Trả lời cho câu hỏi muôn thuở: “Bao giờ sinh con?” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
22 Thg 07, 2019
Gia Đình Tết Talks

Trả lời cho câu hỏi muôn thuở: “Bao giờ sinh con?”

Có nhiều lý do chủ quan và khách quan khiến cho những người phụ nữ như tôi phải đắn đo với lời khuyên của thế hệ trước: “sinh con đi rồi sẽ nuôi được”.

Trả lời cho câu hỏi muôn thuở: “Bao giờ sinh con?”

Trả lời cho câu hỏi muôn thuở: “Bao giờ sinh con?”

“Bao giờ sinh con?” — Nếu bạn như tôi, một 9x đời đầu đã lập gia đình, chắc cũng từng một lần nghe câu hỏi này. Mỗi lần gặp bố mẹ, bạn bè, họ hàng, người quen, hay các cô bác hàng xóm chỉ quen biết sơ sơ, câu hỏi này luôn được dùng để mở đầu câu chuyện. Bị hỏi nhiều đến nỗi, dạo gần đây tôi bắt đầu tự hỏi bản thân: “Mình có bình thường không?” khi thấy sợ hãi mỗi lần nghe nhắc chuyện con cái.

Bạn có bình thường không?

Hoá ra, đó không phải là nỗi băn khoăn của riêng ai. Theo một nghiên cứu gần đây của Pew Research Center (Mỹ), thế hệ Millennials (hay Generation Y – những người sinh ra từ năm 1981 tới 1996), đang sinh con muộn hơn nhiều so với Gen X (những người sinh năm 1965 – 1980). Năm 2016, chỉ khoảng 47% phụ nữ ở độ tuổi 20 – 35 sinh con lần đầu tiên, thấp hơn hẳn so với con số 58% của thế hệ trước họ.

Tôi chưa tìm thấy nghiên cứu nào tương tự ở Việt Nam, nhưng nhìn vào hội bạn thân, phân nửa là những 8x, 9x còn đang rất phơi phới với tuổi trẻ của mình và chưa có ý định dừng lại, thì chắc xin bạo miệng nói rằng, họ cũng đang bỏ gánh nặng con cái ra phía sau để theo đuổi những hoài bão đỡ tốn calories hơn.

Tại sao lại như vậy?

Càng nhiều phụ nữ trong độ tuổi 22 – 30 chọn theo đuổi sự nghiệp hơn là sinh con. Theo một nghiên cứu của đại học Washington St. Louis, sinh con trước 31 tuổi có thể làm ảnh hưởng tới thu nhập của bạn — khá nhiều là đằng khác. Theo nghiên cứu này, phụ nữ sinh con trước 25 tuổi có thể mất từ 2 tới 2,5 năm thu nhập trong cả sự nghiệp của mình.

class Trả lời cho cacircu hỏi muocircn thuở ldquoBao giờ sinh conrdquo0

Thực tế là sự nghiệp của phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn khi sinh con và nghỉ thai sản.

Việt Nam là một trong những nước có chế độ nghỉ thai sản khá “thoáng” cho cả vợ và chồng (6 tháng cho phụ nữ, 5 ngày cho nam giới). Tuy nhiên, thực tế là sự nghiệp của phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn khi sinh con và nghỉ thai sản. Họ thường được cho là ít tập trung vào công việc, ít được bổ nhiệm cho những dự án quan trọng đòi hỏi thời gian hay công tác,… Chọn sinh con, đối với nhiều phụ nữ, cũng là chọn một khoảng chững trong sự nghiệp của mình.

Sinh con và nuôi con cũng là một trong những kế hoạch tốn tiền và phiền não nhất trong đời bạn. Tiền bệnh viện, tiêm chủng, bỉm sữa, thực phẩm sạch, đồ chơi trí tuệ, tiền học, tiền bồi dưỡng, học năng khiếu, du lịch hàng năm,… Tính sơ sơ cũng phải mất một cái nhà phố để nuôi một đứa trẻ tới năm 18 tuổi, như bố mẹ vẫn thường hay đùa với tôi. Với lương đi làm thuê và thói quen tiêu tiền của tôi, chắc tiết kiệm cả đời cũng không thể kham nổi.

Chắc mình chưa đủ “cứng” để làm mẹ

Nhìn lại bản thân, tôi thấy mình chưa đủ “cứng” để làm mẹ. Tôi, ở tuổi 26, còn ngại khi lên tiếng sửa sai cho bác tài xế Grab khi bác đi nhầm đường, ngại thể hiện quan điểm của mình trong cuộc họp đông người, ngại đi ăn trưa một mình đến độ phải đặt giao hàng mang tới tận cửa.

Những nỗi lo sợ viển vông còn chưa ra đâu vào đâu, giờ còn phải quay cuồng giữa những quyết định “trọng đại” khi làm mẹ. Sữa mẹ hay không sữa mẹ. Dạy con kiểu Mỹ hay kiểu Nhật, hay kiểu “trời sinh trời dưỡng”. Chọn được kiểu dạy rồi, thì thống nhất quan điểm với chồng, với bố mẹ chồng, với bố mẹ mình, với thầy cô và với cả xã hội làm sao. Chưa gì, đứa con trong tưởng tượng của tôi đã mắc chứng rối loạn lo âu.

Nhiều người nói, có con là có một phiên bản mini của mình để cùng chơi. Trái với bức tranh màu hồng đó, tôi lại tưởng tượng đến cảnh tất cả những tính xấu của mình sẽ được “di truyền” lại cho con. Nào là ương bướng, khó chiều, nếu sai ý mình thì cáu bẳn, đổ lỗi. Nào là kĩ tính, thù dai. Chưa kể tiêu tiền vô tổ chức, không kiên định mỗi lần thấy đồ đẹp khi đi shopping. Nếu thật vậy, chắc chẳng bao giờ tôi sinh con. Nếu bản thân mình còn chưa hoàn thiện, thì làm sao dạy được một công dân có ích cho xã hội?

Ai trả lại cho tôi thanh xuân?

Có con rồi, con sẽ trở thành 99% cái tôi của mình. Chị D, sinh con rồi, sẽ mặc nhiên đổi tên thành Mẹ Berry. Trước là chị T, giờ là Mẹ Đậu. Tôi cũng là đồng thủ phạm trong việc cướp đi cái “chất” của các chị, vì danh bạ điện thoại toàn là Mẹ Tấm, Mẹ Bơ, Mẹ Dâu, Mẹ Dừa. Đi cà phê với các chị, cũng chỉ toàn nghe chuyện cai sữa cho con, chọn trường cho con, tập tự chủ cho con, chứ không còn sở thích của chị, mối quan tâm của chị nữa.

class Trả lời cho cacircu hỏi muocircn thuở ldquoBao giờ sinh conrdquo1

Mọi thứ hay ho, mọi sở thích, mọi quan điểm của tôi trước đây, sẽ phải xếp sau những nỗi lo mang tên con cái.

Tôi sợ có con một phần cũng vì sợ mình sẽ mất cái danh tính cá nhân ấy. Điện thoại của các bạn sẽ mất đi tên tôi, và thay vào đó bằng cái tên “Mẹ Luna” (trong ví dụ này, Luna là tên em cún của tôi). Mọi thứ hay ho, mọi sở thích, mọi quan điểm của tôi trước đây, sẽ phải xếp sau những nỗi lo mang tên con cái.

Có con rồi, tôi sẽ không thể tham gia những hoạt động tiêu khiển tùy hứng nữa. Đi cắm trại ngoài biển, chơi ma sói với hội bạn thâu đêm, đi trượt băng cuối tuần, hay ra quán cà phê ngồi một mình để viết. Tất cả đều sẽ phải đi sau câu hỏi “có ai trông con không?” “mình có đủ nghị lực để tắm rửa, thay quần áo, bôi kem chống nắng và đi ra ngoài đường không?” Và ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra, cơn thiếu ngủ sẽ ngăn tôi trả lời “có”.

Nỗi sợ mất tuổi thanh xuân càng thêm chân thật khi nhìn vào chị tôi. Sau khi sinh hai em bé trong hai năm, chị theo đuổi công việc toàn thời gian là nuôi cả hai cho tới khi đi nhà trẻ, một công việc cả ngày chỉ nói chuyện với mấy đứa trẻ mới vừa bập bẹ, cả năm không có một ngày nghỉ, không được tăng lương. Mặc dù cháu tôi là hai đứa trẻ dễ thương và dễ bảo nhất thế giới, nhưng quả thật làm mẹ vẫn là sự nghiệp bóc lột sức lao động nhất tôi từng chứng kiến, cả về tinh thần lẫn thể xác.

Hoá ra, ngại có con cũng chỉ vì tiếc rẻ tuổi trẻ.

Tìm “cao nhân” để học làm mẹ

Cách đây không lâu, một gia đình “siêu nhân” mà tôi cực kì ngưỡng mộ vừa ẵm 3 con nhỏ (đứa nhỏ nhất chỉ vừa tập đi) nghỉ dưỡng ở Chiang Mai. Nhìn album ảnh trên Facebook cũng đủ tưởng tượng chuyến đi đầy ắp tiếng cười. Tôi nhìn gia đình chị như The Incredibles với quyền năng không ai sánh được. Nhắn tin hỏi thăm gia đình chị sau chuyến đi, tôi không giấu nổi lòng ngưỡng mộ:

“Công nhận chị siêu nhân, đi với trẻ con mà vẫn nhẹ nhàng. Em nhìn chị để có hy vọng vào tương lai 1 nách 3 con đó.”

“Thế tương lai đến đâu rồi?” (Một câu ý nhị hơn, nhưng hàm ý vẫn là hỏi thăm “Bao giờ sinh con?”)

“Em cũng đang bị giục mà tiếc tuổi trẻ quá. Muốn đi đủ năm châu lục rồi có con.”

“Ừ, thực sự là sau khi sinh 3 đứa con, thì chị cũng muốn khuyên em như thế.”

Tôi thở phào. Hoá ra, câu trả lời cũng chỉ đơn giản như thế.

class Trả lời cho cacircu hỏi muocircn thuở ldquoBao giờ sinh conrdquo2

Mỗi người đều có quyền tự quyết định câu trả lời cho mình.

Kết

Có nhiều lý do chủ quan và khách quan khiến cho những người phụ nữ như tôi phải đắn đo với lời khuyên của thế hệ trước: “sinh con đi rồi sẽ nuôi được”, nhưng chắc chắn, những lời thúc giục của xã hội sẽ không phải là lý do để có con. Tôi sẽ để bạn tự quyết định câu trả lời của mình. Còn tôi, “đi đủ năm châu lục rồi sinh con” sẽ là câu trả lời của tôi cho câu hỏi này.

Bài viết này được thực hiện bởi Chi Ngô (Freelance Content Strategist – TP.HCM).

Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.