- “Sao người ta hay bận thế nhỉ?” (Có thật là bận như thế không?)
- “Online đăng story ầm ầm mà chẳng thèm trả lời tin nhắn mình?” (Chắc là mình không quan trọng…)
- “Tối qua mình lỡ cáu giận cục súc…” (Có khi nào vì vậy mà họ chán mình rồi không?)
Cứ thế, bạn nghĩ ngợi, nghĩ ngợi, rồi lại nghĩ ngợi. Đủ mọi phỏng đoán từ tuyệt vời đến tồi tệ xảy ra trong đầu bạn về mối quan hệ hiện tại.
Nhất cử nhất động từ người đó, luôn khiến tâm trạng bạn lên xuống thất thường. Bạn mệt mỏi sau những cuộc cãi vã, nhưng vẫn chọn ở lại để níu kéo những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi.
Nếu đâu đó bạn thấy mình luôn tự hỏi “Mình đã làm gì sai?” trong mối quan hệ, tôi muốn cho bạn một cái vỗ vai… qua bài viết này.
Bạn không sao cả, chỉ là cách tiếp cận tình yêu của bạn thuộc kiểu Anxious Attachment - Gắn bó Lo âu nơi bạn liên tục tìm kiếm sự khẳng định từ đối phương để thực sự thấy an toàn.
Kiểu Gắn bó Lo âu này là gì? Và làm sao để thoát khỏi vực sâu lo âu trong tình yêu này đây?
Anxious Attachment: Kiểu Gắn bó Lo âu khiến ta “yêu là đau, thương là đau”
Anxious Attachment là 1 trong 4 kiểu gắn bó được nghiên cứu bởi Nhà Tâm lý học John Bowlby năm 1958. Hiểu đơn giản, thuyết gắn bó ra đời nhằm mô tả cách con người xây dựng các mối quan hệ xung quanh họ (như gia đình, người yêu, bạn đời,...) dựa trên tác động của tình yêu gia đình từ tấm bé.
Những đứa trẻ Gắn bó Lo âu thường lớn lên trong môi trường thiếu thốn tình thương. Nơi đó, trẻ không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cảm xúc như lắng nghe, bày tỏ quan điểm, chia sẻ và cảm thông từ bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng.
Khi trẻ không có tiếng nói cũng không được công nhận trong gia đình, chúng sẽ phải gồng mình gây sự chú ý và giành lấy tình yêu thương từ bố mẹ. Trải nghiệm này, vô tình khiến ta tin rằng cứ phải gắng gượng “theo đuổi ai đó” thì mới có được tình yêu.
Khi bạn thuộc tuýp người Gắn bó Lo âu, cảm xúc thường trực của bạn trong tình yêu là sự bất an. Bạn lo sợ đối phương sẽ rời bỏ mình, và luôn cảm thấy mình phải níu kéo họ bằng mọi giá.
Thật ra sâu bên trong, bạn vẫn khao khát được yêu thương và có một mối quan hệ lành mạnh, nhưng càng cố gắng bạn chỉ càng đổ bể hết lần này đến lần khác.
Làm sao để xác định bạn thuộc kiểu Gắn bó Lo âu khi yêu, để học cách yêu lành mạnh với bản thân hơn?
4 Dấu hiệu nhận biết bạn yêu kiểu Anxious Attachment
Khảo sát trích từ The Washington Post cho thấy khoảng 20% dân số thế giới thuộc kiểu Gắn bó Lo âu, nghĩa là ngoài kia vẫn còn rất nhiều người lớn trưởng thành trải qua tình yêu cay đắng tương tự bạn.
Theo PsychCentral, bạn sẽ thuộc tuýp Gắn bó Lo âu khi…
Bạn ngầm lo rằng “mình sẽ là người bị bỏ” dù mối quan hệ đang tốt đẹp
Nếu từng bị bỏ rơi trong mối quan hệ cũ, bạn sẽ bước vào mối quan hệ mới với nỗi lo mình lại yêu nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, rồi va vào vết xe đổ đau hơn.
Dẫu biết người đến - người đi là chuyện thường, mọi sự chấm dứt trong mối quan hệ đều để lại trong bạn nhiều vết xước. Nỗi lo này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác trong tình yêu như:
- Bạn nghi ngờ tình cảm của đối phương cho mình, dù cả hai vẫn tiến triển tốt đẹp.
- Bạn né tránh sự kết thúc, không dám chủ động cắt đứt mối quan hệ mặc dù đang bất ổn.
- Bạn quên mất cảm giác hạnh phúc thật sự trong tình yêu là gì, vì mãi bận lo âu.
Lòng tự trọng thấp (low self-esteem) cũng khiến bạn cảm thấy tệ về bản thân, từ đó tự vạch lá tìm sâu điểm xấu ở chính mình ngay cả khi nửa kia vẫn thấy bạn tuyệt vời trong mắt họ.
Bạn phân tích thái quá mọi hành động “bất thường” nhỏ lẻ từ họ
“Tối nào cũng tầm 9 giờ sẽ nhắn, sao tối nay không nhắn?”
Đối với người kia thì chẳng có gì, nhưng đối với bạn thì là cả một cơn bão lòng.
Vốn dĩ họ có quan tâm bạn cũng bất an, nên họ không quan tâm bạn càng… bất an. Những sự hời hợt nhỏ lẻ như quên trả lời tin nhắn, không hỏi thăm bạn, quên chúc ngủ ngon… cũng khiến bạn lo lắng về một kết thúc không có hậu.
Bên cạnh đó, phân tích thái quá còn dễ khiến bạn ghen tuông vô cớ, kiệt sức cả thể chất lẫn tinh thần. Đó sẽ là những đêm người đó biến mất từ 6 giờ tối không một lời thông báo, và bạn chỉ ngồi đó, ra vào khung chat đọc lại những tin nhắn mình đã gửi đi, không lời hồi đáp, trong vô vọng.
Bạn liên tục cần sự khẳng định của người kia
Khi sâu thẳm trong bạn là nỗi bất an rằng mình không xinh đẹp, không xuất sắc hay không đủ tài chính, bạn sẽ luôn yêu cầu người kia xoa dịu mình bằng những câu hỏi bất chợt như “Tại sao anh chọn em? Em đặc biệt hơn người khác như thế nào?”
Bạn cũng cố tình đặt thách thức trong tình yêu với hy vọng thấy được nỗ lực níu kéo của đối phương. Như những lần giận hờn hoặc dọa chia tay “hờ” để thử lòng. Bạn tin rằng họ phải đấu tranh giành lấy bạn, thì mới thật sự yêu bạn. Tuy nhiên theo Nhà trị liệu Tâm lý Robertson, người yêu bạn thường khó nhận ra những “chiêu bài” này.
Bạn phớt lờ những cảm xúc tiêu cực người kia gây ra cho mình
Dễ thất vọng cũng dễ bỏ qua - người Gắn bó Lo âu thường lo sợ đổ vỡ vì thế luôn cố gắng hợp lý hóa mọi “red flag” của đối phương.
Người yêu lông bông, cư xử tệ với phục vụ, hay mượn tiền bạn quên trả,...? Không sao, bạn vẫn có thể tiếp tục yêu người đó chỉ cần họ xin lỗi và hứa hẹn thay đổi. Bạn tiếp tục vì hy vọng họ sẽ khác đi, song đó lại là thứ bạn không thể kiểm soát.
Tình huống tệ nhất của thuyết gắn bó là khi một người Gắn bó Lo âu (Anxious Attachment) yêu một người Gắn bó Né tránh (Avoidant Attachment) luôn e ngại sự ràng buộc. Đó sẽ là một cuộc “rượt đuổi” tâm trí đến rệu rã.
Tin tốt là người Gắn bó Lo âu hoàn toàn có thể thay đổi thành Gắn bó An toàn (Secure Attachment). Dưới đây là 3 bước giúp bạn lội ngược dòng xoáy bất an trong tình yêu.
3 Bước chuyển từ lo âu sang an toàn trong tình yêu
Bạn đã bao giờ gặp những người bị “ghost” cả tuần liền nhưng vẫn vui vẻ như không? Còn bạn chỉ nghĩ mình sẽ phát điên lên nếu người yêu biến mất vài tiếng?
Khác biệt nằm ở sự thoải mái khi người Gắn bó An toàn có thể tự đáp ứng cho họ sự an toàn và bảo vệ họ vốn có. Họ không cần một người nữa kề bên để lấp đầy những khoảng trống bên trong. Kiểu gắn bó này chiếm đến 50% dân số thế giới (theo The Washington Post), và bạn hoàn toàn có thể trở thành một trong số họ. Bắt đầu từ:
Bước 1: Nhận biết mình thuộc tuýp Gắn bó Lo âu
Search từ khóa “gắn bó lo âu” trên Google cả tiếng Việt lẫn Anh và bạn sẽ được trả về hàng triệu kết quả. Thuyết Gắn bó rất phổ biến ở phương Tây và thậm chí còn sử dụng để tìm hiểu tính cách nhau trong giai đoạn hẹn hò, tương tự MBTI và các bài test tâm lý khác.
Thừa nhận mình “lo âu” sẽ cho bạn tiếp cận nhiều hơn các nội dung tâm lý hữu ích, để bạn nghiền ngẫm và thấu hiểu bản thân.
Đây cũng là bước đầu bạn làm việc với lòng tự trọng và sự tự tin, vì càng mặc cảm tự ti bạn sẽ càng trở nên dựa dẫm. Bạn có thể:
- Thử làm mọi thứ một mình, như đi xem phim một mình, thay vì với người yêu như trước kia.
- Nâng cấp bản thân, như học một ngoại ngữ, chơi thể thao, đọc 1 cuốn sách,... thay vì dốc toàn lực nâng cấp mối quan hệ.
- Duy trì mọi sở thích của bạn từ lúc còn độc thân. Có người yêu không có nghĩa cuộc đời bạn phải “thay đổi hoàn toàn”.
Bước 2: Biết lúc nào cơn bất an mình sắp sửa “kích hoạt”
Tìm hiểu kỹ lưỡng ở bước 1 sẽ giúp bạn nhận biết khi nào mình bất an, hành động nào của người yêu dễ khiến mình hoảng loạn. Ví dụ, bạn nhạy cảm khi họ biến mất trong các cuộc cãi vã, bạn không thích khi họ ngắt lời,... Hãy ghi chú tất cả những tình huống dễ “kích hoạt” lo âu này lại, để nắm thế chủ động hơn trước khi cảm xúc bạn bộc phát.
Giờ đây khi bạn đã có hẳn một list những hành động khiến bạn lo âu, bạn có thể dựa vào đó để trò chuyện thành thật với đối phương. Nếu còn độc thân, bạn có thể dùng danh sách thần thánh này để sàng lọc đối tượng tiềm năng cho mình cảm giác an toàn nhất.
Bước 3: Học cách cảm thấy an toàn, từ nhóm Gắn bó An toàn
Nếu “bất an” là thứ luôn thường trực bên trong bạn, hãy thử hỏi những người Gắn bó An toàn xung quanh xem họ thường cư xử thế nào khi yêu? Những người này sẽ có đặc điểm:
- Dễ dàng bày tỏ cảm xúc thật của chính mình cho người yêu, như tổn thương, thất vọng, giận dữ,...
- Tâm lý vững vàng và ổn định trong tình cảm, không lên xuống thất thường.
- Giải quyết vấn đề thông minh và có khả năng “lành vết thương” nhanh hơn sau các cuộc cãi vã.
Xung quanh bạn có những người như thế không?
Theo Psych Central, đây là một số đặc tính của một tình yêu lành mạnh, bạn có thể áp dụng:
- Giao tiếp lành mạnh: Làm rõ kỳ vọng, nhu cầu cảm xúc của mình ngay khi bắt đầu mối quan hệ và tình cảm chưa quá nhiều.
- Khoảng cách tạo nên sự gắn kết: Tôn trọng thời gian riêng tư của nhau. Nếu thứ 7 bạn muốn đi cafe một mình, hãy nói rõ với đối phương và tận hưởng nó.
- Tin tưởng một cách lý trí: Tin tưởng vừa giúp bản thân bạn nhẹ lòng, vừa giúp đối phương thoải mái hơn trong tình yêu của 2 bên.
Ngoài ra, duy trì mối quan hệ với những người Gắn bó An toàn cũng giúp bạn tiếp thu cách kiểm soát cảm xúc và giữ thái độ lành mạnh trong tình yêu. Đừng giữ trong lòng. Cởi mở chia sẻ những vấn đề bất an mình gặp phải, biết đâu bạn vừa kiếm được đồng minh, vừa có “therapist” miễn phí từ hội Gắn bó An toàn đấy.
Cuối cùng, không phải đối tác nào cũng hòa hợp với người Gắn bó Lo âu. Bạn có thể chấp nhận rằng người yêu hiện tại của mình không đủ tinh tế để nhận ra những bất ổn bên trong bạn, để đưa ra quyết định tốt hơn cho cả hai.
Nhớ rằng đây vẫn là hành trình phát triển chính bản thân bạn. Thay vì ở trong một mối quan hệ “trông có vẻ” hạnh phúc, hãy đảm bảo bản thân bạn là người hạnh phúc đầu tiên.