“Khu đất vàng” có làm nên “thành phố vàng”? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
06 Thg 04, 2022
Truyền ThôngOpinion

“Khu đất vàng” có làm nên “thành phố vàng”?

Nhân trường hợp khu đất 61 Trần Phú (Hà Nội) bị giải tỏa để xây một tổ hợp cao ốc, hãy thử điểm lại vấn đề gì đã xảy ra với các khu đất vàng Hà Nội?
“Khu đất vàng” có làm nên “thành phố vàng”?

Khu đất vàng tại 61 Trần Phú (Hà Nội) đang gây xôn xao những ngày gần đây.

Gần đây, cụm từ khu đất vàng thường hay khiến người ta giật mình. Không phải vì giá rất đắt, do nằm ở các vị trí đắc địa (thường là khu trung tâm đô thị). Vì chúng thường được bắt đầu bằng hình ảnh các khu đất được quây kín, trưng pano giới thiệu các tổ hợp thương mại, mang các tên gọi gợi ý sự xa hoa, lộng lẫy.

“Khu đất vàng” lại mang một nghĩa khác: đắt đến độ không thực tế. Nhưng không ít khu đất cứ nằm im lìm mãi.

Ứng xử với đất vàng để ra “vàng”

Cách đây mười lăm năm, khu đất tam giác cạnh Nhà hát Lớn, bao quanh bởi các phố Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông và Hai Bà Trưng, cũng có dự kiến xây một tổ hợp khách sạn 5 sao. Đây quả thực là một khu đất vàng không số 1 thì cũng số 2 của Hà Nội, gắn với sự kiện lịch sử như Tổng khởi nghĩa 19/8/1945.

Phương án này đã không được phê duyệt, thay vào đó như chúng ta thấy ngày nay, mảnh đất vàng này trở thành một vườn hoa, giúp cho mở rộng tầm nhìn của quảng trường Cách mạng tháng Tám. Vườn hoa 19/8 trở thành một khoảng xanh tuyệt vời, mặc dù chỉ được khánh thành một cách lặng lẽ vào dịp 2/9/2008 đến độ nhiều người Hà Nội “bất ngờ”.

Cách đó không xa là một ví dụ khác. Tòa nhà 24 Tràng Tiền vốn là nhà in IDEO thời Pháp và nhà in báo Nhân Dân thời sau này, vốn dĩ thuộc về loại công trình nhà xưởng, song mang đường nét kiến trúc Art Deco thập niên 1920 giàu tính trang trí thanh lịch và sang trọng giữa đường phố trung tâm Hà Nội.

alt
Trung tâm văn hoá Pháp L'Espace đã đến hạn hết hợp đồng và chuẩn bị phải di dời đi nơi khác.

Năm 2000, tòa nhà được Viện Pháp thuê để cải tạo thành Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace với nội thất phục vụ các hoạt động văn hóa và ngôn ngữ. Để rồi qua hai thập niên, nơi đây trở thành một địa điểm giao lưu văn hóa hiệu quả bậc nhất Hà Nội, nếu như không nói là cả Việt Nam.

Nhưng đó là những sự bất ngờ dễ chịu hiếm hoi đối với các khu đất vàng. Thập niên 2010 chứng kiến sự bùng nổ đầu tư thương mại quy mô lớn và kinh tế vỉa hè quy mô nhỏ. Cả hai cùng một lúc áp đảo các không gian công cộng như vườn hoa, mặt nước, hay các công trình kiến trúc di sản cũ.

Những khu phố được quy hoạch tốt từ thời Pháp, gần Bờ Hồ, lại có nhiều mặt bằng rộng của các cơ quan đang trong thời kỳ chuyển đổi quản lý. Trong đó có nhiều mặt bằng là cơ sở công xưởng cũ, là những nơi dễ triển khai các tòa nhà đồ sộ nhất.

Các công trình này được xây dựng lên với quy mô diện tích mặt sàn được tận dụng tối đa, kéo theo mật độ sinh hoạt và làm việc tăng lên rất nhiều so với các không gian thưa thoáng vốn có.

Hệ quả của quá trình xây dựng này khiến cho khu trung tâm thành phố có dáng dấp những “thành phố tường”, theo kiểu các khu phố kinh doanh trung tâm vốn phổ biến với thuật ngữ CBD (Central Business District). Đây là nơi tòa nhà cao ốc xây dựng sát mép khu đất giáp vỉa hè, chiều cao tận dụng tối đa, và trong nhiều trường hợp ánh sáng mặt trời không rọi xuống được tầng trệt các khu nhà.

Vốn dĩ khu trung tâm Hà Nội cũ trong quy hoạch từ thời Pháp cho đến sát thời Đổi Mới vẫn chủ yếu là những công sở, dinh thự và nhà liền kề thấp tầng, xen kẽ những khoảng xanh, giống như một biến thể của thành phố vườn.

Sự biến đổi của thành phố vườn sang CBD suốt ba thập niên qua là một dấu ấn lớn nhất, bên cạnh các khu đô thị mới. Tỉ lệ các khoảng xanh, các không gian công cộng bị giảm xuống so với các khối tích tòa nhà văn phòng và thương mại.

Trong bán kính 2km xung quanh Hồ Gươm, cho đến năm 1997, chiều cao nhất của các tòa nhà không quá 6 tầng. Trong hơn 100 năm, chiều cao nhất của các công trình thuộc về Nhà thờ Lớn Hà Nội, thậm chí cao hơn khách sạn Thăng Long 11 tầng thập niên 1980 và chỉ bị khách sạn Daewoo vượt qua vào năm 1996, đều ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Những tòa nhà cao nhất trung tâm Hà Nội bắt đầu từ Hà Nội Tower vào năm 1997, trên mặt bằng của nhà tù Hỏa Lò cũ. Gần như cùng lúc là Meliá, trên khu đất một nhà máy ở phía Nam Hồ Gươm và tiếp đó là các cao ốc Tungshing Square, Vietcombank và BIDV trong vực các ngân hàng phía Đông Hồ Gươm.

alt
Trong hơn 100 năm, chiều cao nhất của các công trình thuộc về Nhà thờ Lớn Hà Nội, thậm chí cao hơn khách sạn Thăng Long 11 tầng thập niên 1980 và chỉ bị khách sạn Daewoo vượt qua vào năm 1996, đều ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Sử dụng nhiều vật liệu kính, thép, các công trình này hiện diện rõ mồn một trong phạm vi cảnh quan mặt hồ trung tâm Hà Nội, vốn dĩ gắn với các di tích nhỏ bé như đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, hay các dãy phố thấp tầng xung quanh như khu Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ mang dấu ấn quy hoạch đã hoàn chỉnh.

Khu trung tâm này quy tụ các cơ quan hành chính, văn hóa hay thương mại thấp tầng, trong đó nổi bật là Nhà hát Lớn, Bách hóa Tổng hợp, Bưu điện hay Cung Thiếu nhi.

Các công trình cao ốc quanh khu Hồ Gươm sau 25 năm xuất hiện đã cho thấy chúng hoàn toàn không đạt được vai trò đại diện thẩm mỹ cho một kỷ nguyên hiện đại, chưa nói đến có thể đại diện cho một hình ảnh kiến trúc đẹp của Hà Nội.

Một trong những nguyên nhân là bởi các công trình cao ốc đã làm biến đổi diện mạo khu trung tâm một cách đột ngột hơn là tìm kiếm những giải pháp chuyển hóa hài hòa hơn.

Để “Thành phố Sáng tạo” không chỉ là những giải pháp vụn vặt

Hà Nội đã được gắn một cái danh xưng mới là “Thành phố Sáng tạo”, đây không phải là tự nhiên mà có. Một mạng lưới gồm 246 đô thị trên thế giới đã được UNESCO công nhận, với mục tiêu “thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững”.

Việc đề xuất những không gian sáng tạo bằng các phương thức chuyển đổi công năng các không gian không còn giá trị sử dụng nguyên thủy không phải là điều mới mẻ, cả trên thế giới, lẫn chính tại Hà Nội.

Trong số những ví dụ về chuyển đổi nêu trên, công trình tháp đôi Hà Nội Tower thực tế đến sau một đề xuất khác của nhóm KTS mang tên “Quảng trường Khoan dung”. Đồ án này do KTS Hoàng Thúc Hào cùng cộng sự thực hiện đã được giải thưởng quốc tế năm 1996. Tất nhiên chỉ tác động được đến việc tổ hợp tòa tháp thương mại dành lại một phần đất để bảo tồn di tích nhà tù Hòa Lò cũ.

alt
Minh hoạ đồ án Quảng trường Khoan dung, KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự, 1996, đề xuất biến nhà tù Hỏa Lò thành không gian công cộng.

Dẫu sao thì còn lại một góc nhà tù cũng đã đủ sức tạo ra một điểm đến cho du lịch và hơn thế, giữ lại ký ức quan trọng về hình thái một đô thị thuộc địa, một nơi chốn liên quan đến những vận động chiến tranh, cách mạng và biến cải xã hội Việt Nam hiện đại.

Trong một hai thập niên trở lại, một số không gian cũ trong lúc chờ phương án xây dựng được một số nhóm KTS, văn nghệ sĩ tận dụng thuê làm các khu workshop hay khu giao lưu văn hóa.

Người ta còn nhớ từng có một khu Zone 9 náo nhiệt ở khuôn viên phân xưởng của Công ty dược phẩm trên phố Trần Thánh Tông, địa điểm tiếp giáp hai vườn hoa Pasteur và Yersin, nằm giữa những công trình kiến trúc nổi tiếng như Viện Vệ sinh dịch tễ TW hay Viện giải phẫu học có từ thời Pháp thuộc.

Các dãy nhà phong cách kiến trúc XHCN hiện đại thập niên 1970-1980 ở đây được các nhà thiết kế và cải tạo ưa thích vì tính chất quy củ của ngôn ngữ thiết kế lẫn vẻ đẹp bàng bạc có chút thời trang “hoài niệm bao cấp”.

Tuy nhiên, những khu vực cũ kỹ và xuống cấp cũng đã sẵn tính tạm bợ và hàm chứa những nguy cơ tai nạn. Điều không mong muốn đã xảy ra khi một vụ hỏa hoạn và thiệt mạng về người, dẫn đến Zone 9 bị đóng cửa. Cho đến giờ, khu đất này vẫn để hoang.

Củi mục bà để trong rương…

Khu đất 61 Trần Phú có lẽ là một khu đất hoang. Theo nghĩa im lìm nhiều năm mà không nhiều người biết sự vận hành bên trong, cũng như không rõ chức năng gì liên quan đến đời sống cộng đồng.

Thành thực mà nói, dãy nhà kiểu kiến trúc Pháp được sơn màu vàng kem với hệ mái, con sơn và vòm cuốn cũng khá vừa vặn với hình dung về một Hà Nội cũ, nên nhiều người đã gắn bó với hình ảnh của nó trong đời họ.

Bên cạnh đó, góc tòa nhà ở ngã tư còn lưu tấm bia kỷ niệm cuộc bảo vệ bầu trời Hà Nội khi pháo phòng không bắn rơi máy bay Mỹ vào tháng 5-1967. Sự kiện ấy đã được tái hiện trong một bài hát nổi tiếng - Bài ca Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Thanh - trong nhiều năm tháng đã vang lên qua giọng ca NSƯT Tuyết Thanh.

alt
Minh hoạ cho dự án mới dự định được xây dựng trên khu đất vàng 61 Trần Phú (Hà Nội).

Việc khu nhà bị giải tỏa hiển nhiên gây tiếc nuối nhất định, khi những ký ức như vậy bị biến mất. Tuy nhiên, việc chuyển đổi công năng sang một hình thái mới có lẽ cần thiết nếu đạt được những tiêu chí về nhiều phương diện, từ công năng, kinh tế, vật liệu và thẩm mỹ.

Công chúng trong những ngày qua được báo chí cung cấp hình ảnh phối cảnh của tòa cao ốc 11 tầng nổi, 6 tầng hầm dự kiến xây thay thế trên khu đất này, và đập vào mắt họ là một công trình có khối tích quá đồ sộ và nặng nề.

Mặt tiền của tòa nhà cho thấy các diện bê tông và kính thép khá kín, thiếu những độ lùi tạo bóng đổ hay giảm khả năng phản quang. Dường như, nó thuần túy là một dạng công trình góp phần tạo ra “thành phố tường”, bám sát mặt đường mà thiếu những khoảng lùi phù hợp.

  • Về mặt công năng, liệu một tòa nhà văn phòng ở khu vực này có nhiều ý nghĩa với chức năng đô thị?
  • Về mặt vật liệu, hình ảnh phối cảnh công trình đặt ra câu hỏi liệu có sử dụng những vật liệu tân tiến, thân thiện môi trường hay không?
  • Về thẩm mỹ, hình thức có góp vào vẻ đẹp của một thời đại kiến trúc đang có những bước chuyển về thiết kế?
  • Cuối cùng về kinh tế, xây một tòa nhà như thế có hiệu quả về vật chất không?

Những câu hỏi trên luôn đặt ra với mọi công trình, và ở đây cũng không là ngoại lệ. Tất nhiên chẳng ai muốn cái cảnh “củi mục bà để trong rương, hễ ai đụng đến trầm hương của bà”.

Thật sự thì bài toán lợi ích đầu tư thường hấp dẫn người có trách nhiệm bởi những giá trị vật chất rõ rệt đem lại, có thể đo được, so với những mục đích sử dụng “viển vông” như không gian văn hóa hay mảng xanh.

Nhưng nếu rồi tất cả những khu đất vàng đều chỉ được hiểu một cách không thể trực diện hơn là “vàng” - thứ kim loại quý đang leo thang giá hàng ngày, thì các thành phố có thể gọi là “thành phố vàng” hay không?