Đi du học phi công có đáng không? | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 01, 2021
Sự NghiệpThăng TiếnDu Học

Đi du học phi công có đáng không?

Cơ trưởng Nguyễn Quang Đạt nhìn lại quãng thời gian đi du học làm phi công của anh.

Đi du học phi công có đáng không?

Cơ trưởng Nguyễn Quang Đạt. | Nguồn: Nguyễn Quang Đạt

Khi nhận được lời đề nghị viết về trải nghiệm đi du học phi công từ Vietcetera, tôi đã ngồi trước máy tính và không biết nên nói gì.

Trong suốt 9 năm vừa qua, tôi đã trả lời những bài phỏng vấn như thế này khá nhiều lần. Niềm yêu quý của tôi dành cho đất nước New Zealand phủ hồng lên tất cả những hồi ức về 2 năm học ở đây. Nhưng khi nghĩ lại, tôi thấy mình giống một người nhảy dù hơn là một phi công.

Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa một người nhảy dù và một phi công?

Những người nhảy dù lao vào không trung với niềm tin rằng mọi may mắn sẽ đến với mình (nếu không thì chắc không ông nào dám nhảy). Còn nếu bạn là phi công, mỗi lần cất cánh là bạn đã cần chuẩn bị thể chất, kiến thức và tinh thần để khi điều xấu xảy ra, bạn vẫn có thể bước xuống máy bay một cách an toàn.

Sự ngây thơ khi tiếp cận một vấn đề là một điều tối kỵ trong ngành hàng không. Chúng tôi thích đào bới ra rủi ro, xây dựng phương án phòng tránh những rủi ro cho từng kế hoạch một, từ lúc nó chưa xảy ra.

Vậy ngày hôm nay, tôi sẽ không nhảy dù nữa. Chúng ta hãy thử công khai “quản lý rủi ro” xem học phi công có đáng để “hot” như bây giờ không nhé.

1. Học làm phi công không giống học đại học

Năm 2010 hồi bắt đầu đi du học, tôi mới bước sang tuổi 18 được gần 1 tháng.

Tôi học trường CTC ở Hamilton, New Zealand, một học viện khá nổi tiếng chuyên đào tạo các phi công cho các tập đoàn hàng không lớn. (Và bởi vì khách hàng là toàn các hãng hàng không nên trường mới tuyên bố đóng cửa vào năm 2020 vì những khó khăn do dịch Covid 19. Rất buồn!)

Rất nhiều người học làm phi công sau khi đã có một quãng thời gian tương đối dài làm những công việc khác. Đi học cùng hồi đó có 3 bạn học khác: trẻ nhất là 25 và lớn nhất là 37. Khi vừa bước ra khỏi trường THPT, tôi đã mất một thời gian mới quen với việc sinh hoạt trong một tập thể mà bên cạnh background đã phong phú lại còn cả độ tuổi cũng vô cùng khác nhau.

Du học phi cocircng 5
Chưa bao giờ ngành phi công lại mở rộng cửa với “người ngoài" đến vậy.

Tôi còn rất nhớ cái cảm giác bữa ăn tối đầu tiên ở New Zealand. Tôi ngồi cùng ba anh trung niên nói những câu chuyện hoàn toàn lạ lẫm, ở một đất nước mới toanh, chuẩn bị học một ngành mà mình cũng chẳng biết là mình sẽ học thế nào.

Cái mớ cảm xúc như một người đi lạc đấy là lần đầu tiên tôi cảm thấy. Bởi vì vậy nên tôi thấy mình nhớ nó đến tận bây giờ - một trải nghiệm lần đầu trong vai người lớn.

2. "Theo nghề bỏ cuộc chơi"

Các bạn học đại học đi chơi và trải nghiệm cuộc sống nhiều. Tôi học làm phi công thì đúng là "theo nghề bỏ cuộc chơi" ("missing out all the fun").

Lịch học căng thẳng, không có nghỉ hè, nghỉ đông hay nghỉ Tết. Trường của tôi cố tình làm vậy để học sinh quen với nhịp sinh học của các phi công thương mại.

Tôi sống ở ngoại ô của Hamilton, một thành phố xinh đẹp nhưng cũng yên tĩnh khi có dân số 165.000, tương đương Quận 2 ở Sài Gòn. Số lần được đi bar sàn của tôi đếm trên đầu ngón tay. Tôi không kịp có bạn gái. Cuối tuần chúng tôi đi chợ Tàu rồi nấu cơm mang sang ăn và xem tivi cùng nhau thay vì đi uống rượu.

alt
Học làm phi công thì đúng là "theo nghề bỏ cuộc chơi", nhưng với tôi đó vẫn là một niềm vui.

Thực ra nghĩ lại tôi sẽ vẫn gọi đấy là niềm vui: tự nhiên có thêm 5 ông anh trai và một ông chú (nhà tôi chỉ có tôi và một chị gái). Tôi không biết lái xe, các anh thay nhau thức dậy lúc sáng sớm tinh mơ để chở tôi đến trường. Từ nhà đến trường là 20km toàn đi qua đồng cỏ và không có phương tiện giao thông công cộng.

Nhiều khi nghĩ lại, mặc dù trân trọng những năm tháng sống cùng các anh lớn nhưng nếu hồi ấy tôi có thêm 4 năm học đại học, chia sẻ đời sinh viên với lũ bạn ngang ngang tuổi mình thì chắc là cũng vui.

3. Bạn chỉ biết mình có bay được không, khi đã ngồi trên máy bay

Câu hỏi được nhiều bạn đặt ra cho tôi là: Em cần chuẩn bị gì để học phi công? Mỗi lần như vậy tôi lại nhớ đến chiếc đĩa CD dạy tiếng Anh mà bố bắt tôi học mỗi mùa hè. Hồi đó tôi đã không nghĩ được là sẽ có ngày tôi dùng thứ tiếng ấy nhiều hơn tiếng Việt.

Lúc tôi còn bé, bố hay mua mấy cái giáo trình Tiếng Anh cài trong mấy cái đĩa CD tròn tròn rất là đắt. Trong khi bạn bè nghỉ hè thì ngày nào tôi cũng bị bắt mở máy tính lên rồi cho đĩa vào học. Một ngày mệt quá tôi lấy kéo rạch một đường thật sâu trên đĩa để máy tính không đọc được, rồi nói bố đĩa hỏng do xước quá. Bố tôi lại ra hàng mua một cái giáo trình mới.

Bên cạnh việc mua đĩa học tiếng Anh, bố tôi còn mua cái cần lái máy bay (lại rất là đắt) để về cho tôi chơi chương trình giả lập lái máy bay. Khi bố không có nhà thì tôi dùng cái đó cài vào chơi game bắn súng.

alt
Nhưng sau 10 năm, tôi mới biết sự thật phũ phàng nhất của nghề phi công đó là: bạn hầu như không thể chuẩn bị được gì cho những điều đợi bạn khi du học.

Trong suốt những năm tháng tuổi thơ tôi biết bố mình đã luôn âm thầm chuẩn bị cho ông con một ngày sẽ đi học phi công. Vì dưới vai trò là một đồng nghiệp, tôi biết ông hiểu những khó khăn của nghề là gì và ông muốn tôi sẵn sàng nhất có thể.

Nhưng sau 10 năm làm nghề này, tôi biết sự thật phũ phàng nhất của nghề phi công đó là: bạn hầu như không thể chuẩn bị được gì cho những điều đợi bạn khi du học.

Tiếng Anh là một điều tôi đã luôn khuyên mọi người cần trau dồi, những nó mãi mãi chỉ là điều kiện cần mà không phải điều kiện đủ. Tiếng Anh giúp bạn hiểu được giáo viên nói cái gì, nhưng có làm nổi cái việc đó không thì lại là vấn đề khác.

Bạn chỉ biết mình có bay được không khi bạn ngồi lên được buồng lái máy bay.

4. Sự "vã" của việc trở thành phi công

Trong quá trình học, tôi thấy sự vật lộn lớn nhất của học viên với nghề này là về tinh thần.

Ở quá trình học thực hành, mỗi chuyến bay ở thời điểm ban đầu, các giác quan đều đánh vật để làm quen với môi trường lạ. Khi ấy lúc nào về nhà cũng cảm thấy cần phải nằm ra, nhắm mắt một lúc cho lũ tế bào thần kinh bình phục lại.

Mà đặc thù ở chỗ, bạn phải hoàn thành tốt nội dung bài học bay trong một ngày thì mới được chuyển sang ngày học khác. Nếu không bạn sẽ bị bắt học lại chính ngày đó. Cho nên mỗi ngày đến trường cảm giác như một ngày thi!

Đôi khi bay kém, bị thầy mắng cho đến đờ đẫn (vì tiếng Anh kém chứ thực ra thầy mắng cũng nhẹ nhàng).

Học lý thuyết bay ở một nước có tiêu chuẩn cao như New Zealand cũng không phải chuyện đùa. Hồi đó trong lớp thì điểm lý thuyết của tôi cũng trong top 3 của khoá. Nhưng tôi thực sự đã phải áp dụng cái guồng học mà tôi đang quen từ đợt ôn thi đại học.

Du học phi cocircng 4
Sự vật lộn lớn nhất của học viên với nghề phi công là về tinh thần.

Mấy anh em học cùng nhau, mỗi ông đều có những cái dở riêng. Có người do công việc trước của anh khá là nặng về tính học thuật, khi đi học phi công nhiều lần cái không tốt của anh là việc anh… nghĩ nhiều quá. Đôi khi thứ chỉ cần phản ứng theo bản năng thì việc công thức hoá nó lên tự dưng lại thành không hiệu quả.

Có người thì lại ngược lại, thiếu khả năng hệ thống hoá những thứ mình làm mặc dù là phản ứng tự nhiên lại vô cùng tốt. Có người bay thực hành tốt nhưng lý thuyết lại dở. Có người thì bay tốt nhưng cứ tới lúc thi lý thuyết là trượt.

Tuy vậy, trong nghề phi công, tâm lý tốt vẫn là một điều quan trọng. Một anh phi công giỏi thường là một người có sự cân bằng vừa đủ giữa các yếu tố, đặc biệt là lúc nào cảm thấy tâm trí của họ cũng yên như mặt hồ. Sự rèn luyện bản lĩnh để dù khó khăn nào bạn cũng ít bị xao động (hoặc tỏ ra xao động) chắc là lý do vì sao học nghề này lại căng thẳng đến vậy.

Có không ít người đã thất bại.

Không phải vì họ lười nhác hay không cố gắng, phần lớn là họ không có khả năng vận hành máy móc đủ tốt, dễ mất phương hướng, hoặc không có khả năng chịu đựng được áp lực. Những lý do này khá khó để cả bố tôi có thể chuẩn bị các phương án giải quyết.

Vấn đề ở chỗ là khi bạn nhận ra là bạn không có khả năng học được thì bạn (và gia đình) đã tiêu… rất nhiều tiền.

5. Đi du học phi công có đáng không?

Nói cho công bằng thì việc học phi công không phải dành cho số đông. Bởi vì bên cạnh yếu tố đam mê cần có để bạn vượt qua những lúc muốn nổ tung cái đầu vì học, thì nó còn cần quá nhiều những yếu tố nằm ở giới hạn bản thân, giới hạn kinh tế của gia đình – những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Bây giờ ở Việt Nam chúng ta đang bước vào giai đoạn bùng nổ việc đào tạo phi công, chưa bao giờ ngành này lại mở rộng cửa với “người ngoài" đến vậy. Cũng chính vì điều ấy nên tính cạnh tranh khi xin việc vào một hãng hàng không có vẻ lại càng lớn. Thậm chí đa số các hãng hàng không bây giờ yêu cầu bạn phải trả tiền để được lái máy bay của họ trong thời gian đầu của sự nghiệp.

Chi phí học phi công bây giờ cũng vô cùng đa dạng. Những ngôi trường ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines hay Indonesia thu học phí ít hơn nhiều so với những trường ở Mỹ, Úc hay là New Zealand. Vì vậy chi phí ban đầu có thể từ 60.000 đến 120.000USD tuỳ vào nơi bạn chọn học. Cho tới khi về nước, bạn tiếp tục sẽ phải chịu các chi phí liên quan đến các khoá chuyển loại máy bay, và trả tiền cho các hãng hàng không huấn luyện bạn trên đường bay khai thác của họ, chi phí sẽ khoảng từ 50.000 đến 75.000USD.

Bán nhà để cho con đi học phi công bây giờ đã không phải là câu nói đùa nữa.

Với nhiều bạn thì đi học phi công chắc sẽ là một canh bạc lớn trong đời. Và nếu các bạn hỏi tôi canh bạc này có đáng chơi không thì tôi sẽ vẫn trả lời rằng nếu quyết tâm thắng thì nó sẽ đáng từng đêm thức khuya học bài và từng sợi tóc bạc vì stress của bạn.

Vậy làm sao để biết mình có sẵn sàng hay không và đâu là liều thuốc thử?

Tôi đã làm phi công gần 10 năm nay, tôi vừa mới “doạ" bạn bằng những khó khăn chồng chất của nghề này. Nếu đọc đến cuối bài này mà vẫn thấy mình có thể làm được, thì tội gì mà không thử!