viên và khách hàng đều cảm thấy tự hào với trải nghiệm mà Pizza 4P’s mang lại.

Tại sao anh chị lại chọn chi nhánh chợ Bến Thành làm địa điểm chủ lực?

Với mục tiêu trở thành chuỗi nhà hàng hàng đầu Việt Nam, chúng tôi cần một địa điểm có tên tuổi gắn liền với bề dày lịch sử đất nước. Sau quá trình chọn lọc hơn 300 địa điểm trong vòng một năm, chúng tôi tìm ra vị trí gần chợ Bến Thành, một biểu tượng lịch sử từ thời Pháp nằm ngay ở trung tâm thành phố.

Chúng tôi muốn mọi thực khách đến Pizza 4P’s đều hiểu được trong giá trị hiện đại của thương hiệu vẫn luôn có sự tôn trọng nhất định đối với các công trình kiến trúc và lịch sử truyền thống.

class Đội ngũ Pizza 4Ps trước thềm IPO năm 20203

Hiện tại có bao nhiêu thương hiệu và đơn vị kinh doanh dưới cái tên chủ lực Pizza 4P’s ạ?

Đầu tiên là hệ thống nhà hàng Pizza 4P’s, đơn vị kinh doanh chủ lực. Tiếp theo là chương trình thử nghiệm cho thực đơn giá thành phải chăng Pizza for Good, hệ thống bán lẻ trực tuyến và giao hàng tận nơi Box 4P’s, hệ thống phân phối sỉ phô mai cho nhà hàng và khách sạn quốc tế, nông trại sản xuất phô mai ở Đà Lạt và cuối cùng là khu nghỉ dưỡng. Chúng tôi tìm được địa điểm ở Cầu Đất và đang triển khai thiết kế. Dự kiến bắt đầu từ các trải nghiệm ẩm thực, nông trại và khu vực hội thảo và dần dần phát triển mô hình.

Vậy mục tiêu của Pizza 4P’s trong 10 năm tiếp theo là gì?

Chúng tôi tham vọng trở thành công ty hàng đầu về trải nghiệp ẩm thực cao cấp ở châu Á. Điểm đến đầu tiên là Bangkok, tiếp theo là các quốc gia Đông Nam Á và đặc biệt là thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng. Niềm khích lệ của chúng tôi là nhìn thấy Pizza 4P’s trở thành sự lựa chọn của mọi gia đình ở Việt Nam và toàn châu Á.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng đạt doanh thu 100 triệu Độ trước năm 2020 để chuẩn bị hồ sơ phát hành cổ phiếu lần đầu. Để hiện thực hóa điều đó, các mảng như kinh doanh trực tuyến, phần mềm đặt chỗ, hệ thống thanh toán thẻ được tăng cường và dịch vụ thức ăn mang về cũng được nghiên cứu mở rộng.

Ngoài việc điều hành Pizza 4P’s, anh chị sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình như thế nào?

Chúng tôi sẽ đến khám phá những nhà hàng, nông trại tập trung phát triển sản phẩm công nghệ cao hoặc các kiến trúc sư mình ngưỡng mộ. Thiền cũng là một thói quen của chúng tôi. Quan trọng hơn cả vẫn là thời gian dành cho gia đình. Hai cô con gái của chúng tôi ra đời khi Pizza 4P’s vừa mới thành lập, vậy nên chúng tôi muốn có thời gian để dắt con đi thăm thú thế giới, khám phá sự đa dạng ẩm thực và phát triển thị hiếu của bản thân càng sớm càng tốt.

Đội ngũ Pizza 4Ps trước thềm IPO năm 20204

Chúng tôi muốn biết một số điều thú vị về hai vợ chồng ạ?

Cũng giống như bao người Nhật khác, chúng tôi rất ham mê công việc. Lần đầu tôi gặp Sunny là khi cả hai cùng làm việc cho CyberAgent tại Nhật. Sau đó chúng tôi cùng được điều đến Việt Nam, tôi phụ trách điều hành chi nhánh cho đơn vị đầu tư còn Sunny phụ trách mảng truyền thông. Ngoài ra, chúng tôi còn rất thích tham gia vào các lễ hội âm nhạc điện tử. Lần hẹn họ đầu tiên, thay vì đưa Sunny đi xem pháo hoa, tôi đã đánh liều dắt cô ấy đến một đêm nhạc điển tử. Lúc đó Sunny vẫn không hay biết gì cả. Lần đầu cùng nhau du lịch Thái Lan cũng là để tham gia vào một đại nhạc hội điện tử ở đảo Ko Phangan.

Theo quan điểm của anh chị, nền ẩm thực của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong những năm tiếp theo?

Theo chúng tôi thấy, người Việt Nam rất chịu khó tiếp nhận sự đa dạng của ẩm thực toàn cầu. Họ yêu thích phô mai, pizza Margherita, các loại pizza truyền thống của Ý cũng như ẩm thực Nhật Bản. Không những vậy, người Việt còn chịu khó tìm hiểu thông tin về món ăn trước khi thưởng thức nữa.

Với nền ẩm thực đa dạng, người Việt vốn dĩ đã rất sành ăn. Khẩu vị người Việt Nam cũng ít cay, dễ ăn hơn các các quốc gia như Thái Lan. Có thể nói, hương vị Việt pha trộn với ẩm thực Nhật đã tạo nên mùi vị đặc trưng ở Pizza 4P’s.

Có phải vì mang hương vị Việt nên thực khách chủ yếu cũng là người Việt Nam?

70% thực khách của Pizza 4p’s là người Việt, 30% còn lại là người nước ngoài. Những ngày đầu thành lập, chi nhánh ở Lê Thánh Tôn rất khó tìm, phần lớn là do thực khách truyền miệng nhau. Còn với khách hàng quốc tế, vì du lịch đến Việt Nam nên họ ưu tiên các món ăn truyền thống hơn pizza.

Chiến lược quảng bá của Pizza 4P’s được định hướng như thế nào?

Trong đội ngũ chính của chúng tôi, không có lấy một chuyên gia tiếp thị và truyền thông. Chúng tôi hiểu sức mạnh của mạng xã hội và người nổi tiếng trong việc quảng bá thương hiệu.

Ví dụ điển hình là chi nhánh Bến Thành. Tháng đầu thành lập, thực khách Việt chiếm hơn 90%. Thật sự chúng tôi không đầu tư chi phí quảng cáo cốt là để lấy ngày khai trương làm thước đo cho độ thu hút của mình. Cũng nhờ những bình luận trên mạng xã hội mà lượng khách bản địa tăng lên một cách nhanh chóng.

Hoặc như cửa hàng Hà Nội chẳng hạn. Ngày khai trương thử, anh Namster Do đến ăn trưa và chia sẻ hình ảnh Pizza 4P’s trên Facebook. Bài đăng thu hút 1000 lượt thích và 167 lượt chia sẻ. Trong vòng 24 giờ tiếp theo, chúng tôi nhận được đơn đặt bàn kín lịch cả ba tuần tiếp theo.

Anh chị có thể gợi ý nhân vật trò chuyện tiếp theo cho chúng tôi được không ạ?

Đó là anh Shunri Nishizawa, kiến trúc sư cho hàng loạt các cửa hàng của chúng tôi.

Vietcetera chân thành cảm ơn anh chị đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc anh chị luôn thành công với những dự định sắp tới!

Bài viết được dịch bởi Minh Nguyen.