Đây là phần cuối cùng của bài viết “6 Healthy Relationship Habits Most People Think Are Toxic”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson. Đọc phần 1 của bài viết tại đây, và phần 2 tại đây.
5. Dành thời gian không ở bên nhau
Chúng ta có lẽ đều biết một ai đó đã yêu là “biến mất” một cách bí ẩn. Một anh chàng có bạn gái rồi dừng tất cả các kèo đá bóng với anh em, hay một cô gái bỗng “phát cuồng” mọi tựa game bạn trai cô thích, dù cô còn chẳng biết cầm bộ điều khiển Xbox. Đây là một vấn đề lớn, không chỉ với bạn mà còn với họ.
(Lưu ý: Nếu những đặc điểm trên tồn tại ở bạn hoặc ai đó bạn biết, đã đến lúc tìm hiểu thêm về kiểu gắn bó của bạn (hoặc họ)).
Một người khi yêu có thể hình thành những niềm tin và ham muốn phi lý. Một trong số đó là để bản dạng của ta và người ấy hòa làm một, cho phép họ “tiêu hao” cuộc sống của ta. Điều này mang lại cảm giác say mê đến tuyệt vời, y như cách cocaine thao túng não bộ. Và vấn đề sẽ nảy sinh khi ham muốn này trở thành sự thực.
Khi để bản dạng của bạn “hòa tan” trong một mối quan hệ, bạn thay đổi để gần gũi hơn với người mình yêu. Nhưng như vậy cũng có nghĩa bạn không còn là người họ đã yêu từ những ngày đầu.
Thế nên thỉnh thoảng hai bạn nên dành thời gian xa cách nhau một chút. Bạn tranh thủ thời gian này củng cố sự độc lập của mình, duy trì những sở thích của riêng bạn. Nên có những người bạn riêng (bên cạnh bạn chung của cả 2) hoặc đi chơi đâu đó một mình. Luôn ghi nhớ điều gì đã tạo nên bạn, và điều gì đã thu hút bạn đến bên người ấy từ giây phút mới gặp.
Nói một cách hình tượng hơn, nếu ví tình yêu giữa hai người là một ngọn lửa, nó sẽ tắt dần nếu không có oxy duy trì. Và những khoảng thời gian riêng tư này chính là lượng oxy đó.
6. Chấp nhận những khuyết điểm của người ấy
Trong tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), Milan Kundera cho rằng có hai kiểu đàn ông lăng nhăng: 1/ đàn ông tìm kiếm người phụ nữ hoàn hảo và không bao giờ thấy, hoặc 2/ đàn ông tự thuyết phục mình rằng mọi cô gái họ gặp đều đã hoàn hảo sẵn.
Tôi rất thích cách nhìn nhận này. Tôi cho rằng nó không chỉ áp dụng cho đàn ông lăng nhăng, mà cho bất cứ ai luôn sa ngã vào những mối quan hệ bất ổn. Họ hoặc tìm cách “sửa chữa” cho người thương trở nên hoàn hảo, hoặc tự huyễn rằng người ấy vốn đã hoàn hảo rồi. Thực ra điều này vốn dĩ không phức tạp như vẻ bề ngoài của nó. Để tôi phân tích lại:
- Ai cũng có khuyết điểm của riêng mình.
- Bạn không bao giờ có thể bắt một ai đó thay đổi.
- Thế nên bạn cần hẹn hò một người có những khuyết điểm bạn có thể chấp nhận, hoặc thậm chí đánh giá cao.
Thước đo chuẩn xác nhất cho tình yêu của bạn nằm ở cách bạn cảm nhận về khuyết điểm của người ấy. Bạn chấp nhận, thậm chí yêu quý đôi điều chưa hoàn hảo ở họ, chẳng hạn sự sạch sẽ đến “ám ảnh” hoặc sự vụng về đáng yêu trong giao tiếp. Và nếu họ cũng chấp nhận và yêu quý những khuyết điểm của bạn, đó là dấu hiệu của sự thân mật thực thụ.
Một trong những lối diễn giải hay nhất (và cổ xưa nhất) về điều này đến từ triết gia người Hy Lạp Pluto. Trong sách Yến hội (The Symposium), ông cho rằng con người vốn nửa nam nửa nữ và thập toàn thập mỹ. Họ không thấy thiếu thốn hay bất an về điều gì, và họ mạnh mẽ đến mức vùng lên và thách thức các vị thần.
Điều này tạo ra một vấn đề cho các thần. Họ không muốn xóa sổ hoàn toàn nhân loại, vì như vậy chẳng còn ai cho họ cai trị cả. Nhưng họ cũng phải làm gì đó để con người khiêm tốn lại.
Thế là thần tối cao Zeus đã chia đôi một người thành hai nửa nam và nữ, và buộc họ phải dùng kiếp sống ngắn ngủi trên trần thế để đi tìm nửa còn lại của mình. Chỉ khi tìm được nửa kia, họ mới thấy trọn vẹn và mạnh mẽ trở lại.
Vậy là sự toàn vẹn này không đến từ việc hai người hoàn hảo gặp nhau, mà là hai người không hoàn hảo. Hai nửa ấy vừa bổ sung, vừa bù đắp cho những khuyết điểm của nhau.
Họa sĩ kiêm tác giả sách Alex Grey từng nói rằng, “tình yêu đích thực xảy ra khi khuyết thiếu của hai người bù trừ lẫn nhau”. Tình yêu, theo định nghĩa, vốn điên cuồng và phi lý. Và tình yêu tuyệt nhất chính là khi những điều phi lý của hai người bổ sung cho nhau, và những khuyết điểm khiến họ say mê nhau.
Có thể sự hoàn hảo đã khiến bạn và người ấy “hút” nhau ngay từ đầu. Nhưng sự khuyết thiếu mới là yếu tố quyết định xem hai bạn có ở bên nhau trọn đời hay không.