Đôi điều lành mạnh trong mối quan hệ mà bạn tưởng là độc hại | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
07 Thg 01, 2024
Thương

Đôi điều lành mạnh trong mối quan hệ mà bạn tưởng là độc hại

Theo Mark Manson, có những điều khiến bạn thấy khó chịu, nhưng lại là cần thiết để duy trì một mối quan hệ lành mạnh.
Đôi điều lành mạnh trong mối quan hệ mà bạn tưởng là độc hại

Nguồn: Andrik Langfield @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “6 Healthy Relationship Habits Most People Think Are Toxic”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Trước đây tôi từng viết về 6 Điều độc hại trong mối quan hệ mà bạn coi là bình thường. Về cơ bản, bài viết nhận được nhiều phản hồi tích cực. Một số độc giả còn cho biết, bài viết thôi thúc họ chủ động kết thúc những mối quan hệ họ không nên tiếp tục.

Nhưng bên cạnh đó tôi cũng nhận về không ít thắc mắc: nếu những điều này hủy hoại một mối quan hệ, thì những thói quen nào sẽ tạo ra điều ngược lại? Phải làm gì để có một mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh? Đây đều là những câu hỏi quan trọng, và chúng xứng đáng được giải đáp trong một bài viết riêng.

Thú thực là thời còn trai trẻ, tôi cũng đã hủy hoại nhiều mối quan hệ hơn là củng cố chúng. Nhưng sau khi ngộ ra nhiều điều, tôi không muốn viết một bài khuyên răn kiểu “học cách giao tiếp, nắm tay nhau và cùng ngắm hoàng hôn” nữa. Nếu bạn thực sự yêu người ấy, thì bạn đã tự nắm tay họ mà ngắm hoàng hôn rồi chứ không đợi tôi phải bảo.

Tôi muốn viết về điều gì đó khác đi - cụ thể là những điều quan trọng nhưng khó nói trong một mối quan hệ: cãi nhau, làm tổn thương cảm xúc của nhau, cảm thấy bất mãn hay cảm giác bị người khác hấp dẫn. Đây là những vấn đề thường gặp trong một mối quan hệ, nhưng chẳng mấy ai nói về chúng. Vì nói về nắm tay hay ngắm hoàng hôn bao giờ cũng dễ hơn.

Đây chính là lý do tôi viết nên bài này. Bài viết đầu tiên giải thích những thói quen được chấp nhận trong một mối quan hệ, nhưng ngấm ngầm làm xói mòn sự thân mật, lòng tin và hạnh phúc. Vậy bây giờ tôi cho nó thêm một series bài “sinh đôi” khác, giải thích vì sao những đặc điểm không được coi là “tình yêu” thực tế lại cần thiết cho một mối quan hệ bền vững.

1. Để một vài mâu thuẫn tự chìm vào dĩ vãng

John Gottman là một học giả nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu về các mối quan hệ. Ông đã có hơn 40 năm nghiên cứu các mối quan hệ thân mật, và đã có nhiều phát hiện quan trọng. Một trong số đó phải kể đến quá trình “cắt lát” mối quan hệ.

Hiểu một cách đơn giản, ông nghiên cứu những dấu hiệu sinh trắc trong các cặp đôi và phân tích các cuộc trò chuyện của họ. Ông phân tích từng phút của cuộc hội thoại, từng cử chỉ trong ngôn ngữ cơ thể, từng phân đoạn lên xuống giọng và từng từ ngữ họ chọn. Sau đó ông kết hợp tất cả dữ liệu này để phỏng đoán xem, cuộc hôn nhân của họ có kết cục tốt đẹp hay không.

Chiến lược “cắt lát” này thành công tới 91% trong việc dự đoán xem các cặp đôi mới cưới có ly hôn trong vòng 10 năm tiếp theo hay không. Đây là kết quả cao đáng kinh ngạc với bất kỳ nghiên cứu tâm lý học nào. Các cuộc hội thảo của ông cũng “cứu vãn” những cuộc hôn nhân sóng gió thành công hơn 50% so với tư vấn hôn nhân truyền thống.

Nhưng nếu bạn hỏi John Gottman điều gì làm nên thành công của các mối quan hệ lâu dài, câu trả lời của ông sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Bởi trong gần như mọi cuốn sách của mình, ông cho rằng việc cặp đôi phải giao tiếp để giải quyết mọi vấn đề tồn đọng là nhiệm vụ bất khả thi.

Khi nghiên cứu về hàng ngàn cặp vợ chồng hạnh phúc (một số đã kết hôn được 40 năm hoặc hơn), Gottman nhận ra họ có những vấn đề tồn đọng dai dẳng. Họ thậm chí đã tranh cãi về chúng trong nhiều thập kỷ, nhưng không bao giờ giải quyết tận gốc.

Trong khi đó, các cặp đổ vỡ lại có điểm chung là cố tìm cách giải quyết mọi vấn đề tồn đọng. Họ tin rằng bất đồng là thứ không bao giờ nên tồn tại giữa hai người. Và chẳng bao lâu sau, thứ không còn tồn tại lại chính là mối quan hệ của họ.

24nov2022pexelscottonbro7609044jpg
Có những mâu thuẫn bạn chỉ có thể để cho tự chìm vào dĩ vãng. | Nguồn: Pexels

Những cặp đôi lâu bền đã hiểu và chấp nhận sự thật rằng, mâu thuẫn vốn là điều không thể tránh khỏi. Sẽ luôn có những điều họ không thể chấp nhận ở người kia, luôn có những vấn đề họ bất đồng ý kiến - và điều đó hoàn toàn ổn.

Nếu thực sự yêu một ai đó, bạn sẽ không cảm thấy việc phải thay đổi họ là điều quá cần thiết. Và bạn cũng không nên để một vài bất đồng trở thành “kỳ đà cản mũi” một mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh.

Nhiều khi cố gắng “sửa chữa” một vấn đề, bạn lại vô tình tạo ra thêm nhiều vấn đề hơn. Chúng không đáng để bạn hao tâm tổn sức tí nào. Vì vậy, đôi khi chiến lược hiệu quả nhất trong một mối quan hệ chỉ đơn giản là sống, và để cho nhau được sống.

2. Sẵn sàng làm tổn thương cảm xúc của nhau

Vợ tôi dành cả tá thời gian làm đẹp trước gương, vì cô ấy quan tâm tới vẻ ngoài. Không ít lần trước buổi hẹn hò, cô ấy ở trong nhà tắm cả tiếng đồng hồ để trang điểm và thử 7749 bộ đồ khác nhau lên người.

Cô ấy vốn rất đẹp, nhưng thi thoảng lại đổi một kiểu tóc mới lạ, hoặc đi một đôi giày kỳ cục mà nhà thiết kế nào đó ở Milan bảo là mốt mới nhất. Và thú thực là tôi chẳng thấy chúng hợp với cô ấy tí nào.

Khi tôi bảo cô ấy như vậy, đương nhiên cô tức giận và quay lại tủ đồ/nhà tắm để làm lại mọi thứ, khiến chúng tôi trễ giờ. Cô chửi thề liên tục (may mà bằng tiếng Bồ Đào Nha nên tôi không hiểu), có lúc chửi cả tôi nữa.

Cánh mày râu vốn hay nói dối trong những tình huống này để đối phương được vui vẻ. Tôi thì không làm thế được, bởi với tôi, sự thành thực trong mối quan hệ quan trọng hơn là cảm giác dễ chịu ở mọi thời điểm. Tôi không bao giờ muốn phải kiểm duyệt bản thân trước người bạn đời của chính mình cả.

Và may mắn cho tôi là cô ấy cũng đồng tình như vậy. Cô ấy cũng chỉ trích cả những điều nhảm nhí ở tôi (thực ra tôi học được tính này từ chính cô ấy). Khỏi phải nói cái tôi của tôi cũng bị tổn thương, và tôi cũng cãi lại cô ấy chứ. Nhưng chỉ vài tiếng sau là tôi phải quay lại xin lỗi, vì cô ấy nói đúng. Cô khiến tôi trở thành một người tốt hơn, dù tôi vẫn ghét phải nghe sự thật mà cô ấy nói ra vào thời điểm đó.

04jan2024erkerysdauletovhqapek8ns4unsplashjpg
Điểm mấu chốt trong mối quan hệ là tìm ra điều quan trọng hơn cả sự dễ chịu. | Nguồn: Unsplash

Khi bạn luôn ưu tiên việc làm cho bản thân hay đối phương dễ chịu, thì cuối cùng chẳng ai dễ chịu cả. Thế là mối quan hệ của hai bạn tan tành từ lúc nào mà không ai hay.

Vì vậy, điểm mấu chốt là phải tìm ra thứ quan trọng hơn cả cảm giác dễ chịu trong một mối quan hệ. Cảm giác dễ chịu, hay những lần nắm tay nhau cùng ngắm hoàng hôn, sẽ tự đến khi hai bạn nhận ra những điều quan trọng: giá trị, nhu cầu và sự tin tưởng lẫn nhau.

Nếu tôi thấy ngột ngạt và muốn ở một mình, tôi phải có dũng khí nói ra điều đó mà không đổ tội cho cô ấy. Và cô ấy cũng phải có dũng khí lắng nghe mà không đổ lỗi cho tôi, dù việc này gây ra cảm giác vô cùng khó chịu.

Ngược lại, nếu cô ấy thấy tôi lạnh nhạt khi trò chuyện, cô ấy phải nói ra mà không trách móc tôi. Và tôi cũng phải lắng nghe mà không trách móc cô ấy, dù cảm giác không hề dễ chịu gì.

Những cuộc trò chuyện này là cần thiết để duy trì một mối quan hệ lành mạnh, thỏa mãn được nhu cầu của cả đôi bên. Không có chúng, cặp đôi sớm muộn cũng sẽ “mất dấu” nhau.

Còn tiếp...