Trong lúc chạy deadlines bạn càng nên đi ngủ, đây là lý do | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 12, 2020
Chất Lượng Sống

Trong lúc chạy deadlines bạn càng nên đi ngủ, đây là lý do

Chúng ta thường nghe về tác hại của việc mất ngủ, nhưng bạn có biết giấc ngủ giúp ích thế nào, nhất là khi ta đang mệt mỏi vì chạy deadlines không?
Trong lúc chạy deadlines bạn càng nên đi ngủ, đây là lý do

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

“Em còn thiếu ngủ, trong những lần phải chạy deadline.

Em quên ăn quên uống, quên cả việc chải lại tóc tai.”

Dù là sinh viên hay đã đi làm, từng nghe qua “Bài này chill phết” hay chưa, có lẽ bạn vẫn thừa hiểu sự khủng khiếp của deadline. Sáng mai deadline mà tối nay chưa xong, bạn sẽ nốc cà phê, nước tăng lực để sẵn sàng thức đêm. Và nhiều buổi tối như thế tiếp diễn.

Thật ra nếu bạn buồn ngủ rũ người trong lúc chạy deadline, vậy thì cứ ngủ một giấc thôi bạn ạ.

Nghe có vẻ ngược ngạo, nhưng lúc bạn cảm thấy kiệt quệ và không thể suy nghĩ thêm gì nữa, ngủ mới chính là cách giải quyết hữu hiệu nhất. Và đây là lý do.

1. Giấc ngủ giúp bảo trì não

Não chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng lại sử dụng hết 20% năng lượng để hoạt động hiệu quả. Khi các tế bào thần kinh tiêu thụ năng lượng, nó thải ra những protein thừa gọi là amyloid-beta ngăn não hoạt động bình thường. Chúng chính là chất làm tăng những lớp màng não gây bệnh Alzheimer và khủng hoảng thần kinh.

Lúc này, dịch não tuỷ đóng vai trò rửa sạch chất thải độc hại tích tụ trong các tế bào não. Đặc biệt, chúng sẽ tăng lên hơn 10 lần khi chúng ta ngủ. Nếu không có quá trình này diễn ra hằng đêm, chất gây ô nhiễm sẽ tích tụ dần, ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tỉnh táo và sức khỏe lâu dài của não.

Giấc ngủ giuacutep bảo trigrave natildeo
Giấc ngủ đảm bảo cho não bộ hoạt động bình thường.

2. Giấc ngủ giúp tháo gỡ nút thắt trong tư duy

Trong cuốn sách “A Mind for Numbers”, tiến sĩ Barbara Oakley chỉ ra, các hoạt động tư duy hằng ngày diễn ra do não bộ chuyển đổi giữa hai chế độ:

  • Chế độ tư duy tập trung (focused thinking): Giúp ta ghi nhớ và phân tích một vấn đề. Ở chế độ này, chúng ta sử dụng kiến thức, khuôn mẫu sẵn có để tiếp cận và kết nối vấn đề, như khi giải Toán bằng công thức, rèn luyện ngữ pháp tiếng Anh, hay kiểm duyệt bài viết. Khi bạn tập trung vào điều gì, chế độ này sẽ “bật sáng”.
  • Chế độ tư duy phân tán (diffuse thinking): Giúp ta nhìn được những khía cạnh mới mẻ của một vấn đề, mở rộng “bức tranh toàn cảnh". Chế độ phân tán sẽ được kích hoạt khi bạn thả lỏng sự chú ý và để tâm trí đi lang thang. Nó cho phép các khu vực khác nhau của não kết nối dữ liệu, đào sâu vấn đề và gửi lại cho bạn cách tiếp cận mới, thông suốt hơn.

Ví dụ trong việc viết lách, chế độ phân tán chính là khi bạn ngồi xuống và viết liền một mạch những suy nghĩ trong đầu, không nghĩ sai đúng, không rào cản bó buộc. Sau đó, não chuyển sang chế độ tập trung để rà soát chính tả, ngữ nghĩa, phân tích luận điểm và mức độ thuyết phục.

Vậy hai chế độ này có mối liên hệ gì với giấc ngủ?

Theo tiến sĩ Barbara Oakley, chìm vào giấc ngủ chỉ chấm dứt suy nghĩ có ý thức. Thay vào đó, não bộ tiến hành tư duy phân tán trong vô thức. Não diễn lại những nút thắt của vấn đề, các tế bào thần kinh mới hình thành, các vùng trên não tương tác với nhau, kết nối các thông tin và dữ kiện rời rạc phát triển thành khối. Đây cũng là kết luận từ nghiên cứu của Đại học Carlifornia tại Berkeley (Mỹ) thực hiện vào năm 2007.

Nhờ đó, giấc ngủ tạo ra những khoảnh khắc kỳ diệu, giúp con người kết nối các ý tưởng và hình thành nên những kết quả sáng tạo. Nhiều danh nhân trong các lĩnh vực cũng từng chia sẻ minh chứng cho điều này. Ví dụ như:

  • Paul McCartney của Ban nhạc Beatles nói rằng ông đã tỉnh giấc với nhạc phẩm “Yesterday” trong đầu.
  • Nhà hóa học người Nga Dmitri Ivanovich Mendeleev được một giấc mơ “truyền cảm hứng" về việc xếp các nguyên tố hóa học vào thành một bảng.
  • Nhà toán học người Pháp René Descartes đã mơ ba giấc mơ, gợi ý cho ông về ứng dụng số học vào hình học. Và học thuyết hình học giải tích Descartes ra đời.

Nhưng để đạt được, bạn phải thực sự tập trung khi thức, đắm chìm trong vấn đề trước đó. Có như vậy thì khi bạn ngủ, chế độ phân tán mới có thể kích hoạt não bộ suy nghĩ các gợi ý, câu trả lời cho vấn đề theo cách tự do, sáng tạo và hiệu quả hơn.

Giấc ngủ giuacutep gỡ nuacutet thắt tư duy vagrave saacuteng tạo hơn
Ngoài ra còn giúp bạn gỡ nút thắt tư duy, liên kết các ý tưởng và cho ra những kết quả sáng tạo, thông suốt hơn.

Gợi ý để bạn cân bằng giữa việc “chạy deadline” và nghỉ ngơi

Dù biết giấc ngủ có ích như thế, nhưng đời không phải lúc nào cũng đẹp như mơ. Đôi khi, vì một vài lý do bất khả kháng mà chúng ta không thể chợp mắt được dù chỉ vài phút. Vietcetera gửi đến bạn một số gợi ý để vượt mùa “cú đêm" như sau:

  • Tận dụng caffeine: Tuy rằng không thể đạt mức nhận thức như khi ngủ đủ giấc, phương pháp cách vài giờ lại nạp caffeine cũng giúp bạn giảm những vấn đề về suy nghĩ do thiếu ngủ. Nhưng bạn cần biết được “hạn mức” của mình để tránh mất hoặc phản tác dụng.
  • Bật đèn sáng: Để đánh lừa cơ thể và hỗ trợ bạn tỉnh táo hơn.
  • Uống đủ nước: Mất nước là nguyên nhân gây mệt mỏi và đau đầu. Ngoài ra, việc đứng dậy đi vệ sinh sẽ giúp vận động nhẹ cơ thể, ngăn bạn ngủ gật và đau lưng.
  • Ăn đủ bữa và lành mạnh: Khi buồn ngủ, bạn dễ lầm tưởng mình đang đói bụng và tìm đến đồ ăn vặt. Nhưng chúng sẽ càng khiến bạn buồn ngủ hơn, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá và trao đổi chất. Thay vào đó, hãy ăn uống lành mạnh, cân bằng, đủ dinh dưỡng và no lâu.
  • Vận động nhẹ: Đứng lên vươn vai hoặc tập những động tác nhẹ nhàng để kéo giãn cơ và lưu thông máu huyết.

Bí quyết hồi phục sau những đêm thiếu ngủ

  • Chủ động giữ an toàn: Nếu bạn cần phải đi học hoặc đi làm sau một đêm thức trắng, cố gắng đừng tự lái xe.
  • Tránh ngủ bù một giấc dài đến chiều: Dù nó cám dỗ đến đâu và bạn thấy mình xứng đáng được nghỉ ngơi sau một (hoặc nhiều) đêm thức trắng, bạn chỉ nên ngủ một giấc ngắn để lấy lại sức. Ngủ bù tới chiều sẽ khiến bạn mất ngủ vào buổi tối, kéo theo đó là đảo lộn đồng hồ sinh học một thời gian dài.
  • Thiết lập lại giờ giấc: Để không bị “lệch múi giờ" quá nhiều và quá lâu, đảm bảo luôn ngủ đủ giấc sau đó.

Quan trọng hơn cả là bạn nên lưu ý đến cách bản thân sắp xếp thời gian và quản lý công việc. Đừng nên ôm đồm quá sức mà hãy san sẻ với những người đồng nghiệp, bạn cùng nhóm, hoặc chia nhỏ khối lượng, tránh làm việc liên tục. Tham khảo 5 thủ thuật quản lý thời gian để tăng hiệu suất công việc, và thỉnh thoảng cho phép mình “chán" tạo cơ hội cho các ý tưởng mới nữa nhé.