Đôi lúc trong giờ học hoặc làm việc, bạn giật mình 'tỉnh giấc' khỏi một cơn mơ mộng giữa ban ngày (daydreaming). Việc này không được sếp hoặc giáo viên của bạn khuyến khích cho lắm, vì phần lớn mọi người cho rằng đây là dấu hiệu của khả năng tập trung kém, hoặc không thể tuân thủ luật lệ.
Thực tế, tất cả chúng ta đều mơ mộng giữa ban ngày nhiều hơn mình tưởng – hơn 47% thời gian khi tỉnh thức chỉ để thả đầu óc lãng đãng, nghĩ về những viễn cảnh không có thật.
Mơ mộng giữa ban ngày là gì?
Mơ mộng là trạng thái xảy ra khi sự tập trung của bạn điều hướng vào nội tại, tạm thời bỏ quên thực tại. Lúc này suy nghĩ của bạn dạo chơi ở những phiên bản thực tế khác có thể xảy ra. Quá trình bắt đầu “nằm mơ” thường được kích thích bởi những tác động bên ngoài như hình ảnh, mùi hương hay âm thanh khơi gợi cảm xúc.
Mơ mộng là quá trình kết hợp giữa tâm lý và sinh học, giữa tâm trí và não bộ. Cách chúng ta mơ mộng và suy nghĩ dựa trên cấu trúc não, cấu trúc này gồm sự kết nối giữa các tế bào thần kinh thường xuyên thay đổi khi tiếp nhận thông tin mới.
Chúng ta thường gán các mác nhãn tiêu cực cho người thường xuyên mơ mộng như thiếu thực tế, “đầu óc trên mây”, không tập trung, phản ứng chậm chạp, hoặc thiếu năng suất bởi xã hội hiện đại đang đề cao sự bận rộn. Tuy vậy, mơ mộng giữa ban ngày lại đem đến khá nhiều lợi ích bất ngờ về mặt tâm lý, cảm xúc và cả các mối quan hệ.
1. Giảm thiểu lo âu và áp lực
Khi bạn “zone out”, tạm thời “trốn thoát” khỏi hiện thực và để các ý nghĩ trôi tự do trong đầu, não sẽ tạo ra sóng alpha (alpha wave state). Có 5 loại sóng não từ nhanh đến chậm, và sóng não alpha ở giữa, được tạo ra khi bạn thực sự bình tĩnh, thoải mái, không dồn sự tập trung vào vấn đề nhất định nào.
Không bộ não nào có thể liên tục hoạt động căng thẳng và năng suất 24/7, nên những khoảng nghỉ não thường xuyên này rất cần thiết để tăng sức khoẻ não bộ.
2. Tìm giải pháp cho những vấn đề còn tồn đọng
Khi giải quyết những vấn đề thường gặp, chúng ta đa phần chỉ dùng một số bộ phận não nhất định. Bạn thường chỉ tập trung vào lối giải quyết cũ và không nhìn được hướng đi mới. Trạng thái mơ mộng cho phép chạm đến các phần khác nhau trong não bộ và đi đến nhiều cửa ngõ thông tin trong tiềm thức.
Lúc này, bộ não của bạn đang chuyển sang chế độ tư duy phân tán, giúp bạn kết nối mạng lưới dữ liệu và sáng tạo cùng lúc để 'nảy số' cách giải quyết mới cho các vấn đề cũ.
3. Vô thức hướng bạn đến việc đạt mục tiêu
Trong những khoảng nghỉ, đầu óc bạn sẽ không nghỉ hoàn toàn mà vẫn vô thức nhớ đến mục tiêu và tâm thức vẫn hướng đến nó. Các vận động viên ngoài rèn luyện thể lực thì cũng thường tự tưởng tượng ra khung cảnh giành thắng lợi trước khi thực chiến để luyện tập cho bộ não quen với cảm giác thành công.
Khi bạn mơ mộng một cách hợp lý về một mục tiêu mình muốn đạt được, bạn sẽ có xu hướng suy nghĩ về những bước đi, những cảm xúc và phần thưởng đạt được khi thành công. Trái lại, khi những ước mơ trở nên quá viển vông và xa rời thực tại, bạn sẽ cảm thấy thất vọng với hiện tại.
4. Tăng khả năng sáng tạo
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh mối tương quan mật thiết giữa việc mơ mộng và sự tăng tiến khả trong năng sáng tạo.
Mơ mộng có thể được coi là bài tập thể dục cho não bộ. Đó là lý do khi làm các công việc bình thường hàng ngày không cần sự tập trung tuyệt đối như tắm rửa hay quét dọn nhà cửa, bạn thường nảy ra các ý tưởng mới. Bởi vì lúc này, bộ não của bạn được thả lỏng, dành chỗ cho việc móc nối và xâu chuỗi các thông tin có sẵn theo hướng chưa từng có.
5. Tăng khả năng thấu cảm
Bộ não có hai hệ thống chính: phần thiên về phân tích giúp ta đưa ra các quyết định lý trí, và phần thiên về cảm xúc để cảm thông với người khác. Khi chúng ta thường xuyên tập trung suy nghĩ, phần chức năng “cảm thông” sẽ tạm tắt. Tuy nhiên khi mơ mộng, tâm trí con người sẽ di chuyển linh hoạt giữa hai hệ thống suy nghĩ lý trí và tình cảm, giúp chúng ta vừa tưởng tượng được về những viễn cảnh không thực tế nhưng có chừng mực.
Ngoài ra, khả năng tưởng tượng còn là yếu tố quan trọng cho khả năng thấu cảm của con người. Bạn chỉ có thể đặt mình vào tình huống của người khác khi bạn tưởng tượng được cảm xúc và suy nghĩ của họ. Thường xuyên nằm mơ giữa ban ngày có tác dụng như một bài tập giúp bạn phát triển năng lực thấu hiểu, tăng khả năng liên kết tới tâm lý của người khác và hiểu sự khác biệt giữa tâm lý mỗi người.
Kết
Trong xã hội hối hả ngày nay thì việc dành thời gian để "ngồi không" tuy là xa xỉ, nhưng "làm không nghỉ chính là làm không nghĩ" (Huỳnh Vĩnh Sơn, 90-20-30) và có thể khiến chúng ta bào mòn cảm hứng trong công việc lẫn cuộc sống.
Do vậy, bạn có thể cắt ra một khoảng thời gian nhỏ trong ngày để thực sự nghỉ não như đi dọn nhà, rửa bát, tập thể dục, làm những công việc mang tính chất lặp lại, hoặc đơn giản là ngồi suy ngẫm về ngày vừa qua, bạn sẽ thấy bất ngờ vì những gì bộ não có thể làm được trong những khoảng mơ mộng này đó.