Buzzword - Sang miệng nhưng đừng tùy tiện | Vietcetera
Billboard banner

Buzzword - Sang miệng nhưng đừng tùy tiện

Bạn có chắc là mình dùng các từ “trầm cảm”, “chữa lành” hay “thao túng tâm lý” đúng ngữ cảnh phù hợp?
Buzzword - Sang miệng nhưng đừng tùy tiện

Nguồn: Steve Ding @ Unsplash

1. Buzzword là gì?

Theo định nghĩa của từ điển Cambridge, buzzword vốn là những từ/cụm từ chuyên ngành trong một lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên theo thời gian, chúng trở nên phổ biến nhờ được sử dụng một cách thời thượng, đặc biệt dưới tác động của truyền thông. Chính vì yếu tố này, buzzword đôi khi bị sử dụng một cách sai lệch so với ý nghĩa gốc.

Vì là từ chuyên ngành, nên có những buzzword chỉ phổ biến trong một cộng đồng nhất định. Song có nhiều buzzword khác rất thịnh hành trong công chúng, chẳng hạn startup (khởi nghiệp), organic (hữu cơ) hay big data (dữ liệu lớn).

2. Nguồn gốc của buzzword?

Theo nghiên cứu của Hallgren & Weiss (1946), buzzword lần đầu xuất hiện vào thập niên 1940 trong cộng đồng sinh viên khối Kinh doanh của Đại học Harvard. Để dễ dàng ghi nhớ các thông tin quan trọng, họ lựa chọn hoặc phát minh một số từ khóa mang hàm ý tóm gọn những nội dung chủ chốt trong bài học.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các từ khóa này giúp sinh viên tự tin hơn khi trình bày nội dung bài học. Một số người còn cho rằng, việc dùng đúng từ khóa còn quan trọng hơn việc trả lời đúng câu hỏi. Buzzword cũng từ đó trở nên phổ biến trong giới kinh doanh và công nghệ.

Bản thân từ “buzz” trong buzzword nghĩa là tin đồn, và tin đồn thì hay được lan truyền rộng rãi. Nó cũng nhấn mạnh độ phổ biến của những từ này.

3. Vì sao buzzword phổ biến?

Bản thân các buzzword mang nhiều đặc tính giúp chúng dễ “bắt trend”: Ngắn gọn, dễ nhớ, có yếu tố từ mượn hoặc viết tắt mà vẫn thể hiện tính chuyên môn cao. Nhờ tác động của truyền thông và mạng xã hội, nhiều buzzword trở nên phổ biến vượt ngoài lĩnh vực của nó. Một ví dụ điển hình là “thao túng tâm lý” - buzzword nổi lên sau một vụ lừa đảo quy mô lớn gần đây.

03oct2022screenshot20221003224503jpg
“Thao túng tâm lý” đứng thứ 2 trong top 10 từ khóa nổi bật tuần cuối tháng 9 vừa qua. | Nguồn: YouNet Media

Theo định nghĩa trong tâm lý học, đây là hành vi khai thác, kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi cho bản thân. Nhưng sau khi trở thành buzzword, cụm từ này được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh đời thường hơn, thậm chí khác biệt hoàn toàn với bản chất của nó.

Buzzword cũng được nhiều thương hiệu sử dụng trong các nội dung quảng bá để gây ấn tượng và đánh vào tâm lý khách hàng. Đây là chiến thuật quan trọng trong thời đại mà mọi người đều dễ dàng tiếp cận thông tin, các nhãn hàng phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút sự chú ý của người dùng.

Buzzword nhiều khi còn là chiến lược giúp các công ty thu hút vốn đầu tư. Theo một báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm MMC (Anh), AI (trí tuệ nhân tạo) là một trong những buzzword hoạt động hiệu quả nhất. Chỉ cần thêm từ khóa này vào phần miêu tả, các startup công nghệ có thể gọi thêm từ 15% - 50% vốn so với công ty phần mềm truyền thống.

03oct2022screenshot20221003175911jpg
Một trang web chuyên tạo ra các buzzword cho bạn mỗi khi bí ý tưởng. | Nguồn: Sloan Review

Tuy nhiên cũng theo báo cáo trên, khoảng 40% các công ty AI ở châu Âu không thực sự làm về lĩnh vực này. Nói cách khác, từ AI được họ sử dụng chỉ để nghe có vẻ "nguy hiểm" mà thu hút các nhà đầu tư và khách hàng rót tiền vào.

Như vậy có thể thấy, buzzword mang lại hiệu quả rõ rệt trong marketing. Song nếu bị sử dụng quá nhiều, chúng có thể trở nên phản cảm, bị đặt sai ngữ cảnh hoặc thậm chí bị bóp méo so với nghĩa gốc.

“Trầm cảm” là một ví dụ điển hình của vấn đề này. Đây vốn là một chứng rối loạn tâm thần, nhưng đã được phổ biến hóa để miêu tả tâm trạng không vui, thậm chí trong cả ngữ cảnh hài hước hay châm biếm. Nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng, việc sử dụng bừa bãi từ này có thể khiến công chúng coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm.

4. Cách dùng buzzword?

Tiếng Anh

A: I don’t like spinach, but my mom is manipulating me into eating it.

B: That isn't manipulation. Stop overusing that buzzword if you don't know what it really means.

Tiếng Việt

A: Mình không thích rau chân vịt, nhưng mẹ mình đã thao túng tâm lý để mình ăn nó.

B: Đấy có phải thao túng tâm lý đâu. Đừng lạm dụng "từ khóa" đó quá nếu cậu không thực sự hiểu nó nghĩa là gì.