Loa phường: Công cụ đưa tin hay ô nhiễm tiếng ồn? | Vietcetera
Billboard banner

Loa phường: Công cụ đưa tin hay ô nhiễm tiếng ồn?

Liệu hệ thống phát thanh công cộng có còn phù hợp trong thời đại truyền hình và internet?
Loa phường: Công cụ đưa tin hay ô nhiễm tiếng ồn?

Nguồn: VTC

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào năm 2017, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân của Thủ đô đã đề nghị bỏ hệ thống loa phường do chúng “đã hoàn thành sứ mệnh.” Nhiều người coi đây là tin mừng bởi những phiền phức mà hệ thống này gây ra.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Mới đây, Hà Nội quyết định "hồi sinh" loa phường theo Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở của thành phố. Hà Nội tiến tới mục tiêu vận hành hệ thống loa phát trên 579 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn để đưa thông tin tới từng cụm dân cư.

2. Tại sao nhiều người phản đối ý tưởng này?

Nhiều người dân trên địa bàn thành phố và trên cả nước phản đối cú “quay xe” nho nhỏ của Hà Nội và coi loa phường là cái gai trong mắt. Đối với họ, việc nghe loa phường trong thời đại internet là nực cười và không hợp lý.

Một số điểm bất cập của hệ thống này bao gồm: chất lượng âm thanh kém, thông tin trùng lặp, và thường xuyên gây ô nhiễm tiếng ồn. Thế nên nhiều người dân có ác cảm với loa phường. Họ bày tỏ sự ngạc nhiên và bức xúc với kế hoạch này thông qua mạng xã hội.

28jul2022loa1658903977125jpg
Chiếc loa hướng thẳng vào nhà dân. | Nguồn: Dân Trí

3. Có ai ủng hộ kế hoạch này không?

Bên cạnh làn sóng phản đối và yêu cầu bỏ loa phường “cho đỡ tốn tiền,” một số người có cái nhìn đa chiều và khoan dung hơn chỉ ra những lợi ích mà loa phường có thể mang lại. Những lợi ích ấy được bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đưa ra trong cuộc họp báo sáng ngày 27/7.

Bà nhấn mạnh vào điểm mạnh của hệ thống loa phường là tính phổ cập và khả năng truyền đạt thông tin diện rộng. Thay vì tới từng hộ dân để đưa thông tin hoặc công việc, nhà quản lý có thể sử dụng loa phường để tiết kiệm nhiều thời gian và công sức.

Bà cũng thẳng thắn thừa nhận rằng hệ thống loa phường còn nhiều điểm chưa phù hợp, và cam kết sẽ có những biện pháp cải tiến để công cụ này thân thiện với người dân hơn trong không gian đô thị. Các biện pháp bao gồm nâng cấp cơ sở vật chất và chỉ phát thông báo trong trường hợp thực sự cần thiết và cấp bách.

28jul2022miennuikimbangjpg
Loa phường vẫn cần thiết và có tác dụng tại một số nơi. | Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Một số người cho rằng loa phường vẫn là công cụ giao tiếp và truyền tin hiệu quả. Dù các nhà quản lý có thể liên lạc với nhiều hộ dân qua các mạng xã hội như Zalo, vẫn có trường hợp người dân để sót thông tin vì nhóm chat hỗn loạn mạnh ai nấy nhắn. Có người còn dùng nhóm để bán hàng online.

Nhóm ủng hộ cũng chỉ ra rằng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận với mạng xã hội và truyền thông đại chúng. Ở một số khu vực nông thôn, người dân vẫn thấy loa phường là cần thiết và vẫn bàn tán, thảo luận về những chuyện loa.

4. Loa phường từng có vai trò như thế nào?

Trước internet và radio, loa phường là hệ thống thông tin và giao tiếp diện rộng rất quan trọng trong thế kỷ trước. Với một số người, loa phường còn là một biểu tượng văn hóa, vừa là một đặc trưng thời bao cấp, vừa là một biểu tượng đô thị.

Vào thời bao cấp, chiếc loa phát mọi thứ: từ lịch cúp nước cúp điện, ma chay hiếu hỉ, chỉ thị chính sách, tới những chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam như Kể chuyện cảnh giác hay Đọc truyện đêm khuya . Trước sự phát triển của internet, loa phường thất thế và chỉ tồn tại lay lắt trong thời nay.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ thống loa phường này vẫn hoàn thành tốt vai trò của mình. Còn nhớ trong cơn bão Covid-19, loa phường trở thành công cụ truyền tin về dịch bệnh và các biện pháp chống dịch tới người dân.

5. Giới trẻ cập nhật thông tin qua kênh nào?

Với sự phát triển của các nền tảng nội dung như Youtube, Spotify, và Tiktok, podcast đang trở thành kênh thông tin chính của người trẻ. Podcast không chỉ đưa tin tức, mà còn cung cấp kiến thức thường thức và góc nhìn từ những cá nhân có uy tín.

Xu hướng podcast hiện đại đang dần tách mình khỏi hình thức radio truyền thống, hướng tới sự đa dạng về thông tin và sự đổi mới về hình thức. Nhiều đơn vị truyền thông, bao gồm cả các đơn vị trực thuộc nhà nước, đang chuyển hướng sang podcast để thu hút người trẻ và làm mới cách đưa tin.

Trái với những chương trình thời sự phát sóng cố định về một vài tin tức nổi bật, ta có thể nghe podcast mọi lúc, mọi nơi với mọi chủ đề. Rõ ràng xã hội hiện đại đã mang lại những kênh thông tin mới, hiệu quả hơn và hay hơn chiếc loa phường cũ kỹ.