Cứ mỗi lần một di tích nào đó được trùng tu, truyền thông lại dậy sóng về sự biến đổi vẻ ngoài của chúng. Cho dù giải thích lý do kiểu gì, dư luận (hay thực ra là các trang báo và mạng xã hội) gần như mặc định rằng việc trùng tu làm hỏng công trình.
Sự biến đổi này bị chỉ trích vì không những làm mất đi vẻ xưa cũ quen thuộc, mà còn phần nhiều hơn là do, những phần làm mới không đạt được mức độ hoàn thiện của bản gốc.
Ở một xứ nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, vấn đề bảo vệ bề mặt công trình đóng vai trò quan trọng khi các tác động của thời tiết rất lớn. Vì vậy việc trùng tu dễ thấy nhất chính là “khoác áo mới,” trát lại hoặc sơn mới. Sơn mới như thế nào mà lại giống như cũ, điều có vẻ mâu thuẫn?
300 tuổi tái sinh thành 1 tuổi
Để bảo vệ công trình kiến trúc cũ, người ta có nhiều cách trùng tu. Phổ biến là sửa chữa, tôn tạo vỏ ngoài. Nó bao gồm việc sơn trát bề mặt, rồi thay kết cấu hiện đại như bê tông cốt thép chịu lực vào bên trong các cấu kiện gỗ, đá, thậm chí xây lại hoàn toàn y như mẫu cũ.
Nhưng cũng có một trường phái nghiêm ngặt của bảo tồn di sản: giữ nguyên hiện trạng hoặc những sự can thiệp. Ngoài ra, gia cố phải tránh tác động đến cấu trúc và bề mặt của công trình. Phần phụ trợ cấy thêm phải được phân biệt rõ ràng với các cấu kiện nguyên gốc. Nhờ đó mà các thế hệ sau có cơ hội diện kiến được hình ảnh ban đầu hoặc trạng thái xưa cũ gần nhất còn lại.
Tuy chưa có một sự thừa nhận chính thức, song người ta hay nói, Trung Quốc là nơi có xu hướng phục chế công trình bằng cách xây lại y như cũ. Còn Ý là nước vô cùng khắt khe trong việc giữ nguyên trạng di tích.
Ở Việt Nam, đối với một số công trình được xếp loại di tích quốc gia đặc biệt hay nằm trong quần thể được UNESCO ghi nhận vào danh sách di sản vật thể về kiến trúc cần bảo tồn của nhân loại, người ta cố gắng giữ nguyên dạng các di chỉ phát lộ qua khai quật lẫn các công trình đã có.
Theo những công ước về bảo tồn, giá trị của di tích nằm ở tính nguyên bản của chúng, như một loại bảo tàng các dấu vết văn minh nhân loại mỗi thời kỳ. Những sự tái tạo bằng cách nào cũng không còn giữ được ý nghĩa này.
Số những công trình kiến trúc được đưa vào danh sách 125 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam không quá nhiều: 35 di tích được xếp loại hạng mục kiến trúc nghệ thuật cùng 4 di sản thế giới do UNESCO công nhận là Hoàng thành Thăng Long, quần thể kiến trúc Cố đô Huế, khu đền tháp Mỹ Sơ và đô thị cổ Hội An là các phức hợp kiến trúc cổ.
Trong số này có đình Chèm, được đưa vào danh sách cách đây 5 năm, mới đây được trùng tu đã khiến mọi người sửng sốt khi các nhà bảo tồn đã chặt cây đa to ở trước cổng (nghi môn) và thay những bậc vỉa bằng đá xẻ mới.
Một số công trình được tư duy kiểu đã thành “đặc biệt” và “cấm không được xâm phạm” nghĩa là không được vào, đơn cử như đình Tây Đằng, công trình kiến trúc được xác định mang dấu vết thế kỷ 16, nằm trong số những ngôi đình lâu đời nhất còn lại đến giờ.
Ban quản lý đình mới đây đã lắp một hệ cổng nhôm thép đúc hoa văn mạ vàng kiểu các dinh thự châu Âu và người đến muốn vào đình phải tìm người mở khóa. Tuy nhiên, đáng nói là trước đó cũng đã có một bộ cổng sắt kiểu đơn giản nhưng cũng luôn khóa.
Điều này trái với tính chất của đình làng là nơi hội họp, gặp gỡ của cộng đồng cư dân. Chưa nói đến hình thức cổng sắt mới không ăn nhập với hệ thống kiến trúc kiểu truyền thống đang có.
Đó là những công trình được chú ý vì cái mác “di tích đặc biệt.”
Những công trình không đặc biệt sẽ ra sao?
Sự đặc biệt vốn chỉ nằm ở quy trình xét duyệt hồ sơ trước hay sau. Trong danh sách chờ, còn rất nhiều công trình được liệt vào hàng đỉnh cao của kiến trúc cổ Việt Nam. Mới đây, công chúng tiếp tục sửng sốt với việc cơ quan trùng tu di tích dùng máy cẩu tấm bia vuông ở sân chùa Thổ Hà.
Họ dùng đai thắt ngang lưng tấm bia và cứ thế cẩu lên với dự định, có lẽ là nhấc tấm bia khỏi vị trí lâu nay vẫn đứng để tôn nền. Tấm bia có tuổi đời 342 năm không chịu được sự tác động, gãy đôi.
Nhiều người trong giới kiến trúc và mỹ thuật đã xót xa trước phong trào trùng tu và lên đời các đình chùa ở các địa phương, để các đình làng “300 tuổi thành 1 tuổi.”
Các cấu kiện chạm khắc tinh xảo và những dấu vết trang trí cổ truyền bị thay thế. Trong nhiều trường hợp các bản mới thay vào được làm với chất lượng thấp, khô cứng và triệt tiêu các đường nét độc đáo của bản gốc.
Một thống kê của nhóm Đình làng Việt cho biết vài năm trở lại đây, có những trường hợp như vậy:
- Đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) bằng gỗ thế kỷ 17 bị bỏ để xây đình bằng bê tông năm 2018.
- Phá cổng phụ chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội) để xây cổng mới to hơn năm 2019.
- Sơn toàn bộ đình Trung Thượng và đình Trùng Hạ (Gia Viễn, Ninh Bình) làm "biến dạng" những ngôi đình có kiến trúc gỗ thế kỷ 17 vào năm 2020.
- Thay mới phần lớn kết cấu gỗ đình Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) năm 2020.
Ngoài ra còn những công trình khác như nhà thờ Bùi Chu - một trong 4 vương cung thánh đường ở Việt Nam đã bị đập đi xây lại vì bị xuống cấp, cho dù rất nhiều khuyên can từ các nhà nghiên cứu hay hội nhóm yêu di sản.
Nói đi nói lại thì cũng phải thấy áp lực của công chúng và sự lên tiếng của các nhà nghiên cứu kiến trúc - mỹ thuật thi thoảng có những tác dụng nhất định. Ngay sau khi những hình ảnh đôi cánh cổng mạ vàng lắp ở đình Tây Đằng được đăng trên mạng xã hội, ban quản lý đã tháo dỡ chúng, nhưng lắp lại… cổng sắt cũ.
Còn đơn vị trùng tu đình Chèm trấn an dư luận rằng cây đa bị chặt mới chỉ có tuổi đời nửa thế kỷ, rễ gây hại đến nền móng công trình và “phong thủy không tốt.” Tóm lại là cũng khiến dư luận hạ nhiệt. Nhưng nỗi buồn di tích còn đó. Thứ đã bị mất đi vĩnh viễn không còn như trước.
Tiền nào của nấy hay tiền không thành vấn đề?
Có thể có người sẽ biện luận rằng, di tích ở các địa phương do ít được đầu tư và ngân sách hạn chế nên lực bất tòng tâm. Nhưng ở thành phố lớn, câu chuyện có vẻ cũng không suôn sẻ.
Mỗi lần Tháp Rùa hay Ô Quan Chưởng được trùng tu, là có ngay những bức ảnh lan truyền chóng mặt về sự mới coóng của chúng, khi được trát vữa xi măng làm cho bề mặt sắc đanh lại.
May mà Ô Quan Chưởng còn có phần tường gạch vồ cổ xưa còn nguyên, không thì cũng khó ai cảm thấy phần bên trên đã là biểu tượng của một vòng thành từ nhiều thế kỷ. Ai nấy đành kiên nhẫn chờ đợi ngày bề mặt của lớp vữa hay sơn mới, được phong hóa và mọc rêu.
Những công trình thời thuộc địa vào thời trước thường được quét vôi. Điều này dẫn đến việc dễ bị tác động từ thời tiết, nên nhanh có màu thời gian. Nhiều thập niên người Hà Nội hay Sài Gòn đã quen với sắc màu xưa cũ của chúng.
Vào thời hiện đại, chi phí quét sơn rẻ hơn so với quét vôi bởi vật liệu sẵn hơn, công đoạn thi công nhanh hơn, chất liệu sơn cũng bảo vệ bề mặt công trình được bền hơn.
Tuy nhiên, chính sự tiện lợi và đầy tính chất công nghiệp của sơn cũng khiến cho công trình lúc nào cũng cảm giác như mới được xây xong. Thế là người ta thấy không còn cổ kính nữa.
Một thắc mắc rất dễ đặt ra là: tại sao không pha một màu sơn gần gũi với màu công trình trước khi cải tạo? Tòa nhà Bưu điện trung tâm Sài Gòn vì sao lại chọn một màu sơn vàng đậm quá rực rỡ, so với tông màu vàng trung hòa quen thuộc bấy lâu nay?
Cho dù đơn vị bảo tồn nói rằng, bao giờ màu sơn ban đầu cũng đậm và một thời gian sẽ về màu như cũ, thì người thưởng thức những công trình như thế ở phương diện di sản đô thị cũng có quyền đòi hỏi một sự đảm bảo thẩm mỹ thị giác như công trình vốn có.
Cũng ở những đô thị lớn, ta có thể nêu ngay một vài ví dụ tốt: hai công trình cũng có màu vàng “thuộc địa” quen thuộc là Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát Lớn Sài Gòn cũng được sơn lại gần đây với màu khá hợp lý với cảm quan thông thường lẫn ký ức về công trình trước khi trùng tu.
Công trình gần đây nhất lọt vào tầm ngắm tranh cãi là Nhà thờ Lớn Hà Nội. Thoạt đầu công trình được cạo hết lớp phong hóa thời gian, trát vữa xi măng bề mặt. Rồi qua lớp sơn trắng đến lớp sơn màu xám sẫm, chuyển hóa từ một công trình có vẻ ngoài trầm mặc sang một hình thức hệt như một nhà thờ mới xây.
Khi công chúng xôn xao trước sự khác lạ của công trình được giới trẻ rất yêu thích vì sự gắn bó với cảnh quan khu phố cũ xung quanh, Linh mục chính xứ Nhà thờ Lớn trấn an rằng đó chỉ là lớp sơn trung gian trước khi hoàn tất.
Sau đó một tuần, người ta thấy nhà thờ này được chuyển sang màu ghi sáng với những vết vân giả bề mặt phong hóa. Điều này mặc dù là nỗ lực làm cho công trình gần về hình thức trước trùng tu, nhưng lại bộc lộ một cách tạo chất liệu phi tự nhiên.
Sở dĩ việc trùng tu những công trình kiến trúc di sản lại dễ hứng chịu búa rìu dư luận là bởi, công chúng kỳ vọng một sự bảo lưu hình ảnh về nơi chốn gắn kết với truyền thống.
Khi những công trình này thay áo mới, cộng đồng dễ bị sốc khi họ không được chuẩn bị tâm lý. Cũng giống như những sự biến dạng theo chiều hướng hư hại bản gốc làm cho con người hiện đại bất an, đặc biệt khi nhu cầu khẳng định bản sắc cộng đồng ngày càng mạnh mẽ.