Khi làm người khác tổn thương lại tốt hơn “giữ kẽ” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
14 Thg 04, 2024
Chất Lượng Sống

Khi làm người khác tổn thương lại tốt hơn “giữ kẽ”

Theo Mark Manson, để có thể “xéo sắc” khi cần, bạn phải xác định xem điều gì quan trọng hơn cảm xúc của chính mình và người khác.
Khi làm người khác tổn thương lại tốt hơn “giữ kẽ”

Nguồn: Phim The Glory

Tiếp nối bài viết “Vì sao đôi khi bạn cần “xéo sắc” lên một chút?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “Why Being an Asshole Can Be a Valuable Life Skill” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Làm sao để “xéo sắc” một cách có đạo đức?

Khi nói đến một người “xéo sắc” hay “ghê gớm”, chúng ta thường có cái nhìn không mấy thiện cảm về họ. Đúng là có những người nói dối, lừa đảo hay ăn trộm để đạt được mục đích của mình. Đây là những kẻ vừa ghê gớm, vừa sống thất đức.

Nhưng cũng có những người “khẩu xà tâm phật” - họ xéo sắc một cách có đạo đức. Thậm chí tôi cho rằng không quá nếu coi họ là những “báu vật quốc gia”, bởi họ là những người duy nhất bảo vệ được chúng ta khỏi những người vừa ghê gớm, vừa thất đức.

Câu hỏi ở đây là, nếu bạn sinh ra vốn hiền lành, ôn hòa thì làm sao để trở nên “xéo sắc” hơn?

Đây thực sự là một kỹ năng cần phải luyện tập. Giống với cách một người hướng nội phải hành xử theo cách hướng ngoại hơn khi đi network, người hiền lành cũng phải học cách tỏ ra xéo sắc hơn khi cần thiết. Bởi nếu không, lúc nào bạn cũng sẽ bị người đời chà đạp, vĩnh viễn không ngóc đầu lên nổi. Bạn thử tham khảo các bước sau đây:

1. Xác định xem cái gì quan trọng hơn cảm xúc của mình và người khác

Hầu hết chúng ta để cuộc sống của mình bị chi phối bởi cảm xúc của chính mình lẫn người khác. Bạn có thể không nhận ra điều này, bởi bạn chưa từng suy nghĩ thấu đáo về nó. Nhưng nếu tiếp tục để cảm xúc làm chủ cuộc sống, bạn sẽ mãi mắc kẹt trong một mớ hỗn độn các vấn đề.

Vì vậy, để sẵn sàng làm tổn thương người khác khi cần thiết, bạn cần xác định xem cái gì quan trọng hơn sự khó chịu của họ.

Bạn có sẵn sàng làm tổn thương người khác để cứu một người thân đang hấp hối? Tôi khá chắc câu trả lời là có. Để cứu lấy sự nghiệp của bạn? Tôi hy vọng bạn sẽ làm (dù tôi biết một số người sẽ chọn không). Để phục vụ bất kỳ một mục đích tốt đẹp nào mà bạn quan tâm? Mong bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình.

07apr2024songhyekyotheglorytaobao132439jpg
Bạn có sẵn sàng làm tổn thương người khác vì một mục đích tốt đẹp mà bạn quan tâm? | Nguồn: Phim The Glory

Bản chất của những kẻ vừa ghê gớm, vừa thất đức là chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình mà “lơ” hoàn toàn những người khác. Họ ái kỷ và chỉ nhìn thế giới theo hướng mang lại lợi ích cho họ. Họ sống thất đức vì họ chỉ quan tâm đến những điều thất đức. Thế nên nếu bạn có lý do chính đáng, vượt ngoài lợi ích của bản thân thì rõ ràng bạn nên “xéo sắc” để bảo vệ nó.

2. Làm quen với việc cảm thấy tệ

Hầu hết những ai quá “nice” đều cho rằng, việc quan tâm nhiều đến cảm xúc của người khác là biểu hiện của sự tử tế. Họ không dám nói những câu từ gai góc hơn với ai cần nghe, bởi họ không muốn người đó cảm thấy tệ. Nhưng kỳ thực là họ đang lừa dối chính mình.

Họ nghĩ họ có lòng vị tha, dù thực tế không phải vậy. Họ không dám làm tổn thương người khác, vì nó làm chính họ thấy tệ. Sự cảm thông dành cho người kia đã ngăn họ lại, đây là điều chúng ta phải học cách vượt qua. Hãy làm quen với việc cảm thấy tồi tệ, bởi nó sẽ có ích khi bạn thực sự phải gai góc với người khác.

26aug2022hk1jpg
Nên làm quen với việc cảm thấy tồi tệ - nó sẽ có ích khi bạn thực sự phải “gai góc” với người khác. | Nguồn: Pexels

Chính tôi cũng từng phải “sạc” cho anh bạn thân của mình một trận, sau khi anh làm một việc ngu ngốc khiến tôi bị liên lụy. Anh cảm thấy rất tệ, và tôi cũng cảm thấy rất tệ vì đã làm đau anh. Nhưng tôi hiểu đó là sự khó chịu mà cả hai chúng tôi phải trải qua để điều này không tái diễn lần nữa - đó là lý do chính đáng.

Và để có đủ can đảm làm tổn thương người khác, bản thân tôi cũng phải chịu đựng được cảm giác tồi tệ đó.

3. Tập trung vào sự thật “đắng lòng”

Có lẽ chúng ta đều từng trải qua tình huống này: muốn nói điều gì đó quan trọng, nhưng lại sợ làm mất lòng người nghe. Vậy là mâu thuẫn nội tâm xuất hiện, khi ta cứ đắn đo xem có nên nói ra hay không.

Vậy hãy tạo ra quy tắc mới cho chính bạn: có điều gì là “sự thật đắng lòng” mà bạn thấy cần phải nói thì cứ nói ra, đừng nghĩ nhiều. Tôi tin rằng sau này nhìn lại, bạn sẽ vui vì đã nói nó ra, và có khi nhiều người khác cũng sẽ vui vì bạn làm vậy.

24dec2023secretarylifeofmysecretary2jpg
Có điều gì quan trọng phải nói, hãy cứ nói ra. | Nguồn: Phim Secret Life of My Secretary

Quả thực nói ra điều khó nghe là cảm giác không hề dễ chịu, đặc biệt là trong những lần đầu. Nhưng khi nhận được phản hồi tích cực, bạn sẽ thoải mái chia sẻ hơn. Lâu dần bạn sẽ trở nên “xéo sắc” theo một cách tích cực trong mắt người khác.

Thậm chí họ sẽ biết ơn bạn vì đã thẳng thắn chia sẻ. Họ sẽ thầm lặng đến cảm ơn bạn khi mọi việc kết thúc. Điều này nghe thì buồn cười, nhưng nếu để ý bạn sẽ thấy, người hiền lành thường xuyên phải dựa vào người xéo sắc để đấu tranh và bảo vệ cho họ.