Theo nghiên cứu của bác sĩ Seo Hyung-suk về chứng nghiện smartphone, thông báo điện thoại có thể thay đổi các chất hóa học não bộ dẫn đến sự mất cân bằng. Khi các thông báo liên tục được bật, chúng khiến não bộ phân tán sự tập trung dành cho công việc chính.
Sau một thời gian bị thôi thúc kiểm tra thông báo liên tục, chúng có thể khiến bạn rơi vào notification fatigue - cảm giác mệt mỏi khi quá nhiều thông báo cùng xuất hiện.
Notification fatigue là gì?
Đây là cảm giác mệt mỏi, quá tải khi có quá nhiều thông báo đẩy (push notification) hiện lên trên điện thoại dẫn đến việc phớt lờ chúng. Điều này nhiều khi khiến bạn bỏ qua những thông báo thật sự quan trọng. Theo Harvard Business Review, hiện tượng này có thể gây mất tập trung và giảm năng suất làm việc đến 40%.
Nguồn gốc của notification fatigue?
Hiện tượng này đã được nhắc đến trong các nghiên cứu từ những năm 2000 dưới cái tên alert fatigue. Hồi đó nó chưa phải vấn đề của mọi người, mà chủ yếu xuất hiện ở người làm các công việc căng thẳng và yêu cầu cao như lính cứu hỏa, nhân viên cấp cứu và cảnh sát.
Khi phải nghe chuông cảnh báo quá nhiều (mà không ít trong số đó là giả), họ mất dần sự nhạy cảm ngay cả khi nhận thông báo về tình huống khẩn cấp thực sự. Hệ quả là họ phản hồi chậm hoặc phớt lờ luôn cảnh báo, nhiều khi dẫn đến hậu quả tai hại.
Đến khi internet phát triển, hiện tượng này trở nên phổ biến hơn trong số đông. Nhiều người dùng smartphone bật các thông báo đẩy vì sợ bỏ lỡ những thông tin quan trọng. Tuy nhiên các thông báo này lại xuất hiện quá nhiều, dẫn đến phản tác dụng.
Nguyên nhân dẫn đến notification fatigue
Tác động của dopamine
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh khiến con người khao khát nỗ lực để đạt được một mục tiêu nhất định. Khi đạt được mục tiêu, não bộ sản sinh ra hormone dopamine như một phần thưởng, khiến cơ thể thôi thúc lặp lại cảm giác đó.
Một số thông báo như việc có người bấm thích ảnh của bạn giúp sản sinh ra dopamine, khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Từ đó, bạn bị thôi thúc phải bật thông báo và kiểm tra chúng thường xuyên.
Quá trình hình thành thói quen
Hiện tượng này là kết quả quá trình hình thành thói quen của não. Khi ta tiếp xúc với một kích thích (hình ảnh, âm thanh hoặc rung động do push notification gây ra), hệ thần kinh ở vỏ não trước sẽ tạo ra bản sao của nó. Dựa vào đó, hạch hạnh nhân não sẽ thiết lập phản hồi phù hợp là mở thông báo ra kiểm tra.
Qua nhiều lần kích thích tái diễn, não bộ sẽ tự động so sánh nó với bản sao đã ghi nhận và đối chiếu với kết quả phản hồi. Nếu kích thích trùng khớp với bản sao và kết quả phản hồi không thay đổi, tần suất phản hồi sẽ giảm đi hoặc biến mất.
Nói cách khác, sau nhiều lần kiểm tra thông báo mà số ít trong đó thực sự quan trọng, bạn có xu hướng bỏ qua tất cả. Điều này nhiều khi dẫn đến hậu quả khôn lường. Chẳng hạn nếu bỏ lỡ thông báo của trường về đăng ký tín chỉ, bạn có thể bị mất chỗ.
Cách hạn chế notification fatigue
Điều chỉnh cài đặt cho thông báo
Để tránh bị quá tải, bạn có thể điều chỉnh thông báo đối với các ứng dụng trên điện thoại và máy tính.
Chẳng hạn các báo mạng luôn gửi thông báo với mọi tin tức được đăng, trong khi bạn chỉ đọc tin vào một thời điểm nhất định. Việc tắt thông báo vừa giúp bạn giảm tải lượng thông tin nhận được, vừa tập trung vào các thông báo quan trọng.
Ngoài ra, một số ứng dụng cho phép bạn chọn loại âm thanh hoặc màu sắc thích hợp cho từng loại thông báo. Cách này giúp bạn phân biệt giữa thông báo bình thường và quan trọng để mở ra kiểm tra khi cần.
Huỷ đăng ký các dịch vụ không thiết yếu
Dịch vụ đăng ký (subscription) là chiến lược marketing được nhiều thương hiệu sử dụng, giúp khách hàng nhận những cập nhật mới qua email cá nhân. Tuy vậy, bạn có thể vô tình đăng ký nhận các email này trong khi không thật sự cần đến chúng. Ví dụ để lấy mật khẩu wifi hoặc lấy mã giảm giá, hệ thống buộc bạn phải đăng ký nhận newsletter của thương hiệu.
Các email này có thể là thủ phạm gây ra notification fatigue. Vì vậy, bạn nên thường xuyên kiểm tra hòm thư và hủy theo dõi những dịch vụ không cần thiết.
Cài đặt chế độ không làm phiền khi làm việc
Khi đang tập trung làm việc, sẽ thật phiền toái nếu các thông báo cứ hiện lên liên tục trên màn hình. Để tránh tình trạng này, bạn có thể sử dụng chế độ không làm phiền (do not disturb mode).
Chế độ này khi được kích hoạt sẽ ẩn mọi thông báo đẩy, gồm cả tin nhắn và các cuộc gọi vào điện thoại của bạn. Như vậy bạn sẽ không bị mất tập trung khi làm việc. Ngoài ra khi kiểm tra thông báo, bạn cũng có thể lọc những thông tin quan trọng một cách dễ dàng.
Tuy nhiên chế độ này có một vài nhược điểm. Khi toàn bộ cuộc gọi bị chặn, bạn có thể bỏ lỡ các cuộc gọi quan trọng từ sếp, đối tác, người nhà hoặc shipper. Nếu sử dụng iOS, đây là một số tips giúp bạn điều chỉnh theo ý muốn:
Cho phép cuộc gọi (allow calls from): Lựa chọn các thuê bao có thể gọi vào máy bạn ngay cả trong chế độ không làm phiền. Để sử dụng, bạn cần đánh dấu Ưa thích hoặc tạo nhóm cho các số này trong danh bạ. Chế độ này phù hợp với số máy của những người bạn cần giữ liên lạc thông suốt như sếp, đối tác hoặc người nhà.
Gọi lặp lại (repeated calls): Khi kích hoạt, cuộc gọi thứ hai từ cùng một thuê bao trong vòng 3 phút sẽ không bị ẩn. Cách này tiện lợi khi bạn không muốn bật thông báo nhưng lại đang chờ shipper.
Hẹn giờ (schedule): Bạn có thể đặt chế độ này trong một khung giờ nhất định khi cần tập trung. Chế độ sẽ tự động kết thúc khi hết giờ.
Các hệ điều hành khác cũng có những chế độ tương tự. Bạn nên tham khảo cẩm nang sử dụng điện thoại của mình để điều chỉnh cho phù hợp.
Dành khoảng thời gian để kiểm tra thông báo
Thay vì kiểm tra thông báo ngay khi nó vừa hiện hình, bạn hãy dành ra một khoảng thời gian riêng cho việc này. Ví dụ theo phương pháp Pomodoro, bạn tập trung học/làm việc 25 phút rồi nghỉ 5 phút. Trong 5 phút nghỉ bạn có thể kiểm tra email và các thông báo nếu cần.
Kiểm tra kỹ trước khi gửi email
Khi làm việc nhóm, bạn cần nắm rõ những người cùng phụ trách đầu việc, tránh việc gửi email tới những người không liên quan. Cách này vừa giúp giảm thiểu lượng thông báo cho người khác, vừa tiết kiệm thời gian cho tất cả các bên.
Ngoài ra khi trao đổi thông tin, bạn nên tóm tắt các thông tin chính vào một email/thông báo thay vì gửi từng tin nhắn. Không ai muốn kiểm tra quá nhiều thông báo chỉ để nắm thông tin cho một đầu việc cả.