Chuyển ngữ từ bài viết "The Essence of Fatherhood: 6 Simple Lessons" đăng trên blog cá nhân của tác giả Leo Babauta.
Tôi là bố của 6 đứa trẻ, đứa lớn nhất cũng đã 21 tuổi. Còn em trai tôi, vào cuối tháng này, sẽ “lên chức”. Cậu ấy cứ bảo rằng mình sợ, không chắc bản thân sẽ làm tốt vai trò mới trong gia đình.
Dù “thâm niên” hơn, tôi cũng khó lòng mà an ủi, bởi tới giờ tôi vẫn thấy rằng làm bố là điều đáng sợ nhất mà tôi từng biết trong đời. Năm 19 tuổi, hoàn toàn không chuẩn bị trước, tôi phải có trách nhiệm với một sinh linh bé bỏng. Không có trường lớp nào dạy tôi phải làm gì, và tôi thì còn quá trẻ người non dạ. Một trải nghiệm kinh hoàng.
Nhưng hành trình bắt đầu từ đó lại thật đáng giá, có khi còn ý nghĩa hơn cả việc khởi nghiệp thành công, hay thay đổi cuộc sống của hàng ngàn người khác (dù đúng là ban đầu mọi thứ rối tung cả lên!)
Vấn đề lớn nhất của tôi lúc ấy, ngoài việc “không biết mình đang làm cái gì!?”, là cảm giác có quyền lực. Tôi muốn con mình làm theo những gì tôi nói, cư xử theo lề lối nhất định, lớn lên thì trở thành người mà tôi muốn con trở thành.
Sau những trầy trật thuở đầu, tôi dần nhận ra làm cha mẹ không phải là công việc “nặn đất sét”, uốn nắn đứa trẻ thành những hình mẫu lý tưởng. Nó giống với việc chăm sóc những chú mèo hơn, tức là nuôi chúng lớn khôn, khoẻ mạnh và khiến chúng cảm thấy được yêu thương.
Dành cho những ai đang sắp trở thành cha/mẹ, hoặc có kế hoạch trong tương lai xa hơn, bên dưới là những suy nghĩ của tôi về việc “chăm sóc những chú mèo”.
Công việc đầu tiên: Yêu thương
Tất nhiên, nhiệm vụ cơ bản số 0 là cần giữ an toàn cho các con, lo cái ăn, cái mặc. Đó là điều luật cơ bản nhất mà bản năng con người sẽ nhắc nhở ta suốt.
Còn chuyện sau đó, liệu rằng đứa trẻ lớn lên có cảm nhận được tình yêu thương hay không thì phức tạp hơn nhiều. Câu hỏi đó cần được ai đó, hay chính các bạn, nhắc thành lời rất nhiều lần trong đời, đặc biệt là những lúc bạn có ý định quát mắng, hay thúc ép con mình làm điều gì đó.
Không cần đợi đến cuối đời, vào một thời điểm bất kỳ nào đó trên hành trình làm bố/mẹ, nếu bạn có thể tự tin nói rằng bạn luôn có mặt khi con cần, và chúng biết rằng gia đình luôn là nơi ấm áp nhất để trở về, thì bạn đã thành công.
Làm gương quan trọng hơn lời nói
Khi chúng ta la mắng những đứa trẻ rằng chúng cần cẩn thận, ý tứ, biết quan tâm hơn, thì có một khả năng là chúng đang học cách la mắng, chứ không phải nội dung chính trong câu nói.
Và bất kỳ hình phạt nào khác cũng mang theo rủi ro rằng chúng ta đang làm gương cho các con về cách tạo ra nỗi sợ cho người khác, chứ không hẳn là mang đến một bài học sâu sắc, hay khoảnh khắc sám hối nào.
Nếu muốn đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, chính bạn nên tập thể dục và ăn những thực phẩm lành mạnh. Nếu muốn đứa trẻ đọc sách nhiều hơn, chính bạn hãy tắt TV và đọc sách nhiều hơn. Nếu muốn đứa trẻ tìm được công việc mà chúng đam mê, hãy tự mình làm điều đó.
Không lời nói “nhay đi nhay lại” nào lại có sức mạnh bằng hành động thực tế, và quan trọng là để con bạn được quan sát, chứng kiến chúng hằng ngày.
Cái ôm có sức mạnh hơn hình phạt
Khi một đứa trẻ cư xử không đúng chuẩn mực, chúng ta có xu hướng coi đây là một lỗi lầm nghiêm trọng. Nhưng người lớn chúng ta có tránh khỏi những khoảnh khắc mất kiểm soát cảm xúc? Chúng ta chưa bao giờ cư xử tệ bạc, chưa bao giờ bị cám dỗ, chưa bao giờ nói dối?
Hãy trở lại làm một đứa trẻ, ôm lấy con với sự đồng cảm. Sẵn sàng tha thứ nhưng tất nhiên, song song với đó phải là giải thích cho con hiểu tại sao hành vi của con gây phiền lòng.
Hãy đặt niềm tin
Cho các con được dấn thân, tự tìm hiểu mọi thứ, để chúng học cách tin tưởng chính mình, cách chấp nhận rủi ro, và cả thất bại.
Trong hành trình đó, hãy kiềm mình chen vào các quyết định của con. Công việc của bạn là luôn ở đó khi con cần, trở thành một vị cố vấn đáng tin tưởng. Điều này phải được xây dựng từ khi con còn bé. Bạn nói chuyện với con, nghe nhạc với con, chào buổi sáng với con bằng một nụ cười thật tươi và cái ôm thật chặt.
Mỗi khoảnh khắc bạn ở bên cạnh con là một điều kỳ diệu, bởi chúng rồi sẽ lớn lên và rời xa bạn. Nhưng dù có xa đến thế nào thì bạn cũng không thể thôi chức “cha/mẹ”.
Và tôi hạnh phúc khi được làm cha.