Liệu chúng ta có đang trở nên yếu đuối hơn? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 07, 2023
Chất Lượng Sống

Liệu chúng ta có đang trở nên yếu đuối hơn?

Theo Mark Manson, những thông điệp tích cực sáo rỗng không khiến bạn mạnh mẽ hơn. Trái lại, chúng làm bạn ngày một dị ứng với nỗi đau, từ đó tâm lý kém bền bỉ.
Liệu chúng ta có đang trở nên yếu đuối hơn?

Nguồn: Cottonbro @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “5 Ways to Build Resilience and Conquer Adversity” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Có một thời gian tôi từng nghiên cứu về thị trường các ứng dụng cho sức khỏe tinh thần. Tôi tải về hầu như mọi ứng dụng về giảm căng thẳng, lo âu hay trầm cảm. Tôi muốn xem rốt cuộc điều gì đang xảy ra trong ngành công nghiệp ấy, và liệu tôi có nên đầu tư phát triển một ứng dụng của riêng mình hay không.

Đa số các ứng dụng này có những cái tên khá cute và lạ mắt, được quảng cáo với công dụng giúp bạn “tự chăm sóc bản thân”. Chúng hứa hẹn giúp bạn giảm bớt lo âu, trầm cảm và “xả stress” trong những tình huống khó khăn - tất cả đều dựa trên những sáng kiến khoa học mới nhất, vĩ đại nhất.

Tôi dùng thử những app trên trong vài ngày. Một số có các tính năng khá thú vị và đưa lời khuyên tốt, số còn lại thì không. Tôi ghi chú lại những điều đó, rồi đi làm việc khác.

Nhưng tôi đã quên một việc: tắt thông báo đẩy (push notification) cho tất cả chúng. Vậy là sang tuần tiếp theo, tôi tỉnh dậy và thấy điện thoại mình bị “đánh bom” bởi hàng loạt dòng thông điệp sáo rỗng kiểu như:

“Bạn có nụ cười rất đẹp đó Mark. Đừng quên chia sẻ nó với thế giới hôm nay!”.

“Bất cứ điều gì bạn muốn đạt được hôm nay, bạn đều có thể làm được. Bạn chỉ cần tin vào chính mình”.

“Mỗi ngày mới đều là một cơ hội, và ngày hôm nay là cơ hội của bạn. Tôi tự hào vì bạn đang là chính bạn!”.

Những thông báo này khiến tôi khó chịu ngay lập tức. Làm sao một cái điện thoại lại biết nụ cười tôi trông thế nào? Thế quái nào nó có thể tự hào về tôi khi còn chẳng biết tôi là ai? Thực sự là người ta đăng ký những dịch vụ kiểu này ấy hả? Một thiết bị nịnh bợ họ mỗi ngày với những nội dung sáo rỗng và sặc mùi tự ái?

Quay trở lại ứng dụng, tôi tiếp tục bị tấn công bởi những lời khẳng định tích cực. Chúng “thủ thỉ” với tôi rằng tôi đặc biệt thế nào, tôi có “món quà” độc đáo ra sao để chia sẻ với thế giới, hay tôi nên chia sẻ điều gì tôi tự hào vào thời điểm đó. Và để được động viên như thế, tôi cần đăng ký với giá 10 đô/tháng.

Tôi xin lỗi, nhưng nếu mấy thứ này được gọi là “lời khuyên cho sức khỏe tinh thần” thì không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Bởi vì cái chúng thúc đẩy không phải sự ổn định về cảm xúc, mà là sự ám ảnh với chính bản thân mình.

Sự bền bỉ không đến từ cảm xúc “high” 24/7

Chúng ta đều biết có một cuộc “khủng hoảng sức khỏe tinh thần” đang lan rộng khắp nơi. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm và lo âu, cũng như mức độ stress tăng một cách chóng mặt. Tỉ lệ tự sát cũng gia tăng ở khá nhiều quốc gia. Tệ hơn cả, độ tuổi bị trầm cảm và lo âu ngày một trẻ hóa.

Nói cách khác, chúng ta dường như ngày một kém bền bỉ hơn, và điều này đã trở thành một kiểu “văn hóa”. Bản thân từ “khủng hoảng” trước đây chỉ dùng trong những tình huống gây thiệt hại lớn về người, chẳng hạn thảm sát ở các trại tập trung của phát xít. Giờ thì người ta dùng nó bừa bãi khắp nơi.

Cái gì cũng trở thành khủng hoảng. Ai rồi cũng bị khủng hoảng. Chẳng hạn cậu học sinh bị điểm kém trong bài thi học kỳ - nhà trường phải gọi phụ huynh cậu đến, bởi lòng tự trọng của cậu đang gặp khủng hoảng. Phải đăng ký một ứng dụng nói cho cậu mỗi ngày, rằng nụ cười của cậu đẹp đến thế nào!

Sự dị ứng của chúng ta với nỗi đau đã lớn tới mức nó ăn sâu vào mọi việc ta làm. Nó ảnh hưởng tới khả năng chúng ta học hỏi, trưởng thành và vận hành một cách ổn định. Tôi khá sốc khi nhận thấy các công ty và sản phẩm đáng nhẽ giúp giảm bớt vấn đề này lại làm chúng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Trên thực tế, bạn không hình thành sự bền bỉ về tâm lý bằng cách “high” 24/7, mà là từ việc xử lý tốt hơn những cảm xúc tồi tệ. Tôi vốn nghĩ điều này là hiển nhiên, nhưng vẫn khá bất ngờ khi bắt gặp những cuốn sách, bài báo, khóa học và cả ứng dụng “bán” những lời khẳng định sáo rỗng cho những người nghiện chúng. Như với cậu học sinh trên, vấn đề của cậu không phải là bị điểm kém, mà là cậu quá ám ảnh với bản thân đến mức quên cả việc học cho nghiêm túc.

14dec2022allanmasjpg
Không đau đớn, thì làm sao trưởng thành? | Nguồn: Pexels

Thời nay chúng ta có một kiểu văn hóa không ngừng theo đuổi sự thuận tiện tối ưu, những công nghệ thần tốc tuân theo mọi ý thích của ta, hay sự tích cực trong mọi việc ta làm. Trong quá trình ấy, chúng ta vô tình khiến mình trở nên mong manh và yếu đuối hơn.

Lúc nào ta cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất. Ta bị xúc phạm bởi tất cả mọi thứ. Và chúng ta tự quan trọng hóa bản thân đến mức thực sự nghĩ rằng, việc bị xúc phạm thực sự là một thảm họa (trong khi nó chưa chắc đã đến mức ấy).

Nếu tôi mà làm một ứng dụng về sức khỏe tinh thần, nó sẽ cho bạn nghe những câu như:

“Chúc mừng, giờ bạn chỉ còn một ngày để sống thôi. Bạn sẽ sống sao cho nó ý nghĩa nhất?”

“Hãy nghĩ về người bạn yêu thương nhất trên đời. Giờ hãy hình dung họ bị một bầy ong vò vẽ đốt. Được rồi, giờ hãy nói với họ bạn yêu họ nhiều thế nào”

Tôi tự hỏi, liệu có ai sẽ tải nó xuống không?

Làm thế nào để xây dựng sự bền bỉ?

Như đã nói ở trên, sự bền bỉ không đến từ những cảm xúc tích cực, mà là từ việc cân bằng và tận dụng cảm xúc tiêu cực của bạn. Nó là khả năng xây dựng sự thích nghi tích cực với các sự kiện tiêu cực.

Cụ thể, đó là khả năng chuyển đổi những cảm xúc tiêu cực như tức giận hay buồn bã thành điều gì đó hữu ích. Đó là khả năng vượt qua sự thất bại, để từ đó cải thiện bản thân mình. Đó là khi “đời ném ta chanh, xử nhanh bằng đường” để có cốc nước chanh ngon ngọt. Khi có được tinh thần bền bỉ như vậy, không điều gì có thể quật ngã bạn được nữa.

04jul2023sqlimmy6ysesfjxwunsplashjpg
“Đời ném ta chanh, xử nhanh bằng đường” là chìa khóa để xây dựng sự bền bỉ | Nguồn: Unsplash

Đây trông có vẻ là một kỹ năng cổ đại, một nghệ thuật đã bị lãng quên. Nhưng đừng quá lo lắng, bởi tôi sẽ hướng dẫn bạn một số cách tốt nhất để “làm chủ” được nó.

Quan tâm đến điều gì đó ngoài bản thân mình (dù chỉ một lần)

Ngày 01/08/1996, Charles Whitman, một cựu binh thủy quân lục chiến bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng đã trèo lên đỉnh tháp chuông đồng hồ trường Đại học Texas, mang theo một khẩu súng bắn tỉa.

Anh nã đạn vào 45 người trong 96 phút tiếp theo. Một số tử vong ngay tại chỗ, số còn lại nằm thoi thóp hàng giờ dưới cái nắng 40 độ ở Texas trong khi chờ nhân viên y tế tiếp cận.

Thời điểm vụ xả súng xảy ra, sinh viên năm nhất John Fox đang chơi cờ cùng bạn. Ban đầu John nghĩ đó là tiếng pháo hoa còn sót lại từ dịp Quốc khánh Mỹ, nhưng anh vẫn ra ngoài để kiểm chứng. Ngay lập tức, anh phải đối diện với cảnh tượng có lẽ là kinh hoàng nhất cuộc đời. Lo sợ cho tính mạng của mình, anh lập tức tìm chỗ trốn.

Vài phút trôi qua mà tưởng như vài giờ, với cái nóng và ngột ngạt nhấn chìm thành phố. John bắt đầu lên cơn hoảng loạn - anh bị chóng mặt, hoa mắt và khó thở. Anh tuyệt vọng chui xuống một bụi cây để trốn nóng và tự trấn tĩnh lại.

Sau vài phút, John nhìn ra lối đi bộ rộng lớn ở phía trước tòa tháp, nơi vài người đang nằm la liệt trên mặt đường nóng rẫy. Trong số đó có Claire Wilson, một phụ nữ đang mang bầu. Nhìn từ chỗ trốn, anh nhận ra cô vẫn còn sống, dù cử động thoi thóp.

Thời điểm đó, dù sự hoảng loạn xâm chiếm cơ thể John, một điều khác cũng xuất hiện trong tâm trí anh - sự dũng cảm. Anh biết mình phải làm gì đó. Lấy hết sức bình tĩnh, anh chạy ra lối đi, dù như vậy có nghĩa anh lọt thẳng vào tầm ngắm của sát thủ. John phối hợp cùng một sinh viên khác đưa Claire vào vị trí an toàn, nhờ vậy mà cô được cứu sống.

Có không ít tấm gương anh hùng như vậy trên thế giới. Nhưng tôi thích câu chuyện này vì tính đối nghịch đơn giản mà nó thể hiện: Trong một cuộc khủng hoảng, khi tập trung vào bản thân, ta sẽ dễ choáng ngợp và hoảng sợ. Nhưng khi tập trung vào người khác, ta có thể vượt lên nỗi sợ hãi để hành động.

Ngày nay, một nguyên nhân phổ biến khiến người ta lo âu là sự ám ảnh quá mức về những suy nghĩ của bản thân. Chẳng hạn bạn có công việc mới, nhưng lại lo không biết mọi người xung quanh có đánh giá bạn về nó không, rồi lại tự vấn bản thân về điều đó.

Nếu không lo lắng, thì bạn sợ mình mang tiếng vô cảm. Nhưng nếu lo lắng thì lại thành ra suy nghĩ quá mức, rồi lại thành quan tâm quá nhiều, rồi lại hoảng loạn và phải uống thuốc an thần. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ thế tiếp tục.

04jul2023roadtripwithrajcbkur5i60aunsplashjpg
Việc ám ảnh quá mức với luồng suy nghĩ của bản thân dễ khiến bạn rơi vào lo âu. | Nguồn: Unsplash

Khi lo âu, chúng ta trở nên ám ảnh với việc ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực. Nhưng thay vì làm thế, hãy chuẩn bị cho nỗi đau. Như với cậu nhóc bị điểm kém, đó thực ra là điều học trò nào cũng sẽ gặp phải. Câu hỏi dành cho phụ huynh là, bạn có sẵn sàng giúp con mình học hỏi từ lỗi lầm, hay sẽ trút giận hết lên giáo viên và nhà trường?

Và để “chuẩn bị” cho bản thân đối diện với nỗi đau, bạn cần có mục tiêu lớn hơn những cảm xúc tiêu cực đi kèm nó. Nếu đặt sự nghiệp là mục tiêu phấn đấu, bạn sẽ không quan tâm nếu người ta bàn tán chuyện bạn nghỉ việc cũ. Nếu coi sự trưởng thành của con cái là sứ mệnh, thì một bài thi điểm kém sẽ giúp bạn (và cả con) đạt được điều đó, chứ không phải ngăn cản.

Cách dễ nhất để vượt qua nỗi lo ấy không phải là né tránh rủi ro, mà là làm nó trở nên xứng đáng. Tìm ra những nguyên nhân, mục đích và nhiệm vụ sâu sắc hơn cho hành động của bạn. Giống như triết gia Đức Friedrich Nietzsche từng nói, “người có một lý do để sống có thể chịu đựng bất cứ điều gì”.

Vào cái ngày đổ lửa ở Texas năm ấy, John Fox không hề xóa bỏ được rủi ro bị bắn. Thay vào đó, anh tìm được một sứ mệnh đáng để anh hy sinh bản thân mình. Và chính điều đó khiến anh đủ can đảm để bước khỏi bụi rậm mà chạy ra cứu Claire.

Còn tiếp…