Làm thế nào để đặt ranh giới cá nhân mà không đổ vỡ mối quan hệ? | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 09, 2021
Cuộc SốngThương

Làm thế nào để đặt ranh giới cá nhân mà không đổ vỡ mối quan hệ?

Theo Mark Manson, ranh giới mơ hồ phản ánh của lòng tự trọng thấp và ngược lại. Vậy thế nào để củng cố lòng tự trọng khi bạn không rõ nó là gì?

Làm thế nào để đặt ranh giới cá nhân mà không đổ vỡ mối quan hệ?

Nguồn: Scott Broome/Unsplash

Tiếp nối phần "Trong tình yêu cũng cần đặt ranh giới cá nhân", dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "The guide to strong relationship boundaries" được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Như thế nào là ranh giới lành mạnh?

Nhiều năm qua, vô số người tìm đến tôi với câu hỏi: "Ừ thì ranh giới quan trọng đấy, nhưng nên hình dung chúng như thế nào?"

Sau đây tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ của ranh giới cá nhân trong chính cuộc sống thường nhật, cụ thể là các mối quan hệ thân mật. Dù là với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, ranh giới luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có tác động đáng kể. 

Tình bạn

“Jon, chúng ta đã làm việc cùng nhau được năm năm. Không thể tin được là ông làm mất mặt tôi như thế trước sếp. "

“Nhưng bảng dữ liệu của ông có nhiều sai sót. Các con số phải chính xác mới là điều quan trọng nhất. ”

“Đúng là vậy, nhưng đáng ra ông nên hỗ trợ tôi. Ông không cần phải chống đối tôi trước mặt mọi người như thế. "

“Tôi luôn mến ông vì chúng ta là bạn lâu năm. Nhưng tôi không thể làm thay việc của ông. Chỉ vậy thôi. Mình nên kết thúc cuộc tranh luận ở đây."

"Tôi vẫn đang làm việc của mình!"

“Tốt, vậy thì không thành vấn đề.”

Quá thân thiết đôi khi cũng chẳng dễ chịu gì. Ai cũng có thể gặp tình huống này dưới nhiều mức độ khác nhau. Khi người bạn lâu năm làm hỏng chuyện, thay vì tự mình nhận lấy trách nhiệm, một số người lại kỳ vọng bạn cùng họ gánh vác vấn đề, với niềm tin rằng “bạn bè phải thế”.

Chấp nhận điều này sẽ dẫn đến tình bạn lệ thuộc và không lành mạnh. Quả thực, ngay cả tình bạn cũng có lúc đòi hỏi quá nhiều sự quan tâm và trở nên kém thu hút. Bạn đã bao giờ bắt gặp hai người bạn liên tục phàn nàn về nhau hoặc nói xấu sau lưng, nhưng khi họ ở cạnh nhau thì có vẻ mọi thứ vẫn ổn? Rất có thể mối quan hệ này đang gặp phải một số vấn đề ranh giới nghiêm trọng như tình huống ở trên.

Những kiểu tình bạn này dễ rơi vào vòng lặp rắc rối không hồi kết. Tốt nhất hãy nên tránh đi!

Gia đình

“Mẹ rất buồn khi cả hai đứa không thường xuyên đến thăm. Mẹ thấy cô đơn lắm, con biết không. ”

“Hay mẹ thử ra ngoài nhiều hơn đi? Gặp gỡ bạn bè cũng là một ý hay."

“Mẹ thử rồi, nhưng không ai thích một bà già cả. Hai đứa là con của mẹ. Đáng lẽ các con phải chăm sóc mẹ chứ."

"Chúng con vẫn chăm sóc mẹ mà."

“Không, mẹ không thấy vậy. Hầu như mẹ luôn phải ở một mình. Tụi con không biết đôi khi chuyện đó khó khăn như thế nào đâu.”

“Mẹ ơi, con luôn yêu và ở bên cạnh mỗi khi mẹ cần. Nhưng mẹ cũng cần tự đối mặt với cảm giác cô đơn của mình, bởi vì chúng con không thể giải quyết hết vấn đề cho mẹ được.”

Ví dụ điển hình của việc khiến ai đó thấy tội lỗi trên danh nghĩa “gia đình”. Tôi từng thích câu nói "Tội lỗi chỉ là một cảm xúc vô nghĩa”. Nhưng tôi không còn tin vào điều đó nữa, bởi cảm giác tội lỗi vẫn quan trọng cho những lý do chính đáng hoặc để thúc đẩy sự tự giác.

Nhưng tội lỗi sẽ thành thừa thãi và độc hại khi bạn dùng nó để thao túng của các mối quan hệ thân thiết. Theo cách này, cảm giác tội lỗi sẽ mang lại nhiều đau đớn, vì bạn không chỉ chịu trách nhiệm cho những cảm xúc không phải của mình, mà còn lầm tưởng bản thân là người xấu, “sống lỗi” nếu không thể làm gì cho người khác. 

Cảm giác tội lỗi sẽ trở nên độc hại khi người ta dùng nó để thao túng các mối quan hệ thân thiết. | Nguồn: Unsplash

Những ngày qua, tôi thường thấy khó chịu vì những kẻ đang cố gán cảm giác tội lỗi cho tôi. Ngay lập tức, tôi sẽ nói chuyện thẳng thắn với họ. Nếu đó là người không mấy thân thiết, đôi khi tôi sẽ quyết định kết thúc các mối quan hệ đó ngay tức khắc.

Tình yêu

“Em này, anh đang nghĩ về công việc mới mà em đang tìm kiếm. Anh đã làm lại sơ yếu lý lịch của em và bắt đầu gửi nó cho một số người trong bộ phận nhân sự của công ty."

"Ừm, em cảm ơn, nhưng anh không cần phải làm điều đó đâu."

“Anh sẵn sàng làm điều đó vì anh muốn thấy em thành công. Ngoài ra, anh cũng nghĩ chúng ta nên dọn về ở với nhau. Hôm nay, anh sẽ đi xem một vài căn hộ. ”

"Em đã nói với anh rằng em chưa sẵn sàng cho điều đó."

"Anh biết, nhưng nó tốt cho em thôi. Và chúng ta không còn trẻ nữa nên hãy cứ thử.”

“Tháng trước, anh đã thay thế một nửa tủ đồ của em bằng những bộ quần áo anh thích em mặc. Rồi đến chuyện anh muốn sống chung. Còn bây giờ chúng ta phải làm việc cùng chỗ? ”

"Nhưng anh yêu em, anh muốn chăm sóc em."

“Em cũng yêu anh, nhưng anh hãy để em quyết định cuộc sống của mình. Điều này không hề hợp lý khi anh nắm quyền kiểm soát các quyết định của em mà không hỏi trước ”.

“Anh không thể tin được là em thật ích kỷ! Anh đã lo liệu MỌI THỨ để rồi em chỉ trích anh vì những điều ấy! "

"Nếu anh thực sự yêu em, hãy để em tự chủ trong chính cuộc sống của mình và quyết định mọi việc."

Đây là một ví dụ về mối quan hệ phụ thuộc từ một phía — người ở bên này sẽ cảm thấy ngột ngạt và bị bao bọc quá mức bởi người yêu của mình. Nhìn từ bên ngoài, đây là điều đáng ngưỡng mộ đối với nhiều người: “Tôi ước bạn trai/bạn gái cũng làm điều đó cho mình.” Nhưng trên thực tế, mối quan hệ này không hề lành mạnh và nảy sinh rất nhiều vấn đề.

Cách xây dựng ranh giới lành mạnh

Thông thường, ranh giới mơ hồ là sự phản ánh của lòng tự trọng thấp và ngược lại. Để đạt được ranh giới cá nhân vững chắc, hãy bắt đầu với lòng tự trọng.

Muốn xây dựng lòng tự trọng, trước tiên bạn cần hiểu rằng đó đơn giản là sản phẩm phụ của quá trình trau dồi năng lực và kiểm soát tốt bản thân. Lòng tự trọng không phải là thứ mà bạn nên theo đuổi vì lợi ích của nó. Việc gượng ép theo đuổi không những chẳng có ích lợi mà nó còn độc hại. 

Lòng tự trọng là suy nghĩ của bạn về phương thức vận hành cuộc sống, so với cách người khác làm. Nếu lòng tự trọng đang ở mức thấp, rất có thể bạn chưa làm tốt ở khía cạnh nào đó. Do đó, cách tốt nhất là hãy luyện tập và trau dồi lòng trắc ẩn với chính bản thân

Mỗi chúng ta đều mắc lỗi và không thể tránh khỏi thiếu sót trong cuộc đời. Bạn cũng thế, vậy nên đừng quá khắt khe với bản thân. Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận những sai lầm và mở lòng với chúng, sau đó cố gắng cải thiện tốt hơn.

Việc bằng lòng với thực tại và nỗ lực không ngừng có thể giúp bạn xây dựng lòng tự trọng của riêng mình. Đây là quá trình đòi hỏi nhiều thời gian và sự bền bỉ. Nhưng cuối cùng bạn sẽ chạm chân đến mảnh đất lý tưởng và tốt đẹp hơn trong tương lai. 

Ranh giới cá nhân phản ánh lòng tự trọng của bạn. | Nguồn: Unsplash

Ngược lại, nếu lòng tự trọng quá lớn, ranh giới lành mạnh sẽ can thiệp và kiềm chế sức mạnh của nó. Theo những ranh giới đã vạch định, bản năng sẽ dẫn lối bạn trong cách đối nhân xử thế: điều gì nên dung thứ, điều gì nên giải quyết rõ ràng, từ đó kéo bạn ra khỏi mối quan hệ độc hại

Nhưng nếu lòng tự trọng không sinh ra tự nhiên hoặc chưa được xây dựng, thì đây là các bước bạn có thể thực hiện để vượt lên chính mình:

1. Vạch định ranh giới. Điều này nghe có vẻ dễ nhưng không dễ dàng đạt được. Cố gắng của bạn sẽ chẳng đi đến đâu nếu chưa xác định được ranh giới cá nhân là gì? Điều nào nên chấp nhận, bỏ qua trong khi vấn đề gì cần xem xét, đánh giá? Từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đến những mối quan hệ xa lạ khác, mọi kết nối trong cuộc sống đều cần ranh giới rõ ràng. 

2. Xác định “hình phạt” nếu ai đó phá vỡ quy tắc của bạn. “Hình phạt” này nên được áp dụng thường xuyên và đặt ra ngay từ đầu, trước khi mọi thứ diễn ra và hậu quả nảy sinh. Nguyên tắc này xuất phát từ thực tế con người dễ thiên vị hay mềm lòng trước các yếu tố như con người, hoàn cảnh và vô số tác động khác.

3. Cảnh báo bộ quy tắc cá nhân rõ ràng. Hãy để mọi người biết đến ranh giới cá nhân của bạn để tránh các trường hợp “vượt biên”, đi quá giới hạn. Điều này đặc biệt quan trọng với những mối quan hệ thân thiết. Một người đưa thư xa lạ có thể chỉ biết được những nguyên tắc cơ bản nhưng người bạn yêu phải nhận biết rõ ranh giới ấy.

4. Dứt khoát thực hiện. Nếu ai đó vượt qua ranh giới, hãy áp dụng những gì bạn đã đặt ra một cách khéo léo nhưng thực sự cương quyết. 

Ranh giới và sự đánh đổi

Lập luận phản biện cho câu hỏi có nên áp đặt ranh giới cá nhân hay không phần lớn phụ thuộc vào quan điểm của bạn. Đôi khi, chúng ta chấp nhận hy sinh bản thân cho những người mà ta yêu.  

Trên thực tế là như vậy, kể cả khi bạn trai/bạn gái có những yêu cầu khó chấp nhận như gọi điện mỗi ngày, dù cuộc nói chuyện chỉ kéo dài 3 phút. Bạn vẫn có thể chịu hy sinh một chút để đổi lại giây phút hạnh phúc cho người mình yêu. 

Nhưng điều quan trọng là:

“Việc hy sinh cho người mà bạn quan tâm cần phải xuất phát từ ý chí tự nguyện, không phải vì cảm giác bắt buộc hay lo sợ hậu quả đằng sau.”

Hy sinh cho người khác nên bắt nguồn từ sự tự nguyện. | Nguồn: Unsplash

Điều này quay lại quan điểm rằng tình yêu và sự quan tâm chỉ có giá trị nếu chúng được thể hiện mà không có gánh nặng kỳ vọng.

Vì vậy, nếu bạn nhận thấy những cảm xúc tiêu cực như chán ghét, gò bó, bực tức và sợ hãi khi phải gọi điện người yêu mỗi ngày thì khả năng cao là bạn đang gặp vấn đề ranh giới. Ngược lại, bạn làm tất cả những điều này chỉ vì thực sự yêu thương và quan tâm đối tượng thì hãy mạnh dạn thực hiện. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng nhận biết được liệu điều họ đang làm bắt nguồn từ ý chí tự nguyện hay một nghĩa vụ gượng ép? Để phân biệt được hai trường hợp này, hãy thử đặt mình vào phép thử thông qua câu hỏi giả định: Nếu tôi ngừng làm việc này, mối quan hệ sẽ thay đổi như thế nào? Nếu bạn thật sự lo sợ những thay đổi, đó là dấu hiệu xấu. Ngược lại, bạn sẵn sàng dừng lại để không đánh mất bản thân, bất kể hậu quả là gì. Suy nghĩ này là dấu hiệu tốt. 

Khi vấn đề ranh giới xảy ra, bạn có xu hướng lo sợ mình phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm và không thể đổ lỗi cho ai khác. Ngược lại, nếu bạn hành động một cách tự nguyện như việc trao đi món quà mà không ẩn giấu kỳ vọng gì thì vấn đề ranh giới không thể làm khó bạn. Một người có ranh giới mạnh mẽ không sợ những cơn giận dữ, tranh cãi hoặc bị tổn thương. Một người có ranh giới yếu sẽ luôn lo lắng về điều đó.

Với ranh giới rõ ràng, họ hiểu rằng việc mong đợi sự hoà hợp 100% từ hai phía hoặc đáp ứng mọi nhu cầu của đối phương là không thể. Những người có ranh giới bền vững thấu hiểu rằng một mối quan hệ lành mạnh không nằm ở sự kiểm soát cảm xúc của nhau mà là khả năng hỗ trợ đối phương trong quá trình trưởng thành và hiện thực hóa lý tưởng.