Đối mặt với việc cha mẹ ly hôn không bao giờ là chuyện dễ dàng với con cái, dù là ở độ tuổi nào, thời điểm nào. Cuộc sống gia đình sẽ bị xáo trộn, nhiều điều trở nên khó khăn hơn những gì bạn dự tính.
Là một người từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi nhận ra tuy mình không thể thay đổi quyết định của cha mẹ, nhưng cuộc sống của tôi đi theo chiều hướng nào là do tôi lựa chọn. Dù rằng mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng hy vọng câu chuyện của tôi có thể giúp những người con phải trải qua hoàn cảnh tương tự tìm được lựa chọn phù hợp cho mình.
Tôi không trốn tránh cảm xúc của mình
Ngày nay chuyện ly hôn không còn quá xa lạ, khiến mọi người nghĩ điều đó không còn ảnh hưởng nhiều đến con cái, nhưng thật ra không phải thế. Tuy mỗi độ tuổi sẽ có thái độ và cách tiếp nhận khác nhau, nhưng người con nào cũng có khả năng phải đón nhận những cú sốc tâm lý.
Dù có là một người lớn thì khi nghe tin, đứa trẻ bên trong bạn cũng chỉ muốn chống đối và đóng sầm cửa phòng, bởi nó kích thích những cảm xúc và ký ức tuổi thơ của bạn. Điều trước nhất bạn cần làm đó là hãy đối xử nhẹ nhàng với cảm xúc của bản thân.
Hãy cho phép bản thân đi qua những cảm xúc đau buồn, hoang mang, chán nản, thậm chí giận dữ. Bạn có thể viết ra, tâm sự với người thân, hoặc kể với người bạn tin tưởng. Nếu cần thiết, bạn nên tìm đến chuyên gia tư vấn. Chỉ khi đã sắp xếp được suy nghĩ và ổn định lại tâm lý, bạn mới có thể đối mặt với những gì sắp đến.
Những biến cố cuộc sống có thể khiến bạn trải qua khoảng thời gian khó khăn, nhưng đổi lại nó giúp bạn tìm thấy điểm mạnh, hoặc học được kỹ năng mới. Với tôi, đó là khả năng giao tiếp khi cần trao đổi với cha mẹ, khả năng chịu áp lực, và tâm lý vững vàng để lờ đi những lời bàn tán của người ngoài. Nếu bạn cần giúp đỡ để vượt qua, đừng ngần ngại tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào xung quanh mình.
Tôi chọn tôn trọng quyết định của cha mẹ
Mong muốn hàn gắn lại hôn nhân của cha mẹ là suy nghĩ rất bình thường. Có thể vì bạn cho rằng cuộc hôn nhân đó là nền tảng xây dựng cuộc sống của bạn từ trước đến nay. Có thể vì bạn cần một chuyện gì đó khiến bạn xao nhãng, kéo bạn ra khỏi những cảm xúc trong thâm tâm. Nhưng sự thật là bạn không thể hiểu rõ vấn đề hơn chính người trong cuộc.
Một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nguyên nhân khiến con cái bị tổn thương nhiều nhất không phải là chuyện cha mẹ ly hôn, mà là phải chứng kiến sự xung đột của cha mẹ trong thời gian dài. Cũng như tôi chẳng thể quên được cảm giác tĩnh lặng đáng sợ trong bữa cơm có đầy đủ cha mẹ nhưng chẳng ai nói với nhau câu nào. Tôi biết không phải cha mẹ mình không cố gắng giữ gìn và vun đắp tổ ấm cho con cái. Ngược lại, họ đã suy xét rất kỹ để mang lại điều tốt nhất cho tôi trước khi đưa ra quyết định này.
Trong tình cảnh đó, nhanh chóng cắt bỏ vết thương bị hoại tử và bắt đầu một cuộc sống mới sẽ là điều tốt nhất cho cả cha mẹ và con cái. Do vậy, tôi đã lựa chọn việc ủng hộ quyết định ly hôn của cha mẹ mình.
Tôi chọn tâm sự với cha mẹ về tương lai
Cảm giác hoang mang khi nghe tin cha mẹ ly hôn xuất phát một phần từ nỗi lo lắng không biết tương lai của mình sẽ ra sao, những sự kiện cần cả cha và mẹ tham gia (như lễ tốt nghiệp, lễ cưới,…) sẽ thế nào. Theo tổ chức sức khoẻ trẻ em KidsHealth, cách tốt nhất là thẳng thắn chia sẻ và bàn bạc với cha mẹ. Đừng lo rằng mình sẽ khiến họ căng thẳng hơn, hãy chọn một thời điểm cùng ngồi xuống trao đổi, khi mọi người đều đã bình tĩnh lại.
Tôi may mắn có cha mẹ luôn bên cạnh. Mẹ tôi kiên nhẫn giải thích cho tôi mọi vấn đề, từ nguyên nhân dẫn đến quyết định này, cho đến những kế hoạch tương lai. Nhờ đó mà tôi không cảm thấy như người ngoài cuộc, cũng không mù mờ với những ngày tháng kế tiếp, sau bước ngoặt đột ngột này.
Tôi chọn tập trung chăm lo cho cuộc sống riêng
Bị cuốn vào những lo toan và thay đổi sau cuộc ly hôn của bố mẹ có thể khiến bạn cảm thấy cuộc đời mình bị chững lại. Hãy tập trung vào kế hoạch và mong muốn của bạn cho tương lai, cố gắng tham gia đầy đủ những hoạt động thường ngày hết mức có thể. Trong khi cuộc sống gia đình đang có nhiều biến động, bạn có thể tự mình ổn định hoạt động ở trường hoặc với bạn bè để tự cân bằng.
Cha mẹ tôi ly hôn vào năm tôi đang học lớp 12. Sau quãng thời gian khủng hoảng tâm lý, tôi nhận ra tôi không thể bỏ mặc tương lai của chính mình, sau đó đổ lỗi cho nghịch cảnh được. Tôi từ bỏ ý định thôi học “đi bụi” (do ảnh hưởng của những bộ phim Hồng Kông thời đó), và trở lại “đường ray” ôn luyện cho kỳ thi đại học. Đến nay, khi đã vượt qua thời gian khó khăn nhất, tôi luôn cảm thấy thật may mắn vì khi đó đã quyết định đặt chuyện học tập lên hàng đầu.
Tôi chọn vị trí trung gian giữa cha mẹ
Một trong những vấn đề sau khi cha mẹ ly hôn là con cái có thể xa lánh một trong hai bên. Bản thân tôi nhận ra, dù chỉ là một cuộc gọi điện, một dòng tin nhắn cũng giúp xoa dịu nỗi đau và nỗi nhớ của các thành viên trong gia đình, giúp cha/mẹ gắn bó với con cái dù đang phải xa cách địa lý.
Chẳng có đứa con nào muốn nhìn thấy cha mẹ tiếp tục xung đột với nhau dù đã ly hôn cả. Vì thế, tôi đã thử làm cầu nối giúp cha mẹ trở thành bạn bè. Cách đơn giản nhất là thỉnh thoảng rủ cả hai người cùng ăn một bữa cơm. Sẽ có những trường hợp một trong hai cảm thấy không thoải mái khi gặp mặt người kia, bạn có thể cùng cả hai bàn bạc và tìm ra giải pháp khéo léo trong các tình huống cụ thể.
Nếu cha mẹ có thể giữ mối quan hệ tốt sau khi ly hôn thì sẽ đem đến những thành quả bất ngờ trong tương lai. Có rất nhiều trường hợp sau ly hôn, giữa cha mẹ vẫn xảy ra xung đột liên quan đến con cái, chẳng hạn như chuyện cưới hỏi. Nhờ giữ mối quan hệ tốt nên cha mẹ tôi đã cùng nhau tổ chức một đám cưới êm đẹp cho chị gái tôi mà không xảy ra bất đồng nào cả.
Kết
Nghịch cảnh có thể xảy ra với bất kỳ ai trong cuộc sống, việc cha mẹ ly hôn là một trong những điều đáng buồn như thế. Nhưng thay vì bỏ mặc tương lai, tôi chọn cho mình thêm thời gian, mở lòng với những điều tích cực và xem đó là động lực để trưởng thành.
Bài viết được thực hiện bởi Tử Long.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.
Xem thêm:
[Bài viết] Bí quyết dung hoà các thế hệ trong gia đình
[Bài viết] Cha mẹ độc hại: Tổn thương dưới danh nghĩa tình thương