Gia đình có muôn hình vạn trạng, không trạng thái nào là "hoàn chỉnh nhất" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
31 Thg 07, 2020
Gia Đình Ấm Cúng

Gia đình có muôn hình vạn trạng, không trạng thái nào là "hoàn chỉnh nhất"

Định nghĩa hoàn chỉnh mà ta thường áp đặt lên gia đình liệu có đúng? Hình mẫu gia đình lý tưởng do xã hội đặt ra có phải hoàn hảo, là 'đúng'?

Gia đình có muôn hình vạn trạng, không trạng thái nào là "hoàn chỉnh nhất"

Nguồn: Unsplash

Đối mặt với quan niệm nên sớm "thành gia lập thất" và áp lực dân số, những người ngoài 20 ngày càng bị truy hỏi gắt gao hơn về vấn đề lập gia đình và sinh con, thậm chí đến Chính phủ cũng giục đẻ.

Trong cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019, bình quân mỗi hộ gia đình có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người so với kết quả năm 2009. Trong đó, tỷ lệ hộ độc thân (chỉ có 1 người) tăng đến 3,7%. Sự chênh lệch này phản ánh xu hướng thay đổi của cấu trúc gia đình: ngày càng có nhiều người lựa chọn cuộc sống ít ràng buộc về hôn nhân hoặc con cái.

Nhưng theo khuôn mẫu xã hội, một trạng thái gia đình hoàn chỉnh được hình dung là một nơi có đầy đủ bố mẹ và con cái. Điều này vô hình trung phân cấp tình yêu và các mối quan hệ, hạ thấp các trạng thái khác của gia đình.

Theo khuôn mẫu xã hội một trạng thái gia đình hoàn chỉnh được hình dung là một nơi có đầy đủ bố mẹ và con cái Nguồn Unsplash
Theo khuôn mẫu xã hội, một trạng thái gia đình hoàn chỉnh được hình dung là một nơi có đầy đủ bố mẹ và con cái. | Nguồn: Unsplash

Xã hội định nghĩa “gia đình” ra sao?

Nếu đang ở độ tuổi tam tuần, bạn sẽ được hỏi: "Đã có gia đình chưa", ám chỉ người chồng/vợ (và những đứa con tương lai). Vậy thì chẳng khác nào bạn đang trong tình trạng "không gia đình" nếu chưa có vợ/chồng. Theo định nghĩa đó, bỗng nhiên bố mẹ, anh chị em của bạn bị gạt sang bên.

Nếu đã kết hôn nhưng chưa có con, vậy thì gia đình bạn bị xem là “chưa hoàn chỉnh". Bạn mặc nhiên trở thành một cá nhân ích kỷ và trị số hạnh phúc của bạn trong mắt người khác là bằng không. Những suy diễn vô căn cứ về cuộc hôn nhân của bạn sẽ thi nhau xuất hiện trong những buổi trà dư tửu hậu.

Người ta thường mặc định “gia đình hoàn chỉnh” phải bao gồm vợ chồng và con cái. Trong xã hội trọng lễ tiết và hôn nhân truyền thống như Việt Nam, việc kết hônsinh con được coi như bản lề định hướng cuộc sống của mỗi người.

Trong một buổi họp mặt gia đình, khi tôi phát biểu ý định sẽ không có đám cưới hay đứa trẻ nào trong kế hoạch tương lai, chú (chồng của dì) khẳng định tôi đang trở nên quá cực đoan về hôn nhân. Thật ra tôi chỉ mong tận hưởng niềm vui của tự do và tìm kiếm hạnh phúc từ đam mê của mình.

Khi vợ chồng Khởi My và Kelvin Khánh chia sẻ về quyết định không sinh con, nhiều cư dân mạng chỉ trích hai người ích kỷ, không nghĩ tới cha mẹ. Họ quên rằng, việc sinh ra và nuôi dưỡng một đứa trẻ không nên được hình thành dưới áp lực và định kiến, mà nên là một lựa chọn dựa trên hiểu biết về bản thân và kiến thức xã hội.

Chứng kiến niềm hạnh phúc của bạn bè khi quyết định trở thành bố/mẹ đơn thân, đến khi đối diện với cuộc ly hôn bình đẳng của bố mẹ, hoặc những trường hợp đứa trẻ chịu nhiều tổn thương vì cha mẹ độc hại, tôi tự hỏi: Định nghĩa hoàn chỉnh mà ta thường áp đặt lên gia đình liệu có đúng không?

Phân cấp quan hệ là vô nghĩa

Báo cáo của dự án Family Story mang tên “The Case Against Marriage Fundamentalism: Embracing Family Justice for All” (Tạm dịch: Những nghiên cứu chống lại chủ nghĩa hôn nhân: Giành lại công bằng gia đình cho tất cả) đã chỉ ra rằng: Không có mối quan hệ nào là “lý tưởng”, “hoàn chỉnh" hay “tốt đẹp" hơn mối quan hệ nào.

Không có mối quan hệ nào là “lý tưởng” “hoàn chỉnh hay “tốt đẹp
Không có mối quan hệ nào là “lý tưởng”, “hoàn chỉnh" hay “tốt đẹp" hơn mối quan hệ nào. | Nguồn: Unsplash

Tình trạng hôn nhân không nói lên cá tính hay giá trị của một người. Những người chưa kết hôn không nên bị đối xử như những kẻ chưa trưởng thành, yếu kém hoặc khó thành công. Bạn cũng không thể đánh giá một gia đình hay mối quan hệ là tốt hay xấu chỉ dựa trên cấu trúc của nó.

Một số người không tìm thấy những mối quan hệ và đạt được mục tiêu xây dựng gia đình như họ mong muốn. Có người thích sống một mình, hoặc không theo khuôn mẫu gia đình mà xã hội đặt ra. Nhưng dù lựa chọn như thế nào, họ đều có quyền được tôn trọng và quan tâm như nhau. 

Tái định nghĩa “gia đình"

Định nghĩa của The Census Bureau về gia đình được xem là một định nghĩa khá cởi mở: “Gia đình gồm nhóm hai người hoặc nhiều hơn (trong đó một người là chủ gia đình) có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng hoặc giáo dục”.

Theo định nghĩa này, dù là hai người lớn kết hôn hay không kết hôn, có hoặc không có con, hay một người lớn đóng vai trò bố/mẹ đơn thân đều được tính là một gia đình. Ngay cả khi hai người lớn ly hôn và những đứa trẻ sống dưới những mái nhà khác nhau, thì chúng và bố mẹ vẫn là một gia đình.

Gia đình không nên bị rập khuôn là có hai người lớn đóng vai trò bố mẹ và con cái
Gia đình không nên bị rập khuôn là có hai người lớn đóng vai trò bố mẹ và con cái.

Theo báo cáo trên của Family Story, tồn tại 4 giá trị cốt lõi cần thiết tạo nên sự trân trọng đối với bất cứ mối quan hệ và hướng đi cuộc sống nào, bao gồm: 

  1. Sự bình đẳng: khi xã hội tồn tại nhiều hình thái gia đình khác nhau, cần có sự bình đẳng không chỉ về mặt xã hội và kinh tế, mà còn là cái nhìn từ khía cạnh pháp lý. 
  2. Tự chủ: cho phép mọi người có thể tự do lựa chọn các mối quan hệ và kiểu gia đình – bao gồm (nhưng không giới hạn) cả hôn nhân – bằng cách giảm thiểu những rào cản về định kiến xã hội hay bất cứ trở ngại khách quan nào.
  3. Sự phụ thuộc: cần thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều liên kết với nhau và có sự phụ thuộc nhất định vào nhiều người khác nữa. Điều này không chỉ giới hạn giữa những cá nhân có liên quan về mặt sinh học/ huyết thống, hay quan hệ được pháp luật công nhận. 
  4. Sự quan tâm: thừa nhận những tác động tích cực của các hình thái gia đình khác nhau lên cuộc sống của chúng ta. 

Nếu bạn thắc mắc những ai được tính là một gia đình với nhau, hãy thử cân nhắc những điều mà gia đình thường làm cho nhau theo gợi ý của tiến sĩ Harvard Bella DePaulo. Chẳng hạn như:

  • Chăm sóc cho những người không thể tự chăm sóc mình.
  • Giúp thành viên nhỏ hơn hoà nhập xã hội.
  • Chia sẻ kinh nghiệm sống.
  • Ủng hộ về mặt vật chất, tinh thần lẫn thực tế cho nhau.

Theo như những ví dụ trên đây, thậm chí một người độc thân không con cái cũng có thể tạo dựng một gia đình kiểu mới và sống hạnh phúc theo cách riêng.

Kết

Ai cũng có một gia đình để thuộc về – là nơi khởi đầu để bước ra thế giới, là nơi lưu trữ những dấu vết trưởng thành và nuôi dưỡng ước mơ. Tuy cấu trúc của mỗi gia đình khác nhau, miễn là vẫn tồn tại những giá trị cốt lõi thì đều đáng được trân trọng và nhìn nhận ngang nhau. Bởi gia đình thì muôn hình vạn trạng, mà chẳng trạng thái nào là hoàn chỉnh hơn trạng thái nào.