Hiện nay trên thị trường lao động đang ngày càng có nhiều ngành nghề mới mở ra, mang đến cơ hội khám phá bản thân và học hỏi cho người trẻ, giúp họ sẵn sàng đối mặt với một tương lai có phần bất định.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người học không chỉ cần mở rộng kiến thức bên cạnh chuyên môn cao, mà còn cần tiếp thu và áp dụng công nghệ mới một cách linh hoạt, thay vì lo sợ công nghệ hay AI sẽ chiếm đi cơ hội làm việc của mình.
Người lao động cần trang bị gì trong thị trường 4.0?
Kiến thức liên ngành là từ khoá đang được nhắc đến nhiều trong khoảng thời gian gần đây. Đó là sự tích hợp kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau, cho phép người học đánh giá một vấn đề từ nhiều góc độ.
Càng có khả năng lĩnh hội tri thức từ nhiều ngành nghề khác nhau, bạn càng trở nên linh hoạt và sẵn sàng thay đổi bản thân để nắm bắt các cơ hội phát triển. Đây chính là nền tảng cho xu thế chọn lựa ‘tự do sự nghiệp’(hay career freedom) thịnh hành của các bạn trẻ trong thời điểm hiện tại.
Không giới hạn bản thân trong những định nghĩa truyền thống về nghề nghiệp, các bạn mong muốn nhiều hơn ở một công việc, không chỉ đơn thuần là thu nhập. Để có sự tự do sự nghiệp này, các bạn cần thể hiện khả năng làm việc linh hoạt và đa nhiệm, cùng lợi thế hiểu biết và sử dụng thuần thục công nghệ.
Thực tế, nhiều bạn trẻ đã thử sức và thành công khi kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Khi ấy, các bạn phải “đội” cho mình nhiều chiếc mũ, như một nhà sáng tạo nội dung, một chuyên viên phát triển sản phẩm, một kĩ sư xây dựng website, hay một nhà phân tích số liệu thị trường. Khi chức danh của bạn không bị giới hạn, thì cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.
Dường như, thị trường đang thử thách quan niệm “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Thị trường biến động với nhiều ứng dụng công nghệ và những thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội sẽ là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cho việc phát triển kiến thức liên ngành của mỗi cá nhân.
Giáo dục khai phóng – khai mở giới hạn
Theo định nghĩa của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ (AAC&U), giáo dục khai phóng là cách tiếp cận rèn luyện kĩ năng và năng lực của người học hướng đến khả năng ứng phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi, cung cấp một nền kiến thức bao quát về thế giới rộng lớn (khoa học, văn hóa và xã hội), từ đó đào sâu nghiên cứu một lĩnh vực xác định.
Hiểu sâu, hiểu rộng nhưng không xa rời thực tế. Trái lại, giáo dục khai phóng giúp các bạn trẻ phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội và sử dụng chính những thách thức ở cộng đồng như bài tập để rèn giũa kĩ năng giao tiếp, phân tích, phản biện và giải quyết vấn đề.
Hiện nay, Đại học Fulbright Việt Nam là một trong những trường đại học tiên phong áp dụng mô hình giáo dục khai phóng Hoa Kỳ. Tương tự với thiết kế chương trình học tại các trường đại học uy tín tại Hoa Kỳ, tất cả các môn học tại Fulbright đều mang tính liên ngành.
Trong quá trình rèn luyện tư duy liên ngành, nhiều bạn trẻ được truyền cảm hứng và khám phá tiềm năng của bản thân mà trước đó chưa có cơ hội đào sâu. Tại Fulbright, có khoảng 50% sinh viên năm cuối theo đuổi hai chuyên ngành, mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình trong tương lai.
Chương trình học đòi hỏi các bạn trẻ cọ xát và học cách giải quyết những thách thức thực tế. Qua những chuyến đi thực địa tới từng địa phương, hoạt động phụng sự cộng đồng, sự kiện đặc biệt có sự tham gia của nhiều chính trị gia và doanh nghiệp, chương trình trao đổi sinh viên trên toàn thế giới, sinh viên Fulbright có cơ hội trải nghiệm thành quả của hệ giá trị giáo dục tiên tiến toàn cầu ngay tại Việt Nam.
Niên khóa 2023 vừa chính thức khép lại tại Đại học Fulbright Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng với các Cử nhân Fulbright đầu tiên. Nhiều Cử nhân trẻ đã đặt nền móng gây dựng doanh nghiệp riêng của mình ngay từ khi còn là sinh viên Fulbright.
Có thể nhắc tới Đào Hải Nhật Tân, nhà sáng lập của dự án khởi nghiệp Seesaw, phát triển những bộ trò chơi để người Việt có cơ hội chăm sóc tinh thần nhiều hơn. Để có thể vững bước trên con đường kinh doanh của riêng mình, Tân cùng các sinh viên Fulbright không chỉ giỏi chuyên môn mà còn vô cùng tự tin khi đã được trang bị kỹ năng liên ngành, sẵn sàng “nhận việc” dù ở bất cứ vị trí, ngành nghề nào.
Một vài gương mặt ưu tú của khóa tốt nghiệp đầu tiên của Fulbright đã có những thành tựu bước đầu trên con đường vươn tới học vị tiến sĩ tại đại học hàng đầu Hoa Kỳ.
Đó là Nguyễn Hữu Phúc Ngân khi đạt học bổng tiến sĩ ngành Tâm lý Phát triển ở Đại học Minnesota; là Nguyễn Thu Huyền với học bổng 100.000 USD chương trình thạc sĩ Vận trù học và Tính toán tại trường William & Mary; là Nguyễn Phúc An với học bổng chương trình Tiến sĩ Hóa học Tính toán tại Đại học Stony Brook; Nguyễn Phùng Nhật Khôi sớm trở thành nghiên cứu sinh Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Texas ở Dallas.